Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Thơ tượng trưng: thơ của dấu hiệu và giao cảm bí mật


1. Sự ra đời: Thơ tượng trưng ra đời vào khoảng thế kỷ XIX, đó là thời điểm bóng đen của chủ nghĩa tư bản bao trùm thế kỷ khiến mọi người ao ước một cuộc sống thanh bình. Nửa cuối thế kỷ XIX, Napoleon đệ tam đã mở những cuộc chinh chiến qua tận châu Phi và châu Á. Những cuộc chinh chiến đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến bầu không khí xã hội. Chiến tranh Pháp - Đức vào năm 1870-1871, tai họa Sedan năm 1871, cuộc khởi nghĩa Công xã Paris năm 1871…đã làm cho nước Pháp có nhiều biến động.
Cuộc tổng khủng hoảng của văn hóa nhân văn tư sản dẫn đến sự chống lại các nguyên tắc Thực chứng luận của nhóm Thi sơn và chủ nghĩa tự nhiên. Chủ nghĩa tự nhiên ra đời và tồn tại vào khoảng những năm 1860-1880 với những đại biểu như: hai anh em Edmond, Goncourt, Zola…Họ yêu cầu mô tả cuộc sống bằng phương pháp của khoa học tự nhiên, sử dụng các dữ kiện mới do khoa học tự nhiên đem lại để đưa vào văn học. Do đó, trong sáng tác văn học, các nhà tự nhiên chủ nghĩa coi trọng việc quan sát, sưu tầm tư liệu hơn là sử dụng trí tưởng tượng. Còn nhóm Thi sơn là nhóm các nhà thơ trẻ xuất hiện vào những năm sáu mươi của thế kỷ XIX với tuyển tập Thi sơn đương đại xuất bản lần đầu năm 1866. Họ rất chú trọng đến dáng vẻ, đường nét, âm thanh của thế giới bên ngoài.
Từ nền tảng triết học của Sôphenphaơ và Harman, các nhà văn, nhà thơ thời kỳ này đã bộc lộ những tư tưởng mới mẻ trong quan niệm của mình về thi ca. Ông khổng lồ Hugo cho rằng: Thi ca, đó là những gì sâu kín trong tất cả và theo ông, dưới thế giới thực tại có một thể giới lý tưởng đẹp đẽ. Trong khi đó, Nerval nêu lên sự thể nghiệm về cái siêu thực và sự tràn ngập của giấc mơ trong đời sống con người. Và nếu như Baudelaire nêu lên sự tương ứng kỳ bí giữa các giác quan, tình cảm thì Verlaine cho rằng Thơ ca là thứ âm nhạc gợi cảm, qua sắc thái và những biểu tượng tế nhị dẫn đến những tình cảm bán ý thức. Còn Rimbaud thì nhấn mạnh đến hình thái siêu thực và cố gắng tạo ra một thứ ngôn ngữ mà mọi giác quan có thể cảm thụ được. Chính những quan niệm mới mẻ đó đã dần đưa các nhà thơ đến với thế giới thơ riêng của mình, thế giới của thơ tượng trưng.
Tuy nhiên, cho đến cuối thế kỷ XIX, các nhà thơ tượng trưng vẫn tránh né danh xưng này. Nó chỉ thực sự phát sinh vào năm 1875, quy tụ chung quanh Stephane Mallarme và Jean Moréas.
2.                 Những nguyên tắc:
Những nguyên tắc của trường phái tượng trưng do Jean Moreas (1856-1910), gốc Hy Lạp đề xướng trong bài tuyên ngôn của trường phái Tượng Trưng (1886) trên tờ Figaro. Ông nêu lên tính cách biểu trưng nghệ thuật cho các vật tự nó và các ý niệm nằm ngoài giới hạn của sự tri giác cảm tính. Trong cuốn Manifeste du Symbolisme năm 1886 ông viết: Điều cốt yếu mà Chủ nghĩa Tượng trưng đem lại là không bao giờ ám chỉ điều gì như một khái niệm tuyệt đối. Ông còn cho rằng thế giới hữu hình chỉ là phản ánh của thế giới tâm linh và nhà  thơ là người giải minh các dấu hiệu.
