Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Tôi bước đi vui vẻ. Thấy nhẹ nhàng

Tôi bước đi vui vẻ. Thấy nhẹ nhàng
Mưa đã qua. Đồng cỏ xanh ngời sáng
Tôi không biết anh, tôi không nhớ anh
Hỡi người bạn của tôi vô danh tiếng. 

(Aleksandr Trifonovich Tvardovsky)
Cảm thấy nhẹ nhàng được 1% khi đúng 11:30pm phút nhấn nút send gửi bài ký cho đề tài của thầy. Phần ký Nam bộ 1930 – 1945 nhưng vì ở Hà Nội nên mình không có nhiều tài liệu, chỉ viết đúng phần lý thuyết. Cũng may mình là tác giả 3.
Cảm thấy nhẹ nhàng được 2% khi viết xong đơn xin gia hạn đề tài NCKH cấp trường và nhờ người mang xuống phòng Quản lý khoa học-Dự án nộp hộ để xin thêm 6 tháng nữa. Tư liệu thì có nhưng bài viết thì chưa xuất hiện chữ nào. Nếu không gia hạn thì cũng không có tiền để đền.
Không thấy nhẹ nhàng khi số Tin vắn số cũ chưa lấy mà Tin vắn số mới bài biên tập ngày một nhiều hơn. Nhưng cái đáng lo nhất là bài viết cho tiêu điểm. Tiêu điểm số này là do lớp yêu cầu nhưng bài gửi về Tiêu điểm thì chẳng thấy đâu, làm sao mà nhẹ nhàng được.
Không thấy nhẹ nhàng khi biết rằng cuối tuần này phải nộp tiểu luận cho cô. Tiểu luận chưa viết chữ nào mà công việc còn nhiều cái dang dở.
Không thấy nhẹ nhàng khi nhận được điện thoại của chị. Dù mọi người đã khuyên nhủ hết lời, chị vẫn đi theo con đường của chị là rời khỏi khoa. Thực ra thì mình không biết khuyên chị điều gì bây giờ. Mỗi người đều có một sự lựa chọn riêng của mình, nhất là cho nghề nghiệp. Chỉ cầu mong cho chị sáng suốt và thành công trên con đường mà chị đã chọn. Trước đây mình không thi sư phạm vì mình không muốn đi dạy. Học ở Nhân văn cơ hội nghề nghiệp bên ngoài rộng mở hơn. Tuy nhiên nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề. Có thể bản thân mình cũng gặp nhiều khó khăn về kinh tế nhưng điều đó không là gì so với môi trường làm việc của mình hiện nay. Mình cảm nhận được tình cảm của các thầy cô trong khoa và sự gắn kết với các bạn sinh viên của mình. Dù chưa thực sự làm được gì nhiều nhưng ít ra mình cũng ba lần đứng lớp để hiểu rằng: Mình cũng yêu nghề.
Cảm thấy nhẹ nhàng
Khi việc xong một nửa
Ngày chưa kịp thở
Việc đã đến phía sau
Cảm thấy không nhẹ nhàng
Vì nhiều thứ lo âu
Nghĩ đi nghĩ lại
Thấy mình còn may mắn
Trong phúc có họa
Trong rủi có may
Tái ông thất mã
Chuyện xưa còn đó
Nhẹ nhàng hay căng thẳng
Cũng tại mình ra thôi
Người ung dung tự tại
Sẽ hạnh phúc suốt đời.
 

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Buồn nôn(*)


Mỗi khi tôi nghĩ đến chuyện người chồng, người tình của mình sau này nhất định phải có một gương mặt, mắt mũi miệng, chân tay chiều cao, thân hình, tóc tai, máu mỡ xương cụ thể, tôi thấy buồn nôn...
Đã rất lâu rồi, tôi mới lại thấy hiện ra lại cái cảm giác buồn nôn khi nghĩ về một con người, dù vô diện.
(Trích blog của M.V ngày 27/02/2011)
Chắc hẳn khi viết những dòng này, chị đã cảm thấy mệt mỏi và mất niềm tin về con người nhiều lắm. Em thì không như vậy. Chưa bao giờ em đánh mất niềm tin về con người và nhiều khi sẵn sàng chấp nhận để ai đó lừa mình trừ khi sự thật được phơi bày một cách hiển nhiên. Những bài học về con người, em đã học hoài, học rất nhiều nhưng chưa thể nào học được hết. Không biết đến bao giờ em mới có thể nói được câu: Tất cả những gì thuộc về con người đều không xa lạ đối với tôi. Hiện giờ, em thấy mọi thứ hoàn toàn lạ lẫm.
Hôm nay, nghe một tin buồn về con người đã khiến em ngột ngạt suốt cả ngày. Kết cục em đã trút tất cả những dồn nén, những mệt mỏi của mình lên một người khác mà em quý mến bởi không thể phân biệt nổi là những câu đùa vô tình hay những lời nói cố ý. Em đã quá mệt mỏi, với cả chính bản thân mình.
Có lẽ, lỗi lầm lớn nhất của em là phân biệt quá rạch ròi cảm xúc của mình để rồi sau khi nghe tin đó em cảm thấy mất phương hướng. Nếu thông tin là đúng, em sẽ cư xử với người đó như thể người xa lạ vì sự thật là mọi người chẳng ai có thể chấp nhận được chuyện đó. Nhưng nếu thông tin đó là sai thì thật tội nghiệp cho người đó. Từ trước đến giờ, niềm tin của em luôn tựa vào lời kết luận sau cùng hoặc chính bản thân người đó thừa nhận. Thế nên, em cảm thấy rất khó khăn khi phải đối diện với người đó lúc này. Trong tâm trí em, người đó nói riêng và mọi người trong lớp nói chung bao giờ cũng là những người tốt. Em không có quyền và cũng không cho phép mình có quyền nghi ngờ bất kỳ người nào.
Em biết, em đã giữ khoảng cách với người đó sau khi nghe tin. Em biết mình thờ ơ hơn, cười ít hơn và trò chuyện ít hơn với người đó.
Em sợ những thông tin sai lệch. Em sợ một người nào đó phải chịu oan ức và bị cô lập.
Giờ đây, đau đầu và đau dạ dày viếng thăm em cùng lúc khiến em cảm thấy có lỗi với chính mình. Em muốn tự vấn một lần nữa: Biết bao giờ mới học hết những bài học về con người?
 -------
(*) Tên một tác phẩm của J.P. Sartre

