Hai cái áo dài này chỉ khác nhau ở cổ áo thôi nên nếu mặc hai hôm liên tiếp chẳng ai phân biệt được. (Trừ khi kéo lại giải thích: Nè, áo hôm nay là áo khác đó nghen!). Tại vì toàn là vải được cho nên đành có sao mặc vậy chứ nếu mà mình lựa chọn, mình sẽ may áo dài lụa trắng thêu sen. Giống kiểu: thiếu nữ bên hoa loa kèn ấy (quên: hoa huệ). Mình thích thế. Có lẽ vì vậy mà mình thuộc về những cái cổ điển, những cái truyền thống. Nếu mình nói mình đang học đàn thì chẳng cần thêm thông tin mọi người cũng biết ngay đó là đàn tranh. Vì còn loại đàn nào thích hợp hơn cho người hoài cổ nữa. Hic, cũng may mà mình chưa đi học đàn bầu, đàn nhị, nếu không chưa học xong chắc đã chết vì buồn mất.
Mình muốn bắt đầu bài viết này bằng câu chuyện về chiếc áo dài bởi vì nó gắn bó với nghề của mình. Thầy cô trong khoa thường bảo mình bé quá nên khi đứng lớp phải mặc áo dài và trang điểm cho lớn lớn hơn. (Hoặc là để mang dép cao ơi là cao mà chẳng ai biết:)). Có như vậy, đứng trước ánh mắt hàng trăm sinh viên sẽ khiến mình tự tin hơn rất nhiều. Tuy nhiên, lần đầu tiên đứng lớp lại là một lớp tại chức ban đêm nên mình không mặc áo dài. Với lại, cái lớp đó bé xíu, chỉ khoảng 30 sinh viên nên không khí cũng thoải mái. Và những ngày đầu tiên của năm 2010, mình đã đi giảng cho một lớp tại chức ở tỉnh Sóc Trăng. Đi dạy tỉnh là niềm mơ ước của mình bởi vì mình sẽ được làm việc trong một bầu không khí căng thẳng nhưng vui, được tiếp xúc với những sinh viên “thơ ngây” nhưng giàu tình cảm, được đi đó đi đây nhiều hơn và được ăn nhiều món đặc sản. (Tâm hồn ăn uống mà :)Nói tóm lại là cảm giác khó tả lắm.
Lần đầu tiên đứng lớp ở Sóc Trăng (mà cũng có lẽ là lần đầu tiên mặc áo dài ở giảng đường đại học) mình cảm thấy lớn hơn rất nhiều. Lớp học có khoảng 90 sinh viên với đủ mọi lứa tuổi (nhỏ nhất là sinh năm 1988) nên mình cũng nghiêm túc hơn. Ngoài việc xưng hô anh – chị - tôi thì mình còn phải tỏ ra là “người lớn” nữa. Cô – trò mà. Mình phải làm việc suốt cả một buổi trong một vai trò khác, đối lập hẳn với tính tình trẻ con của mình. Mình nhớ, trưa hôm đầu tiên, về đến phòng, mình đóng cửa lại là lăn ra giường nằm. Trời ơi, lúc đó mình cảm thấy thoải mái hết sức: muốn nghe nhạc, muốn nhảy, muốn hát…như một đứa trẻ. Nếu nhớ không nhầm thì có lẽ mình cũng đã làm một vài điều vừa kể. Ừ, phải rồi: Tất cả mọi người lớn lúc đầu đều là những em bé (nhưng ít người trong số họ còn nhớ điều ấy), tác phẩm Hoàng tử bé đã viết như vậy.
Thực ra, đây chỉ là một trong số những tình huống mà mình có thể cảm nhận sự thay đổi rõ rệt nhất từ vai trò này đến vai trò khác. Sự thay đổi này rất thú vị. Mình đã điện thoại kể với mẹ rằng có lẽ chẳng sinh viên nào có thể hình dung được giáo viên của họ đã có những hành động vô cùng trẻ con khi ở một mình. Và mình thật sự rất thích câu nói của S.Maugham: Mỗi người là một diễn viên trên sân khấu cuộc đời.
hi hi, em mới thấy 1 cái áo màu xanh lá của chị hôm bữa hội thảo thui, cái kia cũng giống vậy hả chị? :P
Trả lờiXóaỪa, cái kia cũng giống vậy đó em. Nhưng cái kia cổ yếm, nhìn dễ xương hơn. Hehe...
Trả lờiXóa