Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Cho chính mình...


Cô bé cùng phòng hôm qua trở về chợt hỏi: Cậu có còn nhớ nhà nữa không? Tôi lúng túng. Thực sự là nỗi nhớ lúc nào cũng ngự trị trong tôi nhưng có điều cả tuần này, tôi không có thời gian cho chính bản thân tôi nữa, huống hồ chi nỗi nhớ.
Với tôi, du học phải là khoảng thời gian để trải nghiệm, để đi đây đi đó, để nghỉ ngơi và để viết lách nhưng có lẽ cái ngành tôi chọn đã không cho tôi cơ hội đó. Mỗi ngày đến lớp, biết được một điều thú vị, biết được một câu chuyện thú vị là tôi lại muốn lao vào viết. Đơn giản chỉ là để sẻ chia. Trên thế giới, lịch sử nghệ thuật đã có một bề dày thành tựu nhưng ở Việt Nam, những người làm công tác nghiên cứu này còn hiếm hoi, những tác phẩm dịch về nghệ thuật cũng không được nhiều. Chính vì vậy, sẽ thật đáng tiếc nếu chúng ta không được tiếp cận với những thành quả mỹ học ấy của nhân loại.
 Thế nhưng, những vấn đề cần viết ngày một dài mà cho tới giờ tôi chỉ có đúng mỗi một bài. Một tuần nay, để chuẩn bị cho triển lãm, sáng đến lớp học, trưa chiều tối phải ở lại khoa đến 11, 12 giờ đêm mới được về nhà. Thứ bảy, chủ nhật cũng không được nghỉ. Và tôi chỉ có thể bắt đầu viết những bài viết của mình từ lúc 1 giờ đến 3 giờ sáng. Chưa kể, trong mỗi buổi học đều có những giáo trình tiếng Anh thật dài để báo cáo, thuyết trình.
Tôi vốn chưa quen được giờ Đài Loan nên cứ luôn luôn quy đổi thành giờ Việt Nam. Do vậy mà tôi toàn đi ngủ lúc bốn giờ sáng vì nghĩ ở Việt Nam mới chỉ khoảng ba giờ. Dù sao tôi cũng không còn lựa chọn nào khác để viết bài bằng cách trừ bớt đi giấc ngủ cho mình. Giờ đây, mỗi ngày chỉ được ngủ khoảng 4 đến 5 tiếng cho một ngày dài chiến đấu.
Mỗi buổi sáng đến lớp, ai cũng lim dim mắt, ngủ gà ngủ gật trông thật đáng thương. Tôi cũng không hiểu họ đề cao chất lượng giáo dục hay bóc lột sức lao động của học viên? Đây thực chất là câu hỏi của một bạn trong lớp đã đặt ra chứ không phải tôi vì suy cho cùng, tổ chức triển lãm là tổ chức cho khoa, cho trường. Hơn nữa, không có thời gian cho sinh viên xem bài ở nhà (nếu không bớt đi giấc ngủ của mình) thì làm sao bài giảng ấy lại có chất lượng được? Siri, cô bé cùng lớp mà tôi quen đang có ý định chuyển qua khoa khác vì không thể chịu nổi. Còn tôi?
Giá như mức sống ở Đài Loan cũng chỉ bằng Việt Nam thì không vấn đề gì. Thế nhưng tất cả mọi thứ từ đồ dùng đến bánh, trái, thức ăn đều gấp 2 đến 3 lần hoặc hơn. Vì vậy, nếu muốn tiếp tục sống và học ở đây (dù có thêm sinh hoạt phí hay không) cũng phải đi làm thêm vào thứ bảy, chủ nhật. Tuần này là tuần đầu tiên tôi đi làm dù rất muốn ở nhà ngủ. Thực ra, ngày hôm nay tôi đã không trụ nổi. Mọi người hỏi vì sao tôi khóc, tôi không trả lời được. Tôi không thể trả lời được rằng chương trình đào tạo của họ là quá ư vô lý. Tôi không trả lời được rằng mức sống ở đây quá cao so với tôi.
Nhưng biết làm sao được khi tôi đã chọn con đường này. Biết làm sao được khi tôi đã ở đây và đi một mình. Tôi chỉ sợ cái cuộc sống công nghiệp mà nơi đây cho tôi khiến tôi không có thời gian viết lách và sẽ làm chai sạn đi cảm xúc hay chỉ cần có một chút gì đó sẽ trở nên nhạy cảm hơn bình thường, dễ khóc, dễ buồn hơn. Đó là cái mà tôi sợ nhất.
Cách đây hai hôm, nghe bài viết của một bạn trong chương trình Quick and Snow viết về Du học, tôi cảm thấy bất ngờ. Hoàn cảnh của bạn ấy hay chắc là hoàn cảnh của tất cả các du học sinh đều giống nhau. Bạn ấy viết thế này: “Du học là mỗi buổi sáng thức dậy cảm giác đầu tiên sẽ là sự cô đơn, rồi tự hỏi mình đang ở đâu và sắp làm gì, nhìn ra cửa sổ thấy sương lạnh buốt và biết mình có một ngày dài để chiến đấu”,  “Đi nhà hàng nhìn menu dài dằng dặc nhưng lại chỉ thấy thèm những món ăn mẹ nấu”, “Du học là xa nhà, xa gia đình, xa bè bạn, làm gì cũng lủi thủi, tự thân một mình, ốm nằm vật ra cũng tự cố bò dậy mà ăn, mà uống thuốc”, “Du học là cái cảm giác hụt hẫng mỗi khi có chuyện gì rất vui, muốn gào thét đùa vui, nhưng rồi chợt nhận ra quanh mình hình như không có ai care”, “Du học có nghĩa là chỉ nhìn bố mẹ qua khung webcam mờ nhỏ trên màn hình vi tính và nghe mẹ cười hiền, mấp máy: con đừng lo trong điện thoại nhưng sau lưng bố mẹ đang phải vật lộn với những núi đá nặng trịch của cuộc đời”.  Và cuối cùng, bạn ấy đã kết luận: “Du học là đi xa học, đi học ở xa, đi học rất rất xa và du học nhiều khi rất muốn buông tay vì tất cả những feeling trên nhưng vẫn phải nắm chặt và bước tiếp”.
Tôi biết cảm giác của mọi du học sinh đều giống nhau, có khác chăng là chương trình đào tạo của mỗi trường. Giá như có thêm thời gian thì tôi sẽ trải qua những cảm giác khó chịu như trên một cách dễ dàng hơn. Mỗi ngày đi học hai buổi cũng được nhưng 6 giờ phải cho tôi về nhà để nghỉ ngơi, vậy là đủ. Còn ở đây, tôi không biết mình có đủ sức khỏe và sự chịu đựng để vượt qua được chặng đường này hay không?

