Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Bây giờ ở đó là mấy giờ?


Muốn viết một bài điểm phim thật đàng hoàng và nghiêm chỉnh cho What time is it there? mà không thể làm được, cứ viết nửa chừng lại ngừng, lại không thể viết tiếp dù vẫn còn nhiều vấn đề muốn nói, muốn bàn đến. Mình cũng không biết tại sao lại như thế, cũng không hiểu sự bế tắc này đến từ đâu.
What time is it there? chỉ là một câu hỏi đơn giản: Bây giờ ở đó là mấy giờ? nhưng sao lại gợi ra nhiều tâm trạng như vậy. Đây phải chăng cũng là câu hỏi mà mình thường xuyên đặt ra khi đến một vùng đất lệch giờ với Việt Nam hay đơn giản chỉ là sự đồng cảm với hành trình tìm kiếm sự hòa hợp của cô gái lạc lõng giữa Paris hoa lệ? Mình không biết nữa, chỉ cảm thấy buồn, rất buồn sau khi xem xong bộ phim này dù cho kết thúc của nó không hề bi lụy.
Người ta đã nói về What time is it there? như một kiệt tác của nỗi cô đơn nhưng mình không thấy thế. Nỗi cô đơn trong phim này hay trong rất nhiều phim khác của Thái Minh Lượng chỉ là cái cớ để ông thể hiện quan điểm của mình. Ông không bắt các nhân vật phải bơi trong thế giới cô đơn, không mang đến cho khán giả cảm giác con người sinh ra là đã cô đơn. Cô đơn trong phim Thái Minh Lượng không phải là khởi nguyên cho mọi hành động mà chỉ là kết quả sau khi họ nỗ lực đấu tranh tìm kiếm sự hòa hợp. Các nhân vật của Thái Minh Lượng không hề tạo ra nỗi cô đơn cho chính họ và đóng khung mình trong đó, họ chỉ loay hoay không biết làm thế nào để thoát khỏi quy luật của cuộc sống, thoát khỏi chân lý vĩnh hằng của cuộc đời. Đó mới chính là cái đích đích thực trong điện ảnh của nhà làm phim tài hoa này.
Từ cuộc hành trình đi tìm kiếm sự hòa hợp
Trong What time is it there?, có ba nhân vật đi tìm kiếm sự hòa hợp rõ ràng nhất là chàng trai bán đồng hồ, cô gái mua đồng hồ và mẹ của chàng trai. Chàng trai sau khi bán đi chiếc đồng hồ cho cô gái và được nhận một món quà từ cô, anh ta bắt đầu thay đổi và bắt đầu đi tìm kiếm sự hòa hợp để xóa nhòa những khác biệt giữa hai người. Khác biệt thứ nhất là khác biệt thời gian. Thời gian ở Đài Loan và Paris không giống nhau nên anh ta luôn đặt cho mình câu hỏi: Bây giờ ở đó là mấy giờ? Sau khi biết được thời gian chính xác ở Paris, anh ta bắt đầu chỉnh đồng hồ cho trùng khớp với thời gian ở Paris. Đầu tiên là những chiếc đồng hồ anh ta bán, kế tiếp là chiếc đồng hồ ở nhà, rồi đến đồng hồ ở cửa hàng, đồng hồ ở nhà hát,…và cuối cùng là đồng hồ ở trung tâm thành phố. Sau khi chỉnh được chiếc đồng hồ cuối cùng, có thể xem như khát vọng hòa hợp đã thành công vì không còn chiếc đồng hồ nào cho anh ta chỉnh nữa. Thế nhưng đó cũng là lúc anh ta nhận ra sự cay đắng của cuộc đời. Dù anh ta có chỉnh tất cả các chiếc đồng hồ trên thế giới về một mốc thời gian như nhau thì cũng không thể nào có được sự hòa hợp thật sự vì cô gái ấy không thể biết những việc anh ta làm cũng như việc điều chỉnh thời gian trên những chiếc đồng hồ chỉ là một cách thể hiện hình thức và vô nghĩa. Trên thực tế không hề có sự hòa hợp nào. Chính điều này lý giải rằng tại sao sau khi chỉnh chiếc đồng hồ cuối cùng, anh ta lại uống rượu, vứt món quà cô gái tặng và làm tình với một cô gái qua đường.
Tương tự như vậy, mẹ của chàng trai bán đồng hồ cũng đi tìm kiếm sự hòa hợp với người chồng đã mất. Sau khi nhìn thấy chiếc đồng hồ ở nhà bị lệch thời gian ở nhà, bà nghĩ rằng chồng mình đã về và chỉnh như thế nên từ đó bà cũng hoạt động theo thời gian của chiếc đồng hồ treo tường. Cả nhà bà thường có những bữa ăn rất khuya và trong bữa ăn bao giờ bà cũng để cho ông một bát cơm, gắp thức ăn như thể ông vẫn còn sống. Không những vậy, bất cứ con vật nào hiện hữu trong nhà, bà cũng cho rằng đó là do ông hiện về nhập vào nên không cho cậu con trai giết. Và rồi, bà còn bịt hết tất cả các cánh cửa, cắt hết mọi điện đóm trong nhà và giam mình trong bóng tối vì nghĩ rằng người chết sợ ánh sáng sẽ không thể về được. Đỉnh cao của cuộc tìm kiếm sự hòa hợp này là việc làm tình tưởng tượng trước bức ảnh của người chồng nhưng thực chất là với cái gối. Người xem cảnh này chắc hẳn không thể không thấy xót xa.