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

Đọc lại: Nàng công chúa và hạt đậu

(Bài này mình viết cách đây hai, ba năm gì đó, khi còn blog Yahoo 360 kia. Hôm nay đăng lại vì những tranh luận của mọi người xung quanh câu chuyện này.^^)

Đã hơn 200 mùa xuân đi qua nhưng thế giới vẫn chưa tìm ra người nào có thể ru giấc ngủ nhân loại vào trong những câu chuyện cổ tích một cách kỳ diệu như Hans Christian Andersen nữa. Gọi ông là nhà văn của người lớn cũng đúng, gọi ông là tác giả của văn học thiếu nhi cũng đúng. Nhưng thôi nên gọi ông là ông già kể chuyện cổ tích. Có lẽ ông thích cái tên này hơn.
Ông đã kể cho nhân loại khoảng 168 câu chuyện. Đó là những câu chuyện ông góp nhặt được từ dân gian và đánh bóng lại bằng chiếc đũa thần của mình hoặc là những câu chuyện do ông tự sáng tác. Dù là kể theo kiểu gì ông vẫn bắt người đọc phải suy ngẫm về nó với một thời gian khá dài: hàng chục năm, hàng trăm năm hay cả hàng ngàn năm. Nàng công chúa nhỏ nằm trên hai mươi tấm nệm vẫn thấy đau vì một hạt đậu đã khiến cho nhân loại cũng đau đầu đến ngày hôm nay.
- Ai biết câu trả lời?
- Chỉ có mỗi Andecxen thôi.
- Nhưng ông đã mất rồi?
- Phải, ông mất nhưng vẫn thích đánh đố nhân loại.
Cái hay của ông là mỗi người đều có quyền có một cách hiểu khác nhau cho từng câu chuyện. Chẳng ai có quyền phản bác người khác: tôi đúng, anh sai.
Câu chuyện mở đầu bằng một lời kể êm như nhung và thường thấy trong những câu chuyện cổ tích của nhân loại với mô típ hoàng tử-công chúa: Ngày xưa, có một hoàng tử muốn cưới một nàng công chúa, nhưng công chúa phải cho ra công chúa, phải hoàn thiện hoàn mỹ… Tuy nhiên, vấn đề ở đây là hoàng tử đã không thể tìm ra được người mà mình muốn tìm. Thất vọng, chàng đành quay trở về.
Và rồi, cái gì đến sẽ đến…
Nàng công chúa mà hoàng tử mong đợi xuất hiện trong một đêm mưa gió bão bùng. . Nàng công chúa và hạt đậu là nàng công chúa hoàn hảo ư? Hoàn hảo gì mà lại đến lâu đài trong một trạng thái tồi tệ nhất, hoàn hảo gì mà mới đau một tý đã than thở.
Ở đây, chúng ta bắt gặp triết lý của sự hoàn hảo: cái hoàn hảo là cái nằm ở những thứ tưởng chừng như ít hoàn hảo nhất hay cái hoàn hảo là cái mà con người càng cố tìm thì càng không thể tìm thấy, nó chỉ xuất hiện khi ta ít mong đợi nó nhất.
Andersen đã cho chúng ta một điểm nhìn mới mẻ về nàng công chúa này. Ông đã di dời điểm nhìn một cách rất ngoạn mục từ câu chuyện dân gian.
Trong câu chuyện dân gian, người ta chẳng thắc mắc tại sao nàng công chúa nằm trên 20 tấm nệm mà vẫn thấy đau vì một hạt đậu nữa. Đơn giản vì nàng ta ăn gian nhờ một người hầu. Còn trong câu chuyện này, chi tiết đó đã không được đề cập vì Andersen không muốn mọi người chú ý nhiều đến nó. Chúng ta hãy chú ý đến câu nói của hoàng hậu. Vì sao công chúa nằm trên 20 tấm nệm mà vẫn thấy đau vì một hạt đậu lại là công chúa hoàn thiện hoàn mỹ?
Đi ngược lại nơi công chúa đến, chúng ta sẽ rõ tất cả. Tác giả đã xây dựng một bức tranh hoàn chỉnh trong nhiều cái đối lập: một bên là sự hoàn thiện hoàn mỹ, một bên là những nhược điểm, một bên là những người hoàng tử cố đi tìm, một bên là người tự tìm đến hoàng tử, một bên là những nàng công chúa sống trong nhung lụa ở lâu đài, một bên là một nàng công chúa đến từ mưa gió bão bão bùng trong dân gian, một bên là hai mươi tấm nệm, một bên là một hạt đậu. Vậy là đã rõ. Hai mươi tấm đệm và một hạt đậu chỉ là biểu tượng. Nàng công chúa hoàn thiện hoàn mỹ là người dù sống trong nhung lụa vẫn thấy không thờ ơ với những vật cực kỳ nhỏ bé . Hai mươi tấm nệm, cái biểu trưng cho sự giàu sang, phú quý vẫn không thể che lấp nổi cái đau đớn do hạt đậu gây ra. Một trở ngại nho nhỏ cũng làm nàng công chúa băn khoăn. Chỉ có nàng công chúa, người nếm trải nhiều nỗi khổ trong dân gian mới có thể nhận ra được điều đó. Đó cũng chính là mong ước của hoàng hậu muốn tìm một người xứng đáng cùng con trai mình cai trị đất nước.

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Thơ tượng trưng: thơ của dấu hiệu và giao cảm bí mật


1. Sự ra đời: Thơ tượng trưng ra đời vào khoảng thế kỷ XIX, đó là thời điểm bóng đen của chủ nghĩa tư bản bao trùm thế kỷ khiến mọi người ao ước một cuộc sống thanh bình. Nửa cuối thế kỷ XIX, Napoleon đệ tam đã mở những cuộc chinh chiến qua tận châu Phi và châu Á. Những cuộc chinh chiến đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến bầu không khí xã hội. Chiến tranh Pháp - Đức vào năm 1870-1871, tai họa Sedan năm 1871, cuộc khởi nghĩa Công xã Paris năm 1871…đã làm cho nước Pháp có nhiều biến động.