Tự an ủi mình và cầu mong sự bình an bằng một bản nhạc yêu thích khi học cấp 2:

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

QUẨN QUANH TRONG TỔ

(Tặng người tặng)

"Ai đi đâu, ai về đâu
Ai bay trong tổ vỡ đầu cúc cu"

Đây là quyển sách mình luôn mang theo để mỗi khi có thời gian rỗi lấy ra đọc vì nó không bắt buộc phải đọc một lúc hết cả quyển như những cuốn tiểu thuyết. Đúng như lời đề tặng, có lẽ khi xa quê, khi không ở Việt Nam nữa sẽ thấm thía hơn với từng câu từng chữ trong đó.
Chị Nguyễn Ngọc Tư đã viết một bài rất hay sau khi đọc mà Phan An đã đưa vào phần giới thiệu. Một lời giới thiệu nghe thật xót xa cho chính tác giả lẫn độc giả:

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

"Rebound" hay là "Sự phục hồi" của Ellsworth Kelly

"Một tác phẩm nghệ thuật trên hết là một cuộc phiêu lưu của tâm hồn" (Eugene Ionesco)
Khi nhìn vào bức tranh có tên gọi là: Rebound (Sự phục hồi) của Ellsworth Kelly bạn đã nghĩ gì? Bạn đã đặt ra cho mình những câu hỏi gì? Bạn có nghĩ rằng nó quá đơn giản và không giá trị? Bạn có nghĩ là một đứa trẻ cũng có thể vẽ được?

