Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

Còn ta với nồng nàn



Những ngày lễ, Hà Nội thưa người đi lại trả cho thành phố nỗi buồn của một thiếu nữ hoài niệm. Buồn trong sự sang trọng và thánh thiện. Chọn ở lại Hà Nội không phải vì ngày lễ không có chỗ đi chơi mà vì muốn ở lại cùng nỗi buồn của nó như hai người bạn trong nỗi buồn tìm đến nhau, lắng nghe tiếng lòng của nhau. Hà cớ gì còn sợ buồn trong những ngày này khi ta có một người bạn như thế bên cạnh?
Những ngày lễ, cơn mưa đổ ập xuống trong khoảnh khắc kiếm tìm mùa hạ. Mưa ở Hà Nội không giống mưa ở Sài Gòn. Những hạt mưa bé nhỏ chỉ đủ làm ướt áo và tóc, đủ làm bẩn đường đi chứ không đủ làm xe cộ chết máy phải lội bộ, phải khổ sở trên những chặng đường dài ngập nước. Nó cũng không đủ khả năng xóa nhòa ranh giới giữa nước mắt của trời và nước mắt của người trên chiếc xe đạp qua con phố dài. Có lẽ vì thế nó khiến ta dễ dàng nhận ra một điều: ở Hà Nội dễ buồn nhưng khó khóc, ở Sài Gòn khó buồn nhưng nước mắt lại dễ tuôn rơi.
Những ngày lễ, những chiếc xe đạp chở hoa vẫn không ngừng bày bán. Ai đó đã nói rằng, những người chở hoa ấy chính là những người nghệ sĩ nhất xứ Hà thành này. Họ đã tô, đã vẽ cho những con đường Hà Nội nhiều màu sắc nên thơ. Họ đã đem mùa hoa về cho mảnh đất hơn 1000 năm tuổi. Mỗi mùa một loại hoa: tháng 4 – loa kèn, tháng 5- sen hồng, sen trắng…Dừng lại mua hoa không phải vì “yêu những bông hoa và thích nói điều kỳ lạ” hay “ngắm nhìn những bông hoa thấy no nê mà không cần phải ăn uống”(*). Những bông hoa tắm mình dưới mưa, tả tơi, xơ xác nhưng người bán hoa vẫn cứ thế, đứng dưới mưa cầm trên tay những bó hoa hồng to tướng mà giá chưa tới 1000 đồng/bông.
Những ngày lễ, đến trường thấy trống vắng lạ lùng. Cũng con đường đó, cũng bậc thang đó nhưng tìm kiếm mãi không thấy bất kỳ một chiếc xe quen thuộc nào. Thấy an ủi vì không phải chứng kiến lại cảnh như thế này sau khi rời Dự Án. Vui mừng vì gặp được hai người bạn cùng lớp trên Văn phòng và cùng đi ăn trưa, một bữa trưa lặng lẽ hơn bất kỳ bữa trưa nào khác.
Những ngày lễ, từ chối tất cả mọi giao tiếp: Facebook, Yahoo, Gmail, trừ điện thoại và blog. Vui mừng vì trong những ngày lễ này vẫn nhận được nhiều cuộc gọi từ…Sài Gòn dù cho sự vắng mặt của mình ở đó đã hơn 6 tháng. Và dù cho tất cả chỉ là những câu hỏi: có đi đâu chơi không, có kế hoạch gì đặc biệt không…thì vẫn cảm thấy được an ủi nhiều. Xưa nay, mình ít nhắn tin cho người khác bởi lý do duy nhất: sợ làm phiền. Nhớ lại thời phổ thông, khi chưa có điện thoại, chỉ gặp nhau mỗi ngày một buổi ở trường nhưng vẫn dạt dào tình cảm và thấy thương yêu nhiều lắm. Tình cảm không hẳn đến bằng tin nhắn hay cuộc gọi mà bằng những sự quan tâm, nhất là những quan tâm tưởng chừng như bé nhỏ nhất. Như thế dễ khiến trái tim rung động hơn và tình cảm vì thế mà bền chặt hơn.
Những ngày lễ, nhận ra sự thay đổi rất nhiều trong chính bản thân mình và đôi lúc sợ hãi vì điều đó. Có lẽ mình đã ít cười hơn, ít vô tư hơn và suy nghĩ phức tạp hơn. Do đó, người miền Bắc suy nghĩ phức tạp hơn người miền Nam không hẳn vì bản thân họ như thế mà vì môi trường như thế. Ở một nơi mà chỉ biết lấy công việc làm niềm vui và tự hào khi nhìn lại hàng đống công việc được hoàn thành trong một khoảng thời gian gấp gáp thì lấy đâu ra nỗi buồn. Ở một nơi mà lúc nào cũng cảm thấy cuộc sống của bản thân mình luôn có ý nghĩa ít nhất là cho chính mình thì lấy đâu ra sự suy nghĩ phức tạp. Ngược lại, ở đây, dù chỉ một tác động nhỏ nhất cũng sẽ khiến tinh thần đau đớn và kéo dài. Ở đây, dù có hàng đống công việc cần làm vẫn có lý do trì hoãn để rồi nhận ra sự vô nghĩa của bản thân mình và của cuộc sống. Giờ đây, mình đã hiểu vì sao M.V lại viết:  
Tại sao tự mình không thể làm cho mình đầy đủ... 
Tại sao phải có tha nhân thì mới là đầy đủ, tại sao cần có yêu thương của kẻ khác thì mới hạnh phúc?
Mà quên mất rằng, yêu thương cũng chính là một loại địa ngục.
----
(*): Lời thoại Poetry

2 nhận xét:

  1. Tùy người thôi, ở Sài Gòn cũng dễ buồn mà khó khóc lắm bạn ạ

    Trả lờiXóa
  2. @Phước: Ừa, có lẽ vậy!^^Cái này là cảm xúc cá nhân mà :)

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...