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

Còn có bao giờ em nhớ ta (*)



"Gió lên từ những khu rừng
Mùi hương thơm tự trong lòng của hoa
Bốn phương đâu cũng quê nhà
Như con tàu với những ga dọc đường"
(Xuân Quỳnh)
Những ngày qua hành trình của mình không dừng lại. Mình đã đi, đã biết, đã hiểu như một lữ hành. Giữa tuần, về quê nội, nơi mà cách đây chừng bốn tháng, khi trên đường về thăm quê sau 6 năm xa cách, ông nội cứ gọi điện liên tục: Cháu đến đâu rồi, sắp đến nhà chưa? Và rồi ông chạy nhanh về, bỏ dở trận xem đá bóng để gặp cháu. Giờ đây, cũng trên chuyến xe ấy, cũng hành trình ấy, cháu đến thắp cho ông nén hương trên ngọn đồi đã bắt đầu lấm tấm cỏ.
Ra Hà Nội sau hai ngày dừng bước tại Nghệ An. Hà Nội trở lạnh đột ngột như để chia sẻ với nỗi đau của người dân Nhật Bản sau thảm họa động đất, núi lửa, hạt nhân. Gặp cô vừa trở về từ Nhật Bản, nghe cô kể nằm ngủ ở Việt Nam vẫn còn thấy trời đất chao đảo mới biết mình may mắn lắm. Mình may mắn vì ở Việt Nam, nơi có rừng vàng biển bạc và mưa thuận gió hòa. Thế nên, dẫu trời có lạnh chút xíu cũng có hề gì đâu so với thời tiết và sự khắc nghiệt của thiên nhiên ở nước bạn.
Chiều thứ sáu, dự hội nghị bàn tròn của thầy và gặp lại nhiều người quen trong đó có cô Lưu Khánh Thơ. Đợt trước, đi học về mệt quá nên không đến dự Tọa đàm thơ Xuân Quỳnh được, nếu không đã gặp cô ở đó rồi. Tối, thầy Nguyễn Đức Mậu dẫn cả đoàn đi uống café Phố Cổ ở số 11, Hàng Gai. Quán café được bài trí rất nên thơ với không gian thật đặc biệt để có thể ngắm nhìn Hồ Gươm và đường phố Hà Nội. Tối thứ sáu, ngủ lại khách sạn Điện Lực với cô và chị để tiếp tục cuộc hành trình vào ngày thứ bảy.
Sáng thứ bảy, trời nắng đẹp. Hôm thứ tư nói chuyện điện thoại với thầy mình bảo trời lạnh và mưa gió thế này thì đừng nên đi chơi thầy ạ, để thứ bảy em về, trời nắng đẹp rồi đi chơi luôn. Một câu nói bâng quơ nhưng rõ ràng trời lại chiều ý mình và các thầy cô trong đoàn. Thầy bảo mình bữa nay ra Hà Nội còn kiêm cả nghề xem ngày nữa. Và mọi người đã có một hành trình tuyệt vời đến làng cổ đường Lâm, chùa Tây Phương, chùa Thầy, hang Cắc Cớ…
Sáng chủ nhật, đi dạo bờ Hồ. Trời se se lạnh. Cây lộc vừng trổ lá vàng khiến cho Hồ Gươm nên thơ hơn. Giá mà cụ Rùa nổi lên thì thật tuyệt. Nhưng cũng có khi lại đau lòng vì những vết thương trên lưng cụ ấy chứ vì 8 giờ sáng hôm qua cụ đã nổi lên gần cả tiếng đồng hồ rồi còn gì.
Thầy bảo lát nữa chia tay rồi đừng khóc đấy nhé. Mình cười, em đâu có yếu đuối như vậy đâu thầy. Dù sao chỉ còn hai tháng nữa là gặp lại thầy cô ở Sài Gòn rồi. Tháng ba thời gian qua nhanh đến mức không thể ngờ. Thầy đưa cho mình mấy gói café hòa tan còn cô đưa tiền bảo đi taxi về. Mình từ chối. Cô bảo vì em đang còn phải ở đây học và vì tết vừa rồi em không về Sài Gòn, không được đi chơi với mọi người, với mấy anh chị trong khoa. Nghe cô nói đến đây, sống mũi mình chợt cay cay. Lang thang bắt xe bus về nhà, mình nghĩ nhiều đến câu nói của cô. Rõ ràng, các thầy cô luôn xem cán bộ trẻ trong khoa như con trong gia đình chứ không có khoảng cách thầy – trò. Do đó, mình cảm thấy rất may mắn khi làm việc ở đây dù cho đôi lúc công việc có hơi nặng nề.
Xe bus dừng ở trạm Đại học Tự nhiên. Trước khi xuống xe đã có khoảnh khắc trò chuyện ngắn ngủi với hai ông cháu. Chủ nhật, ông đưa cháu đi chơi. Cháu bé chắc chỉ khoảng 2 tuổi. Mình vẫn nhớ câu nói: Cháu chào cô ạ lặp đi lặp lại liên tục qua cái mấp máy môi trước tấm kiếng xe bus và cái vẫy tay chào bé xíu của cháu. Mình cũng vẫy tay lại cho đến khi xe bus đi xa thật xa. Lâu rồi mới có một kỷ niệm đáng yêu với một em bé như thế. 
Cuộc đời thật kỳ lạ. Nó cứ mãi là một cuộc hành trình dài và có những dấu phảy để giúp ta nghỉ chân, lấy năng lượng rồi đi tiếp.
 --------------
(*): Đôi mắt người Sơn Tây, Quang Dũng

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

Hà Nội, mưa


Cơn mưa phùn vẫn in vào tim tôi buốt lạnh
Làm sao để nhớ, làm sao để quên
Tôi lang thang một mình trên con phố nhỏ
Đếm ngược thời gian
Một mình
Dẫu biết rằng cô đơn khủng khiếp
Thì có hề gì đâu
Bởi cô đơn là cảm giác của u sầu
Gieo vào lòng giữa mùa đông tái ngắt
Xa Hà Nội sau ba ngày gặp lại
Cảm thấy lòng bỗng chốc lạnh hơn
Giọt nước mắt chui vào tim xóa tan bao ký ức
Thèm nghe tiếng cười
Lời nói thân thương
Thèm nghe tiếng ai nhắc nhở mỗi đêm
Đã khuya rồi ngủ đi em nhé
Giọt cà phê vẫn chảy
Đắng ở đầu môi
Không có anh
Cà phê một mình

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Tuổi 20 và những ước mơ(*)


 (Tặng Sư huynh)
Đúng là một ngày cuối tuần đầy buồn chán. Tôi đành lang thang ngoài đường. Một nỗi cô đơn xâm chiếm tâm hồn tôi. Bước chân tôi trở nên nặng nề. Tôi như con chim lạc lối không biết điểm dừng ở chốn nào.
Một tiếng còi xe làm tôi giật mình nhảy vọt lên vỉa hè.
Tôi đang đứng ở đâu thế này? Tại sao lại là tiệm gà rán KFC? “Thôi đằng nào cũng đến rồi thì sao mình không tự đãi mình một bữa? Dù sao mình cũng chưa ăn tối mà”. Tôi tự nhủ và bước vào.
Chỗ ngồi quen thuộc của tôi vẫn đang trống. Tôi ngồi trên cao nhìn ngắm người và xe cộ bên dưới. Đây là chỗ mà Duyên rất thích. Lần đầu tiên tôi đưa Duyên đến đây là sinh nhật lần thứ 20 của cô ấy.
- Em thích nhất là ăn gà rán. Anh đưa em đi ăn nhé.
Tôi gật đầu. Yêu cầu đó đâu quá khó đối với tôi mặc dù tôi không thích gà lắm. Tuy nhiên, khi nhìn cô ấy ăn, mọi mệt mỏi của tôi đều tan biến hết. Cô ấy chẳng thèm sử dụng dao và nĩa, cứ thế mà cầm ăn luôn.
- Mọi người nhìn em kìa. Lớn rồi mà cứ như con nít ấy.
- Kệ họ đi anh. Ăn vậy mới thích chứ.
Tôi cười. Không biết hai mươi năm nữa cô ấy đã lớn chưa.
- Hôm nay sinh nhật của em đấy, em có ước điều gì không?
- Sao người ta lại phải đợi đến sinh nhật rồi mới ước chứ. Em không muốn việc gì cũng làm theo người khác. Nếu có một điều ước em sẽ ước cho nó biến thành một trăm điều ước khác rồi phát cho một trăm người.
- Rồi người khác lại cũng làm như em chứ gì. Tôi cười.
Cô ấy không nói gì hết, lại chăm chú ăn. Nhìn thấy cô ấy ăn mới đáng yêu làm sao. Thỉnh thoảng cô ấy lại ngước lên nhìn tôi cười. Ánh mắt cô ấy làm cho tôi không thể rời ra được. Có lẽ giờ đây tôi nhớ nhất cũng là ánh mắt ấy.
- Sau này con chúng ta cũng thích ăn gà rán giống em. - Cô ấy nói.
- Nếu vậy anh sẽ nuôi gà Tây cho em và con, như vậy lúc nào em và con muốn ăn cũng được.
Bốn năm sau, giấc mơ nuôi gà Tây của tôi đã bị em làm tan biến. Tôi ngậm ngùi nhìn xuống đường. Người ta vẫn đi, xe cộ vẫn chuyển động. Tôi bỏ dở dĩa gà rán và rời bước.
Chợt, điện thoại rung:
- Anh có thể lên mạng chát với em chút xíu được không? Ly nhắn.
- Ừ, chờ anh mười lăm phút nha!
 Tôi về nhà, lao vào máy tính. Hưng vẫn chưa về. Chắc tối nay hắn không về. “Vậy cũng tốt, mình có thể nói chuyện với Ly thoải mái mà không bị hắn phát hiện”. - Tôi nghĩ.
- Em xin lỗi đã thất hẹn với anh. Em vừa thăm bạn về.
- Bạn em bị tai nạn thế nào, có nặng không?
- Cũng may cô ấy không bị thương ở đầu. Bác sĩ nói chỉ ở bệnh viện khoảng một tuần thôi.
- Sao em không ở lại với cô ấy?
- Có bạn trai cô ấy chăm sóc rồi. Ở bệnh viện đông người không tiện lắm.
- Cô ấy là bạn cùng lớp của em à?
- Không, cô ấy lớn hơn em bốn tuổi. Cô ấy là bạn mà em quen ở lớp Anh văn buổi tối.
- Vậy năm nay em bao nhiêu tuổi?
- Dạ, hai mươi. Anh đã từng hỏi điều này rồi mà.
- Anh xin lỗi, chỉ tại anh đang nghĩ vẩn vơ.
Bạn cô ấy, có thể nào…Chắc là không đâu, trên đời này thiếu gì người hai mươi bốn tuổi. Tôi tự trấn an. Chắc là trùng hợp ngẫu nhiên thôi.
- Bạn em tên gì vậy?
- Sao cơ?
- À, không có gì.
….
- Khi nào anh có thể gặp em được?
- Tùy anh thôi. Em lúc nào cũng sẵn lòng. Hay là thứ bảy tuần sau nha anh.
- Ừ, có gì anh sẽ gọi cho em sau.
Và chúng tôi đã trò chuyện với nhau liên tục trong hai giờ đồng hồ. Chính tôi cũng không hiểu vì sao mình có thể cởi mở với một người con gái chưa bao giờ gặp mặt đến như vậy. Tôi nói rất nhiều về bản thân mình, về những kỉ niệm thời quá khứ cũng như những ước mơ trong tương lai. Cô ấy cũng chia sẻ với tôi về ước mơ của cô ấy. Mặc dù cách nói hơi mơ hồ nhưng tôi cũng đã cố gắng hiểu và tôi tin là mình có thể hiểu cô ấy. Cô ấy luôn yêu thích cách nói như vậy.
- Hôm nay, thấy bạn bị tai nạn em chợt nghĩ, cuộc đời con người thật ngắn ngủi. Hôm nay em hai mươi tuổi nhưng không có gì đảm bảo em sẽ sống đến hai mươi mốt.
- Sao em lại bi quan đến vậy. Em phải nhìn về phía trước chứ. Em không có ước mơ gì sao?
- Có chứ, ngược lại nữa là khác. Em có rất nhiều ước mơ. Chính vì không biết ngày mai rồi sẽ ra sao nên em luôn sống hết mình với những ước mơ. Nếu anh vặt hết lá của một cây nào đó, nếu anh giẫm lên một con giun đất thì chúng sẽ thế nào? Chúng sẽ chết đi để khỏi phải sống đau đớn à? Không, cây rồi sẽ lại nảy mầm, giun rồi vẫn lê thân tìm nơi trú ẩn.
- Anh có thể biết ước mơ của em không?
- Ước mơ của em không phải là mơ ước. Đó là mục tiêu mà em phải thực hiện. Khi anh giương cung lên, anh có ước rằng mình sẽ bắn trúng tâm không? Đó có phải là mục tiêu của anh không?
- Vậy cái cách mà em giương cung, cách mà em ngắm bắn chính là cách em thực hiện mục tiêu?
- Cũng gần như vậy vì em không thích bắn bia, em thích bắn vào mục tiêu di động kia.
- Anh không nghĩ rằng một cô gái hai mươi như em lại có thể suy nghĩ sâu sắc như vậy.
- Tuổi tác và suy nghĩ đâu tỷ lệ thuận với nhau.
Phải nói là bên cạnh tình cảm đặc biệt mà tôi dành cho cô ấy còn pha lẫn sự cảm phục nữa. Mặc dù trẻ tuổi nhưng có thể cô ấy đã có những trải nghiệm mà chính tôi còn chưa biết tới. Có lẽ tôi được nuông chiều nhiều quá. Tôi giống như một đứa bé được nuôi trong lồng kính vậy, hở ra là bị không biết bao nhiêu vi khuẩn xâm nhập. Tôi làm gì có sức đề kháng.
Hôm nay tôi lên giường ngủ hơi trễ. Đúng là Hưng không về thật. Giờ thì tôi cũng không còn cảm thấy cô đơn nữa. Cô gái kỳ lạ ấy đã chuyển đến tôi một luồng khí thật ấm áp. Hôm nay, cô ấy lại mặc chiếc váy trắng và múa trên một bãi cỏ xanh mượt. Cô ấy có một điệu nhảy thật đẹp. Cả người uyển chuyển. Và mỗi khi xoay người, hàng nghìn cánh hoa rơi xuống. Chỉ có điều khi tôi lại gần thì cô lại chạy ra xa, mỗi lúc một xa và biến mất theo hàng nghìn cánh hoa ấy.
-------------------------
(*) Trích Chương 6, tiểu thuyết "Hẹn gặp anh nơi thiên đường"

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

TASTE OF CHERRY - HÀNH TRÌNH ĐI TÌM SỰ SỐNG


Năm 1997 bộ phim Taste of Cherry của đạo diễn Abbas Kiarostami đã làm hết thảy những người tham dự liên hoan phim Cannes ngạc nhiên. Bộ phim là hành trình của một người đàn ông tên Baddi đi tìm thuê người làm việc cho mình với giá: 200 ngàn toman.

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

There's no place like home*

"Tim em người trọ là tôi
Mai kia về chốn xa xôi cũng gần"
(Trịnh Công Sơn)

Bài viết này không phải được viết nên bởi: Không chốn dung thân (No country for old men) hay bởi giá tiền nhà trọ lại tiếp tục tăng. Đơn giản: nó chỉ viết cho mình, cho ngôi nhà mà mình chưa kịp tham gia vào công cuộc xây dựng của nó.
Hôm nay, nhà mình tại Sài Gòn chính thức được xây dựng. Nói là nhà mình cho oai vậy thôi chứ giá trị đóng góp của mình cho nó tới thời điểm hiện tại hình như chỉ khoảng 7% là cùng. Và hứa hẹn sẽ tăng lên sau khi mình quay trở lại Sài Gòn (bằng nghề viết kịch bản chăng???). Vậy thì tạm thời gọi là “nhà bố mẹ cho hai con yêu quý”.
Thời bố mẹ, con cái phải tự lao động và xây nhà bởi điều kiện kinh tế quá khó khăn. Hơn nữa, cả nội lẫn ngoại đều đông anh em. Thế nhưng, đến thời của mình, mặc dù cả hai anh em đều đã trưởng thành, bố mẹ vẫn muốn cho hai anh em một chỗ ở chắc chắn gọi là: an cư lạc nghiệp. Và chỗ ấy sẽ phát triển thế nào, cao lên bao nhiêu thì tùy vào: phu nhân và phu quân của hai đứa con (dĩ nhiên không thể là nhà chọc trời được vì nguy hiểm cho mấy bác phi công). Nhưng như vậy mình cảm thấy rất thoải mái dù mình là đứa không đi ở trọ nhiều (nhưng chuyển chỗ trọ không ít). Còn nhớ, lúc học năm 3 đại học, mấy đứa bạn chuyển lên thành phố hết, mình cũng bắt chước tụi nó nhưng không thành. Cảm giác một ngôi nhà bé bé với 5,6 con người khiến mình nghẹt thở. Không gian riêng không hề có nên mình quyết định trở về với ký túc xá thân yêu của mình. Dù một phòng 8 đứa nhưng bao giờ cũng tìm thấy được không gian riêng tư ở đó, ít nhất là trên giường của mình. Năm thứ 4, trường chuyển sinh viên lên quận 1 nên hầu hết mọi người lại tiếp tục lên thành phố. Mình cũng đi nhưng rồi lại trở về ký túc xá vào ngày 1/10 vì dù đã cố gắng vẫn không quen với cảm giác đi ở trọ. Mình nghĩ rằng đó luôn luôn là quyết định đúng vì mình đã có năm cuối cùng ở ký túc xá thật ngọt ngào và vui vẻ.
Lúc ra trường, mình không thể không đi ở trọ. Lần đầu tiên là ở đường Nguyễn Công Hoan được hai tháng rồi lại chuyển. Lần thứ hai ở đường Phan Xích Long và cũng chuyển. Lần thứ ba ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Lần này thì ở được lâu hơn (hình như đúng 1 năm) nhưng rồi cũng chuyển vì anh hai về Sài Gòn, phải trả xe cho anh ý và mình mua xe mới, cái xe không để vừa chỗ trọ. Lần thứ tư là ở đường Hai Bà Trưng, đây là nơi rất rất gần trường mình nhưng lại không an toàn cho việc để xe. Và lần cuối cùng là ở đường Nguyễn Duy, đánh dấu lần ở trọ khủng khiếp cuối cùng của mình tại Sài Gòn. Vì cứ liên tục ở trọ nên chẳng bao giờ mình mua sách. Cái đứa vốn bị đau lưng cơ năng như mình làm sao có thể khiêng được những đống sách vở to tướng khi di chuyển hết chỗ này đến chỗ kia. Vậy nên giờ có ai hỏi mượn sách của mình thì chỉ có cách cười rất chi là bẽn lẽn: Ơ, mình chỉ đọc sách ở thư viện thôi bạn à. Mà đúng thế thật còn gì. 
Và giờ đây ở Hà Nội, cũng ở trọ một nơi xa xôi cách trở so với việc tới trường mà sư huynh gọi là "khỉ ho cò gáy" ấy  nhưng luôn luôn có lý do để bào chữa: ở có mấy tháng thôi mà, lắm chuyện.
Và rồi chồng sách vở của mình ngày một cao hơn. Mình luôn lấy làm thích thú vì việc đó. Bao giờ mình cũng thích đọc sách hơn đọc trên file ebook hay đọc sách phô tô (cái này là thường gặp từ hồi sinh viên). Ở Hà Nội dễ mua được sách mới, rẻ, đẹp hơn ở Sài Gòn. Có lẽ vậy. Nhưng thích nhất là nghĩ đến cảnh phòng riêng của mình sẽ được làm đầy bởi sách vở và những DVD phim yêu thích. Nghĩ đến cảnh sẽ đi chợ, nấu cơm và đi đi lại lại trong một không gian rộng rãi là đủ cảm thấy thoải mái rồi.
Ngôi nhà mình được xây nên bằng sự quan tâm và tình yêu thương của bố mẹ nên mình cảm thấy nó ý nghĩa lắm. Dù rằng cách xa nơi làm việc hơn 10 km nhưng mình rất vui bởi vì: đó là nhà của mình. 
-----
* Lời thoại phim: The Wizard of Oz