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Điều bí mật khi thêu áo cho anh

Khi viết note: "Thêu tên anh trên chiếc lá" (ngày 22.05.2011) nếu biết bài thơ này sớm mình đã đưa vào rồi. Có một điều đặc biệt, tác giả của bài thơ này lại là một nhà thơ nam, ông Han Yong - un (1879-1944), người Hàn Quốc. Han Yong-un là người có nhiều đóng góp cho thơ ca và Phật giáo Hàn Quốc cũng như Phong trào giải phóng dân tộc của đất nước này. Vì chịu nhiều ảnh hưởng của thơ ca Nhật Bản nên những bài thơ của ông mang đậm chất thiền dẫu cho đề tài ông thường hướng đến là chủ nghĩa dân tộc và giới tính trong tình yêu. Tình yêu trong thơ ông cũng là một "hiện tượng lạ" bởi nó có sự hòa quyện giữa tình yêu con người và tình yêu Phật giáo. Tình yêu ấy trải qua những chặng đường thử thách khác nhau: đầu tiên là những phức tạp trong tình yêu, sau đó là khát khao đạt tới sự hòa hợp trọn vẹn với người mình yêu và cuối cùng là giải ngộ về tánh không.

Em đã may tt c áo cho anh
Cả áo choàng, xiêm y và áo ngủ
Còn một điều duy nhất dang dở
Là thêu vào chiếc túi nhỏ áo anh

Chiếc túi ấy đã in dấu tay em bao bận
Em cứ thêu rồi dừng lại bao lần
Bạn bè bảo em vụng về khâu vá
Nhưng riêng em có bí mật cho mình
Mỗi bận lòng đau, muốn thêu túi cho anh
Tâm hồn em theo mũi kim đi vào từng sợi chỉ
Từ trong túi, bài hát trong lành vọng ra như lòng em vậy đó
Trên thế gian này không có gì đáng để bỏ vào túi cho anh
Không phải em không muốn thêu túi nhanh nhanh
Mà cứ muốn đừng xong, cứ thêu hoài, thêu mãi.



Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Lá thư của nhà tiên tri


(Trích trong kịch bản tốt nghiệp tháng 9 năm 2011)
Kịch bản tốt nghiệp này là sản phẩm đầu tay của mình. "Hẹn gặp anh nơi thiên đường" cũng là sản phẩm đầu tay của mình. Hai cái đầu tay ấy có một điểm chung là mình phải đặt mình vào nhân vật nam để nghĩ và để viết. Nhiều người thắc mắc tại sao nhân vật tôi của mình không phải là nhân vật nữ hay nhân vật trung tâm trong kịch bản của mình không phải là nhân vật nữ? Dĩ nhiên mình có lý do. Thứ nhất, bất kỳ nhân vật nữ nào cũng ao ước được nghe, được kỳ vọng những điều mà nhân vật nam mình muốn nói. Do đó, viết về những cái kỳ vọng, những cái mong muốn được nghe sẽ dễ dàng hơn việc bộc lộ cảm xúc thực sự. Thứ hai, đặt mình vào nhân vật nam vì thực ra thế giới ấy vẫn là bí ẩn đối với mình. Để hiểu được thế giới ấy thì ít nhất mình phải tự đặt mình vào đấy và phải tự trả lời cho mình câu hỏi: "Nếu là mình thì mình sẽ làm gì?" Và dĩ nhiên, hơn ai hết mình hiểu rõ được những nhược điểm mà các nhân vật nam trong tác phẩm của mình mắc phải bởi suy cho cùng, mình không thuộc về thế giới ấy. :)

