Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Bốn mùa, trời và đất

Thật tuyệt khi nằm giữa sàn nhà vào một đêm hè, nhấm nháp tách café bên cạnh và thả lỏng nhịp thở theo: Bốn mùa trời và đất của Marai Sandor, một người bạn của tôi đã nhận xét như vậy.
Bốn mùa, trời và đất là tập tản văn gồm có hai phần chính: Bốn mùa (được hoàn thành năm 1938), Trời và đất (được hoàn thành năm 1942). Mỗi phần là những cảm nhận vô cùng tinh tế của tác giả cho tất cả những vấn đề trong cuộc sống, những vấn đề gần và xa chúng ta.
Bốn mùa có mười hai tháng, điều này ai cũng biết nhưng không phải ai cũng có thể đọc được những bức thông điệp từ mười hai tháng bằng những hình ảnh chân thực và giản dị. Vậy mà Marai Sandor đã làm được điều đó. Hãy thử đọc một đoạn ông viết về một trong mười hai tháng sẽ rõ. Tháng tư là mùa củ cải và hành non, cũng như tháng Bảy là mùa hoa hồng và tháng Mười hai là mùa văn chương vậy. Mùa củ cải cũng đầy thi hứng và vui như ngày hội. Mấy ngày đầu tháng tư này là như thế. Những câu văn được viết ra nhẹ nhàng như hơi thở nhưng đọng lại trong tâm trí người đọc những tình cảm thật ngọt ngào và sâu sắc. Cái hay của tác giả chính là khéo léo khơi gợi sự đồng cảm của độc giả.
Bạn sinh vào tháng hai, tháng tư, tháng sáu hay bất kỳ một tháng nào đó trong năm…? Hãy lật Bốn mùa, trời và đất xem Sandor đã viết gì cho khoảng thời gian mà bạn chào đời hay ít ra bạn sẽ thấy mình hiển hiện đâu đó trong những tháng năm đi ra từ những câu văn của tác giả: Ta ngồi như thế vào rạng sáng tháng Hai, buồn tẻ nhìn những móng tay tím tái. Kho dự trữ đồ ăn vào cuối thu ta lo xa chất đầy giờ đã cạn; hoa quả ngâm và sườn hun khói đã ăn hết, dưa bắp cải chua cũng gần sạch. Và trái ngược với mùa đông lạnh lẽo của tháng Hai sẽ là cái nóng bức của tháng Bảy khiến cho tác giả không thể làm việc được. Buổi sáng, ngay từ lúc mới thức dậy đã thấy trong không khí có gì đó như điềm dữ. (…) Năm giờ, tôi trở vào phòng, đóng cửa sổ. Là nhà văn tôi cần có một không gian nhân tạo để làm việc. Không thể ra bể tắm tháng bảy và viết. Không thể khật khưỡng dưới nắng nóng trên các quảng trường công cộng, mồ hôi chảy nhễ nhại và viết. Viết không phải là một nghề tự nhiên. Sandor cũng dành hẳn một mục riêng để bàn luận về vấn đề viết. Hãy đến thật gần điều anh định nói. Hãy nhìn thật gần, từ mọi phía. Hãy cầm lên, xem xét bằng kính lúp, ngửi, nếm, sờ nắn. Và khi đã biết tất cả về nó, hãy quẳng đi và quên nó đi. Sau đó mơ về nó. Và rồi viết về nó. (…) Mỗi ngày đều viết. Suy nghĩ thật tận tụy nhưng viết thật cao sang. Nếu ai đã, đang và sẽ cầm viết, hãy làm theo cách Sandor đã chỉ dẫn. Tôi tin chắc là ông đã đúng khi nói về vấn đề này.
Không chỉ bàn luận về mười hai tháng mà trong mỗi tháng, những sự kiện, những đức tính con người, những cách ứng xử giữa người với người, những địa danh, sự vật, hiện tượng…cũng được tác giả bàn đến. Đó là: gặp gỡ, phản kháng, tụng ca, tuổi trẻ, dịu dàng, tỉnh giấc, về quê, trên núi, người chết, sự sinh nở, tự vệ…Trong những vấn đề nêu ra ở trên, có lẽ vấn đề được nhiều người quan tâm nhất chính là tình yêu. Ở đây, Sandor đã có sự liên tưởng cực kỳ thú vị: Trong tình yêu, việc hành xử “tự nhiên” cũng khó khăn chẳng khác gì trong nghệ thuật. Cảm xúc và khao khát chỉ lên tiếng trong những ngôn ngữ hình thức nhất định. Liệu đã có ai nhìn nhận về tình yêu theo cách của Marai?
Bên cạnh tài quan sát, sự trải nghiệm và khả năng cảm nhận vấn đề, Sandor còn chứng tỏ mình là người đọc nhiều và có sự đánh giá sắc bén. Trong tác phẩm này, có hàng trăm nhà văn, nghệ sĩ được nhắc đến bằng những câu văn ngắn gọn nhưng chân dung của từng người lại được khắc họa cực kỳ rõ ràng. Bạn yêu thích nhà văn nào, hãy đọc xem Marai đã viết gì về họ. Cách khắc họa chân dung thường thấy và rõ ràng nhất trong tác phẩm này chính là sự so sánh phong cách của người này với người khác để sau mỗi sự so sánh sẽ cho ta thấy nhiều điểm thú vị mà ta chưa từng nghĩ đến về những nhà văn đó. Về Virginia Woolf, ông viết: Đó là người phụ nữ duy nhất trong văn học thế giới đã làm nổi điều không thể làm: giữ lại thời gian. Điều mà Proust không làm nổi, Joyce đã thử nghiệm không thành. Đi tìm thời gian đã mất và Ulysses là những tuyệt tác, nhưng là những tuyệt phẩm bệnh hoạn và méo mó, cả hai đều là sự nảy nở khôn cùng. Nhưng Virginia Woolf đã viết một cuốn sách, trong đó bà thâu tóm thời gian, làm chủ những chiều kích của nó: trong đó có “tất cả”, và bên cạnh đó lại rất cân đối, hài hòa. Nhà văn không thể làm hơn thế. Quả thật, điểm nhìn này rất độc đáo.   
Tóm lại, bạn thấy mình còn thiếu gì trong những chặng đường đã đi qua? Bạn thấy mình còn khiếm khuyết chỗ nào, còn có điều gì chưa biết, chưa thật sự hiểu về cuộc sống? Hãy đọc và cảm nhận Bốn mùa, trời và đất, quyển sách xứng đáng làm người bạn đồng hành cùng bạn trên hành trình còn lại của cuộc đời.

