Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Pieta - Từ điêu khắc đến điện ảnh

"Tôi không nghĩ rằng bằng một bộ phim chúng ta có thể làm đổi thay thế giới. Những gì chúng ta có thể làm được là cung cấp thông tin, tạo ra những cảm xúc và thử tìm một chỗ đứng trong cuộc tranh luận tư tưởng hệ". (Kenneth Loach)
Năm 1499, chàng thanh niên 25 tuổi Michelangelo khiến thành Roma phải kinh ngạc khi cho ra mắt tác phẩm điêu khắc Pieta bằng đá cẩm thạch trắng với kích cỡ người thật để dựng lại một câu chuyện trong kinh Thánh. Đức Mẹ Maria mắt nhắm nghiền ôm lấy Chúa Jesus sau khi người bị hành hình khiến người xem có cảm giác khác về hình ảnh Người mẹ trong tác phẩm này. Với bàn tay rộng mở và tư thế ngồi vững chãi, Chúa Jesus đã được bình an trong lòng mẹ. Khuôn mặt Đức Mẹ được khắc họa rất tinh tế. Đó không còn là vẻ hiền lành, dịu dàng mà chúng ta thường nhìn thấy trong các bức họa của Leonardo da Vinci mà là sự đau đớn chìm ngấm vào bên trong để lộ vẻ nghiêm nghị, lạnh lùng, lạnh lùng đến đáng sợ. Chẳng ai biết người mẹ đang toan tính điều gì với những kẻ đã ra tay với con mình, chỉ biết rằng, sức mạnh trong hình ảnh mà Michelangelo tạo ra có sức mạnh gấp hàng nghìn lời nói và rồi sau hơn 500 năm sau, người mẹ ấy đã đứng lên đi đòi lại công lý cho con trai mình trong một hình thức khác nhưng cũng khiến công chúng đương thời cũng kinh ngạc không kém Michelangelo, đó là Pieta của đạo diễn tài ba người Hàn Quốc, Kim Ki Duk.

Khi nói đến Hàn Quốc, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những hình ảnh đẹp lung linh trong các bộ phim truyền hình, có nắng, có gió, có tuyết, có lá thu rơi...Và trong những bộ phim ấy bao giờ cũng có những câu chuyện cổ tích thời hiện đại, những cô gái tốt bụng tuyệt vời gặp được những chàng trai hào hoa, chung tình...Dù kết phim là ung thư, là cái chết của những chàng trai chung tình cho người yêu mình được sống thì vẫn làm người xem thỏa mãn, thỏa mãn vì những điều họ ước ao tìm thấy trong thực tế. Thế nhưng đó có phải thực sự là những gì về đất nước Hàn Quốc mà chúng ta biết không khi mà hàng ngày trên báo chí đầy rẫy những người Hàn Quốc mắc bệnh trầm cảm và phải tìm đến cái chết. Cuộc sống của họ như thế nào mà khiến cái chết của họ nhẹ nhàng hơn sự sống đến vậy? Vì sao họ sợ sống đến vậy? Nếu bạn muốn biết đâu là nguyên nhân của vấn đề này thì hãy thoát khỏi những ảo tưởng của bộ phim truyền hình, thoát khỏi những chuyện tình đẹp lung linh mà hãy đi vào các công xưởng, các nhà máy, các khu lao động...nơi có những con người cùng khổ đang sinh sống, đang đối mặt với những tên chủ nợ luôn tìm mọi cách khiến họ phải trở thành người tàn phế suốt đời để hưởng những đồng bảo hiểm trong phim Kim Ki Duk. Nơi đó, bạn sẽ có câu trả lời.
Nếu bạn cho rằng Pieta là bộ phim "bệnh bệnh" theo kiểu Kim Ki Duk, kịch bản phim, diễn xuất của diễn viên nghèo nàn đồng thời đây là bộ phim không có tính nhân văn, lòng từ bi lẫn niềm hy vọng khi căn cứ vào chi tiết người mẹ ăn thịt của Gang Do và bị cậu ta cưỡng bức thì thực sự bạn mới chỉ đứng bên ngoài nhìn vào những gì diễn ra trước màn hình chứ không phải thực sự xem phim và thấu hiểu. Với tôi, đây là bộ phim đáng xem nhất của Kim Ki Duk từ trước đến giờ bởi sự mạch lạc về câu chuyện, không lên gân, không biểu tượng hóa nhiều và rất chặt chẽ về mặt cấu trúc kịch bản, rất đắt về mặt hình ảnh nhưng vẫn giữ được phong cách làm phim thường thấy của Kim Ki Duk. Nhân vật Gang Do trong phim rõ ràng có sự thay đổi cực kỳ mạnh mẽ khi từ một tên "quỷ dữ" chỉ biết làm mọi thứ vì đồng tiền đã trở thành một người có trái tim, biết giúp đỡ người khác và đặc biệt yêu thương với người mà hắn nghĩ là mẹ mình. Còn nhân vật Mi Son thực sự đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi cải biên hình ảnh từ Đức Mẹ Maria của Chúa Jesus thành người mẹ của những con người khốn khổ. Sự chủ động, mạnh mẽ và tình yêu thương con mãnh liệt đã biến bà trở thành tượng đài về người mẹ vĩ đại trên màn ảnh. Ở bà luôn có sự biến hóa đa dạng, lúc thì dữ dội, lúc thì trầm lắng, lúc thì bí ẩn, lúc thì dịu dàng và trên hết, bà chủ động làm đạo diễn và diễn viên của tất cả mọi tình huống trong phim. Để tiếp cận được kẻ thù của con trai, bà phải biến mình thành một người mạnh mẽ, hung dữ và có phần độc ác vì như thế, một con quỷ dữ như Gang Do mới có thể tin bà là mẹ mình. Hai chi tiết đắt nhất trong phim là Gang Do tự cắt thịt của mình đưa cho Mi Son ăn và sau đó, bà bị hắn ta cưỡng bức. Đây là hai thử thách cực kỳ quan trọng bởi nếu không vượt qua được, Mi Son sẽ chẳng thể lấy được niềm tin của Gang Do. Chính vì vậy, bà đã nén lại tất cả sự ghê tởm của việc ăn thịt người và bị làm nhục để đạt được mục đích. Một người mẹ vì con có thể làm tất cả, bất chấp tất cả chính là tính nhân văn của bộ phim. Và sẽ không có tính nhân văn nếu như Mi Son không lén thả con thỏ tội nghiệp ra ngoài, không ngăn cản Gang Do đuổi theo giết người mà hắn ta vừa phóng dao...Rõ ràng ở Mi Son, nhà làm phim đã xây dựng về một nhân vật đa cảm xúc, đa sắc màu và dù mạnh mẽ đến thế nào thì cũng có những khoảng lặng, yếu mềm đến đáng sợ. Đó là khoảnh khắc bà ngồi đan cho con mình chiếc áo nhân ngày sinh nhật, đó là khoảnh khắc khóc nức nở khi mang áo đến mặc cho con và đó còn là khoảnh khắc nghẹn ngào khi cất tiếng hát ru con bằng một ca khúc dân gian Hàn Quốc. Không chỉ trả thù mình Gang Do mà bà còn mang theo gông cùm đến tìm tên chủ của hắn để gây sự hiểu nhầm và tự tay giết chết hắn. Sau khi hoàn thành tất cả mọi nhiệm vụ, bà mới tìm đến cái chết để mãi mãi nằm lại với đứa con thân yêu của mình. Tuy nhiên, trước khi tìm đến cái chết, lòng từ bi trắc ẩn của bà đối với Gang Do lại khiến bà dường như quên đi mọi thù hận. Trong lòng bà, Gang Do trở thành một người đáng thương vì hắn ta là người lớn lên mà không có tình thương của bố mẹ. Cứ mỗi lần đi tìm mẹ, câu trả lời mà hắn nhận lại được luôn luôn là câu hỏi đầy đau đớn: "Mày cũng có mẹ à?". Do đó, Gang Do ngẫm cho cùng cũng chỉ là tay sai, là nạn nhân của chế độ đồng tiền chà đạp lên con người. Và chính tình yêu thương của người con dành cho mẹ của Gang Do cũng khiến Mi Son bị lay động. Đây là tình huống bà không thể ngờ trong kịch bản do mình dựng sẵn. Vì vậy, điều lớn lao hơn mà Mi Son làm được trong việc trả thù không phải khiến kẻ thù nếm trải cảm giác mất đi người thân hay cũng chết đau đớn như cách mà hắn gây ra cho người khác mà là cảm hóa được phần người còn sót lại của hắn. Như thế, Mi Son không chỉ là mẹ của Sang Go, một người lao động khốn khổ đã tự tử vì không có 30.000Won để trả mà còn là mẹ của Gang Do hay là mẹ của bất kỳ những con người khốn khổ nào trong xã hội đồng tiền Hàn Quốc. Thành công của Kim Ki Duk trong việc xây dựng hình ảnh người mẹ trong phim này chính là chuyển được thần thái từ bức tượng của Michelangelo sang điện ảnh. Có người mẹ nào vĩ đại như Mi Son trong bộ phim này nữa? Kim Ki Duk đã đưa ra rất nhiều hình ảnh về người mẹ khác trong phim để người xem có thể so sánh và rõ ràng Mi Son nổi bật hơn cả bởi thay vì đau đớn, khóc lóc hay là gánh nặng cho con trai thì bà đã đứng lên đi trả thù. Và còn một điều thú vị nữa là, so với những bà mẹ khác, Mi Son trẻ trung, quyến rũ hơn nhiều. Liệu đây có phải là lựa chọn sai lầm của Kim Ki Duk?
Min-soo Jo ngoài đời sinh năm 1965 và chỉ lớn hơn diễn viên Jeong-jin Lee 13 tuổi. Không chỉ có sự khoảng cách nhỏ về tuổi tác mà ở trong phim, Min-soo Jo cũng không được hóa trang để trông già thêm, chính điều này đã tạo ra sự hấp dẫn về mặt hình ảnh. Quay lại bức tượng Pieta của Michelangelo, người ta cũng sẽ tìm thấy ở đó một người mẹ với những đường nét trẻ trung như thể thời gian chẳng hề bám trụ trên vẻ thanh xuân ấy. Chính bản thân nhà điêu khắc tài ba này đã cho rằng: "một phụ nữ càng trong trắng bao nhiêu thì càng trẻ mãi bấy nhiêu". Do đó, lựa chọn Min-soo Jo cho vai người mẹ là sự sáng suốt của Kim Ki Duk và chính diễn xuất tuyệt vời của bà đã mang về giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên Hoan Phim Châu Á Thái Bình Dương vừa rồi.
Về mặt kịch bản, Pieta đã có cốt truyện chính và cốt truyện phụ rõ ràng. Cốt truyện phụ của bộ phim chính là câu chuyện về xã hội đồng tiền Hàn Quốc. Trên đường Gang Do đi đòi nợ hay trên đường hắn ta đi tìm mẹ, cuộc sống của những người dân lao động nghèo ở Hàn Quốc được biểu hiện. Trong phim này, người xem ít khi được nhìn thấy những cảnh quay đẹp lung linh ngoài trời mà chỉ toàn chứng kiến những cảnh nhà máy ngột ngạt, khó thở với sự chuyển động của các động cơ, máy cưa, máy cắt có thể đe dọa đến tính mạng và cơ thể con người bất kỳ lúc nào. Người lao động luôn đối mặt với hiểm nguy từ bọn chủ nợ lẫn chính công việc mà họ đang gánh vác. Rõ ràng, để nâng tầm cho tác phẩm nghệ thuật, bộ phim còn cần phải thể hiện được những vấn đề xã hội mà đạo diễn quan tâm, những góc khuất đen tối không được nhìn thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng hằng ngày và Kim Ki Duk đã làm được điều đó. Hơn 500 năm trước, Michelangelo dành 2 năm để tạo nên Pieta cũng không chỉ để ca ngợi tình mẫu tử mà còn lồng vào đó ý nghĩa xã hội. Năm 1494, có một vị tu sĩ đã lãnh đạo nhân dân xây dựng nhà nước kiểu công xã với nhiều chính sách ưu đãi dành cho người nghèo khi quân Pháp đánh vào Florence. Tuy nhiên, mô hình này bị thất bại và năm 1498, vị tu sĩ đã bị bắt hỏa thiêu. Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng, Michelangelo đã tạo ra Pieta để tưởng nhớ người con của nhân dân ấy.
Về phong cách, Kim Ki Duk vẫn có những biểu tượng quen thuộc nhưng không còn để chúng xuất hiện bằng cường độ dày đặc như các phim trước. Con lươn, con thỏ hay hình ảnh dữ dội "ăn thịt người" đều là những hình ảnh mang tính biểu tượng. Con lươn có thể là đại diện cho những bọn người như Gang Do và bọn chủ của hắn, những kẻ nấp dưới bùn và luồn lách ăn những đồng tiền bằng thủ đoạn bẩn thỉu. Do đó, hình ảnh chặt đầu lươn của Mi Son là một hình ảnh rất mạnh mẽ. Con thỏ có thể được xem là đại diện cho những người lao động nghèo khổ, nhút nhát. Đó là lý do tại sao Mi Son giải thoát cho nó và đó là lý do tại sao nó lại bị xe đụng chết. Những người lao động nghèo khổ có thể thoát khỏi bàn tay của kẻ chủ nợ này thì vẫn còn nhiều nguy hiểm khác đang rình rập phía trước và có thể chết bất kỳ lúc nào. Hình ảnh Mi Son ăn thịt Gang Do là khát khao cháy bỏng của những người nghèo khổ đối với những tên chủ nợ ham tiền. Sự tàn ác của bọn chúng khiến họ muốn "ăn tươi nuốt sống" nếu có thể.
Dù có ca ngợi Pieta đến thế nào cũng có thể nhận thấy được một số chỗ còn khiếm khuyết trong kịch bản. Dĩ nhiên, mỗi người đều có lý do khi xây dựng những chi tiết, tình tiết nào đó nhưng đôi khi sự chủ quan khiến những chi tiết, tình tiết đó không tạo được ấn tượng với người xem hoặc lệch tông so với những gì họ thể hiện trước đó. Nếu so sánh với bộ phim Amour đang làm mưa làm gió ở Liên Hoan Cannes trong năm 2012 thì rõ ràng Pieta có những hạn chế đó dù không nhiều. Điểm yếu của Pieta có lẽ là nằm ở phần gần cuối. Đó là sự xuất hiện đột ngột của mẹ người thanh niên bị Gang Do làm cho tàn tật khi Mi Son chuẩn bị tự tử. Dĩ nhiên bà ấy không phải là người đẩy Mi Son  xuống nhưng bà ấy sẽ bị ám ảnh như thể mình là người đã phạm tội giết người. Lý do Kim Ki Duk đưa bà ấy đến đây có thể vì mong muốn đòi lại sự công bằng cho chính các nạn nhân của Gang Do nhưng như thế sẽ không hợp logic với những tình tiết trước đó. Hơn nữa, cuộc sống này vốn đã không công bằng nên đạo diễn cũng không cần phải đi đòi công bằng cho các nhân vật. Nhân vật Mi Son của Kim Ki Duk cũng sẽ hoàn hảo hơn nếu bà ấy không tự mình nói lý do tự tử mà để người xem phải tự lý giải: như thế sẽ sắc nét hơn và ám ảnh hơn bởi như Tasheki Kitano đã từng nói: "Điện ảnh đã có từ 100 năm, người xem đã có kinh nghiệm hình dung những gì phim không chỉ ra. Tôi không muốn cho khán giả những lời chỉ dẫn, họ có thể tự suy nghĩ mọi điều".
Có thể thấy, ngoài văn học, điện ảnh còn sử dụng rất nhiều loại hình nghệ thuật khác để cải biên hoặc tạo cảm hứng sáng tác và so với nhiều tác phẩm điện ảnh như thế trong thời gian gần đây như: "The Mill and The Cross", "Midnight in Paris"...thì Pieta là một thành công rất lớn của Kim Ki Duk ở cả nội dung lẫn tạo hình nhân vật. Sự mạnh mẽ của nhân vật lẫn hình ảnh trong phim có thể đem đến cho người xem những ấn tượng khó phai nhòa dù chỉ xem một lần duy nhất và vẫn đủ hấp dẫn để thôi thúc họ xem đi xem lại nhiều lần.

4 nhận xét:

  1. Trước giờ, chị chỉ chú ý bức Pieta của Michelangelo ở chỗ khuôn mặt Đức mẹ trẻ một cách bất thường.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Ổng" cố tình đó chị ơi. Em học lịch sử nghệ thuật thấy bảo vậy, hihi.

      Xóa
  2. Chị có thể cho em share bài review của chị lên page facebook Hội nghiện điện ảnh đc ko ? em thấy bài review rất hay và cần đuộc chia sẽ rộng rãi cho mọi người cùng đọc :D

    Trả lờiXóa
  3. Ok em, chỉ cần để nguồn là được em à.

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...