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

Cho mưa

Nếu mưa chỉ đơn giản là nước thì hẳn nó sẽ không có gì đặc biệt. Nó đặc biệt bởi nó là nước mắt của trời, của những ngày u ám.
Mình thực sự buồn ngủ, mấy ngày nay rất buồn ngủ nhưng không ngủ được. Đôi khi không phải vì quá bận mà chỉ là chờ đợi. Trong một tuần sợ nhất là ngày thứ ba và thứ tư. Bài biên tập, lời ngỏ và một ngày học dài nhưng về nhà không dám ngủ.
Đôi khi không phải vì mệt mà chỉ là lạnh. Có lẽ bên trong lạnh hơn bên ngoài.
Công việc không tự sinh ra và không tự mất đi, nó chỉ chuyển từ tay người này qua tay người khác thôi. Công việc bây giờ cũng vậy mà trước đây cũng vậy. Thế nên bây giờ, công việc CNTN của mình trong Sài Gòn lại đang trở thành gánh nặng cho người kế nhiệm. Không phải vì nó khó khăn mà là vì nó khó phù hợp với những người có phần lãng mạn, nhạy cảm của người khoa Văn. Dù sao mình cũng trải qua hơn 2 năm vì nó, cống hiến cho nó cũng quá đủ rồi. 
Đôi khi chỉ mong được hiểu nhưng rồi cũng hiểu rằng đôi khi phải tự nói chuyện với mình để giảm bớt mệt mỏi, bớt buồn.
Đôi khi, chỉ mong bớt nhạy cảm để khỏi thấy buồn khi nhận thấy sự thờ ơ, vô tình từ người khác.
Đôi khi, lặng lẽ trong đêm và nhớ về mưa như nước mắt của chính mình...

Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2011

Kiểm phiếu cho các bài ca cải lương

Mấy ngày nay, mình đang làm một việc mà mình gọi là: kiểm phiếu cho các bài ca cải lương, một công việc quen thuộc khi nghiên cứu khoa học. Giống như một cuộc bầu cử, mình phải kiểm tra hết tất cả các vở cải lương trước 1945 để xem trong mỗi vở, mỗi bài ca xuất hiện bao nhiêu lần. Sau khi điểm qua hết hơn 100 vở cải lưởng, mình sẽ biết được bài ca nào được sử dụng nhiều nhất. (Có thể nói bài ca đó sẽ trúng cử vì được nêu tên đầu tiên và được ca ngợi, giải thích này nọ, còn những bài ca chỉ có một vài phiếu thì có khi còn không được nhắc tên qua ấy chứ). Có thể, với nhiều người đây là công việc hơi chán, nhất là vẽ vời những biểu đồ, bản đồ trong một đề tài nghiên cứu khoa học hay một luận văn về văn học. Tuy nhiên, đối với mình nó luôn luôn quan trọng. Làm như vậy mình sẽ nhận ra, phân loại, trả lời một cách chính xác về những gì mình đang nghiên cứu và đặc biệt mình sẽ tránh được những phỏng đoán. Quan trọng hơn, sau khi phân loại và sắp xếp chúng (gọi nôm na là kiểm phiếu) mình sẽ viết đề tài nhanh hơn rất nhiều lần vì đã có số liệu cụ thể.
Hôm qua thầy điện thoại mới nhớ ra là còn nợ thầy một bài viết về Ký Nam Bộ 1930-1945 cho công trình của thầy. Hic, hic…Cũng may hội nghị bàn tròn ngày 18/03 tới về Văn học Nam bộ chỉ phải trình bày báo cáo bằng miệng nên cũng đỡ lo lắng. (Hic, sao cuộc đời mình toàn gắn bó với chữ nợ, mà toàn là nợ về đề tài và khoa học không vậy nè).
Tối qua, nhận món quà mồng 8/3 sớm của anh hai. Anh hai mình thật tuyệt, năm nào cũng tặng quà mồng 8/3 (còn mình thì chuyên gia nợ quà sinh nhật của anh ấy). Món quà mồng 8/3 năm nay làm mình nhớ đến một tình huống cũng dễ thương, xúc động không kém lúc mới ra trường đi làm. Dĩ nhiên lúc mới ra trường, mình chưa đứng lớp nên chưa có sinh viên. Sinh viên của mình chủ yếu là sinh viên CNTN mà mình phụ trách và sinh viên hướng dẫn thực tập. Năm đó, vào mồng 8/3, một em sinh viên nữ mà mình hướng dẫn thực tập đến nhà chơi. Sau khi em ấy về, mãi cho tới buổi tối mình mới phát hiện ra trên giá sách của mình có một hộp quà bé bé xinh xinh (làm mình cứ tưởng như đang trong một câu chuyện cổ tích nào đấy). Mở hộp quà ra, một con bướm màu xanh nằm trên sợi dây đeo tay lung linh, xinh xắn với dòng chữ bé nhỏ: 8-3 ấm áp, ngọt ngào. Con bướm có mùi hương nhè nhẹ, dễ chịu làm mình rất cảm động. (Không nhớ lúc ấy có khóc không). Mình nhắn tin cảm ơn em thì em lại bảo là em không biết, chắc ai đó để đó hồi nào chứ đâu phải là em. Nhắn tin qua lại mãi, cuối cùng con bé mới chịu thừa nhận. Mỗi lần nhìn thấy hộp quà bé bé ấy, mình đều nhớ đến kỷ niệm đáng yêu của mình.
Hôm nay, nghe một câu chuyện của hai mẹ con trên đường. Một câu chuyện cũng khá dễ thương. Cô gái nói: mẹ cột hàng cho bạn ấy làm gì mà nhiều dây dữ vậy? Hàng nhẹ lắm, không rớt được đâu. Người mẹ: Vì em ấy là con gái mà. Nếu lỡ nó rơi giữa đường thì lấy dây nào để cột. Mấy cái dây này đâu tốn kém. Cô gái: Nhưng cũng không cần thiết tới mức phải cẩn thận như vậy đâu mẹ? Người mẹ: Vì ngày xưa khi mẹ đi chở hàng, người ta cũng cột cho mẹ cẩn thận như thế đấy con ạ...
(Nguồn ảnh: hoangthanhtung.net)

