Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

Rừng Nauy và sự lệch pha cảm xúc

Bộ phim Rừng Nauy của Trần Anh Hùng đã khởi chiếu từ rất lâu rồi. Lớp tôi cũng đã ra một số báo lấy bộ phim này cũng như phim của Trần Anh Hùng làm tiêu điểm. Bạn bè tôi cũng đã xem đi xem lại đến mấy lần và có những bài phân tích rất sâu từ đủ mọi khía cạnh, mọi góc độ của bộ phim này bằng con mắt của người làm phê bình điện ảnh. Còn tôi, cho đến giờ vẫn chưa có cơ hội xem lại nó lần thứ hai.
Từ trước đến giờ, những bài viết về phim trong tờ Tin vắn điện ảnh của lớp tôi, chưa có bài nào mà tôi viết về bộ phim chỉ xem một lần. Bởi vì xem một lần chỉ có thể cảm nhận chứ khó mà phân tích được kỹ thuật quay phim hay dựng phim. Tuy nhiên, lần này tôi muốn nhìn bộ phim của Trần Anh Hùng ở một góc độ khác hơn: đó là hai ấn tượng khi xem phim lần đầu tiên.
Bộ phim này có rất nhiều hình ảnh rất ấn tượng, nhiều cảnh quay đẹp đến ám ảnh. Tuy nhiên, có hai điều mà tôi vẫn cứ thắc mắc sau khi xem xong phim mà cho đến hôm nay tôi mới có lời giải đáp chính xác cho mình. Đó là: tại sao lúc bố của Midori mất, cô ấy lại điện thoại cho Watanabe nói rằng: cậu phải dẫn tớ đi xem bộ phim con heo như đã hứa đấy nhé, phải xem bộ phim con heo nào thật tởm vào. Và thắc mắc thứ hai là tại sao khi Naoko kể về chuyện cô ấy không thể làm tình với  Kizuki, Trần Anh Hùng lại để cho nhân vật đi đi lại lại trên một đồng cỏ và có những cú máy dài đi theo nhân vật chứ không cắt cảnh. Đoạn hội thoại ấy có gì đặc biệt mà đạo diễn phải chăm chút kỹ đến vậy? Và cuối cùng, bằng trải nghiệm của bản thân mình, tôi đã có câu trả lời, nhất là đối với thắc mắc đầu tiên.
Trước hết là nói về Midori. Có thể thấy lời đề nghị của cô ấy xuất phát từ nỗi đau mà cô ấy vừa mới trải qua: đó là sự ra đi của bố. Nỗi đau ấy quá lớn khiến Midori rơi vào trạng thái không cảm xúc: không buồn, không vui, không hờn, không giận, không chán chường…Trạng thái ấy đáng sợ hơn cả đau khổ và cô đơn vì khi ta đau khổ hay cô đơn, ít nhất ta còn có cảm giác với cuộc sống. Điều này cũng gợi cho tôi nhớ đến một bộ phim khác của Nhật Bản là Khu rừng than khóc (Mogari no mori) của nữ đạo diễn Kawase Naomi. Các nhân vật trong bộ phim này cũng gặp phải vấn đề tương tự với các nhân vật trong phim Trần Anh Hùng: vấn đề cảm giác với cuộc sống. Khi bạn có cảm giác với cuộc sống nghĩa là bạn vẫn còn sống. Một nhân vật trong phim này đã nói. Như vậy việc Midori đề nghị Watanabe chính là việc muốn tìm lại cảm xúc cho mình. Một bộ phim con heo thật kinh tởm theo nghĩa thông thường sẽ mang ý nghĩa tiêu cực nhưng trong tình huống này có thể là cứu cánh cho cảm xúc của Midori. Nếu cô cảm thấy khiếp sợ hoặc nôn thốc nôn tháo vì bộ phim mình xem thì có nghĩa là cảm xúc đã trở lại. Và quả thực, về sau này, dù cốt truyện của bộ phim không cho biết Midori và Watanabe có đi xem phim với nhau không nhưng Midori đã tiếp tục cuộc sống của mình. Có thể thấy, lời thoại ở đây đặc biệt tinh tế và là một sự sáng tạo độc đáo của riêng Trần Anh Hùng, cái được kết tinh bằng chính những trải nghiệm cuộc sống của đạo diễn. Sở dĩ tôi nói như vậy vì trong Rừng Nauy tiểu thuyết, Murakami chỉ miêu tả khoảnh khắc này bằng mấy dòng khá ngắn ngủi: Bố Midori mất vào sáng thứ Sáu.
