Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Cho những ngày cuối tuần


Mỗi người đều có một lý do khác nhau để mong chờ đến ngày cuối tuần. Có người mong đến ngày cuối tuần để gặp gỡ, đi chơi với bạn bè, người yêu. Có người mong đến ngày cuối tuần để về nhà ăn cơm mẹ nấu. Có người mong đến ngày cuối tuần để không phải thức dậy vội vã trong buổi sáng đầy nắng hay chớm lạnh của mùa đông. Còn ở đây, có một người hoàn toàn không mong đến ngày cuối tuần vì đó là ngày phải chinh phục bản thân nhiều hơn, phải làm đầy những suy nghĩ vớ va vớ vẩn khi bộ não nhường chỗ cho tay chân hoạt động.
Những ngày cuối tuần là những ngày rong ruổi trên chuyến tàu dài với thời gian 45 phút từ Neili đến Hsin-chu rồi từ Hsin-chu về lại Neili và 30 phút đi bộ từ ký túc xá ra ga tàu, 10 phút đi xe máy hoặc taxi đến nơi làm việc để trở về thời sinh viên Việt Nam đúng nguyên nghĩa của nó. Sinh viên Việt Nam chẳng xa lạ gì với hai từ "làm thêm" dù cho những công việc đó chẳng liên quan gì đến nghề nghiệp sau này, có chăng chỉ đong đầy vốn sống để sau này khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất cũng có thể vượt qua hoặc tự động viên mình cố gắng: "Mình sẽ làm được mà". 
Những ngày cuối tuần là những ngày dành tình cảm cho các bạn sinh viên của mình nhiều hơn, là cảm thấy thương những bạn ngày đến lớp, chiều tối làm bán thời để bố mẹ bớt một khoản tiền phải chi trả hàng tháng. Mỗi công việc dù là lao động bằng tay chân hay trí óc đều đáng quý như nhau miễn sao đó là lao động chân chính và đừng để xao nhãng học tập bởi suy cho cùng, học tập vẫn là nhiệm vụ chính của sinh viên. Vì vậy điều làm mình lo lắng nhất chính là các bạn sinh viên của mình còn khá trẻ, còn có nhiều hy vọng và hoài bão nên liệu có hiểu rằng tiền bạc chỉ là phương tiện trang trải cuộc sống chứ không phải là mục đích của cuộc sống hay không. Đã qua những ngày như thế này rồi mình mới hiểu, công việc tay chân rất cực và nếu dành nhiều thời gian cho nó sẽ không có thời gian lên lớp hoặc lên lớp không thể tiếp thu bài. Mặt khác, ở Việt Nam thường không có những công việc chỉ đến thứ bảy chủ nhật mới đi làm nên việc sắp xếp thời gian để đi làm đối với sinh viên nhìn chung khá vất vả. Khóa 2009 mình chủ nhiệm đã từng có mấy bạn sinh viên vì đi làm thêm mà không thể vượt qua được các môn học trong chương trình. Như vậy thật không nên chút nào.
Những ngày cuối tuần là những ngày cảm thấy hành trình đi bao giờ cũng nhanh hơn hành trình về. Thỉnh thoảng vẫn bắt gặp đâu đó trên chuyến tàu này những hình ảnh gợi về những kỷ niệm ở Việt Nam như đoạn phim hoạt hình: "Out of sight" của cô bé ngồi bên cạnh, những câu chuyện của người Việt Nam, người Đài Loan về cuộc sống của người Việt Nam ở Đài Loan...Thỉnh thoảng, chọn một chỗ ngồi lặng lẽ nhất để phóng tầm mắt vào cảnh vật trong màn đêm rồi tự nhủ: Chỗ này giống Việt Nam, chỗ này khác Việt Nam...Thỉnh thoảng nghe hơi lạnh lùa vào mỗi ô cửa khi tàu dừng lại một nhà ga nào đó và làm như thể chính cái hơi lạnh ấy có thể ngưng tụ thành nước mắt như một hiện tượng vật lý thông thường. Ừ, ai biểu sinh ra là con út làm chi để rồi mang nhược điểm lớn nhất là hay tủi thân khi xa nhà. 
Những ngày cuối tuần luôn tự nhắc nhở mình phải xin phép về sớm cho buổi học sáng thứ hai nhưng công việc càng lúc càng nhiều, càng phải nấn ná và tỷ lệ đi về trên chuyến tàu cuối cùng luôn chiếm ưu thế. Thỉnh thoảng, khi tàu đến ga phải đi taxi về vì cảm thấy sợ. Thỉnh thoảng lại chạy thật nhanh trong tiếng chuông đồng hồ điểm 12 giờ đêm để rút ngắn khoảng thời gian đi bộ xuống còn 15 - 20 phút và rút ngắn cảm giác lo lắng luôn hiện hữu trong lòng. Thỉnh thoảng gần 12 giờ rưỡi đêm vẫn đi vào Family Mart trong ký túc xá mua cái gì đó để thức khuya học bài.
Những ngày cuối tuần là những ngày đi để trải nghiệm, là những lúc rỗi rãi vào tầm 1-2 giờ chiều lại ngồi cầm điện thoại đọc những tin nhắn cũ ở Việt Nam. Đọc để không cảm thấy cô đơn, đọc để còn có động lực cố gắng, đọc để giấu nỗi nhớ trong lòng và đọc để hiểu rằng, có nhiều tin nhắn không cần đọc cũng đã thuộc nằm lòng nhưng vẫn muốn xem.
Những ngày cuối tuần là những lúc nhận ra rằng mình đang sống trong ký ức của các con mình, những khó khăn này rồi đây sẽ trở thành ký ức dành cho các con như những tháng ngày vất vả của ba mẹ đã ở trong ký ức của mình. Ký ức mà mình cất giữ cho con tuyệt đối sẽ không là những ký ức ủy mị, sướt mướt mà phải là những kỷ niệm đẹp về khoảng thời gian mà mọi người đều cho là đẹp đẽ: du học. Làm sao có thể kể cho con rằng mình đã đầu hàng khó khăn như thế nào. Nghĩ như vậy lại thấy một, hai năm trôi qua nhanh hơn và cũng không còn tư tưởng chống lại thời gian, chỉ chấp nhận để tìm giữ những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất.
Những ngày cuối tuần là những ngày cảm xúc thay đổi liên tục. Chưa bao giờ mình thấy yêu ngôi trường của mình cho đến khi trở về từ nơi làm việc. Đó là cảm xúc rõ ràng nhất, hiện hữu nhất và mỗi tuần lại phải refresh.