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Thêu tên anh trên chiếc lá

Đã từ lâu, chiếc lá đi vào văn học như những biểu tượng đẹp. Chiếc lá trong tác phẩm của O.Henry là biểu tượng cho sự vĩnh cửu của tình người, mãi mãi còn lại với thời gian. Ở phương Đông, chiếc lá là cầu nối cho những trái tim yêu thương. Câu chuyện nàng cung nữ Thiên Bảo và chàng thi sĩ Cố Huống nên duyên vợ chồng nhờ những bài thơ trên chiếc lá ngô đồng gửi theo dòng suối đã minh chứng cho điều đó:
Cựu sủng bi sầu phiến,
Tân ân ký tảo xuân.
Liêu đề nhất phiến diệp,
Tương ký tiếp lưu nhân.
(Yêu thương xưa, buồn bã khép lại sau cánh cửa của mùa thu.
Ân sủng mới, xin ký thác vào mùa xuân sắp đến.
Lơ đãng đề thơ vào phiến lá,
(Mong) sẽ gửi tới người đón được dòng trôi)

Thế nhưng ở đây, em không biết và thực sự không biết chiếc lá có thêu tên một người có ý nghĩa gì không bởi với em mọi ý nghĩa chỉ tồn tại khi nó có ý nghĩa với người nhận. Đôi khi nó có thể là sự phiền phức, sự khó xử, sự khó chịu...Tuyệt đối, em không thể biết.
Thực ra, khi thêu tên người nào đó, chắc chắn tên của người đó phải viết bằng chữ Hán bởi như thế nó mới có duy nhất một nghĩa và sẽ không bị xuyên tạc như khi nghe tên phiên âm. Ví dụ như: chữ Vũ khi phiên âm ra Hán Việt nó sẽ có vô số nghĩa: mưa, võ thuật, quân sự, lông chim,…nhưng trong tiếng Hán, nếu bạn viết là: thì nó chỉ có duy nhất nghĩa là: mưa thôi. Tuy nhiên, ngay cả tên em viết bằng chữ Hán như thế nào em cũng đã quên mất khi quyết định từ bỏ khóa học tiếng Hoa vậy mà em lại có thể viết tên anh bằng chữ Hán rất rành rọt. Và từ lúc học thêu đến giờ, chưa bao giờ em thêu tên cho bất kỳ người nào, kể cả cho chính em.
Thứ hai, khi thêu, bao giờ em cũng phải phác họa hình ảnh của vật cần thêu lên mảnh vải trắng trước, nếu không sẽ khó mà thêu được. Vậy mà lúc thêu tên anh, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất em không vẽ, không tô bất cứ thứ gì, cứ mặc nhiên thêu theo cảm tính.
Thứ ba, thêu thùa là một công việc mà em đã bỏ từ rất lâu rồi, cách đây…10 năm cơ: vẫn còn để một bông hồng và một bông hoa cúc dang dở. Những sợi chỉ thêu óng ánh vẫn ngoan ngoãn nằm chờ trong một chiếc hộp nho nhỏ xinh xinh và đôi lúc em cũng cảm thấy khá ngạc nhiên vì độ bền bĩ của chúng. Lâu rồi mới lại cầm đến chỉ thêu, cây kim nhưng em không cảm thấy khó khăn. Có lẽ khi làm một công việc yêu thích thì những khó khăn hay mệt mỏi đều không là gì cả. Em biết, dù anh thích hay không thích thì em sẽ chỉ thêu một lần này thôi và cũng không thêu bất cứ tên người nào khác trên chiếc lá nữa. Em không muốn một ai đó cảm thấy mình lạc lõng khi ở trong số đông hay “mình như bao người khác”. Với em, mỗi người đều có một ý nghĩa riêng và họ là những người không thể lẫn vào người khác trong lòng mình. Đó là lý do tại sao em không bao giờ nhắn tin chúc mừng ngày lễ tết cho hàng loạt người hay nhắn tin cùng một nội dung thăm hỏi cho nhiều người ngoại trừ tin nhắn thông báo học tập cho cả lớp. Thậm chí, em cũng không hay trả lời những tin nhắn kiểu như vậy ngoại trừ lời cảm ơn cho những tin nhắn thông báo hay email công việc.
Chiếc lá không tên kia giờ đã mang tên anh bằng những đường chỉ thêu vụng về. Cho em đọc lại bài thơ: Những chiếc lá bay đi của Nicolai Mikhailovich Rubtsov anh nhé bởi em mong rằng, chiếc lá được làm nên từ chính đôi tay mình sẽ còn ở lại mãi bên anh:
Những chiếc lá bay đi
(Nicolai Mikhailovich Rubtsov, Nguyễn Xuân Thư dịch)
Từ hàng dương bay đi từng chiếc lá
Điều hiển nhiên vẫn lặp lại trong đời
Đừng thương tiếc lá làm chi, em ạ
Mà hãy thương hiền dịu mối tình tôi!