Còn cô gái trong What time is it there? là một mẫu nhân vật điển hình cho việc loay hoay tìm kiếm sự hòa hợp ở một nơi khác biệt về văn hóa. Cô không thể ngủ khi nghe tiếng lộc cộc trên trần nhà mỗi đêm, cô không thể biết được món ăn phù hợp vì không có thực đơn tiếng Anh, cô không biết tàu gặp sự cố khi nghe thông báo bằng tiếng Pháp, cô không gọi được điện thoại khi buồng bên cạnh là một người đàn ông chửi bới, la mắng, cô không biết đường về khách sạn sau khi đi siêu thị…Dường như mỗi lần quay đến cô gái này người xem lại thấy tương phản rõ rệt giữa sự tĩnh lặng, u buồn, lạc lõng với sự ồn ào, náo nhiệt của những người phương Tây cho đến khi cô ta gặp được một cô gái người Hồng Kông tại Paris. Đây là lần đầu tiên cô được nghe lại tiếng mẹ đẻ thân thương của mình, được nhận một ly nước ấm sau cơn nôn mửa, được nhận sự quan tâm, sự đồng cảm trong một quán đông đúc tiếng cười nói. Nỗi khát khao hòa hợp này đã khiến cô không kiềm chế được nụ hôn vào môi với cô gái Hồng Kông, một nụ hôn mà người xem có thể hiểu ngay là không phải nụ hôn giữa những cô gái đồng tính, chỉ đơn giản là sự cần được che chở và thiếu thốn tình cảm. Cảm giác lỗi lầm từ nụ hôn ấy cuối cùng đã khiến cô gái Đài Loan quyết định xách va ly ra đi để rồi ngủ quên trên một chiếc ghế ngoài đường, trong nỗi cô đơn, lạc lõng, trong những giọt nước mắt chảy dài.
...Đến việc chấp nhận những quy luật của cuộc sống   
Ở một bộ phim mà nỗi cô đơn dường như thắng thế, các nhân vật đều không thể thành công trong quá trình hòa hợp vào cuộc sống người khác lại chứa đựng nhiều triết lý sâu sắc về cuộc sống bằng ngôn ngữ điện ảnh của Thái Minh Lượng. Chính vì vậy, bộ phim bi nhưng không lụy, buồn nhưng vẫn ấm áp. Bộ phim mở đầu bằng hình ảnh một ông già loay hoay trong căn nhà của mình và kết thúc là một ông già đang đi về phía tâm của vòng đu quay. Nếu như gam màu đầu tiên là xanh lạnh thì gam màu cuối có sự tươi sáng hơn. Nhân vật đầu tiên xuất hiện trong nội cảnh thì nhân vật cuối đã hướng ngoại và càng đi ra xa. Sự hư ảo, sự nhanh chóng của cuộc đời được đạo diễn thể hiện bằng một cú cắt cảnh. Chỉ cảnh thứ hai là đã nhìn thấy cậu con trai bê hài cốt của bố. Dù chỉ xuất hiện một lần duy nhất nhưng ông già vẫn hiện diện trong cuộc sống của gia đình, trong sự sợ hãi không dám đi tè mỗi đêm của cậu con trai, trong nỗi trăn trở, nhớ nhung không nguôi của người mẹ.
Còn ông già ở cuối phim là một nhân vật hết sức đặc biệt bởi chính ông là người lặng lẽ vớt hành lý của cô gái lên bờ rồi bỏ đi mà không nói lời nào. Sự hiện diện của ông như một tia nắng ấm áp giúp xua đi nỗi cô đơn, sự lạc lõng trong lòng của cô gái. Rõ ràng, cô gái vẫn có thể tìm kiếm được sự hòa hợp với mảnh đất này trong sự quan tâm của những người cùng gốc gác với cô hay những người có thể cùng giao tiếp với cô như ông già tại Nghĩa Trang, người duy nhất có tên trong phim và người chđộng để lại cho cô thông tin của mình cô đã quên mất. Cũng như vậy, người mẹ vẫn có sự hòa hợp với cuộc sống hiện tại thông qua tình mẫu tử thiêng liêng với con trai nhưng vì quá nặng nợ tình cảm với chồng, bà cũng đã không để tâm đến điều đó. Còn người con trai thì đã trở về nằm bên mẹ, không còn theo đuổi những điều không còn thuộc về anh ta nữa.
Hình ảnh thú vị nhất của phim là cô gái ngủ và hành lý bồng bềnh trôi qua. Chỉ bấy nhiêu đó thôi nhưng gợi cho người xem biết bao suy nghĩ. Đó có thể là sự trôi nổi của cuộc đời mỗi người và sự tương tác với những người khác. Trong cuộc sống, có nhiều lúc chúng ta sẽ bị nhấn chìm xuống nước, bị vứt xuống nước nhưng cũng sẽ có những người lặng lẽ cứu vớt chúng ta theo cách riêng của họ mà chúng ta không hề biết. Hình ảnh ông già đi vào chiếc vòng đu quay khiến người xem tưởng tượng đến hình ảnh chiếc đồng hồ nhưng có lẽ ngay lúc đó không ai còn thắc mắc: Bây giờ ở đó là mấy giờ? nữa bởi đồng hồ dẫu có ngừng quay thì cuộc sống con người vẫn tiếp diễn như chiếc vòng mà ông già đang đi vào. Điều này không chỉ nhắc nhở chúng ta về sự ngắn ngủi của kiếp người mà còn giúp chúng ta nhận ra rằng, ai cũng có những nỗi cô đơn của riêng mình nên điều quan trọng không phải làm thế nào xua đi nỗi cô đơn ấy mà là làm thế nào học cách chấp nhận nó để bước tiếp bởi thời gian không bao giờ chờ đợi chúng ta điều chỉnh.  


