Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

Nhiếp Ấn Nương – người thích khách cô đơn

Nhiếp Ấn Nương là bộ phim võ thuật đầu tiên của nhà làm phim kỳ cựu người Đài Loan, Hầu Hiếu Hiền. Bộ phim được thực hiện trong vòng 7 năm và là siêu phẩm điện ảnh rất đáng được mong chờ. Tất cả những người yêu mến phim Hầu Hiếu Hiền đều không ngừng đặt câu hỏi: Hầu Hiếu Hiền sẽ mang phong cách phim của mình vào thể loại phim kiếm hiệp ra sao bởi tất cả các phim trước đó của ông đều là phim gia đình hoặc phim tâm lý? Liệu thể loại phim này có phá vỡ đi quan điểm làm phim trước đây của Hầu Hiếu Hiền hay không? Khi chiếc mặt nạ của “người bí ẩn” bị Ẩn Nương chém rơi xuống đất cũng là lúc câu trả lời được khai mở.



Phim kiếm hiệp kiểu mới
Không phải  Hầu Hiếu Hiền là đạo diễn đầu tiên mang nghệ thuật vào thể loại phim kiếm hiệp. Trước đó, các đạo diễn như Trương Nghệ Mưu, Vương Gia Vệ cũng đã có nhiều bộ phim kiếm hiệp nghệ thuật thành công. Tuy nhiên, phim kiếm hiệp của Hầu Hiếu Hiền đem đến cho khán giả một góc nhìn khác mà chưa đạo diễn nào làm được. Câu chuyện phim khá đơn giản, lấy bối cảnh đời Đường thế kỷ thứ 9, Nhiếp Ẩn Nương được đạo cô công chúa ra lệnh hành thích Điền Quý An, chủ công của vùng đất Ngụy Bác và cũng là người chồng “hụt” của cô. Quá trình đi hành thích cũng là quá trình cô khám phá chính bản thân mình, giết chết vỏ bọc lạnh lùng của mình. Kiếm hiệp trong phim chỉ là cái cớ để đạo diễn Hầu Hiếu Hiền tạo ra những diễn ngôn riêng của mình về điện ảnh và tạo thêm những lớp lang ý nghĩa cho nhân vật “thích khách”. Do đó, người xem phim sẽ chẳng bao giờ tìm thấy câu trả lời thích đáng cho hành động của nhân vật và cũng chẳng bao giờ nhìn thấy được những màn đánh đấm đẹp mắt như các bộ phim kiếm hiệp khác. Những màn võ thuật trên phim là những màn trình diễn võ thuật thực sự mà đạo diễn bắt buộc các diễn viên phải nỗ lực thực hiện. Diễn viên đánh được bao nhiêu thì đánh nên tạo ra cho khán giả cảm giác rất chân thực khi xem những cảnh đánh nhau này.