5 nhận xét:

  1. Những ngày cuối tuần là những lúc nhận ra rằng mình đang sống trong ký ức của các con mình ...là sao? :)

    Trả lờiXóa
  2. Là ngày xưa, em thường hay được nghe bố mẹ kể về những ngày tháng vất vả mà bố mẹ trải qua khi em đang là hạt bụi ở một nơi nào đó.^^ Em nghĩ lúc đó chắc bố mẹ ko nghĩ rằng sau này mình sẽ có con và giai đoạn vất vả đó sẽ được kể lại. Và bỗng dưng ký ức đó của bố mẹ lại trở thành ký ức của em.^^ Có nghĩa là ngày đó bố mẹ đã sống trong ký ức của em rồi. Lúc em làm việc trong những ngày cuối tuần, lúc mệt nhất thì bỗng dưng nhớ đến những câu chuyện của bố mẹ. Em nghĩ sau này khi có gia đình và có con thì các con cũng sẽ được nghe mình kể lại thời gian này như bố mẹ đã từng kể cho em. Và cuối cùng ký ức này của mình lại trở thành ký ức của con mình. Nghĩ như vậy thì sẽ thấy đỡ mệt hơn.^^ (Hơi AQ 1 chút). Ko biết anh có hiểu ý em không?^^

    Trả lờiXóa
  3. tất nhiên là anh hiểu như thế. Chắc là con em sẽ có những ký ức đáng tự hào về em. :) Nhưng nếu dùng "ký ức của con" có đúng lắm ko? vì đó là việc của tương lai?

    Trả lờiXóa
  4. Là vì em thích chơi chữ thế^^...Nếu trong khoa học thì ko đúng nhưng nếu trong văn chương thì mỗi người có quyền sở hữu những ngôn ngữ riêng của mình anh à. Trong tương lai thì hiện tại này sẽ trở thành "ký ức" mà. :P

    Trả lờiXóa
  5. Nhà hoạt động chính trị, xã hội người Mỹ gốc Đức Helen Killer từng nói: “Tôi đã khóc khi không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày”

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...