Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

"Rebound" hay là "Sự phục hồi" của Ellsworth Kelly

"Một tác phẩm nghệ thuật trên hết là một cuộc phiêu lưu của tâm hồn" (Eugene Ionesco)
Khi nhìn vào bức tranh có tên gọi là: Rebound (Sự phục hồi) của Ellsworth Kelly bạn đã nghĩ gì? Bạn đã đặt ra cho mình những câu hỏi gì? Bạn có nghĩ rằng nó quá đơn giản và không giá trị? Bạn có nghĩ là một đứa trẻ cũng có thể vẽ được?
Và bạn nghĩ sao khi phát hiện bức tranh này không hề thuộc về một đứa trẻ mà tác giả là Ellsworth Kelly, một họa sĩ, một kiến trúc sư người Mỹ, người theo khuynh hướng hội họa trừu tượng với chủ trương đơn giản hóa mọi hình ảnh một cách tối thiểu nhất (Minimalism)?
Ellsworth Kelly sinh ngày 31 tháng 05 năm 1923, hiện đang sống và làm việc tại thành phố New York, Mỹ. Ông bắt đầu đến với nghệ thuật vẽ tranh trừu tượng vào năm 1949. Tuy nhiên, phải đến năm 1952, ông mới tạo được phong cách riêng cho mình bằng việc nhấn mạnh sự đơn giản và đơn sắc. Và để tạo hiệu ứng mạnh cho các tác phẩm của mình, Kelly thường lựa chọn những gam màu sáng. William Rubin đã nhận xét về phong cách của ông là “sự phát triển nội tại mãnh mẽ: không hề chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng hay những cuộc trò chuyện với những người cùng thời".
Tác phẩm Rebound được Kelly sáng tác năm 1959 và trở thành một sự “khiêu khích” đối với những người làm công tác nghiên cứu tâm lý học nghệ thuật bởi theo họ nó quá đơn giản và ngay lập tức không thể nhận biết được vật thể ấy là gì.
Để “xử lý” được những tác phẩm thuộc dạng này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng hai phương pháp tiếp cận. Đó là sự nhận thức tự nhiên và sự nhận thức có định hướng.
Sự nhận thức tự nhiên
Sự nhận thức một cách tự nhiên là sự nhận thức từ những gì do bản thân tác phẩm mang lại. Ở tác phẩm này, cái đập vào mắt chúng ta chỉ là những hình khối đơn giản với hai màu đen trắng. Và điều chúng ta băn khoăn ở đây là màu đen làm nền cho màu trắng hay màu trắng làm nền cho màu đen? Cả hai cách hiểu đều đúng. Nếu bạn xem màu đen là nền thì bạn sẽ thấy hai vật thể màu trắng đang cố đẩy sát vào nhau. Điều gì sẽ xảy ra khi chúng chạm vào nhau? Có thể nhận thấy rất rõ, đó là nền màu đen sẽ bị chia làm hai phần. Thế nhưng ở đây chúng ta cũng có quyền hiểu, hai màu trắng ấy vừa mới chạm vào nhau và chúng đang tách rời ra. Nếu càng tách rời ra xa, chúng sẽ biến mất để lại một nền đen huyền bí. Còn nếu xem màu trắng là nền thì chúng ta sẽ thấy có hai vật thể màu đen hình cong đang cố chạm vào nhau ở giữa, cố gắng che lấp đi nền trắng.
Có thể thấy, những hình vẽ trên không chỉ tác động đến tri giác mà còn chi phối cả cảm giác của người xem. Nhiều người cho rằng, chính sự giản đơn với hai màu đen trắng của bức vẽ đã khiến cho họ cảm thấy vô cùng dễ chịu. Một thứ cảm giác không thể diễn tả được bằng lời.
Sự nhận thức có định hướng
Sự nhận thức có định hướng là sự nhận thức được trông đợi nhiều nhất đối với các tác phẩm trừu tượng bởi vì người xem luôn cố gắng lý giải sự hiểu biết về bức tranh bằng thế giới quan của riêng mình. Đây cũng chính là giá trị của tác phẩm nghệ thuật trừu tượng vì nó đã khơi gợi được trí tưởng tượng cho con người mà không cần quan tâm sự giải thích đó đúng hay sai.
Có người sử dụng kiến thức tôn giáo để lý giải sự chạm nhẹ của hai hình thể màu đen giống như những ngón tay của Chúa duỗi ra và khẽ chạm vào Adam nhằm ban cho anh ta cuộc sống trong bức họa trên trần nhà thờ Sistine thuộc tòa thánh Vatican của Michelangelo. Người khác lại dùng kiến thức triết học để cho rằng, bức họa ấy tượng trưng cho sự gặp gỡ của triết học Phương Đông (bên trái) và triết học phương Tây (bên phải). Còn những người khác nhìn thấy bức vẽ này là sự đơn giản hóa hành động con người. Nói một cách thô thiển hơn, đó có thể là cái bóng phản chiếu ngực của người đàn ông chạm vào ngực của người đàn bà hay mông của hai người ngồi quay lưng lại với nhau trên một chiếc ghế dài.
Trở lại với câu hỏi đầu tiên sau khi đi lòng vòng qua các vấn đề khác nhau về bức tranh này, về tác giả của nó cũng như nghệ thuật trừu tượng: bạn đã nghĩ gì? Và câu trả lời chắc chắn đã có trong lòng mỗi người dù chỉ với một bức vẽ vô cùng đơn giản: hai màu và hai nét. Như vậy, sự trừu tượng của nghệ thuật không phải nằm ở sự phức tạp mà là ở sức gợi của nó đối với người xem.
-------
Tham khảo: "The Psychology of Art and the Evolution of the Conscious Brain", Robert L. Solso
http://en.wikipedia.org/wiki/Ellsworth_Kelly
Nguồn ảnh: http://arttattler.com/archiveellsworthkelly.html

2 nhận xét:

  1. Hay quá, cảm ơn em. Hi vọng em có những tiểu luận dài hơi hơn, tập hợp về VN có thể in thành sách. Cố lên em.

    Trả lờiXóa
  2. Đây chỉ là bài viết "ngẫu hứng" của em khi học môn Tâm lý học Nghệ thuật chứ hem phải tiểu luận anh à. Em sẽ cố gắng viết nhiều hơn. Hy vọng mỗi tuần có thể viết được 1 bài. Hihi...

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...