Em cứ để mặc hàng cây trần trụi
Bão tuyết gào, em trách bão mà chi!
Bởi ở đây không ai người có lỗi
Khi lìa cành những chiếc lá bay đi.

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

Thư ký trường quay – một công việc không đơn độc


Cẩm nang thư ký trường quay của Pat P.Miller viết: “Những phần việc sản xuất khác luôn luôn có một người chính và vài người phụ việc, nhưng chỉ độc nhất một thư ký trường quay. Vị trí của bạn hoàn toàn độc lập và riêng biệt – bạn là một bộ phận sản xuất nhưng độc nhất chỉ mình bạn – nếu bạn bị bệnh hay bị một vấn đề nào đó trong lúc phim đang quay, không ai trong đoàn phim có thể gánh vác hoặc thay thế bạn – họ phải thuê một thư ký trường quay phụ khác”. Rõ ràng theo sự diễn giải của tác giả này, công việc của thư ký trường quay là một công việc đơn độc. Thế nhưng ở đây, trên phim trường K6, thư ký trường quay chưa bao giờ là một công việc đơn độc.
Lý do “vào nghề”
Mình nhận làm Thư ký trường quay (cụ thể là nhắm tới công việc này từ khi phim chưa khởi quay ) vì ba lý do. Thứ nhất, mình thích truyện” Chiếc áo khoác” của Gogol và đặc biệt yêu mến bác Akaky Akakievich Bashmachkin (cái tên dài loằng ngoằng), cái bác suốt ngày chỉ biết ghi ghi chép chép và yêu mến công việc của mình đến nỗi đi bất kỳ nơi đâu cũng nghĩ đến công việc. Ngay cả đi ngoài đường, bị con ngựa thở phì phò vào tai mà chẳng hề hay biết. Dĩ nhiên mình không giống bác ấy (nên mới hâm mộ) nhưng có vẻ như cái “nghiệp” thư ký cứ đeo bám mình suốt từ bé đến giờ. Mọi ngày nó chọn mình rồi thì giờ mình phải chọn nó chứ sao. Nói như triết học Mac-Lê nin thì mình là người có vận động đấy. Còn nói như trong sách “Nghệ thuật điện ảnh” thì đây là chi tiết lặp lại và phát triển.
Lý do thứ hai là ham muốn danh tiếng. Không hiểu sao tên tiếng Việt của công việc này lại là Thư ký trường quay, nghe như  cái người chỉ biết ai nói sao làm vậy, ghi ghi chép chép không chút sáng tạo và cũng không có quyền lên tiếng với bất kỳ người nào trong đoàn làm phim. Nghĩ lại, thấy công việc này giống như một cái máy camera chốn phim trường, cái máy ghi hình và âm thanh của đoàn làm phim không ngừng nghỉ. Đúng là thân phận “con sâu cái kiến”. Khổ nỗi, trong một dịp tình cờ, khi chưa hiểu Thư ký trường quay là làm gì, mình lại biết thuật ngữ Tiếng Anh của nó là: Script Supervisor (Giám sát kịch bản) hoặc Continuity Supervisor (Giám sát tính đồng bộ) và đặc biệt trong cuốn Cẩm nang Thư ký trường quay còn nhấn mạnh: “Giới điện ảnh trên thế giới chấp nhận cách gọi (không thích hợp) của người Mỹ: Giám sát kịch bản (Script Supervisor) – thay vì cách gọi (thích hợp hơn) của người Anh: Tính đồng bộ. Và ước muốn của tôi là khi bạn, các độc giả, hiểu được chuyên môn của nghề nghiệp phức tạp này, bạn sẽ yêu cầu tên bạn hiện lên màn hình với hàng chữ: Giám sát tính đồng bộ (Continuity Supervisor). Thế là hiểu à thì ra mình có vai trò quan trọng ghê gớm và có thể nói lại đạo diễn nếu quá trình quay có những vấn đề ảnh hưởng đến tính đồng bộ của bộ phim và kịch bản chứ chẳng chơi. Giám sát nghe cũng gần gần với giám đốc đấy nhé. Thế là nhất quyết phải giành công việc giám sát này về tay mình.
Lý do thứ ba là ham muốn quyền lực. Lớp mình có nhiều nhóm, nhiều vị trí và hầu hết các nhóm ấy, các vị trí ấy đều có hai người trở lên. Nếu xin vào thế nào cũng bị làm “nhân viên” ngay. Với “bản chất” ưa lãnh đạo, ham muốn quyền lực nên mình phải giành nhiệm vụ nào mà 100% phải là “trưởng nhóm” cơ dù nhóm đó chỉ có duy nhất một người.
Tóm lại cả ba lý do trên đều chịu ảnh hưởng nhiều từ cuốn “Cẩm nang thư ký trường quay”, cuốn sách được tặng nhân dịp 20 tháng 10 nên quyết định ứng dụng nó vào thực tiễn để khỏi “phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. Từ đó đến nay, ngót nghét đã 7 tháng, ước tính khoảng 200 ngày và có lẽ mình đã đọc đi đọc lại…200 lần. Nhờ đọc và thẩm thấu từng câu, từng chữ nên mới phát hiện ra nhiều điều thú vị trong đó, nhất là cái khoản: danh vọng, quyền lực. Nhờ vậy mình lại còn “giác ngộ” được: “Giá trị lớn nhất của sách là giúp ta hiểu được những điều mà…những người chưa bao giờ đọc nó sẽ không hiểu”.
Những ngày tiền kỳ