Em yêu quý,
Anh đã cố gắng dùng giấc mơ tiên tri của mình để xem em có đến với anh hay không nhưng anh đã bất lực. Anh không nhìn thấy gì cả. Chỉ thấy sóng biển rì rào và những ký ức của anh với em, không chỉ ở bờ biển này mà ở bất cứ nơi nào, ngày nào kể từ khi anh và em bên nhau.
Em đã có một cuộc sống chắc chắn trước mặt, một người luôn luôn yêu em và đảm bảo cho em một cuộc sống hạnh phúc. Còn anh, một gã lang thang liệu có thể đem đến cho em điều gì ngoài ba cái trò tiên tri vớ vẩn mà lúc nào anh cũng muốn vứt bỏ. Vì vậy, chẳng bao giờ anh dùng nó để xem trong tương lai anh và em có đến được với nhau không, điều mà bất kỳ người bình thường nào cũng muốn biết. Dĩ nhiên, anh không muốn nói mình là người phi thường mà chỉ vì anh sợ, khi nhìn thấy cái tương lai mịt mù vắng bóng em, anh sợ mình không biết sẽ đi tiếp như thế nào trong phần đời còn lại.
Với anh, chỉ có một điều duy nhất anh có thể dành cho em lúc này là tình yêu của mình, một thứ tình cảm mà đã nhiều lần anh tin rằng sẽ chẳng thể nào có trên đời này, trước khi anh gặp em. Anh không tin vào tình yêu em à.
Anh không thể biết tình yêu đã đến với anh từ lúc nào, anh không biết được tại sao anh yêu em nhưng anh không thể ngăn được trái tim mình thổn thức khi nghĩ đến em. Anh không hy vọng em sẽ đến đây gặp anh vì có lẽ giờ đây em còn đang bận rộn cho cuộc sống sắp tới. Vì vậy, anh để bức thư lại đây cho em để gió, để sóng biển, hay để bất cứ điều gì từ tự nhiên có thể mang tình cảm này đến đọc cho em nghe. Anh chúc em hạnh phúc.

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

VÌ TÌNH HỮU NGHỊ CỦA CHÚNG TA...CẠN LY


Đây chính xác là một câu tiếng Hoa dài nhất mà mình mang theo khi sang Đài Loan. Thực ra, khi ở Việt Nam mình đã có một thời gian kha khá để học tiếng Hoa nhưng 5 năm không dùng đến, mọi thứ đã trôi vào quên lãng. Bây giờ ở lớp, mình giống như một người khiếm thính, toàn ra hiệu với mọi người bằng cử chỉ vì hầu hết mọi người đều không biết tiếng Anh. Đôi khi, thỉnh thoảng mình lại cảm thấy giống em bé bi bô tập nói, nói được câu tiếng Hoa nào, phát âm được chữ nào có vẻ chuẩn là mọi người lại tròn mắt ngạc nhiên, rồi lại vỗ tay ầm ầm. Đấy chính xác là khoảng thời gian đầu tiên đi học của mình.
Thứ 3 ngày 20 tháng 09, lần đầu tiên mình thuyết trình trước lớp. Không hiểu run rủi thế nào mà lá thăm "may mắn" mình không thèm bốc lại rơi đúng vào con số 1; Thế là đành phải ngậm ngùi chuẩn bị thuyết trình dù chưa từng biết ở Đài Loan, sinh viên thuyết trình thế nào. Vì lớp học bằng tiếng Hoa nhưng giáo trình lại bằng tiếng Anh nên cũng đỡ cho mình khâu đọc sách. Nếu sách mà bằng tiếng Hoa nữa thì chắc chẳng bao giờ trường này nhận mình vô học. Sau khi thuyết trình, thầy giáo lại phải làm một việc khá mất công là "chuyển ngữ". Thầy bắt từng người trong lớp dịch lại bài thuyết trình của mình sang tiếng Hoa và giải thích theo ý hiểu của họ. Thế là mọi người bắt đầu ồ, à...nhưng rồi vẫn phải dịch vì không có cách nào khác. Đôi khi sự lạc lõng của mình lại là động cơ cho mọi người dùng đến tiếng Anh nhiều hơn. :D
Buổi chiều, khoa tổ chức một bữa tiệc cho sinh viên năm 1 và năm 2 cùng với thầy cô ở nhà hàng món ăn Thái. Lần đầu tiên mình đi ăn với mọi người trong lớp ở khu vực ngoài trường. Xin -qi, cô bé đến từ Cao Hùng đã hào phóng lái xe con chở tất cả các bạn ở ký túc xá đi ăn. Đồ ăn Thái với cách nấu gần giống Việt Nam đã làm mình cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Sự gần gũi giữa thầy cô và sinh viên khiến mình nhận thấy sự khác biệt trong cách giáo dục ở nước bạn và nước mình. Các bạn chuyền tai nhau để mình phải nói câu: "Vì tình hữu nghị của chúng ta...cạn ly" khi tất cả cùng đứng lên mời thầy cô uống. Câu nói này đã làm cho các thầy cô rất ngạc nhiên (không biết có nghĩ rằng ở Việt Nam mình hay đi nhậu không :)). Đây cũng là lần đầu tiên mình uống bia Đài Loan, vị ngọt dễ chịu, cay cay nồng nồng. Mọi người ngồi bên nhau, trò chuyện với nhau và bắt mình nói tiếng Hoa nhiều hơn.
Đài Loan đang chuyển mùa, thời tiết đã bắt đầu lạnh hơn rất nhiều nhưng tình cảm của mọi người ở đây, dù chỉ có thể thể hiện bằng hành động thì cũng đủ làm cho mình cảm thấy ấm áp nhiều lắm. Tự hứa với bạn thân sẽ học thuộc bài "Peng you" (Bằng hữu) để hát cho mọi người nghe nếu ngày nào đó rời khỏi nơi đây.