Từ những quan niệm trên, có thể nhận thấy Jean Moreas đã thể hiện ước muốn về một nghệ thuật mới mẻ và một lý tưởng đòi hỏi khắt khe. Đây cũng là cơ sở cho các nhà thơ tượng trưng đi đến thống nhất một số nguyên tắc cho thơ tượng trưng như sau:
Thứ nhất, tính cách biểu trưng cho các vật tự nó và các ý niệm nằm ngoài giới hạn của sự tri giác cảm tính.
Thứ hai, phải vươn tới bản chất lý tưởng siêu thời gian của thế giới, cái vẻ đẹp siêu nghiệm.
Thứ ba, bác bỏ lý tưởng thẩm mỹ: nghệ thuật vị nghệ thuật
Thứ tư, phản ứng lại phái Thi Sơn
Thứ năm, gợi ra những sắc thái tế nhị của cảm giác và tâm hồn
Thứ sáu, mơ ước đạt được cái thực tại tiên thiên ở bên ngoài những hiện tượng biểu kiến của cuộc đời, vũ trụ.
3.                 Dấu hiệu và sự giao cảm bí mật:
3.1. Các dấu hiệu:
Dấu hiệu thơ tượng trưng nằm ở biểu tượng, biệt nhãn và từ nhạc. Đó là những điểm làm thơ tượng trưng thật sự khác hẳn so với các trường phái thơ trước đó. Để nhận diện được các dấu hiệu của thơ tượng trưng cần đặt nó trong mối quan hệ với các đặc điểm của trường phái thơ khác. Có thể tạo ra hai cặp so sánh: hình tượng và biểu tượng, biệt nhãn và biểu thị.
                        Hình tượng và biểu tượng:
Hình tượng là trung tâm của thơ ca trữ tình còn biểu tượng mang giá trị tượng trưng cao. Trong thơ tượng trưng, biểu tượng thường được liên kết từ một hình tượng cụ thể và một vật trừu tượng để tạo thành một dấu hiệu mới. Chẳng hạn, tiêu đề bài thơ của Rimbaud: Con thuyền say đã nói lên điều đó. Nhà thơ đã kết hợp một hình tượng cụ thể là con thuyền với một vật trừu tượng là say bởi vì say là hình ảnh chỉ dùng cho con người. Từ đây tác giả đã đem đến cho bài thơ của mình một biểu tượng mới đầy kỳ lạ và khơi gợi sự tò mò khám phá của người đọc.
Biểu tượng trong thơ tượng trưng là một hình ảnh rất phức tạp vì nó có rất nhiều dạng thức như tính tương quan giữa âm thanh và ý nghĩa, các biểu tượng vĩnh cửu…
Rimbaud đã có một bài thơ rất hay về biểu tượng người lính. Ông không miêu tả người lính với một vẻ đẹp hùng tráng đậm chất sử thi và cảm hứng lãng mạn như các nhà thơ hiện thực hay lãng mạn vẫn thường viết. Ông cũng không miêu tả sự hy sinh của người lính bằng sự ngợi ca về khí phách của người anh hùng. Thế nhưng, qua biểu tượng ấy, người ta lại thấy người lính hiện ra với một vẻ đẹp rất kỳ vĩ. Anh lính mãi mãi bất tử và đã hòa mình vào thiên nhiên, đã say nồng trong giấc ngủ:
Đó là một trũng xanh, nơi con suối róc rách
Vung vãi đầy lên cỏ những mảnh bạc
Đó là nơi mặt trời rọi từ đỉnh núi cao
Đó là một thung nhỏ ánh nắng vui rì rào.

Anh lính trẻ, đầu trần, mồm mở to
Gáy chìm ngập trong thảm cỏ lá mềm
Ngủ, anh duỗi người thẳng trên cỏ, dưới bầu trời
Rực sáng ánh nắng như mưa rơi

Chân tựa lên thảm hoa vàng, mắt nhắm, miệng mỉm cười
Như đứa trẻ chìm trong giấc ngủ vùi
Thiên nhiên ơi, ru anh nhè nhẹ: Anh ấy lạnh.