Dĩ nhiên, địa điểm tác nghiệp của Thư ký trường quay là trên phim trường. Thế nên những ngày đầu, khi phim chưa khởi quay, chưa có kịch bản và khi cả lớp đang có những cuộc tranh luận nảy lửa thì mình đành đi làm nhiệm vụ: giám sát tiền kỳ. Ngày nào cũng lên trường đúng giờ và ra về đúng thời gian cho phép (có thể là thời gian cho phép của bản thân) và hầu như chẳng làm gì ngoài lang thang đi “tám” với hết nhóm này đến nhóm khác. Cho đến một ngày, vui mừng vì nhận chức danh hỗ trợ nhóm Casting dù đánh máy chẳng nhanh gì cho lắm. Khi bạn đòi lại công việc thì lại tiếp tục lên tiếng: “Thôi, mình đánh máy nhanh lắm” (Mặc dù liên tục quay sang giải thích với người khác là: “Ời, tại cái máy này không phải của mình nên đánh không quen tay”). Kết thúc ngày làm đầu tiên đầy thành công với chức danh hỗ trợ nhóm Casting, các nhà sản xuất liền nhớ đến và tiến cử ngay chức danh khác: Hỗ trợ nhóm Thiết kế bối cảnh, đạo cụ cho ngày hôm sau. Thế là lại có thêm một ngày lăng xăng với đạo cụ, thiết kế dù công việc chính vẫn là đến “tám” và cổ vũ các bạn làm việc.
Vui buồn chốn…sa trường (à quên)…phim trường
Đi làm phim, mong muốn lớn nhất là được vào hiện trường xem mọi người làm việc, đóng phim. Đây cũng là một lý do nữa mà mình chọn công việc này. Ngày đầu tiên làm việc cũng có vẻ căng thẳng vì vừa phải giữ monitor, vừa phải ghi chép lời đạo diễn, vừa phối hợp với AD để đồng bộ clap và bản ghi rồi vừa phải giữ raccord…Thế nên ngay khi gặp diễn viên là phải ghi ghi chép chép cẩn thận: “Ông cậu bé: mặc áo trắng, quần đen, mang giày đen, đeo kính, tóc bạc 100% (vì biết đâu sau buổi đóng phim đầu tiên bác đi nhuộm đen thì sao)...” Đấy, thế mà hôm sau vẫn có người cãi mình về tạo hình của nhân vật ông khách: “Hình như tóc bác diễn viên hôm trước đen hơn thì phải”. Ngay lập tức, mình trình ra bằng chứng bằng câu chữ ghi ngày, tháng, năm và những bức ảnh không sai vào đâu được khiến người kia đành im hơi lặng tiếng. Giữ raccord đúng là có nhiều cái hay ho lắm. Chẳng hạn như ngay khi mọi người dàn cảnh, bày biện và chuẩn bị bấm máy mình có thể chạy lại bảo: cái này sai raccord rồi. Nếu không “ăn gian” được, đạo diễn đành phải cho bố trí cảnh lại trong khi mình thì tự hào vì “ra oai” được cả với đạo diễn.
Có một câu nói mình rất thích là: “Trên đời này không ai hoàn hảo cả” hay “đã là con người thì phải mắc sai lầm”. Thế nên mình cũng có những sai lầm nhất định là điều vô cùng hợp với lẽ tự nhiên. Sự cố ấn tượng nhất là raccord “Đôi kính của bác diễn viên già”. Bác diễn viên đóng vai ông cậu bé trong bản ghi chép của mình là đeo kính nên trong lúc bác diễn mình cũng chẳng thèm quan tâm bác có đeo kính không. Người đã quen đeo kính như thế, khi diễn tháo kính ra thì làm sao mà diễn được. Thế nên tất cả mọi người chỉ quan sát diễn xuất của bác, quan sát bác đội mũ, đội nón ra sao, bước chân phải hay chân trái vào nhà trước chứ chẳng ai chịu quan sát đôi kính xinh xắn ấy. Vậy mà đột nhiên, sau khi ngừng một cảnh quay, bác thấy em nữ đạo diễn Thu Hương chăm chú ăn dưa hấu đã ân cần chạy đến thăm hỏi: Này, bác không đeo kính vẫn thấy là cô chăm chỉ ăn uống lắm đấy nhé. Mình tá hỏa: Hả, bác không đeo kính??? Thế là bảo đạo diễn cho diễn lại cảnh vừa rồi mà cả đoàn chẳng ai biết tất cả những cảnh trước bác diễn có đeo kính không. Dù sao, đôi khi ăn uống trong đoàn làm phim lại trở thành cứu cánh cho raccord.
Nói chung, tất cả các vị trí trên trường quay như đạo diễn, AD, diễn viên, đạo cụ, quay phim… đều rất mệt nhưng có người thay ra thay vào. Còn mình chỉ có  một mình nên cứ thế mà đứng hết góc này đến góc khác đâm ra buồn ngủ. Đây là lý do duy nhất mình được Producers ưu ái: Này, cầm cốc café lên cho LN nhé, nó mà ngủ thì sai raccord hết bây giờ. Một Producer phát biểu. Được nước lấn tới, mình lại tiếp tục làm nũng Producers để đòi thêm không biết bao nhiêu cốc café nữa. Giờ đây, cứ mỗi lần pha café uống lại nhớ tới các Producers nhà mình.
Vậy là đã kết thúc hai ngày làm phim nhưng  mình cảm thấy nó cứ ngắn ngủi sao sao ấy. Chắc tại cảm giác “lâng lâng” khi được chăm sóc trên phim trường còn quá ít nên hy vọng sau này sẽ có cơ hội làm Thư ký trường quay nữa nhưng không hy vọng sẽ “sáng tác” những con số và ký hiệu cho các scene, các shot như lần này. Trong “lý lịch khoa học” của mình từ giờ trở đi, à không, trong “hồ sơ xin việc” (nếu có) đã có thể ghi thêm kinh nghiệm là Thư ký trường quay được rồi. Ai có nhu cầu thì xin liên hệ nhé…

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

...