Đường Nguyễn Trãi mùa này nhiều người chở hoa tím đi bán dạo thật đẹp. Muốn mua một bó về cắm nhưng chợt nhớ, mình làm gì có lọ cắm hoa nào. Thôi thì thi thoảng đi qua đấy, thưởng thức một chút đáng yêu của Hà Nội qua những chiếc xe đạp đầy hoa vậy.

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

Giờ này hoa sưa đã nở chưa?


Ngủ đi, hãy ngủ đi em,
Đời là như thế dậy xem làm gì.
Dậy đi, em hãy dậy đi,
Đời là huyễn mộng có gì mà mơ?
( Nguyễn Bảo Sinh)

Chắc hẳn xứ sở bạch dương phải đẹp và lãng mạn lắm nên những biển báo bình thường cũng gợi hứng cho một bài thơ. Cô giáo mình kể rằng: Mùa thu Mátxcơva người ta thường treo những tấm biển trên các đại lộ, với dòng chữ: "Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng". Ừ, chỉ đơn giản là vậy, chỉ bình thường là vậy nhưng khi đi vào thơ của Olga Berggoltz, nó trở nên duyên dáng và đáng yêu làm sao:
Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói toả.
Matxcơva lại đã thu rồi!
Bao khu vườn như lửa chói ngời,
Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ
Những tấm biển treo dọc trên đại lộ
Nhắc ai đi ngang dù đầy đ lứa đôi
Nhắc cả những ai cô độc trong đời:
"
Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng"
Ở nước mình, nếu những cái cây phải oằn lưng để mang trên mình dòng chữ nào đấy thì chắc hẳn đấy là những tấm biển quảng cáo, tìm nhà trọ, dạy thêm, dạy kèm…hoặc cùng làm là tên gọi của chúng: Tôi là cây…Thế thôi. Nếu người ta không ghi vào cây thì tự mình ghi vậy. Mình sẽ treo những dòng thắc mắc nhỏ của mình để gửi đến hàng cây ở bên Hồ Tây: giờ này, hoa sưa đã nở chưa?
Hoa sưa, cái tên nghe thật nhẹ nhàng vì nó không mang thanh sắc, âm lại gần với “xưa” nên gợi lên một cái gì đó man mác, buồn buồn. Hoa sưa với màu trắng thanh tao, hiên ngang khoe mình dưới bầu trời, dưới cái nắng của Hà Nội tháng ba. Hà Nội dạo này lạnh quá nên không biết giờ này nó đã nở chưa? Nhân tiện nói chuyện hoa sưa, kể luôn chuyện tại thời điểm này năm ngoái của mình, câu chuyện ngày xưa…
ĐÔI LÚC LIỀU LĨNH:
Ừ, dẫu biết là liều lĩnh thật nhưng khi nhận được điện thoại của Đại sứ quán Nhật bảo bay ra Hà Nội để tham dự vòng phỏng vấn của Học bổng thanh niên châu Á, mình và chị đặt vé luôn mặc dù lúc đó đang trong thời gian đưa sinh viên đi thực tập ở Bến Tre. Đôi lúc mình không nghĩ là mình có thể lại di chuyển được nhiều đến thế. Tự nhủ với lòng, lần thứ ba ra Hà Nội là lần thứ ba vì mình. Thôi thì lâu lâu sống cho mình một chút đã sao. Hai lần trước, lần đầu theo đoàn đi thực tập, ai dắt đi đâu thì đi đó, lần sau thì mình lại dắt sinh viên đi thực tập, lại càng không có thời gian rảnh để…thở. Lần này, tình nguyện ra Hà Nội dù chẳng có tí hy vọng le lói nào cho cái học bổng đó của Nhật vì Nhật thường ưu tiên kinh tế và kỹ thuật còn mình và chị lại apply bên khoa học xã hội. Ngoài ra, phỏng vấn 20 người nhưng chỉ lấy…1 người. Tuy nhiên vì  thực sự muốn ra  Hà Nội để được tận hưởng nó theo ý mình, được tự do đi dạo, tự do đến những nơi mà mình muốn đến, những nơi mà trong đợt dắt sinh viên đi lần trước mình không thể dắt mọi người đi được và muốn ăn những món nổi tiếng của Hà Nội mà dù ra 2 lần vẫn chưa có cơ hội được thưởng thức. Và thế là Let’s go…Cuốn lịch trình ghi: 16 giờ ngày 02 tháng 03 năm 2010, rời sân bay Tân Sơn Nhất.
NGÀY ĐẦU TIÊN:
Buổi sáng, để tập thể dục và để đi dạo (thực ra là để tiết kiệm tiền taxi) thì mình và chị đã khởi hành từ nhà nghỉ trên con phố Giảng Võ, qua đường Trần Huy Liệu, đến Kim Mã và cuối cùng là Liễu Giai, nơi tọa lạc của “Đại sứ quán Nhật Bản” để tham dự buổi phỏng vấn. Buổi phỏng vấn hôm ấy có khoảng chục người và nghe đâu chiều hôm trước cũng có chục người ở đấy. Mỗi người được nói chuyện với hai người phỏng vấn vài phút với những câu hỏi mang format vô cùng giống nhau. Mình chẳng nhớ đã nói gì, chỉ nhớ hôm ấy, một trong hai người phỏng vấn cực kỳ trẻ trung và đẹp trai.
Buổi trưa, sau thời gian ngồi chờ đợi, mọi người đã quen với nhau, trò chuyện với nhau một cách hết sức thân mật. Nhiều người đến từ Huế, Đà Nẵng. Nhiều người đã có gia đình và đang xin học bổng tiến sĩ. Và dĩ nhiên, nhiều người là dân khoa học tự nhiên. Mọi người rủ rê nhau café ăn uống để làm quen, kết bạn còn cái đứa không có khả năng giao tiếp với người lạ như mình bắt taxi về lại nhà nghỉ chỉ để…xem tập cuối của bộ phim Sóng gió ở Hoàng Đình phát trên VTV6.

ĐI XEM…THẾ NÀO LÀ DUYÊN:
Với mình, hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng nên chuyện gì đến nó sẽ đến thôi. Thế nhưng ở Hà Nội vẫn có một ngôi chùa cổ nổi tiếng về cầu duyên. Mức độ nổi tiếng của nó khiến mình thực sự tò mò và muốn xem thế nào là duyên.
Hôm ấy là một ngày bình thường nhưng người ta đến chùa Hà đông lắm. Không biết họ cũng tò mò như mình hay họ là người đã tìm được chữ “duyên” sau mỗi lần đi cầu khấn và giờ đến để tạ ơn. Dĩ nhiên là mình không biết vì không thể hỏi những chuyện ấy. Mình cũng như họ, vào chùa, thắp nhang, lễ Phật. Tuy nhiên, có lẽ vì ngôi chùa này quá nổi tiếng về cầu duyên nên dù muốn hay không, dù có cầu duyên hay không thì mình vẫn nhận tin nhắn liên tiếp từ người em của chị, người mà đi chung với hai chị em đến chùa Hà, người mà đang học bác sĩ Quân y ở Hà Nội. Không biết hôm ấy, người ấy đã cầu xin điều gì. Nếu xin chữ duyên với mình thì kể như đã thất bại hoàn toàn rồi. Bằng chứng là từ đó đến nay mình đã không liên lạc lại lần nào nữa vì thực sự mình không muốn ai đó phải nuôi hy vọng. Kết thúc khi có rất ít ký ức về nhau bao giờ cũng là sự kết thúc tương đối dễ chịu. 

CAFÉ HÀNG HÀNH VÀ CÂU CHUYỆN CỦA NGUYỄN HUY THIỆP:
Có lẽ câu chuyện Café Hàng Hành của Nguyễn Huy Thiệp đã khiến mình cho nó vào lịch trình của buổi sáng ngày hôm sau.
Như một cánh cung, phố Hàng Hành bên hồ Hoàn Kiếm dài hơn trăm mét có đến mấy chục hàng ăn, hàng café, gallery, shop quần áo. Nghe nói ngày xưa đây là nơi bán hành tỏi, sau chuyển sang nghề tiện gỗ. Đền thờ tổ nghề tiện gỗ ở trong nhà số 11. Nghề tiện gỗ vốn là nghề truyền thống của làng Nhị Khê quê hương Nguyễn Trãi.
Đoạn văn mở đầu lung linh như thế thử hỏi tại sao không lôi cuốn bước chân mình đến đó được. Thế là đến thôi. Đến để tìm nghe câu chuyện vị tôn sư và cô bé học trò bên ly café Hàng Hành chứ không phải những định đề trong câu chuyện của Nguyễn. Mình thích những câu chuyện nhỏ hơn những định đề lớn. Những câu chuyện nhỏ dễ đi vào lòng người hơn.
Một buổi chiều có một vị tôn sư đi cùng với một cô gái là học trò của ông ta đến phố Hàng Hành. Họ ngồi trên gác hai nhà café Nhân trông xuống mặt đường. Chỗ này trước đây khi còn sống, ông Vũ ở phố Hàng Giầy vẫn hay đến ngồi. Đây cũng là chỗ của nhóm hoạ sĩ thời thượng để râu xồm xoàm vẫn đặt bàn hàng ngày vào các buổi sáng.

Cô gái hỏi:

– Thưa Thày, nhiều người hàng ngày vẫn đến uống café ở phố Hàng Hành. Đấy thường là lúc bắt đầu một ngày của họ. Thưa Thày, đấy có phải là thời khắc để phân biệt ranh giới giữa đêm với ngày, giữa bóng tối và ánh sáng ở trong lòng họ hay không?

Vị tôn sư đáp:

– Không phải con ạ! Ranh giới phân biệt giữa đêm với ngày, giữa bóng tối và ánh sáng không phải ở ly café. Lòng nhân ái bao dung mới là ranh giới phân biệt giữa đêm với ngày, giữa bóng tối và ánh sáng.
Có lẽ những gì trong câu chuyện, được tưởng tượng hóa bởi nhà văn bao giờ cũng cho chúng ta những cảm giác thú vị hơn nhiều. Thú vị như tấm biển trên hàng cây mà Olga đã viết trong bài Mùa lá rụng vậy. Còn trở về với thực tại ư? Phố Hàng Hành là một con phố cổ nhỏ, tĩnh lặng và cũng khá duyên dáng. 

ĐI DƯỚI HOA SƯA
Đi dưới hoa sưa để ngắm tuyệt phẩm của thiên nhiên trong tháng ba. Nếu hàng cây này đứng ở một nơi nào đó cách xa Hồ Tây chắc hẳn sẽ không đẹp thế này. Màu trắng của hoa hòa quyện với màu xanh của lá, của nước, của trời và ánh vàng của nắng. Vậy là đủ cho một khúc ca của ngày.
Mình lang thang chụp hình hết góc này đến góc khác. Dĩ nhiên chẳng thể nào tóm được chúng vào trong khuôn hình. Thấy chúng thì sẽ chẳng thấy mình và ngược lại. Dù sao mình cũng thấy lòng thênh thang, nhè nhẹ khi đi dưới chúng. Vậy là vui rồi.
Tháng ba, thời tiết đã ấm lên rồi. Ấm áp đủ để mình nhớ đến những kỷ niệm ở Hà Nội giờ này năm ngoái. Ấm áp đủ để nhớ rằng thời gian ở Hà Nội sẽ không còn bao lâu nữa và dù có bận rộn thế nào cũng phải ghi lại cảm giác này: những ngày còn ở Hà Nội.


LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...