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Cho một buổi chiều



Một ngày bàng bạc sương
Chợt nắng...
Anh đi
Chạm buốt vào ngón tay tôi
vuốt cong,
giá lạnh.
Mùa thu về cốm xanh trên áo
Lung linh nắng,
Lung linh chiều,
Lung linh bóng người yêu,
Trên con đường bé nhỏ
Trong hơi sương giá lạnh
Trong ngày không nắng
Bóng mùa sang...

Phải làm sao để nỗi nhớ pha lẫn tiếng thu vàng?
Cho từng ngày từng ngày từng ngày cứ thế trôi đi khắc khoải
Bủa lấy quanh tôi khắp nơi câu hỏi
Bao giờ, khi nào và ở đâu?
Trong hơi men của cơn say mà tôi chưa kịp uống
Trong từng mảng da bong tróc khi gió mùa về
Nghe cơ thể đổi thay
Hồn vỡ tan
Nghe trái tim nhỏ giọt
Để quên đi nỗi đau
Nỗi cô đơn
Nơi đất khách...
...Quê người.

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

VIẾT CHO NHỰT VỀ THỜI GIAN HỌC ĐẠI HỌC



"Các bài giảng của giáo sư, cho dù có đầy đủ, súc tích đến đâu, có chứa chan tình yêu tri thức của bản thân giáo viên đến đâu, thì về thực chất, mà nói, đó chẳng qua cũng vẫn chỉ là chương trình, là những lời chỉ dẫn tuần tự để điều chỉnh trật tự nhận thức của sinh viên. Người nào chỉ biết ngồi nghe giáo sư giảng chứ bản thân mình trong lòng không cảm thấy khát khao đọc sách, thì có thể nói tất cả những điều người ấy nghe giảng ở trường đại học cũng sẽ chỉ như một tòa nhà xây trên cát mà thôi ." I.A. Gontcharov
Em thân mến, hy vọng là em đã có những ngày đầu tiên ở giảng đường đại học dù khá mệt mỏi nhưng cũng thú vị và bổ ích.
Khi đậu đại học, chúng ta thường cảm thấy đó là một điều gì đó rất to tát nhưng khi chính thức bước chân vào giảng đường đại học, nơi mà bao nhiêu con người cũng đậu đại học giống ta, người điểm cao hơn, người điểm thấp hơn sẽ làm cho niềm tự hào của chúng ta vơi đi một chút. Và rồi chúng ta phải tự khẳng định lại: Ừ, học đại học là thế này đây. Ừ, chặng đường mà ta sắp sửa phải đi qua là thế này đây. Bốn năm có phải là quá dài và ta phải làm gì để nổi bật giữa mấy chục người ấy?
Chị không biết em có đặt cho mình nhiều câu hỏi khi lần đầu tiên đến lớp hay không nhưng riêng chị thì có. Dù biết trước là học đại học sẽ không vui bằng phổ thông nhưng chị lại hụt hẫng rất nhiều thứ, kể cả sự lạ lẫm trong một môi trường mới. Vì vậy, hôm nay chị viết cho em để hy vọng em sẽ không quá cảm thấy ngỡ ngàng trước những điều mà mình chưa nghĩ tới và hy vọng em sẽ thành công trên con đường này để bước tiếp.