Chập tối đi mua thùng giấy về đóng gói tất cả DVD và sách trong trạng thái không suy nghĩ: chỉ mong nhìn phòng ở được gọn gàng.
Đi ngang qua một nhà nào đó, vừa dọn lên bữa cơm tối, mùi canh nóng bay ra tận ngõ.
Lâu rồi mới bị mùi vị đánh thức tâm trạng.
Thèm những bữa cơm canh do người khác nấu hoặc chính mình nấu cho người khác.
Nhớ da diết những bữa cơm gia đình.
Liệu có phải mất CMND vô tình lại là giải pháp tốt nhất để về nhà ăn cơm mẹ nấu?
Những con tàu lăn bánh hàng ngày vẫn mang một tâm thế chờ đợi?
Những cơn gió nghịch mùa lại thổi về trong lòng Hà Nội...

A song... for a stormy night



Lần đầu tiên nghe Secret Garden hát bài này, mình bị chinh phục bởi ca từ và giai điệu của nó. Dù biết là “sến”, là không thực tế, là quá tuổi để ước mơ có một tình yêu thế này thì mình vẫn mong có một ngày nào đó, có một người con trai nào đó sẽ nói với mình những lời như vậy.^^ Cô bé trong Cánh buồm đỏ thắm chẳng phải còn ước mơ lớn hơn thế này sao. Thế mà vẫn có chàng trai sẵn sàng mua 2000 thước vải đỏ để đón cô đi trong sự ngỡ ngàng của hết thảy những người dân làng chài. Dĩ nhiên, không thể đánh đồng văn học với cuộc sống nhưng những cánh buồm đỏ thắm như thế sẽ khiến cho cuộc sống bớt ngột ngạt hơn, nên thơ hơn. Đi đến tận cùng của sự phức tạp trong cuộc sống, người ta lại khát khao trở về với những điều giản dị, chân thực nhất. Giống như trong “Lost in translation” hay “In the mood for love”, đi qua những thăng trầm trong tình yêu, đi qua những cung bậc khác nhau và đến cái đích cuối cùng của nó là tình dục (trong hôn nhân của các nhân vật) thì mọi người lại trở về một tình yêu trong sáng nhưng rất đỗi sâu sắc. Lúc đó, tình yêu lại trở về ý nghĩa nguyên thủy của nó. Có thể bạn sẽ tranh luận với tôi là: “Tại vì các nhân vật bị hạn định bởi quan niệm chung thủy trong hôn nhân nên họ không muốn vượt qua rào cản đó”. Tôi nói, nếu đã là phim thì đạo diễn sợ gì mà không thể cho nhân vật của mình vượt rào. Nhưng liệu khi nhân vật vượt rào rồi thì người xem có còn cảm xúc mạnh mẽ về nhân vật của họ như thế nữa không?

Chàng trai trong bài hát này chỉ sóng đôi cùng cô gái qua một đêm mưa bão nhưng ý nghĩa của nó lớn lao hơn rất nhiều. Sự che chở của chàng trai đã khiến cô gái cảm thấy yên bình đến mức chẳng còn biết gì đến cơn bão ngoài trời. Không chỉ có vậy, nếu trên đường đời cô gái phải trải qua nhiều giông bão thì tất cả cũng sẽ bị tình yêu này “đập tan”.  
Phải thú nhận là mình luôn bị đánh gục bởi những quan tâm bé nhỏ, bởi những điều chân thực và bởi một bờ vai nào đó khiến mình cảm thấy yên bình. Kiểu như, nếu có một ngày nào đó, bước sang xứ người vẫn mong nhận được những lời dễ thương thế này: Gửi em những ngôi sao trên cao, tặng em chiếc khăn gió ấm, để em thấy chẳng hề cô đơn, để em thấy mình gần bên nhau, để em vững tin vào tình yêu hai chúng ta. Rồi cơn mưa đêm qua đi, ngày mai lúc em thức giấc, nắng mai sẽ hôn lên môi em nụ hôn của anh ấm áp, và em hãy cười nhiều em nhé, vì em mãi là niềm hạnh phúc của anh mà thôi. Hic, sến không chịu được nhưng nếu kiểu nói sến này xuất phát từ tình cảm chân thực thì mình vẫn luôn luôn thích nghe. Thật đấy! :)

Một bài hát cho đêm giông bão
(Lời dịch)
Mưa đập mạnh vào cửa sổ phòng anh
Trong khi em đã nhẹ nhàng chìm vào giấc mộng
Và em không thể nghe gió lạnh đang thổi
Bởi em ngủ say lắm rồi

Bên ngoài trời thật tối vì trăng đã trốn đi đâu đó
Anh chỉ có thể nhìn thấy qua ánh sáng lấp lánh của các vì sao
Bóng đêm đen đang đến
Nhưng bên anh, em vẫn an toàn 

Dù cho cả thế giới đang đắm chìm trong giấc ngủ
Người người cuộn mình thật chặt trong chăn,
Thì anh vẫn sẽ thức trọn đêm để che chở cho em
Trong đêm mưa bão này.

Anh hứa sẽ luôn luôn yêu em  
Dù cho bầu trời xanh trong hay xám xịt
Anh thầm thì lời nguyện cầu bên tai em,
Rằng anh sẽ bên em mãi mãi 

Thỉnh thoảng chúng ta cũng như thời tiết
Thay đổi hết ngày này qua ngày khác
Miễn là chúng ta bên nhau
Mọi cơn bão rồi cũng sẽ qua 

Anh nói sẽ che chở và bảo vệ em
Giữ cho em tránh khỏi mọi tai họa
Và nếu khi nào cuộc đời chối bỏ em
Thì tình yêu này sẽ đập tan mọi cơn bão 

Một lát nữa anh biết em sẽ thức dậy
Hỏi rằng anh đã ngủ hay đã viết
Và anh sẽ chỉ nói anh đang sáng tác
Một bài hát cho đêm giông bão.

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

Happy Mother Day!^^


"Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con"
(Chế Lan Viên)
Ngày của mẹ, ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5. Dĩ nhiên là mình sẽ không biết ngày này nếu không có internet (dù đã từng một lần ra đề trong chương trình Rung chuông vàng) và mẹ mình thì lại càng không biết. Nhưng với mình, ngày nào cũng là ngày của mẹ :D.
Ngày của mẹ, xem lại bộ phim ngắn: "Bữa trưa trên thiên đường". Một phim ngắn cảm động của một cậu sinh viên Trung Quốc. Mẹ: "Khi nào mẹ được ăn bữa cơm do chính tay con trai mẹ nấu đây?" Cậu bé: "Mẹ, khi con đủ lớn con sẽ nấu ăn cho mẹ hàng ngày". Và cuối cùng cậu bé đã không có cơ hội nấu bữa trưa cho người mẹ của mình: "Khi bạn chờ tương lai đến, bạn sẽ mất nó vĩnh viễn". Bộ phim không chỉ đơn giản là tình cảm mẫu tử ấm áp mà còn dạy cho chúng ta cách trân trọng những phút giây hiện tại.
Ngày của mẹ, đọc một câu status dễ thương của bé Trân: "Hôm nay Má gọi điện, giọng vui vẻ "Má đọc gần hết cuốn Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới rồi, càng đọc càng thấy hay, đọc cho hết để còn đọc luận văn của con"... Ngoài thầy hướng dẫn và giáo viên phản biện, chắc Má là người thứ ba trên cuộc đời này muốn đọc và hiểu cái luận văn quằn quại toàn thuật ngữ của con" :X.
Ngày của mẹ, nhận ra nếu như mình trở nên vô nghĩa với tất cả mọi người thì cũng sẽ có ý nghĩa ít nhất đối với mẹ, với ba.
Ngày của mẹ, nhận ra mình luôn thích ăn những bữa cơm mẹ nấu dù mình cũng biết nấu ăn. (Mà cũng có thể mang tạp dề và ngồi xem mẹ nấu :D).
Ngày của mẹ, nhận ra dù cho mình lớn đến thế nào vẫn luôn có ánh mắt dõi theo của mẹ, lo lắng từng chút cho công việc, học tập và chuyện tình cảm của mình.
Ngày của mẹ, nhớ đến những trang nhật ký viết cho con của những người chị, người bạn, người em trên blog. Họ cho mình thấy một cảm giác thật tuyệt vời khi trở thành một người mẹ từ lúc mang thai đến khi sinh con. Vì thế người ta mới nói: "Thiên chức tuyệt vời nhất của người phụ nữ là làm mẹ". Cô T từng bảo rằng: "Khi sinh con ra rồi, nỗi nhớ con không còn đơn thuần như nỗi nhớ người mình yêu thương mà là nỗi nhớ đi ra từ chính cơ thể mình".
Ngày của mẹ, nhìn về tương lai, rồi mình cũng sẽ trở thành mẹ của các con mình. Mình băn khoăn không biết làm thế nào để trở thành một người mẹ tốt, chỉ biết rằng, mình sẽ thương yêu những đứa con bằng tất cả tấm lòng của một người mẹ.

Những ngày hè nóng nực

        (Ước chi mọi việc nhẹ nhàng như chú mèo đang nằm matxa này nhỉ :))
Sài Gòn nóng, Hà Nội cũng nóng nhưng không ước trời đổ mưa vì những lý do sau:
Thứ nhất, nếu trời nóng mà đổ mưa thì chắc chắn sẽ có sấm chớp. Cái này thì mình sợ chết khiếp kể cả người ta có nói: Trời đánh tránh bữa ăn cũng không dám vừa đi vừa ăn dưới trời mưa giông đâu.
Thứ hai, nếu trời đổ mưa thì đi học sẽ bị ướt. Mưa ướt người không quan trọng bằng ướt laptop. Nó mà đi thì mình cũng khó hát được câu: Của đi thay người vì bao nhiêu dữ liệu quan trọng trong đó.
Thứ ba, những ngày này lớp mình đang làm phim: nắng hay mưa cũng đều không tốt. Nhưng tốt nhất là nên mưa thì lòng người sẽ dịu đi hơn. Thương tất cả mọi người, mọi nhóm nhất là những ngày này, biên kịch phải làm cả thứ 7, chủ nhật với những tranh luận nảy lửa. Ai cũng mệt mỏi, bơ phờ và cái nóng còn làm tăng thêm điều đó. Mình thì sinh ra không phải làm việc nhóm vì khó mà sống sót sau những căng thẳng. Từ xưa đã thế. Cũng may, chỉ dám nhận một công việc đơn độc trong đoàn.
Đấy, nóng thế này thì chỉ ước được đi tắm thôi nhưng không phải tắm trong nước mát mà là tắm trong vui sướng hiện tại và những kỷ niệm xa tít tắp (câu này copy chứ không phải của mình). Dù sao, cũng mong những ngày nắng này qua mau, qua thật mau cho mưa về: cơn mưa bình yên, dịu mát, tắm táp cho những ngọn lửa lòng đang căng thẳng, dâng trào…hay nắng bớt đi hơi nóng để những ngày làm phim trôi qua trong màu nắng lung linh, dịu dàng và nhẹ nhàng (hic, sến quá :D)...All about our short film…

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Happy birthday!


