Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”- điện ảnh vẫn là giấc mơ cổ tích cho phim Việt

"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" trong trẻo và thơ mộng như chính tên của nó. Đoàn làm phim sử dụng fly cam để bắt lấy những cảnh toàn nhằm khắc họa vẻ đẹp mênh mông của đất trời Việt Nam. Trong thời đại mà những chiếc điện thoại thông minh chiếm hết thời gian của con người, những kỹ thuật công nghệ, nhà cửa, xe cộ bủa vây lấy cuộc sống con người thì bộ phim chính là điểm sáng dẫn dắt con người trở về những ký ức đẹp đẽ nhất của Việt Nam những năm 1980, 1990. Ở miền ký ức ngọt ngào ấy, những trò chơi trẻ thơ như ném đá, câu cá, đèn lồng, làm thuyền bè, thả diều, công chúa- hoàng tử...được tái hiện một cách chân thực và sinh động. Nhiều tiếng cười được tạo ra từ sự ngây ngô, đáng yêu của hai anh em, của tình yêu học trò. Diễn xuất tự nhiên của diễn viên nhí Trọng Khang khiến cho bộ phim càng trở nên trong trẻo, đáng yêu hơn.

Có thể nói, đã lâu lắm rồi, điện ảnh Việt Nam mới có một bộ phim khai thác đề tài được nhiều người ủng hộ đến thế. Điểm đặc biệt nhất tạo nên sức nặng cho bộ phim này chính là các cảnh quay miền Trung trong mưa lũ. Hình ảnh miền trung chìm ngập trong mưa lũ đặc biệt gây xúc động. Nước ngập lên đến nóc nhà, những con trâu chết cứng nằm chỏng chơ trên mặt nước trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi. Ai đã đi qua cảnh ăn cơm trong ngôi nhà ngập nước thì sẽ hiểu tình yêu của các nhà làm phim đối với quê hương Việt Nam lớn đến thế nào và nhiệt huyết của các nhà làm phim lớn đến thế nào. 

Tuy nhiên, dù có nói gì đi chăng nữa, điện ảnh vẫn là điện ảnh, vẫn có sân chơi riêng của nó buộc chúng ta phải thừa nhận rằng: để theo kịp nền điện ảnh trong khu vực, chúng ta cần có những bước tiến dài hơn.
Bộ phim mở đầu bằng cảnh Tường nằm trên xe kéo của bố để đi chữa vết thương ở lưng và sau đó bắt vào phần giới thiệu. Đây là kiểu giới thiệu thường gặp trên các sân khấu kịch. Khi đi vào tác phẩm điện ảnh, kiểu mở đầu như vậy khiến người xem cảm thấy hụt hẫng nhiều hơn là chờ đợi bởi điều mà người xem chờ đợi nên được xuất phát từ chính hành động của nhân vật chứ không nên ở cách giới thiệu “ngập ngừng”. Kịch bản của bộ phim làm khó người xem và làm khó cả đoàn làm phim để tạo nên tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa. Để tóm tắt nội dung của bộ phim trong một câu là thách thức không hề nhỏ. Rốt cuộc bộ phim này là quá trình chinh phục tình yêu của Thiều với Mận (dù là những rung động học trò) hay là quá trình đi tìm kiếm công chúa của Tường? Nếu là ý kiến thứ nhất thì việc Tường bị Thiều đánh có thể xem là cao trào của xung đột và việc Mận chuyển đi là kết thúc xung đột. Tuy nhiên, bộ phim không hề dừng lại ở đó. Thậm chí, khi Thiệu thích Mận, cậu cũng không có những hành động rõ ràng và mạnh mẽ để giữ lấy tình cảm đó. Nếu kịch bản đi theo ý kiến thứ hai thì sẽ không có cao trào vì chính Thiều là người phát hiện ra “công chúa” chứ không phải Tường và “công chúa”mà hai người tìm kiếm lại đột ngột xuất hiện ở cuối phim và đầu phim chỉ hiện diện trong một cảnh quay duy nhất. Tường đã gặp được “công chúa” ở đầu phim vì sao lại không có bất kỳ động thái nào để đi tìm công chúa mà phải sử dụng nhân vật bé Mận để thay thế? Chính vì sự phân mảnh trong kịch bản đã dẫn đến việc dựng phim không được liền mạch, nhiều chi tiết rời rạc khiến cho cảm xúc bị dàn trải, không được đẩy lên cao. Bối cảnh tại miền Trung và những ký ức tuổi thơ chỉ được hiện diện đâu đó chứ chưa dồn nén thành cảm xúc mãnh liệt cho khán giả. Một điểm trừ nữa trong việc dựng phim là sử dụng slow motion để dẫn dắt cảm xúc. Những hình ảnh này khi trình chiếu sẽ rất đẹp nhưng cái đẹp này chẳng để làm gì mà lại còn làm mất đi sự chân thật, mộc mạc mà bộ phim đang hướng đến. Giá như khi Thiều chạy đi dưới mưa, cơn mưa bùng phát dữ dội khiến cậu bé phải vất vả chống chọi thì cảm xúc sẽ được đẩy lên nhiều hơn. Trong cảnh motor bay cũng vậy. Khán giả sẽ giật mình và ngỡ ngàng xúc động hơn nếu nhà làm phim sử dụng cách cắt dựng đột ngột hình ảnh người mẹ bị té thay cho slow motion. Việc lạm dụng slow motion trong điện ảnh luôn luôn là con dao hai lưỡi. Đặc biệt, đối với những tác phẩm điện ảnh nghệ thuật đương đại muốn lấy cảm xúc của khán giả, slow motion tiết chế càng nhiều thì càng tốt.
Không thể phủ nhận bộ phim có nhiều góc quay đẹp. Tuy nhiên, quay phim cũng có vấn đề khi tập trung quá nhiều vào cận cảnh nhân vật với phông nền được xóa xanh hoặc trắng làm mất đi hậu cảnh. Trong điện ảnh, khó nhất là nghệ thuật dàn cảnh bởi đây là nghệ thuật được kế thừa từ hội họa. Các nhà làm phim giỏi luôn chú ý đến việc sắp xếp sao cho hậu cảnh và tiền cảnh đều tạo ra một ý nghĩa nào đó. Kỹ thuật xóa phông chỉ nên được dùng trong MV ca nhạc để người xem tập trung vào gương mặt nghệ sĩ. Thế nhưng, không phải nhà làm phim nào cũng chú ý đến đặc điểm này.
Bộ phim lấy bối cảnh nông thôn với những chiếc đèn dầu vàng ấm áp. Tuy nhiên, ánh sáng được chiếu bị sáng hơn cần thiết và bị lệch so với sự sắp xếp của các ngọn đèn nên hạn chế cảm xúc rất nhiều. Kỹ xảo đồ họa 3D vẫn chưa thể tạo ra một con cọp trông thật hơn thay vì một con cọp để lại nhiều dấu ấn kỹ thuật. Đây là điều đáng tiếc.
Dẫu là những nhận xét khen chê thì điều này cũng xuất phát từ quan điểm cá nhân của người viết. Người xem có thể thích hay không và cảm xúc nhiều hay không cũng còn tùy vào cách tiếp nhận của mỗi người. Dẫu sao cũng có thể xem đây là một tín hiệu đáng mừng cho điện ảnh Việt Nam trong cách lựa chọn đề tài và là bộ phim Việt Nam đáng xem nhất trong những bộ phim ra rạp gần đây. Hãy xem và cảm nhận nó theo cách của riêng bạn như cách bạn đã từng yêu các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...