Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Chuyện kể từ Đài Loan (9): Bài học về sự an toàn

Nếu ở Đài Loan, không chỉ nón bảo hiểm mà ngay cả với xe máy, xe hơi bạn có thể bỏ thoải mái ở vỉa hè mà không cần người canh giữ. Nếu cẩn thận một chút, bạn có thể khóa xe máy lại, còn nếu không bạn cũng có thể cứ để đấy và yên tâm đi làm công việc của mình. Việc mất cắp xe máy ở Đài Loan được xem là hi hữu dù trung bình mỗi chiếc xe có giá khoảng 2000 đô la (khoảng hơn 40 triệu VNĐ).
Nếu ở Đài Loan, khi đi tàu điện ngầm, xe buýt, bạn cũng không cần phải khư khư giữ thật chặt giỏ xách, ba lô dù tàu có chật ních và xe có đông người đến thế nào. Việc mất đồ chỉ có thể là do bạn bất cẩn làm rơi chứ chưa nghe ai nói bị móc túi.
Nếu ở Đài Loan, khi đi siêu thị, vào thư viện, nhà sách...bạn có thể thể thoải mái mang giỏ xách của mình vào. Hầu như chẳng ai sợ bạn lấy đồ, tráo đồ của họ. Bạn sẽ chẳng lo ngại bảo vệ hay người này người kia nhắc nhở bạn gửi đồ đạc hoặc lẽo đẽo đi theo bạn qua các khu vực, gian hàng này nọ.
Không phải người Đài Loan nào ngay từ khi mới sinh ra cũng được dạy phải sống trung thực và họ phải giữ khư khư nếp sống ấy suốt đời. Cũng không phải người Đài Loan vốn có bản năng không trộm cắp, không tham lam...mà đơn giản chỉ là những thói quen đã tạo thành phản xạ có điều kiện cho họ. Hãy thử tưởng tượng nếu từ lúc ra đời cho đến khi trưởng thành, bất cứ nơi đâu bạn xuất hiện cũng đều có camera theo dõi thì làm sao bạn có thể dám không trung thực. Bất kỳ ngả đường nào của Đài Loan cũng gắn camera, dù là những con đường vắng vẻ và nhỏ lẻ, ngoại ô. Bất kỳ nhà sách, thư viện, siêu thị nào cũng nhan nhản camera và máy quét từ, chỉ cần mang bất kỳ một đồ vật nào chưa được quét qua máy đi ra cửa, ngay lập tức, chuông báo động sẽ reo lên. Chính những máy móc vô tri vô giác và có phần lạnh lùng ấy đã rèn luyện cho người dân nơi đây cách sống trung thực và tạo cho đất nước này một môi trường vô cùng an toàn, dễ chịu.
Những ngày qua, đọc báo nào cũng thấy nói về tình trạng cướp bóc ở Sài Gòn, mỗi ngày các kiểu cướp một táo tợn hơn và chẳng biết khi nào sẽ chấm dứt...Tôi băn khoăn tự hỏi: Tại sao các nước khác có thể dẹp bỏ được nạn cướp bóc mà ở Việt Nam thì không thể? Tại sao chúng ta không thể áp dụng mô hình này từ các nước khác? Chẳng phải, một đất nước an toàn, thoải mái, dễ chịu thì con người mới có thể làm việc có hiệu quả và mới có thể tạo thiện cảm với những du khách từ phương xa hơn sao?
Tôi nghĩ rằng, giáo dục có ảnh hưởng một phần đến tính cách con người nhưng chính xã hội góp phần nuôi dưỡng, phát triển tính cách ấy để hoàn thiện nó, tạo ra những nét tính cách đặc trưng cho xã hội. Thế nên không phải ngẫu nhiên, người ta gán cho Nhật Bản là một quốc gia với đức tính kiên cường, nhẫn nại...hay không phải ngẫu nhiên mà người ta thấy "sợ" tính cách của người Trung Quốc dẫu biết ở đâu cũng có người này người kia.
Tối hôm qua, khi chụp hình cho một đứa bạn ở một khu trung tâm mua sắm Đài Bắc thì có hai cha con người Đài Loan bước tới. Người cha nhẫn nại đứng lại đợi cho chúng tôi chụp xong tấm hình còn đứa bé thì vẫn cứ thản nhiên bước tới trong tiếng gọi trở lại của người cha. Và dù không hiểu lắm ông ấy la mắng gì đứa bé nhưng tôi vẫn có thể đoán được ông ấy đang răn dạy nó về sự lịch sự trên đường phố.
Cũng trong tối hôm qua, khi đi qua một shop quần áo nhỏ ở một khu phố mua sắm quần áo nổi tiếng của Đài Bắc, tôi nhìn thấy một dòng chữ bằng tiếng Việt bên cạnh một dòng chữ tiếng Hoa: "xin đừng níu kéo" trên một chiếc áo khoác len đang được mặc cho một cô ma nơ canh. Bạn có tự hỏi tại sao ko phải là tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Indo...mà lại là tiếng Việt không? Riêng tôi, bốn chữ ấy khiến tôi cảm thấy đau đớn, đau đớn như chính trong phòng Quan hệ Quốc tế của trường tôi không hề hiện diện lá cờ của Tổ quốc Việt Nam vậy.

3 nhận xét:

  1. Oh my God. Chị đọc đoạn cuối cùng cũng thấy buồn.
    Đất nước mình thật còn nhiều điều làm mình băn khoăn thật đấy.
    Lại thêm khoản lo là mình còn giữ nước được bao lâu nữa đây.
    Buồn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn chị vẫn thường xuyên chia sẻ với em. Càng đi nhiều, biết nhiều, thấy nhiều thì sẽ lại càng buồn nhiều chị à. Ở ĐL, người Việt sang lao động và kết hôn nhiều...và nhiều trong số họ làm mất trật tự, gây xáo trộn cuộc sống của người ở đây. Nhiều người lao động bỏ trốn, nhiều người đánh nhau, gây gổ, có người bị bắt vì tội móc túi ở ga tàu nữa...nên em nghĩ họ cảnh giác như vậy cũng có lý. Chỉ là mình càng chứng kiến thì lại càng thêm buồn.

      Xóa
  2. Cô ơi, dạo này ở Sài Gòn, mấy đứa em đều dặn nhau, đừng đi đâu quá khuya, sợ bị cướp giật :( sắp cuối năm rồi, kinh tế điêu đứng, nhà nhà lo toan...

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...