Một điểm khác biệt nữa trong phim Hầu Hiếu Hiền là góc máy thường đặt ra xa tạo nên góc nhìn rất bình thản. Chưa có bộ phim kiếm hiệp nào mà nhịp phim lại có thể chậm rãi và khiến người xem phải mất bình tĩnh đến thế. Các cảnh đánh nhau cũng được lựa chọn quay theo hai kiểu: hoặc là những cảnh đánh đấm từ xa hoặc là những góc quay trung cận cảnh với hành động nhanh như gió của Ẩn Nương. Cách quay này tiết lộ võ nghệ cao cường cùng sự sắc lạnh của Ẩn Nương khi ra tay giết người. Mũi dao của cô nhanh đến nỗi đối thủ không kịp chống đỡ. Những người chết dưới tay Ẩn Nương cũng đều rơi ra khỏi khuôn hình nên cái chết của họ không được nhìn rõ, chỉ có âm thanh đổ máu còn sót lại trong khuôn hình.
Người thích khách cô đơn
“Nhà vua nuôi một con chim thanh loan, ba năm không cất tiếng hót. Hoàng hậu bảo uyên ương gặp bạn sẽ kêu nên bày vua treo một chiếc gương để chim soi mình. Chim loan thấy bóng dáng của nó trong gương, kêu lên thảm thiết, cả đêm cố gắng nhảy múa và chết”. Câu chuyện về chim thanh loan được kể bằng cách dựng song song giữa cảnh Ẩn Nương và chúa mẫu kết nối với tiếng đàn tranh cô độc đi qua các khuôn hình. Cả Ẩn Nương và chúa mẫu cũng đều được ngầm so sánh với con chim thanh loan qua hình ảnh ấy. Hai người họ, một người bị phụ tình, một người cướp hôn phu của người kia  nhưng cuối cùng lại rơi vào cùng cảnh ngộ. Ẩn Nương cô độc và lặng lẽ trong thế giới của nàng. Chúa mẫu cô độc và lặng lẽ trong chốn cung đình Ngụy Bác. Hai người phụ nữ cũng được ngầm so sánh với hai bông hoa mẫu đơn trắng muốt được dựng nối tiếp với cảnh chúa mẫu đánh đàn. Đây không phải lần đầu tiên Hầu Hiếu Hiền muốn nhấn mạnh vào sự cô đơn của Ẩn Nương. Ngay từ đầu,khi giới thiệu tên bộ phim, nhà làm phim đã chọn một bối cảnh tuyệt đẹp vào lúc chạng vạng. Bầu trời màu đỏ soi xuống mặt nước tạo thành màu đỏ ôm lấy những ngôi nhà tối đen làm cho không gian bị bó hẹp. Trên dòng sông ấy, một con chim nhỏ cứ bơi ngược rồi bơi xuôi đơn độc. Bố cục này sau đó cũng được lặp lại nhưng không còn ngôi nhà tối đen nữa mà đã mở rộng thành vùng không gian rộng lớn. Tông màu cũng chuyển thành sáng, chú chim nhỏ đã không còn mà thay vào đó là một đàn chim đang bay đi. Lúc này Ẩn Nương đã tìm thấy những người mà cô có thể tin tưởng.

Có rất nhiều cảnh quay Ẩn Nương được ví như một con chim đơn độc. Nàng bay trên mái nhà, bay trên những cành cây và lướt đi nhanh như những con chim cắt. Phần giới thiệu về Ẩn Nương đầu phim được nhà làm phim sử dụng hai tông màu đen trắng. Sau khi Ẩn Nương được trả về gia đình, phim sử dụng lại các tông màu bình thường. Cách kể chuyện bằng kiểu đổi tông màu như vậy đã từng được một số đạo diễn sử dụng. Năm 1939, bộ phim “Phù thủy xứ Oz” (The wizard of Oz) cũng có cách xử lý tông màu tương tự. Tuy nhiên, màu sắc trong phim “Phù thủy xứ Oz”  là để thể hiện thế giới thần tiên kỳ ảo của cô bé Dorothy. Còn ở đây không thể có cách lý giải như thế. Khi Ẩn Nương ở với sư phụ, nàng được giao nhiệm vụ hành thích những tên quan tham nhũng. Nàng hành xử nhanh chóng và nhẹ nhàng như một cơn gió. Với nàng, mọi chuyện đều trắng đen rõ ràng và khoảng thời gian này, dường như nàng chỉ biết tới công việc. Tuy nhiên, khi nàng đối mặt với nhiệm vụ mới liên quan đến chính vị hôn phu “hụt” của mình, mọi chuyện đã không còn đơn giản nữa. Tông màu theo đó cũng phức tạp hơn chứ không còn hai màu đen trắng để phản ánh tâm trạng phức tạp của nàng. Ẩn Nương được đạo cô công chúa mang trả về nhà, bên cạnh nhiệm vụ mới, những mối quan hệ trong gia đình cũng chi phối đến cảm xúc của nàng khá nhiều.
Thích khách là ta, ta là thích khách
Ẩn Nương cuối cùng đã không hành thích Điền Quý An, không phải vì nàng yêu hắn ta mà là sự thay đổi trong nhận thức của nàng. Nàng nói với sư phụ, nếu nàng giết Điền Quý An thì Ngụy Bác sẽ loạn. Nàng không muốn cảnh giết chóc xảy ra với những người vô tội.
Trong phim Hầu Hiếu Hiền, cách xử lý điểm nhìn thích khách khá đặc biệt. Nhiều góc quay Ẩn Nương bị khuất qua những cành cây, tán lá và chúng ta không thể hoàn toàn nhìn thấy nàng. Chúng ta đang nhìn nàng bằng góc nhìn của một kẻ thích khách đang dõi theo nàng. Trường đoạn Ẩn Nương nấp sau tấm màn nghe lén cuộc trò chuyện của Điền Quý An và người thiếp của hắn có thể xem là trường đoạn hay nhất của bộ phim. Nhà làm phim chọn cách quay qua tấm màn mỏng và ánh nến phản chiếu lúc tỏ lúc mờ. Chúng ta có thể nhìn thấy Điền Quý An và người thiếp của hắn giống như cách Ẩn Nương đang nhìn họ. Một lát sau, khán giả lại nhìn thấy Ẩn Nương theo cách hai người kia nhìn nàng, cũng thông qua tấm màn mỏng. Giữa họ, sự kết nối bị ngăn cách bởi tấm màn, dù rất mỏng.