Dĩ nhiên, khi lựa chọn chuyên ngành cho mình thì đó hẳn phải là chuyên ngành mình yêu thích. Tuy nhiên, năm thứ nhất, với những môn đại cương mà hầu như khoa nào trong trường xã hội và nhân văn cũng phải học, sự yêu thích ấy nguôi dần. Một lớp học có hàng trăm sinh viên, chẳng ai biết ai, sinh viên không nhớ nổi tên cô thầy và tự cho mình quyền tự do đi học hay không, sự yêu thích ấy nguôi dần. Nhưng đó chỉ là những năm đầu tiên. Khi bước vào chuyên ngành rồi, em sẽ cảm thấy yêu thích trở lại với việc học vì lớp học nhỏ hơn, ít người hơn, giữa thầy và trò sẽ có những trao đổi thẳng thắn hơn.
Học đại học luôn đánh giá cao những sinh viên nỗ lực nghiên cứu. Vì vậy, hãy tập làm nhà nghiên cứu nếu có thể. Hãy đăng ký tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên vì suy cho cùng, những bạn sinh viên nổi bật trong NCKH vẫn được nhiều thầy cô biết đến và đánh giá cao. Không chỉ vậy, dù thành công hay thất bại trong NCKH, em vẫn có được nhiều kinh nghiệm thú vị cho cuộc sống sau này.
Khi làm bài thi hay bài kiểm tra ở đại học, một bài được đánh giá cao không phải là bài hỏi sao trả lời vậy, trả lại kiến thức cho thầy cô hay một bài thuộc làu những kiến thức mà thầy cô giảng dạy. Hãy thuyết phục thầy cô bằng những hiểu biết của mình về vấn đề đó, không phải chỉ từ bài giảng mà là những kiến thức khác mà mình đọc được, những liên hệ khác nếu có thể để làm ví dụ minh họa cho bài viết sinh động hơn. Đó là bài thi nổi bật và làm hài lòng các thầy cô ở giảng đường đại học. Ví dụ, khi gặp câu hỏi: "Anh chị hãy trình bày mối quan hệ giữa vật chất và ý thức" thì không nên nói: "Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức là:…"mà hãy viết một bài có mở bài, kết bài cẩn thận và trước khi giải thích câu hỏi, em hãy giới thiệu cho thầy cô biết là em hiểu thế nào là vật chất, thế nào là ý thức trước đã. Và sau đó, khi chỉ ra mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, em hãy đưa ra những ví dụ để chứng tỏ là em rất hiểu vấn đề.
Bốn năm có thể bây giờ đối với em là dài nhưng khi đi qua rồi mới cảm thấy thật sự ngắn ngủi. Vì vậy, em hãy tận dụng hết những thời gian quý báu đó để làm những gì mình yêu thích, tham gia những hoạt động công tác xã hội nếu có thể để sau này nghĩ lại em không thấy hối tiếc về chặng đường mà mình vừa đi qua.
Và một điều nữa mong em luôn nhớ, đó là: sự sáng tạo của sinh viên đại học luôn xuất phát từ những cảm hứng bất chợt. Cho nên dù có một thời khóa biểu gọn gàng, em vẫn có thể làm mọi thứ rối tung lên. Tuy nhiên, điều đó chứng tỏ là em đã hết mình vì chặng đường này như Agnes de Mille đã phát biểu: "Tôi đã học được ba điều quan trọng ở đại học: Biết dùng thư viện, biết nhớ nhanh và chính xác, biết ngủ mọi lúc nếu rảnh 15 phút và có một mặt phẳng. Điều mà tôi chưa học được là làm thế nào suy nghĩ có sáng tạo theo một thời khóa biểu ."
Chúc em s có bn năm đi hc đy thú v và thành công.

