(Tặng người tặng)
"Ai đi đâu, ai về đâu
Ai bay trong tổ vỡ đầu cúc cu"
Đây là quyển sách mình luôn mang theo để mỗi khi có thời gian rỗi lấy ra đọc vì nó không bắt buộc phải đọc một lúc hết cả quyển như những cuốn tiểu thuyết. Đúng như lời đề tặng, có lẽ khi xa quê, khi không ở Việt Nam nữa sẽ thấm thía hơn với từng câu từng chữ trong đó.
Chị Nguyễn Ngọc Tư đã viết một bài rất hay sau khi đọc mà Phan An đã đưa vào phần giới thiệu. Một lời giới thiệu nghe thật xót xa cho chính tác giả lẫn độc giả:
"đọc rồi cứ thắc mắc
sao tụi trẻ con sinh sau mình
gì cũng có
gì cũng giỏi
muốn gì cũng được
lương cũng nhiều nhiều
mà sống buồn quay quắt vậy?"
"Quẩn quanh trong tổ" thực chất là một cuốn tạp văn nhưng tác giả của nó đã phá vỡ đi cách viết tạp văn truyền thống. Điều này sẽ làm cho những người yêu văn chương thuần túy cảm thấy khó chịu, khó tiếp nhận. Họ không thể tìm thấy trong này những câu văn mượt mà chứa chan cảm xúc mà chỉ toàn thấy những tiếng cười cay đắng. Họ không thể tìm thấy trong này một giọng điệu chậm rãi để vừa nhấm nháp tách café vừa thanh thản lật từng trang sách mà chỉ có một giọng điệu nhanh, gấp gáp, hối hả như thể tác giả đang sống ngày cuối cùng của cuộc đời. Những câu văn được viết nên bằng sự rối tung rối mù của câu chữ, của những sự liên tưởng, chuyện nọ xọ chuyện kia, của những bản nhạc chế, của những bài thơ theo kiểu bút tre, của những từ Việt hóa Hán Việt, Tây hóa thuần Việt…làm người đọc cũng có cảm giác rối loạn theo tác giả. Dường như không có “vấn đề” nhức nhối nào của xã hội không được tác giả nhắc đến: từ chuyện hoãn chuyến của những loại máy bay giá rẻ, chuyện lao động của Việt Nam ở nước ngoài, chuyện ăn mày đầy rẫy ở Việt Nam, chuyện cảnh sát giao thông thường “ẩn nấp” để bắt người vi phạm, đến những chuyện của những cô ca sĩ, người mẫu đánh nhau, chửi nhau vì hàng hiệu, hay “nữ văn sĩ ba xu mông to vú bự bất tài vô tướng mặt dày mày dạn lại sắp xuất bản sách mới về hoàng tử Châu Tinh Trùng đánh son môi và công chúa Trứng Ứng Ứng ghi nhật ký”…
"Quẩn quanh trong tổ" đã chứng tỏ khả năng đi nhiều, đọc nhiều, biết nhiều của tác giả nhưng cuối cùng, chính tác giả đã thừa nhận: "nếu chịu khó quan sát và tìm tòi anh sẽ có một cuộc sống thực là phong phú, thi vị mà không cần phải lủi thủi lếch thếch đi đâu cho nó xa xôi, cũng chẳng cần mất thêm xu teng nào cả. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ chẳng cần phải tìm nơi chốn mênh mông nào, nó chỉ cách anh một cái ban công mục nát và một lỗ hố xí hôi rình, đích thực là như thế.”
"Quẩn quanh trong tổ" dù có ngang tàng đến thế nào, dù có muốn vượt thoát đến thế nào cũng vẫn có những nốt trầm, những dấu lặng qua các đoạn thơ của Lưu Quang Vũ, Nguyễn Vỹ, Cung Trầm Tưởng và những đoạn văn của Aziz Nesin để mở đầu mỗi mục hay những cảm xúc chân thật của tác giả, những cảm xúc được lắng đọng lại sau mỗi câu chuyện, sau cách xưng hô anh – em như một cuộc trò chuyện nhưng rồi mãi mãi vẫn không thể thoát khỏi được vòng luẩn quẩn ấy: "Anh sẽ còn mắc kẹt ở đây, trong cái tổ của anh thêm vài năm nữa và nhiều năm nữa, bay mây chim hót, với những con đường ngập nước, với dòng kênh đen ngòm hôi hám, với cây đàn Gibson hàng nhái, với ông già rỗi việc vẫn thường ngồi trên băng ghế đá Hàn Thuyên cầm cây sáo thổi mấy bài ca buồn bã, trong khi tụi bạn anh túm tụm nhau bàn chuyện khủng bố phía bên kia bán cầu và ê a bản nhạc cảm động ca ngợi tình yêu xa cách “ở bên kia bầu trời”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét