Năm 1997 bộ phim Taste of Cherry của đạo diễn Abbas Kiarostami đã làm hết thảy những người tham dự liên hoan phim Cannes ngạc nhiên. Bộ phim là hành trình của một người đàn ông tên Baddi đi tìm thuê người làm việc cho mình với giá: 200 ngàn toman.
Tuy nhiên, số tiền đó không phải để trả công cho một công việc bình thường mà là để thuê người gọi mình hai lần vào buổi sáng khi ông ta nằm trong một cái hố dưới bóng cây trên sa mạc. Nếu ông ta không dậy thì hãy dùng đất, sỏi lấp vào cái hố có ông ta nằm trong đó. Và câu chuyện trở nên thú vị qua những con người mà ông ta gặp gỡ: một anh lính trẻ, một người linh mục trung niên và một người làm ở viện bảo tàng lịch sử tự nhiên già. Những con người ấy chính là ẩn dụ của những chặng đường mà mỗi người trong cuộc đời phải trải qua. Không chỉ vậy, hành trình mà Baddi, nhân vật chính trong phim trải qua cũng chính là hành trình đi tìm sự sống cho bản thân ông ta từ ý niệm cái chết.
Tuy nhiên, số tiền đó không phải để trả công cho một công việc bình thường mà là để thuê người gọi mình hai lần vào buổi sáng khi ông ta nằm trong một cái hố dưới bóng cây trên sa mạc. Nếu ông ta không dậy thì hãy dùng đất, sỏi lấp vào cái hố có ông ta nằm trong đó. Và câu chuyện trở nên thú vị qua những con người mà ông ta gặp gỡ: một anh lính trẻ, một người linh mục trung niên và một người làm ở viện bảo tàng lịch sử tự nhiên già. Những con người ấy chính là ẩn dụ của những chặng đường mà mỗi người trong cuộc đời phải trải qua. Không chỉ vậy, hành trình mà Baddi, nhân vật chính trong phim trải qua cũng chính là hành trình đi tìm sự sống cho bản thân ông ta từ ý niệm cái chết.
Đời là một cuộc hành trình
Ai cũng biết cuộc sống là một cuộc hành trình dài và mỗi người đều có con đường riêng của mình. Thỉnh thoảng, trên con đường ấy, chúng ta có thể gặp những người bạn, những người có thể theo ta đi trên một đoạn đường nào đấy. Chọn con đường để thể hiện triết lý cuộc sống là cách làm không mới và lại gặp rất nhiều khó khăn bởi khán giả sẽ theo dõi điều gì trên hành trình ấy? Làm sao để khán giả nhận thấy chính bản thân mình trên con đường đó và làm sao để họ nhận thấy được triết lý cuộc sống mà không cảm thấy sự nhàm chán trong suốt cuộc hành trình? Hai câu hỏi này sẽ gây khó khăn cho các nhà làm phim trẻ nhưng với Abbas Kiarostami thì không có gì là trở ngại bởi xưa nay ông vốn làm phim như vậy. Sự đánh giá của liên hoan phim Cannes cho bộ phim này một lần nữa khẳng định tài năng của Abbas Kiarostami trên đường chinh phục thế giới điện ảnh.
Để bộ phim gây được sự chú ý, Abbas Kiarostami đã xây dựng tình huống phim độc đáo. Từ đó, các nhân vật sẽ có sự gặp gỡ, đối thoại nhau để khán giả thấy được tâm lý phát triển của nhân vật trên mỗi chặng đường cũng như tâm lý của chính mình trong cuộc đời. Người xem sẽ không ngừng đặt câu hỏi qua mỗi bước đi của nhân vật và đó cũng chính là câu hỏi của cuộc sống mà có thể cho đến khi qua đời chúng ta cũng chưa tìm thấy lời giải đáp thỏa đáng.
Chặng đường đầu tiên: Khẩu súng hay cây cuốc?
Người đầu tiên đi cùng xe với Baddi là một anh lính trẻ độ khoảng mười mấy tuổi. Hay nói một cách chính xác hơn đó là một cậu bé trong giai đoạn vị thành niên. Cậu ta đi nhờ xe đến doanh trại. Và chặng đường đầu tiên của cuộc hành trình này chính là cuộc đối thoại giữa hai người. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả chọn người đi nhờ xe ấy khoác trên mình chiếc áo lính. Khi chúng ta ở giai đoạn vị thành niên, hầu hết chúng ta đều thừa hưởng cách giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội giống hệt một anh lính trẻ vừa nhập ngũ được vài tháng. Chúng ta làm theo những điều mà họ chỉ cho mình và ít khi nào thắc mắc tại sao như anh lính trẻ cứ đếm 1,2,3,4 theo Baddi một cách vô thức.
Ở trường đoạn này, chúng ta thấy anh lính trẻ vừa là hiện thân Baddi, vừa là hiện thân chúng ta thời trẻ nhưng đồng thời anh ta cũng lại là một người bạn đồng hành mà chúng ta gặp trên cuộc đời. Chúng ta chỉ có thể đồng hành với những người dù ít hay nhiều cũng có một phần bản thân chúng ta ở đó và Baddi cũng vậy. Sở dĩ Baddi chọn anh lính là người lấp đất cho mình vì ông ta thấy cậu giống với con trai của ông. Nhưng rồi chính Baddi phải bất lực đứng nhìn cậu bé bỏ chạy khi cậu không thể chấp nhận được điều mà Baddi yêu cầu.
Đôi khi vì còn trẻ, chúng ta thường để cho người khác dắt mình đi trên đoạn đường dài một cách vô thức. Con đường ấy thường bắt đầu từ một nơi đẹp đẽ, thân quen, trải qua những nơi gập ghềnh chông gai và dừng chân tại một nơi mà chúng ta không thể lựa chọn và bước tiếp. Đó là cách mà Baddi đã dẫn anh lính đi trên con đường ấy. Khung cảnh chuyển dần từ những ngôi nhà với xe cộ tấp nập trong thành thị và những bóng cây xanh, trải qua con đường đầy cát vàng ở sa mạc không một bóng người, chỉ có hai con người ngồi đối thoại với nhau trên một chiếc xe và kết thúc là một cái hố, nơi mà Baddi muốn anh lính gọi mình hai lần vào sáu giờ sáng mai hoặc chôn mình. Khuôn hình quay cảnh bên ngoài cửa xe phía Baddi di chuyển chậm rãi trong lời nói còn khuôn hình quay cảnh bên ngoài cửa xe có anh lính trẻ thì cảnh vật lướt đi nhanh hơn hòa lẫn với sự căng thẳng, lo lắng trên gương mặt nhân vật. Kết thúc cuộc hành trình là câu hỏi mà mỗi người trong chúng ta cũng không thể giải đáp: cây súng là vũ khí giết người, cái cuốc dùng để lấp người nằm trong hố cũng là vũ khí giết người. Vậy những người trẻ tuổi như chúng ta sẽ chọn cái nào? Cậu bé trong phim đã bỏ chạy vì cậu không thể có sự lựa chọn hay nói một cách khác cậu sợ hãi vì phải lựa chọn bởi vì cậu không thể nghĩ được gì khác ngoài việc: chết là chết, giết là giết. Đây quả thực là tâm lý chung của những người trong độ tuổi vị thành niên.
Chặng đường thứ hai: Niềm tin hay trải nghiệm?
Chặng đường thứ hai là chặng đường Baddi đi chung với một người thanh niên theo học một trường dòng. Họ bắt đầu cuộc hành trình của mình ngay tại sa mạc. Điểm chung của họ chính là sự cô đơn nên họ mới có thể đi cùng một con đường. Tuy nhiên, điểm ngăn cách giữa họ lại là sự bất đồng quan điểm. Baddi cần bạn đồng hành giúp đỡ mình bằng chính đôi tay của anh ta nhưng người bạn ấy không thể giúp bởi anh ta chỉ có thể hiểu nhưng không thể cảm nhận được nỗi đau của ông.
Cái hay của trường đoạn này là cách thể hiện đối đáp qua lại giữa hai người. Và từ cuộc đối thoại này, có thể nhận thấy một tính cách rất đặc trưng của tuổi thanh niên, đó là: tự tin nhưng khá bảo thủ. Hơn nữa, họ biết rất nhiều điều từ lý thuyết nhưng chưa bao giờ trải qua những chuyện như vậy ở đời. Ngay cả việc tự tử, anh thanh niên quan niệm một cách rất máy móc tựa trên niềm tin mà anh đã học được từ trường dòng chứ chưa bao giờ bị hoàn cảnh xô đẩy tới mức phải tự tử.
Baddi nói: Cậu tin Chúa cho cuộc sống và lấy nó khi người thấy đã đến lúc. Tuy nhiên, có một lúc nào đó, con người sẽ không còn sự tin tưởng. Anh ta kiệt sức nhưng không thể chờ đợi phán quyết cuối cùng của Chúa. Vì vậy, anh ta quyết định tự hành động. Đó là tất cả những gì mà người ta gọi là: tự tử. Cậu thấy đấy, từ tự tử không chỉ xuất hiện trong từ điển mà là một trải nghiệm thực tế. Nó là sự ứng dụng thực tiễn. Con người phải giải quyết dựa trên thực tiễn đó. Mặc dù Baddi đã dùng lời lẽ thuyết phục nhưng không thể nào làm thay đổi được vị mục sư: Cánh tay của tôi là lẽ phải của Chúa. Những gì ông đòi hỏi không chính đáng. Và họ lại tranh luận với nhau về việc tự tử để rồi tác giả có thể lồng vào đó quan niệm của mình về triết lý cuộc sống, về luận đề tự tử thông qua lời nhân vật Baddi: Tôi biết rằng tự tử là một tội ác tột cùng nhưng không hạnh phúc cũng là một tội ác to lớn không kém. Khi anh không hạnh phúc, anh sẽ làm tổn thương những người khác. Và họ cứ tranh luận mãi cho đến cái hố mà Baddi đã từng yêu cầu cậu bé lính nhìn xuống và một lần nữa vấn đề cũng không được giải quyết.
Chặng đường thứ ba: Hương vị cuộc sống
Chặng đường thứ ba là chặng đường đầy thú vị của Baddi. Tuy đây không phải là chặng đường giúp Baddi từ bỏ ý định tự tử nhưng là chặng đường mà Baddi đã thực sự được dẫn dắt bởi một người khác, một người nhiều kinh nghiệm hơn mình để ông ta đi được đến cuối con đường. Đó là cuộc gặp gỡ với một người làm việc ở Bảo tàng lịch sử tự nhiên, người không chỉ cảm nhận được nỗi đau của Baddi mà còn cho Baddi nhận thấy được những điều mà trước khi đi đến cuối con đường, ông ta vẫn chưa thể nào nhận thấy. Đó là người giúp đỡ người khác mà không cần hỏi lý do vì ông ta quan niệm: Khi anh muốn giúp một người nào đó, anh phải làm nó hết sức bằng trái tim của mình. Nó sẽ tốt hơn. Rõ ràng, ông biết rằng, giúp đỡ Baddi tự tử là một việc làm hết sức vô lý nhưng chỉ có ông mới có thể hiểu được tại sao Baddi yêu cầu ông làm như vậy. Và ông không thắc mắc gì nhiều mà dùng lời kể của mình để chia sẻ với Baddi kinh nghiệm cuộc sống.
Ở đây, chúng ta thấy tài năng của đạo diễn thể hiện qua cách dẫn dắt câu chuyện của ông già làm ở viện bảo tàng. Lời kể của nhân vật luôn luôn xuất hiện ngoài khuôn hình. Và khuôn hình chỉ xuất hiện chiếc xe đang đi theo con đường ngoằn nghèo trên sa mạc như thể nó đang được điều khiển bởi lời kể. Thỉnh thoảng ấy lời kể cũng điều khiển, dẫn dắt cho xe chạy. Lần đầu tiên, trên chiếc xe của mình, Baddi thốt lên: Tôi không biết con đường này. Trong khi đó, ông già chỉ đáp lại một cách đơn giản: Tôi không biết. Nó dài hơn nhưng tốt hơn, đẹp hơn. Rõ ràng, lời nói này chứa một ngầm ẩn tuyệt vời. Trong cuộc sống không phải chỉ có một con đường duy nhất và không phải con đường ngắn nhất là con đường tốt nhất. Đôi khi, chúng ta nên kéo dài con đường của mình, dù cho nó dài hơn nhưng chúng ta lại có điều kiện khám phá những điều tốt đẹp mà chúng ta chưa từng được biết đến. Điều đó cũng giống như khi ông già bế tắc và đau khổ, ông đã vắt dây thừng lên cây dâu chín mọng. Nếu đó là con đường duy nhất để ông già đi đến cuối con đường và kết thúc mọi khổ đau của mình thì quả thực nó rất ngắn. Tuy nhiên, may mắn là tay ông đã chạm vào những trái dâu chín mọng và ông đã nếm thử nó. Đó là lần đầu tiên ông cảm nhận được sự ngọt ngào của những trái dâu mà nếu chết đi thì chẳng thể nào biết được. Chính hương vị của những trái dâu đã kéo ông trở về với cuộc sống và tìm cho mình con đường khác để thoát khỏi đau khổ.
Không chỉ có mỗi ông già mới có thể cảm nhận được hương vị của những trái dâu chín mọng mà cả những đứa trẻ đang đến trường cũng cảm thấy hạnh phúc khi nếm trái dâu đó. Ông còn chia sẻ cảm nhận này cho người vợ đang ngủ của mình. Bà ấy đã ăn những trái dâu rất ngon lành và bà ấy cũng thích chúng. Ông già nói. Và ở đây, nhân vật đã tìm thấy hạnh phúc của mình như Robert Intersoll từng phát biểu: Con đường đạt tới hạnh phúc là làm cho người khác hạnh phúc.
Câu chuyện này đã gây được sự chú ý đặc biệt của Baddi. Và con đường mà ông già đã đưa Baddi đi ngược lại hẳn với hành trình mà Baddi đã đưa cậu bé người lính lúc trước. Họ đã xuất phát từ sa mạc khô cằn đến thành phố tấp nập, nơi con người đang hoạt động, đang chơi đùa, tập thể thao…Khuôn hình thay đổi cũng đã làm giãn căng thẳng tiết tấu của bộ phim mà người xem đã theo dõi từ đầu cuộc hành trình. Tuy nhiên, nhân vật chính vẫn không thay đổi ý định. Sự thay đổi có chăng chỉ là lời đề nghị lần này xuất phát từ lời nói ông già chứ không phải như hai lần trước. Ông già nói bằng một niềm tin chắc chắn: Sáng mai, lúc bình minh, tôi đến và gọi hai lần…Anh sẽ trả lời. Sau đó, tôi kéo anh lên giúp anh ra khỏi đó. Rõ ràng ở đây ông già đã cảm nhận được sự thay đổi của Baddi qua câu chuyện mà mình vừa kể. Mà kể cả nếu Baddi không thay đổi thì ông già vẫn đến với Baddi bằng cả tấm lòng của mình: Tôi sẽ làm những gì anh yêu cầu tôi làm, anh đừng lo. Không biết có phải đây là lần đầu tiên Baddi tìm thấy trên con đường của mình người bạn đồng hành thế này không nhưng sau khi chia tay ông già, Baddi đã thay đổi. Ông hướng ánh nhìn của mình khắp nơi, tìm trong cuộc sống những điều nhỏ nhặt nhất mà ông chưa bao giờ để ý đến. Ông nhìn thấy niềm hạnh phúc của đôi trai gái mà ông chụp hình giúp, của đôi vợ chồng già trong công viên buổi chiều, của bóng hoàng hôn…Ông nhận ra tất cả những vẻ đẹp giản dị nhất của cuộc sống mà ông chưa từng được biết đến như Alfred Wainwright đã viết
Vẻ đẹp ở khắp mọi nơi: Trong cánh hoa cúc bé nhỏ,
Trong những đám mây, trong tia nắng lunh linh giữa rừng
Có những điều huyền diệu trong sự tái sinh,
Hoàng hôn báo hiệu một ngày sắp chấm dứt,
Và bình minh chào đón sự khởi đầu của một ngày mới…
Chúng ta đang sống trong một thế giới kỳ diệu,
Và hãy tận hưởng nó như một tặng phẩm.