Không mùi hương nào làm mũi anh khẽ động
Anh ngủ dưới ánh dương, tay đặt trên ngực
Trong yên bình.
Bên phải anh là hai vết bắn màu đỏ
(Người ngủ trong thung)
(Người dịch: Phụng Vũ Cửu Thiên)
Quả thật, đây là một biểu tượng rất đẹp với sự tương quan của màu sắc, âm thanh, mùi hương. Biểu tượng anh lính sáng lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, dưới hương thơm cỏ cây, dưới tiếng róc rách của suối, tiếng động của thiên nhiên…Người ta nhìn thấy màu vết bắn màu đỏ bên phải anh nhưng điều quan trọng nhất là người ta vẫn nhìn thấy tay anh đặt trên ngực. Đó là biểu tượng của tình yêu Tổ quốc bất diệt, biểu tượng bất tử của người lính.
Có thể thấy, biểu tượng là một tín hiệu thẩm mỹ, là kiểu hiện tượng hết sức đặc biệt. Trong biểu tượng bao hàm sự tương quan giữa cái cụ thể và cái khái quát, giới hạn và vô hạn…Thông thường, trong thơ, biểu tượng được biểu hiện bằng một vật cụ thể nhưng cái được biểu đạt bao giờ cũng rộng lớn hơn rất nhiều. Biểu tượng là cái cô đọng, súc tích và dồn nén ý nghĩa.
Nếu như các nhà thơ lãng mạn sử dụng những hình tượng của hiện thực trực tiếp để biểu thị thì các nhà thơ tượng trưng muốn đi tìm cái tinh thần đằng sau những biểu tượng. Biểu tượng trong thơ tượng trưng có thể được tìm thấy trong kiến trúc, hội họa, tôn giáo…với những khía cạnh và màu sắc khác nhau. Nó mang nặng tính chủ quan và hầu hết được bắt đầu từ nội giới đến kinh nghiệm tâm linh của các nhà thơ. Nó được hoặc bị điều kiện hóa trong một cộng đồng và do đó nặng về tính quy ước.
Có thể nói, trong các nhà thơ tượng trưng thì Boudelaire được xem như bậc thầy về sử dụng biểu tượng mà tập thơ Ác hoa là một ví dụ tiêu biểu. Ông đã sử dụng hình tượng những bông hoa là một hình tượng cụ thể để gắn vào đó một tính cách trừu tượng. Ông luôn tìm kiếm những biểu tượng có sức ám ảnh mạnh mẽ đối với thị giác khiến người đọc phải đau đầu khi tiếp nhận nó. Như vậy một bài thơ tượng trưng vừa là một bức tranh, một phong cảnh để cho trí tưởng tượng của nhà thơ mặc sức tunh hoành. Bên cạnh đó, nó lại là một bản nhạc để các từ ngữ, biểu tượng hòa vào đó để tấu lên những nốt gây ấn tượng mạnh. Rõ ràng, một bài thơ tượng trưng thành công phải là một bài thơ có sự di chuyển của những ấn tượng. Một ảnh tượng trong thơ Boudelaire là một hiệu ứng mà người đọc phải sử dụng tất cả các giác quan mới cảm thụ được. Chẳng hạn, nhà thơ đã ca ngợi mái tóc là làn hương thơm, làn hương thơm đó dẫn dắt người đọc đi vào một cuộc hành trình, và cuộc hành trình lại chính là một cuộc khám phá về một thế giới mới mà ở đó con người với cảnh vật có sự đồng điệu về tâm hồn, có sự giao cảm.
Đối với Boudelaire, một biểu tượng thành công là một biểu tượng phải vượt lên trên những hình ảnh thông thường, phải mang những ý nghĩa đặc biệt khác vượt lên trên những hình ảnh thông thường. Chẳng hạn, trong thơ ca lãng mạn, các nhà thơ hay sử dụng hình ảnh con thiên nga để ca ngợi tình yêu thì Boudelaire lại có một cách nhìn khác. Trong bài thơ Con thiên nga gửi cho Hugo, ông đã sử dụng hình ảnh con thiên nga để nói lên sự thay đổi của Paris và thông qua đó, nhà thơ đã vẽ nên hình ảnh bị lưu đày trên chính quê hương của mình. Còn để thể hiện tình yêu thì Boudelaire lại sử dụng biểu tượng con mèo. Con mèo trong quan niệm của một số dân tộc là biểu tượng của con vật linh thiêng hoặc con vật mang điềm gỡ thì với Boudelaire, nó lại là sợi dây liên kết giữa nhà thơ với vũ trụ, biểu tượng của tình ái.
Một bài thơ khác, ông dùng hình tượng chim hải âu để nói đến cuộc đời thi sĩ. Một cách tạo sức gợi hết sức độc đáo:
Người thuỷ thủ thường hay đùa bỡn
Bắt hải âu chim lớn biển xanh
Vô tư người bạn đồng hành
Theo tàu lướt sóng băng mình vực sâu

Vừa được xuống sàn tàu bằng gỗ
Chúa trời mây xấu hổ vụng về
Kéo đôi cánh trắng to bè
Như đôi chèo rộng lê thê bên mình

Mới vừa rồi dáng hình đẹp đẽ
Giờ trông sao xấu xí kỳ khôi
Người cầm tẩu gõ chim chơi
Kẻ thời bắt chước chim trời què chân

Thi sĩ giống vua ngàn mây gió
Khoái phong ba cung nỏ xá chi
Lưu đầy giữa tiếng cười chê
Mang đôi cánh rộng khó bề bước đi.
Có thể thấy, hình ảnh chim hải âu trong bài thơ này cũng giống với hình ảnh con thiên nga trong bài Con thiên nga. Đó không phải là người thi sĩ được tự do tung hoành mà là người thi sĩ: Lưu đày giữa tiếng cười chê.
Để tạo sức gợi cho các biểu tượng của mình, Boudelaire còn đặc biệt chú ý đến hình thức gián cách và phân đoạn trong những bài thơ bằng văn xuôi. Và từ đó, nhà thơ có khai thác được những biểu tượng của mình một cách trọn vẹn nhất như: thành phố (quanh co và rối rắm), những ảo tượng (vô hình dung và xung đột với nhau), thế giới huyền hoặc (vừa thực vừa lạ). Rõ ràng, nếu chỉ sử dụng từ ngữ một cách thông thường thì khó mà có thể gợi ra được ý nghĩa của những biểu tượng vừa nêu trên.
                        Biệt nhãn và biểu thị:
Biệt nhãn là sự gợi tứ bằng ma thuật nhạc tính còn biểu thị là sự bộc lộ một cách đơn giản.
Có thể nói âm nhạc là một yếu tố quan trọng làm nên đặc trưng của thơ tượng trưng. Các nhà thơ tượng trưng nhận thấy giữa ngôn ngữ và âm nhạc có một mối quan hệ đặc biệt. Mỗi một từ trong một bài thơ tượng trưng có khả năng tạo thành giai điệu như một nốt nhạc mà các nhà nghiên cứu gọi là từ nhạc hay biệt nhãn của bài thơ. Âm nhạc đã đem đến cho các nhà thơ tượng trưng nguồn cảm hứng sáng tạo chứ không phải những cái mà nhà thơ muốn biểu thị hay những lý luận về mặt ngôn ngữ. Đây là một điểm hết sức độc đáo của thơ tượng trưng bên cạnh biểu tượng. Các nhà thơ đi sâu vào khía cạnh khó diễn đạt nhất bằng ngôn ngữ thông thường, vào những gì sâu kín nhất của tâm hồn. Điều này chính là một trong những thử thách lớn nhất cho các nhà nghiên cứu thơ tượng trưng. Chính vì các nhà thơ tượng trưng gợi tứ bằng ma thuật nhạc tính nên thơ của họ gợi cái tinh thần bên trong, bí ẩn, thầm kín, tế nhị, kinh nghiệm cảm giác.
Người đầu tiên nói đến vấn đề âm nhạc trong thơ tượng trưng là một trong những ông tổ đầu tiên của trường phái thơ này, đó là Verlaine trong cuốn Nghệ thuật thơ viết từ những năm 1871- 1873. Sống trong một thời đại đầy biến động và phải chịu không ít tai tiếng, Verlaine đã chọn ẩn mình vào đời sống nội tâm với những bài thơ như: Ẩn nhẫn, chán chường, Không bao giờ nữa, Dạ khúc…khiến cho những ai mới chỉ đọc thấy tựa đề thôi cũng có thể cảm nhận được sự cô đơn, chán chường và buồn bã của tác giả. Trong chuyến đi ẩn mình, tác giả đã tìm cho thi ca một lời ru để mong đạt được sự bình yên, thanh thản. Từ đó, âm nhạc xuất hiện và lặng lẽ ở bên nhà thơ với những sự an ủi dịu dàng khiến cho nhà thơ có thể thoải mái ẩn trong giai điệu của mình, thoát khỏi những âm thanh xô bồ của cuộc sống. Ca khúc êm đềm hay Những tình ca không lời là những bài thơ thể hiện rất rõ điều đó. Để thể hiện nhạc tính, Verlaine đã sử dụng rất nhiều câu thơ vần lẻ, những khổ thơ ngắn và điệp khúc. Trong bài Trước tiên là âm nhạc in trong tác phẩm Nghệ thuật thơ, Verlaine đã phản ứng lại quan niệm của phái Thi sơn vì phái Thi Sơn hầu như rất chú trọng đến dáng vẻ, đường nét âm thanh của thế giới bên ngoài. Họ cho rằng người nghệ sĩ chỉ có thể đạt tới cái đẹp khi họ hoàn chỉnh hình thức nghệ thuật. Thể thơ, đoạn thơ, nhịp điệu, vần, từ ngữ, mỗi yếu tố của thơ theo họ là một trở lực ngăn xu hướng dễ dãi, tử thù của mọi nghệ thuật. Tóm lại, với họ, thơ gần với điêu khắc và hội họa. Chúng vẽ nên các đường nét, hình thể. Trong khi đó, Verlaine cho rằng thơ gần với âm nhạc và phải giàu sức gợi.
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá rất cao tập thơ Tình ca không lời viết năm 1874 của Verlaine. Trong tập thơ này, người ta thấy rằng ngôn ngữ riêng của tác giả đã thoát li khỏi các hình thức của diễn từ để chỉ tuân theo theo lôgic thơ ca tạo thành những tiếng thì thầm tinh tế, du dương và cũng là tiếng nói của một thể nghiệm biểu hiện những cảm xúc mơ mộng hoặc giấc mơ có thực. Trong thơ Verlaine có nhiều phong cảnh rất đẹp, đó là ánh sáng của các đô thị, tia lửa của các cây đèn đường trong sương mù hay ánh le lói của mặt trời qua sương…Để làm nên sự sống động cho các bức tranh phong cảnh của mình, Verlaine đã vận dụng một cách có hiệu quả ngôn ngữ thơ của mình như: âm nghịch, vần lẻ, lẫn âm…tạo nên một cuộc hành hương nhẹ nhàng vào cái mà các nhà nghiên cứu gọi là “khúc gãy vào trong giai điệu”. Không chỉ có vậy, Verlaine còn tạo cho thơ một tiết tấu mới như một “lời trao đổi thầm thì và đứt quãng” bằng việc sử dụng ngôn ngữ trực tiếp nhất, văn xuôi nhất thông qua cách sắp xếp đầy tinh tế của những cái cắt câu, vắt dòng hay khúc gãy. Chính những đóng góp trên của Verlaine, nhất là về từ nhạc đã khiến cho các nhà nghiên cứu gọi ông là người làm một cuộc “phát minh” về thơ. Bài Thu ca là một ví dụ:
Vĩ cầm nức nở
Tiếng thu
Lòng ta một mối
Sầu tư
Khôn cầm

Giờ tàn nghĩ tủi
Chiếc thân
Nhớ ngày vui cũ
Âm thầm
Lệ rơi

Ra đi trận gió
Tơi bời
Cuốn theo đây đó
Rã rời
Lá khô
(Người dịch: Trần Mai Châu)
Bài thơ đã thể hiện rất rõ tài năng tạo hiệu ứng bằng tiếng nhạc của Verlaine. Nó làm cho chúng ta thổn thức theo từng dòng nhạc đứt đoạn. Có thể thấy, tiếng thu cũng là tiếng lòng của người nghệ sĩ.
Ngoài những cách tân của Verlaine, các nhà nghiên cứu còn nhận thấy sự thể hiện một cách rõ rệt từ nhạc trong thơ tượng trưng ở việc sử dụng thể thơ tự do. Rõ ràng, việc thay thế thơ truyền thống bằng thơ tự do là một cuộc cách mạng trong thơ ca, đáp ứng được nhu cầu của các nhà thơ trẻ. Tuy nhiên, trong thơ tượng trưng, mỗi một lần sáng tạo, mỗi thi sĩ phải tạo nên một từ nhạc cho một tác phẩm thơ của mình. Mỗi lần như vậy người đọc lại phải cố gắng nắm bắt giai điệu đó và nhiều lúc sự cố gắng nhọc nhằn sẽ làm cho người đọc cảm thấy nản và từ bỏ ý định thưởng thức bài thơ.
3.2. Sự giao cảm bí mật
Một điều dễ dàng nhận thấy, cái làm nên thơ tượng trưng không chỉ có các dấu hiệu mà từ những nguyên tắc trên của thơ tượng trưng có thể thấy các nhà thơ có một sự giao cảm bí mật với thế giới tâm linh. Các nhà thơ tượng trưng rất quan tâm đến thế giới tâm linh. Họ không coi thế giới là thuần túy. Họ cho rằng chân lý không thuộc về vật giới. Hoạt động làm thơ được xem là một hoạt động mang tính thần cảm. Đó là sự liên hệ giữa cái hữu hình và vô hình mà ở đó người làm thơ giống như một nhà thụ pháp, làm lộ ra những tinh thần bên trong.  Như vậy, thế giới trong thơ tượng trưng là thế giới được phát hiện ra một cách bất chợt, bất ngờ bởi sự quan sát của người nghệ sĩ. Họ cảm nhận thế giới một cách say mê ở tầng sâu của nó. Và họ cũng cảm nhận thế giới trong tính thống nhất và tính hai mặt. Đó là thế giới của thực thể, thế giới sâu thẳm, thiêng liêng, vô tận mà đời sống bên trong được hiện ra một cách bất ngờ. Trong tính nhất thể của thế giới, người ta có thể tìm thấy những liên hệ huyền bí như sự tương ứng giữa sắc màu, hương thơm…Đó là những liên hệ không thể tìm thấy ở thế giới thực tại của con người.
Có thể nhận thấy, các nhà thơ tượng trưng đã có sự tuyệt đối hóa thế giới một cách chủ quan. Họ cho rằng thơ ca không có nhiệm vụ miêu tả thế giới thực tại mà phải sáng tạo một thế giới cho riêng mình. Do đó, sự sáng tạo thơ ca với các nhà thơ tượng trưng là thực tại tối cao, đem lại ý nghĩa cho cuộc sống vốn chỉ có sự huyễn hoặc, ảo tưởng trong khi phái Thi Sơn lại chủ trương đưa ra nghệ thuật thơ khách quan.
Nếu như Verlaine là người nêu lên Trước tiên là âm nhạc thì Boudelaire lại là người đầu tiên nêu ra cách cảm nhận thế giới trong tính sáng tác. Đó là những cảm quan tương ứng, tương hợp, đặc trưng của tư duy thơ. Trong 130 bài thơ ngắn của tập thơ: Những bông hoa Ác, người ta có thể nhận thấy sự đứt đoạn của con người với thế giới thực tại, thế giới thực tại là “một thế giới bị gẫy vụn” nên ở đó con người không còn bất kỳ sự đồng cảm nào. Và Boudelaire đã sáng tạo cho mình một thế giới khác mà người đọc có thể nhận thấy “cái tua diềm bí ẩn, cái hào quang bao bọc những giây lát bị cách ly của u hoài, nhục cảm hay của nỗi lo âu; hào quang đó nối liền những giây phút này với một thế giới khác, không đứt đoạn, vô biên, thế giới của vô tận”. Ông đã xây dựng cho riêng mình một thiên đường xanh thơ ngây nhưng lại đặt nó ở một đại dương khác, nơi có:
Những vĩ cầm vọng lên từ phía sau các ngọn đồi,
Và những vò rượu, buổi chiều, trong các khóm hoa.
          Đề tài về tuổi thơ cũng được nhà thơ Rimbaud khai thác theo một kiểu tương tự. Ông cũng xây dựng cho mình một ký ức tuổi thơ riêng, không giống ai. Ông đắm mình vào đó, tận hưởng nó một mình bằng sự giao cảm bí mật và thích thú:
Giống một chú bé tí hon mơ mộng, đi lang thang,
Tôi rải vần trên đường đi. Quán trọ của tôi ở tít trên sao Bắc đẩu
Trên bầu trời, sao của tôi dịu dàng kêu sột soạt…
                                      (Cuộc phiêu lãng của tôi)
Một số nhà thơ tượng trưng khác cũng có sự giao cảm với thế giới bí ẩn. Jean Moreas mang niềm hoài cổ về vùng đất có trời thu biển biếc, nắng vàng rực rỡ của vùng đát Hy Lạp xưa. Ông muốn từ bỏ cuộc sống hiện đại để trở về nằm trong chiếc nôi của bà mẹ Hy Lạp, bà mẹ của nền văn minh phương Tây trong sáng. Tập thơ Các thi tiết của ông là tập thơ ca ngợi vẻ đẹp của vùng biển Địa Trung Hải xưa.
Một nhà thơ khác cũng cảm thấy chán ghét cảnh sống thực tại chán ngắt, buồn tẻ với chu kỳ lặp đi lặp lại là Mallarme. Ông bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi những điều vô bổ, vô vị nên mơ đến những tầng xanh biếc, đến một phương trời màu nhiệm ở một nơi xa xôi nào khác:
Chao ôi, tôi thấy lòng buồn rười rượi
Sách có bao nhiêu, đã ngốn sạch hết rồi
Phải ra đi! đi đến chốn chân mây!
Tôi cảm thấy đàn chim say ngây ngất
Giữa biển lạ và trời mây bát ngát
Chẳng có chi giữ nổi trái tim này
Tim được luyện trong thuỷ triều lên xuống
Những vườn xưa hiện lại trong tôi
Trời đêm ơi! ngọn đèn khuya hiu hắt
Soi lên trang giấy trắng vẫn còn nguyên
Và thiếu phụ đang cho con mình bú
Không ngăn nổi lòng tôi với biển khơi
Hỡi con tàu mà cột buồm căng gió
Hãy nhổ neo rong ruổi bốn phương trời!

Vì hy vọng, đắng cay, một nỗi buồn
Trong khăn vẫy nghe thấy lời vĩnh biệt!
Và có thể, giữa phong ba bão táp
Gió xô nghiêng, tàu đắm kéo theo người
Không cột buồm, không cột buồm, không đảo xanh...
Nhưng tim hỡi, hãy nghe người thuỷ thủ!
                                                (Gió biển, người dịch: Phạm Nguyên Phẩm)
Nhìn chung, thơ tượng trưng Pháp đã đem đến cho thi ca một sự cách tân độc đáo bằng những biểu tượng, âm nhạc hay sự giao cảm với thế giới tâm linh. Dẫu cho quan niệm của họ và phái Thi Sơn có vẻ hơi khác nhau nhưng có thể nói, nếu như phái Thi sơn làm đẹp đôi mắt bằng những đường nét bay bổng, những kiến trúc diệu kỳ thì các nhà thơ tượng trưng làm đẹp đôi tai bằng những nốt nhạc thanh thoát lôi kéo sự thưởng thức tất cả các giác quan con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...