Tiếng chuông cửa báo cho tôi biết có người gọi cho tôi và tôi chạy ù xuống sảnh đợi, chỉ kịp khoác một cái áo len ra ngoài bộ quần áo ngủ. Trời đang mưa âm thầm và rất lạnh.
Tôi có thể nghe thấy tiếng thở dài bật ra ở đầu dây bên cô.
"Tớ hiểu rồi, tôi nói.
"Tất nhiên rồi."
"Tớ sẽ nghiên cứu vấn đề này thật kĩ"
Còn đối với Naoko, thực tế có phần phũ phàng hơn. Trần Anh Hùng đã rất tinh tế khi sử dụng những cú traveling dài đi theo nhân vật để thể hiện đoạn đối thoại này. Nó khiến người xem ám ảnh và hiểu rằng việc Naoko thú nhận mình không thể làm tình với Kizuki là một điều luôn làm cô cảm thấy day dứt, đau khổ. Và đây chính là một cảnh hết sức quan trọng của bộ phim và là một cảnh mà chỉ có điện ảnh mới làm được.
Naoko đã lớn lên với Kizuki. Với cô, Kizuki là cuộc sống. Do đó, việc cô yêu Kizuki hết mình và dâng hiến thể xác cho anh bằng cảm xúc yêu đương chân thành cũng là hợp lẽ thường tình. Và như vậy dẫu Kizuki có ra đi thì Naoko cũng cảm thấy nhẹ lòng vì mình đã dành trọn vẹn tình yêu cho người mà mình yêu thương nhất. Thế nhưng cô lại không có cảm giác với anh dù luôn cố gắng. Điều này trái với quy luật tự nhiên và trái với mong đợi của Naoko. Và cái chết của Kizuki lại giày vò cô hơn nữa vì cô sẽ chẳng có cơ hội để dâng hiến thể xác cho người mình yêu.
Sự lệch pha cảm xúc này càng bộc lộ rõ rệt và càng khiến cho Naoko đau khổ nhiều hơn chính là việc tìm thấy lại cảm giác từ người bạn Watanabe. Điều này khiến cô vừa cảm thấy có lỗi với người đã mất nhưng đồng thời lại vừa thấy mất thăng bằng vì thực tế quá phũ phàng này: cảm giác tình dục đến trước tình yêu. Một bên là yêu nhưng không có cảm giác tình dục. Một bên là có cảm giác tình dục nhưng lại không xuất phát từ cảm giác yêu đương.
Xét theo nghĩa rộng hơn, tình yêu của Naoko đối với Kizuki cũng chính là tình yêu cuộc sống. Khi cảm giác đối với cuộc sống mất đi thì chúng ta sẽ trở nên trống rỗng và rơi vào trạng thái không tồn tại. Việc Naoko có thể làm tình với Watanabe không có nghĩa là cảm giác cuộc sống đã quay lại với cô mà đơn giản đó chỉ là ham muốn làm tình. Nếu ham muốn làm tình đó không gắn với tình yêu thì nó vô nghĩa. Và do đó Naoko đã đến với Watanabe theo một hành trình ngược lại hành trình mà cô đã đến với Kizuki: đi từ ham muốn làm tình đến tình yêu cuộc sống. Tuy nhiên, quá trình ngược này cũng vẫn không thành công dù Naoko cũng đã cố gắng hết sức. Thế nên, cô đã chọn đi theo Kizuki ở tuổi 21. Đó là một sự nghịch lý, một sự lệch pha cảm xúc đau đớn nhưng lại là một sự thực ở đời.
Như trên đã nói, tôi chỉ phân tích bộ phim này bằng hai ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi. Tôi nghĩ Trần Anh Hùng đã rất thành công khi sử dụng ngôn ngữ điện ảnh để chọn và khai thác được tối đa một khía cạnh mà ông tâm đắc nhất trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhật Bản Murakami. Và sự chuyển thể này khiến tôi thật sự khâm phục.

1 nhận xét:

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...