Sau khi Ẩn Nương và Điền Quý An giao đấu, Điền Quý An trở lại phòng của người thiếp, hắn nhận ra người lúc nãy là Ẩn Nương. Hắn kể cho người thiếp của mình nghe về Ẩn Nương và nàng đã khóc, đã đồng cảm cho Ẩn Nương bằng những giọt nước mắt thực sự. Lúc này, tấm màn bị gió thổi bay, giữa Ẩn Nương và người thiếp đã có sự tương thông trong giao tiếp dù hai người họ chưa từng trực tiếp nói với nhau lời nào. Đây cũng chính là lý do Ẩn Nương ra tay cứu giúp người thiếp khi chúa mẫu yếm bùa cô ta và cũng có thể là lý do Ẩn Nương không giết Điền Quý An vì không muốn con của hắn sinh ra không có bố.
Trong phim, Ẩn Nương chuyên đi theo dõi người khác nhưng lại bị một người đeo mặt nạ theo dõi, người đó cũng có thể xem là thích khách của nàng. Không ai biết lai lịch của người đeo mặt nạ này nhưng Ẩn Nương biết. Khi nàng giải tỏa được mọi u uất trong lòng, nàng đã đi tìm và giao đấu với người đeo mặt nạ ấy. Người thích khách có một người thích khách, câu chuyện về con chim thanh loan trở lại ngay đoạn này. Rõ ràng, đó chính là phản chiếu của Ẩn Nương. Nàng phải luôn mang mặt nạ khi đối diện với chính mình. Người thích khách luôn theo dõi nàng chính là bản thân nàng. Khi chiếc mặt nạ rơi xuống cũng là lúc nàng từ bỏ nhiệm vụ thích khách và sau đó là đi cứu người thiếp của Điền Quý An.
Kết thúc phim, Ẩn Nương từ một người thích khách đã trở thành một cô gái vui vẻ. Âm nhạc cô độc của đàn tranh đã trở thành bản hòa ca của nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Diễn xuất của Thư Kỳ khiến người xem hài lòng khi thay đổi từ nét mặt u sầu và lạnh lùng thành một cô gái duyên dáng, tươi cười.
Có thể thấy rằng, Nhiếp Ẩn Nương là bộ phim được trau chuốt rất kỹ từ góc quay, dàn cảnh, tông màu cho đến âm nhạc, dựng phim và diễn xuất. Hầu Hiếu Hiền một lần nữa chứng tỏ cho giới yêu điện ảnh thấy được khả năng sáng tạo tuyệt vời của mình qua bộ phim này, bộ phim góp thêm một tiếng nói mới cho nghệ thuật điện ảnh Đài Loan nói riêng và nghệ thuật điện ảnh châu Á nói chung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...