Bài viết này dành cho người treo status đếm ngược thời gian cho ngày sinh nhật của mình từ cách đây hai tuần. Khiếp, lại còn bảo là Chính thức nhận quà từ bây giờ cho đến ngày 03/05. May quá, định tặng quà sau ngày 03/05 nhưng hết hạn rồi nên thôi vậy. Dù sao không tặng quà vật chất thì tặng quà tinh thần. Người ta nói rồi, quà tinh thần mới là vô giá. Háp py bớt đay!!!
Câu chuyện bắt đầu từ việc khác nhau giữa tính cách hai đứa. Khác biệt và cơ bản nhất dễ nhận ra là anh ấy luôn để yahoo available còn mình là đứa chuyên ẩn nick. Không chỉ vậy, anh ấy còn thường xuyên treo những câu quảng cáo cho công việc của anh ấy. Nếu là dịp tết cổ truyền thì sẽ để là: Bán mai, 2 triệu đồng/ chậu…Còn bình thường, lúc nhàn rỗi không có việc làm thì sẽ để: Sorry girl, I’m gay. Còn bây giờ, gần đến sinh nhật thì lại treo biển đếm ngược thời gian: cứ như là đại lễ 1000 năm Thăng Long ấy.
Khác biệt thứ hai là hai đứa hai tâm hồn khác nhau. Anh ấy là dân tự nhiên, còn mình là dân xã hội, dù công việc của anh ấy có khi còn liên quan đến xã hội nhiều hơn mình. Cả đời hầu như không mấy khi đọc sách. Thế nên, chỉ đọc mỗi Xin lỗi em chỉ là con đĩ mà cứ tưởng là kiệt tác văn học thế giới. Ừ, thì cuốn đó mỏng, dễ đọc và có giá trị nhân văn J).  May mà truyện của mình cũng mỏng nên năn nỉ lắm mới chịu đọc chứ không lại nằm ở xó nào rồi. Đọc ít nhưng PR giỏi, có lẽ sau này làm kinh doanh tốt. Nói đến kinh doanh thì lại nể anh ấy tài giao du (à không, giao lưu) rộng rãi với mọi đối tượng, nhất là đối với phụ nữ vì châm ngôn của anh ấy là yêu thương đồng bào, đặc biệt là đồng bào nữ từ 18 đến đôi mươi. Sự thành công này có căn nguyên rõ ràng lắm. Chả là ngày này cách đây 26 năm, ngày anh ấy ra đời ý, hai răng cửa cũng chào đời theo trong khi con người ta ra đời 5,6 tháng mới mọc răng. Có lẽ chính nhờ hai chiếc răng cửa mọc từ trong bụng mẹ nên anh ấy ăn nhiều, mau lớn (cao 1,73m trong khi mình cao 1,53m. Òa òa) và nói chuyện thì…Nếu hồi đó phương tiện truyền thồng phát triển như bây giờ, chắc đã lọt vào mắt xanh, mục Chuyện lạ của mấy anh nhà đài rồi.
Đấy là toàn bộ những đặc điểm cơ bản của ông anh hai nhà mình, người mà từ nhỏ đến giờ mình chỉ xưng hô: hai với em chứ chưa có từ “anh” nào trong ấy. Hôm nay giả vờ xưng hô anh ấy cho lịch sự. Người ta bảo, anh em như thể tay chân còn anh em mình thì như…anh em những nhà người khác (cái này mọi người tự hiểu nhé). Dù không cãi nhau nhiều nhưng ở nhà thì lúc nào cũng chơi chữ. Anh ấy: Cơm này ăn chả no gì hết. Mình: Sao bát nước chấm to thế nhỉ? (xin lỗi vì không thể giải thích).
Sinh nhật mình, anh ấy luôn luôn tặng quà (anh hai mà, phải ra dáng chứ) còn sinh nhật anh ấy, đến điện thoại chúc mừng mình cũng dùng cái máy free. Nói tặng quà lại nhớ tới câu chuyện quà cáp năm ngoái. Chả là sinh nhật mình năm ngoái, sau một hồi đắn đo vì không biết tặng gì cho mình nên cầu cứu các cô bạn gái, cuối cùng anh ấy quyết định tặng cho mình một đôi giày trị giá 500k. Trong khi đó, mình đã “tăm tia” một đôi giày khác rẻ hơn và cực kỳ yêu thích. Mình quyết định tự mua quà cho mình và cầm hóa đơn cho hai thanh toán. Sau đó đến khoa, nghe mình khoe đôi giày đang đi là quà sinh nhật của anh hai, mọi người đều trầm trồ khen anh hai có đôi mắt thẩm mỹ. J).
Sinh nhật hai, mình lại không tặng quà. Phải thú nhận, rất khó mua quà cho con trai nhất là người có tâm hồn “không văn chương” như anh mình. Áo thì quá nhiều, tặng lại chiếm mất chỗ treo đồ của mình. Sách thì không biết tặng sách gì, thôi thì cứ lấy sách của mình mà đọc. Giày thì mỗi năm cơ quan phát cho mấy đôi, có khi còn đem đi cho người khác ấy chứ. Card điện thoại thì không thích vì một máy đã xài free, máy còn lại cũng mấy khi liên lạc đâu (đã có máy cơ quan rồi mà). Đấy, thế là đã có lý do trì hoãn lần nữa. Nhưng mà bù lại mình sẽ giúp anh ấy bảo mật thông tin của các cô gái với các cô gái. Một món quà vô giá!^^