Bạn không cần có tiền trong túi
Khi đi qua một cánh đồng đầy hoa dại
Hay một bãi cỏ hoang.
Chúng ta có vô vàn phúc lành.”
Và Baddi đã tìm mọi cách gặp ông già ở viện bảo tàng để mong ông ngày mai sẽ đến gọi mình dậy. Qua cách nói của Baddi, chúng ta nhận thấy ông ta đã từ bỏ ý định tự tử: Khi đến buổi sáng, mang hai viên đá nhỏ và ném chúng vào tôi. Tôi chỉ buồn ngủ nhưng tôi vẫn sống. Quả thực, Baddi đã đi đến chiếc hố để nằm, để thử chạm đến cái chết nhưng ông không uống thuốc ngủ vì ông không thực sự muốn chết. Ông vẫn hy vọng ông già sẽ đến gọi mình dậy để cảm thấy được chia sẻ, để cảm thấy bớt cô đơn.
Và khi Baddi nằm gọn trong hố, khuôn hình hiện lên là ánh trăng mờ ẩn trong mây, âm thanh ngoài hình là tiếng chó sủa, tiếng mưa…Tất cả những điều đó là hương vị của anh đào, hương vị cuộc sống mà chúng ta quên lãng. Đến đây không cần có sự xuất hiện của ông già, người xem cũng có thể suy đoán và mỗi người có thể có sự suy ngẫm riêng của chính mình về triết lý cuộc sống mà Baddi đã gửi gắm. Sự đau đớn của bản thân chỉ chấm dứt khi chúng ta biết hòa mình vào cuộc sống. Nếu chúng ta biết yêu quý cuộc sống, biết yêu quý thưởng thức vẻ đẹp của tự nhiên, vẻ đẹp của vầng trăng, của cơn mưa thì sa mạc đầy cát cũng có thể biến thành ốc đảo đầy cây xanh như ý nghĩa của cái kết bộ phim.
Có thể thấy, bộ phim có một cốt truyện đơn giản nhưng tựa trên một tình huống đặc biệt đã khiến cho câu chuyện phim trở nên hết sức hấp dẫn. Phim có tiết tấu đều đều trên một chặng đường dài mà ở đó người ta chỉ thấy một người đàn ông với nỗi đau đớn tột cùng. Kết thúc của bộ phim được giấu kín nhưng người ta vẫn có thể ngầm hiểu rằng, cuối cùng, Baddi đã tìm thấy được mùi hương ngọt ngào của cuộc sống như Martin Luther King đã viết: Đôi lúc cuộc sống thật khắc nghiệt, rắn như thép đã tôi. Nó có những lúc ảm đạm và đau đớn. Như bất cứ một dòng chảy nào của một con sông, cuộc sống có những lúc khô cạn và những khi triều cường. Cũng như sự thay đổi theo chu kỳ từ trước đến nay của các mùa, cuộc sống có cái ấm áp dễ chịu của những mùa hè và cái rét buốt của những mùa đông…Nhưng chúng ta có thể tự nâng mình lên khỏi nỗi chán chường và tuyệt vọng, vươn đến sự vui vẻ của hy vọng và biến đổi các thung lũng hoang vắng, tăm tối thành những lối đi chan hoà ánh nắng của sự thanh bình sâu lắng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét