Những ngày này tự dưng thấy mình trở thành người thừa thãi, dù còn nhiều việc phải làm nhưng chẳng biết nên làm gì trước làm gì sau hay là chẳng làm gì. Hôm qua thầy hỏi: kế hoạch sắp tới của em là gì khiến cổ họng nghẹn mình đắng. Thực sự mình cũng chẳng biết làm gì sau khi kết thúc chương trình học ở Đài Loan.
Những ngày này tự dưng thấy buồn vì học trò. Buồn có lẽ là do kỳ vọng nhiều thôi. Sinh viên khoa Văn gì mà trước khi xem phim bảo đọc tác phẩm không đọc, sau khi xem phim bảo đọc tác phẩm cũng không đọc dẫu cho tác phẩm chỉ vỏn vẹn chưa tới 100 trang. Tuần này sẽ là tuần đầu tiên mình đứng giảng cho một lớp sinh viên Đại học chính quy. Đây là lớp mình chủ nhiệm cách đây 4 năm, giờ nhìn lại, quá nhiều gương mặt từng thân quen một thời đã trở nên lạ lẫm. Mình biết chắc với các bạn, mình cũng thế thôi, cũng xa lạ như thể chưa từng bước qua cuộc đời các bạn một phút một giây nào cả. Mình nhớ ra đã vắng mặt ở đấy 3 năm rồi.
Những ngày này tự nhủ dù buồn vì chuyện gì thì cũng không khóc nữa. Nắng nóng đã lấy đi nhiều nước của cơ thể, hà cớ gì phải khiến nó thêm mất mát.
Những ngày này tự dưng nhớ lại lời bạn nói trong tuần trước: làm gì cũng phải biết tận hưởng cuộc sống. Sự phù du của cuộc đời khiến bạn thấy sợ. Bạn sợ vì mải mê kiếm tiền mà để qua đi những khoảng thời gian quý báu, tuổi trẻ, những phút giây lắng lòng để lặng nhìn cuộc sống...Cuộc đời này luôn bắt chúng ta đi theo dòng chảy của nó như "tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại".
Chào bạn! Đúng là ‘...khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn...’. Cái xứ sở mặc dù đã làm mình mất ăn mất ngủ nhưng cũng đáng nhớ lắm chứ. Nhờ ‘được’ nó ‘hành hạ’ mà mình mới bộc lộ được nhiều năng lực tiềm tàng, học được biết bao nhiêu tri thức mới mẻ, và nhận ra nhiều điều giá trị về bản thân,... thế nên, nếu là tôi, dù có ‘ghét’đến mấy thì cũng vẫn muốn tiếp tục tình nguyện để ‘nó’... ‘hành hạ’ dài dài mà không chán?... Bạn không trở thành ‘thừa thải’ đâu mà là chính cái sở học uyên bác hơn xưa chưa tìm được chỗ tương xứng để đem ra sử dụng. Xứ Đài là nước phồn vinh, con người ta ít bị áp lực phải mưu sinh , nên là nơi của nghệ thuật vị nghệ thuật. Do vậy, việc áp dụng cái hay của xứ người vào xứ mình đương nhiên là khó nên cần phải có thời gian, mà đôi khi để mang lại hiệu quả nhanh chóng thì phải dùng đến cả những mẹo ‘dẫn dụ’ nữa đó chứ. Chẳng hạn, như bạn thấy đấy, sinh viên họ sẽ chẳng chịu đọc sách đâu. Để khuyến khích sinh viên hăng hái làm cái trách nhiệm đọc sách, tôi nghĩ nên có cách... ‘thưởng’ cho sự ham đọc của họ, bằng cách như là đặt ra những câu hỏi liên quan đến nội dung có trong sách và cho điểm thưởng cho những ai có câu trả lời đúng, nhận xét hay,vv... điểm thưởng có thể là rất nhỏ, mang tính tượng trưng nhưng về mặt tâm lý thì đó là một điều khích lệ với sinh viên vì sự chịu khó, tìm tòi của họ được nhìn nhận một cách thiết thực. Cách này không mới, ít 'tốn kém', bạn đã thử chưa?... Giảng dạy là sự truyền đạt kiến thức. Có nhiều phương thức giảng dạy, nhưng tôi nghĩ, phương pháp nào tạo ra được nhiều sự tương tác, trao đổi sinh động qua lại giữa thầy cô và học trò trong lớp thì đó mới là phương pháp hiệu quả cao? Tôi lại múa rìu qua mắt thợ rồi... Cuối tuần vui vẻ, bạn nhé!
Trả lờiXóaCảm ơn bạn đã có lời nhận xét dài hơn cả bài viết :). Mình đính chính một chút là Việc ko đọc sách của sinh viên ko phải là sinh viên mình dạy nên ko thể cho điểm thưởng hay khuyến khích gì được đâu ạ, chẳng qua đó là sv 1 lớp mình dự giờ thôi. Cảm ơn bạn.
Xóa