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Nội Bài ngày 1.5


Ngày Quốc tế Lao động, sân bay vẫn không ngớt người. Lần thứ 5 ra sân bay này và lần đầu tiên đóng vai người đi đưa tiễn. Ờ, mà cái sân bay này lúc nào cũng thích làm cái đầu tiên dù không phải gần gũi với mình gì cho lắm. Tọa lạc ở nơi cách xa trung tâm Thủ Đô gần 30 km khiến cho cái cảm giác đi máy bay chẳng thể nào dễ chịu hơn. Bình thường mất cả tiếng làm thủ tục rồi, giờ lại thêm cả tiếng để ra được sân bay nữa nên đôi lúc thấy đi tàu, đi xe khỏe hơn nhiều. Lần đầu tiên mình đi máy bay cũng từ chính cái sân bay xa xôi này. Đó là vào một ngày tháng 4/2008, khi mình và Bờm đều là sinh viên năm cuối đại học. Hai cái đứa sót lại cuối cùng trong chuyến đi thực tập năm đó cuối cùng lại trở thành đồng nghiệp của nhau.
Lần thứ hai, mình đóng vai một "hướng dẫn viên du lịch" khi dắt một đoàn 22 người ra sân bay này, lúc đó tự dưng thấy mình người lớn hơn, trưởng thành hơn. Lần thứ ba, hai chị em lặng lẽ đến và đi như Hà Nội chưa từng biết có sự xuất hiện của mình và chị. Ừ, thì biết làm sao được mà biết. Lần thứ tư, lần đầu tiên một mình ra sân bay này, lần đầu cho hành trình đến Đà Nẵng nhưng không hề có cảm buồn. Và giờ là lần thứ 5.
Mình thích đứng ngắm nhìn những chiếc máy bay cất cánh và hạ cánh tại sân bay. Đứng ở Nội Bài có thể nhìn thấy được. Nghĩ đến chuyện tương lai lại sẽ ra đây cho lần thứ 6. Nhanh thôi, chắc là khoảng một tháng nữa nhưng tự dưng không thấy sợ. Trước đây, mỗi lần nghĩ đến chuyện kết thúc khóa học ở Dự án mình đều cảm thấy lo lắng và không dám nghĩ tiếp. Nhưng giờ thì mọi thứ đã đi thành một vòng tròn sau bao nhiêu biến cố. Sau tất cả những khủng hoảng đã xảy ra trong lòng mình, sau những ngày tách rời khỏi mọi sự giao tiếp bên ngoài mình đã hiểu và đã biết cách chấp nhận, biết cách đứng dậy. Mình nhận ra, cuộc vui nào mà chẳng có lúc tàn, cuộc gặp nào mà chẳng có lúc chia tay. Điều đáng sợ không nằm ở những giây phút chia tay ấy mà là sự phân rã, sự chia ly trong chính mỗi người. Có những cuộc gặp, có những tồn tại bên nhau mãi mãi nhưng trong lòng mỗi người là một khoảng cách, là sự chia ly thì liệu cuộc gặp ấy có ý nghĩa gì? Có những giây phút chia ly nhưng lòng tôi vẫn có bạn, lòng bạn vẫn có tôi thì thời gian và khoảng cách có gì là quan trọng? Với mình, sự chia ly trong lòng mới thực sự đáng sợ. Có lẽ vì thế mà khi cậu đi rồi mình vẫn còn trêu theo được một câu: Khi nào cậu về rồi, nhớ cho đứa cháu nghèo khổ này tiền mua…xe hơi cậu nhé. Nhưng cái ông cậu bất cẩn của mình đã làm rơi mất ngay 100USD trước khi qua cửa An ninh để ban tặng “câu chuyện Tái ông mất ngựa” cho những kẻ tưởng chừng như đã nhặt được và chia chác nhau số tiền ấy.
Nói chuyện điện thoại với bé Linh ở sân bay. Nghe giọng nghẹn ngào (vì nghẹt mũi) của mình, nó tưởng mình lại khóc vì chuyện gì đó. Sau khi biết hành trình của mình trong những ngày nghỉ lễ vừa qua là ở nhà, nó lại động viên…Nhưng mình bảo ở nhà thì ở nhà, vẫn đi ra ngoài làm được một số việc, vẫn đi ăn KFC đó chứ, đừng có mà thương hại tôi. Chỉ có điều, khi mình rời nhà rồi những vần thơ mà dù khóa cửa khép chặt vẫn tự động “gửi gió cho mây ngàn bay” (vì bé Linh bảo mình ko biết làm thơ cho 1 chàng thơ tưởng tượng mà)^^
Em muốn kể anh nghe
Về những điều chưa biết
Khi hoàng hôn vụt tắt
Là lúc em nhớ anh
Những bóng chữ xô nghiêng trên đường đời tấp nập
Ném vô hình vào vết sẹo thời gian
Ngày ăn đêm và mưa ăn nắng
Cuộc đời tròn trịa trong những chốn thương đau
Những nghịch lý nuốt trôi chân lý
Những sầu nghiêng che khuất một nụ cười
Bóng người người đổ dài trên đường cát
Thăm thẳm đưa về một nỗi đơn côi
Nghe bước anh đi trên đường khuya lạnh lẽo
Đứng xa nhìn em chỉ biết nhớ thương
Nước mắt còn đây nhưng chẳng buồn rơi nữa
Để tỏ đường trông bóng anh qua
Ngày lại ngày thời gian thêm buồn bã
Khóc thương nhiều cũng bởi chuyện tình yêu
Con đường em đi còn dài còn dài quá
Con đường anh qua đã đến tự bao giờ

Em sẽ kể anh nghe
Về những điều em sợ
Sợ anh về nhưng chẳng thấy em đâu
Sợ anh đến với em nhưng lại ở một mình
Để thời gian bắt anh thêm chờ đợi

Em sẽ kể anh nghe
Chỉ một điều em muốn
Ngoài kia là tiếng sóng
Biển kể chuyện tình yêu
Chuyện ngày xưa ngày nay và cả ngày sau nữa
Sóng ngàn năm lưu lạc
Nhưng biển mãi đợi chờ…

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...