6 nhận xét:

  1. người bạn lớnlúc 13:52 22 tháng 11, 2011

    Cô đơn là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Đôi lúc cô đơn giúp ta trải nghiệm, hiểu hơn về lẽ sống. Đừng chia sẻ nỗi cô đơn với người khác, càng chia sẻ lại càng cô đơn. Lê Na nghĩ xem quan niệm của Người bạn lớn có đúng không?

    Trả lờiXóa
  2. Thực ra mỗi người đều có một quan niệm riêng về nỗi cô đơn nên ko thể đánh giá đúng sai được bạn à. Quan niệm của mình khác bạn vì mình ko nghĩ rằng: "đừng chia sẻ nỗi cô đơn với người khác" bởi mình ko thể làm được điều đó. Ai cũng mong tìm được 1 người đồng cảm với mình, dù ko tuyệt đối nhưng có thể chia sẻ buồn vui, chia sẻ những ước mơ, dự định là đã cảm thấy bớt trống trải rồi. Chỉ cần như vậy thôi thì sẽ thấy cuộc sống dễ chịu hơn, bớt ngột ngạt hơn. Vì vậy đừng nghĩ nhiều về nỗi cô đơn của mình mà hãy nghĩ về những người xung quanh đã luôn ở bên mình những lúc vui, buồn bạn nhé. Chúc bạn luôn vui.

    Trả lờiXóa
  3. Cô đơn hay không là do chính mình tạo ra mà thôi. Vậy thì tại sao lại giữ khư khư nỗi cô đơn của mình cho mệt. Chia sẻ với người khác sẽ dễ chịu hơn nhiều chứ.

    Trả lờiXóa
  4. Chị Lê Na ơi, ông già viết tên và địa chỉ khác với ông già vớt hành lý cho cô gái chứ ạ. Em không nghĩ hai người đó là một, đơn giản vì vẻ ngoài của hai người khác nhau, một người đậm chất "Tây" của người bản xứ, một người dung mạo giống bố của chàng trai bán đồng hồ, một người thì "nhiệt tình" bắt chuyện, còn một người thì lặng yên vớt đồ lên giúp cô gái rồi đi về phía vòng đu quay.
    Đọc bài blog của chị em như hiểu thêm điều gì đó. Em cảm ơn chị :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn em, chị đã xem lại và thấy đúng là như thế. Vì góc quay nghiêng và bản chị xem ko phải là bản đẹp nên cứ tưởng như là 1 vì mỗi người chỉ xuất hiện trong phim chút xíu thôi. Cũng may là đoạn viết về ông ấy chỉ vài dòng nên chị sẽ edit lại :)

      Xóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...