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

NHỮNG XÚC CẢM RỜI RẠC


1. Yi - ching bảo kiếm nhạc cho triển lãm, những bản nhạc không lời, giai điệu êm ả. Mình lên mạng search thì gặp đúng "Summer" của Kikujiro nên thèm xem lại phim này dù biết ở đây khó mà xem được. Đây là bộ phim được dựng theo kiểu hài hước nhưng sao mỗi lần cười mình đều cảm thấy đau lòng, cảm thấy một nỗi buồn man mác không thể diễn tả được. Phải chăng là do âm nhạc quá buồn hay trong bản thân nhà làm phim, cái hài chỉ là một sự tự an ủi, tự che lấp cho cái cô đơn trống trải bên trong?
2. Càng ngày càng phản ứng dữ dội với thức ăn Đài Loan, không phải chỉ bằng khướu giác, không phải chỉ cảm thấy buồn nôn mỗi lần đi ngang qua Food Court mà cả cơ thể đều phản ứng. Những ngày gần cuối tuần, cứ mỗi lần thở là mỗi lần đau mà không biết lý do. Lúc đó chỉ nghĩ là cảm cúm hoặc trúng gió. Cũng may những ngày này ở nhà, ăn mì tôm mang từ Việt Nam sang và hết cuối tuần cũng hết đau. Hôm nay, vì không thể ăn mì lâu đành ăn cơm trở lại và lại thấy sự phản ứng dữ dội của cơ thể, mình đã hiểu nguyên nhân. Thôi thì sống theo kiểu phương Tây: ăn bánh mì và uống sữa đóng gói vậy :(
3. Chỉ còn hai tuần nữa là tổ chức buổi triển lãm đầu tiên của lớp. Hôm qua, lần đầu tiên thử bóng đèn triển lãm mình đã hiểu được một số nguyên tắc nhất định, đã có thể tự đứng lên ghế, ráp bóng đèn lên trần nhà và xoay cho nó phát sáng dù chẳng thấy dây điện hay ổ cắm chỗ nào cả. Dù sao cũng thấy hay hay khi làm việc này.
4. Đã lâu không dùng đến điện thoại nên giờ điện thoại của mình chỉ có một chức năng duy nhất là xem giờ và làm đồng hồ báo thức. Dù vậy, cũng thấy an ủi vì đã kết nối liên lạc được với ở nhà qua chat voice trên Yahoo và Skype để vẫn nghe được giọng nói quen thuộc của ba má, anh hai như ngày nào.
5. Thời gian này, những ký ức khi học ở Hà Nội cứ ùa về và bắt đầu chuỗi ngày nhớ, nhất là đến khi trời trở lạnh và thời gian rơi vào đúng thời điểm mình ra Hà Nội học. Thật không thể tưởng tượng được hai năm khi ở nhà so với hai năm khi ở đây khác nhau như thế nào dù cũng vẫn là kim đồng hồ đó, giờ đó, phút đó và ngày đó...

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Cho những ngày cuối tuần

Tuần này, có ba ngày cuối tuần: thứ bảy, chủ nhật, thứ hai. Người Đài Loan, Trung Quốc rất coi trọng tết trung thu nên thứ hai lại có thêm một ngày nghỉ. Nếu không có cái kịch bản 90 trang phải hoàn thành thì mình không biết sẽ tồn tại thế nào vào những ngày nghỉ thế này.
Buổi sáng, hội sinh viên VN tại trường tụ họp nhau, để đi chợ, để nấu ăn, để đá bóng, để giao lưu...nhưng mình nhất định không đi. Mình sợ đến nơi đông người mà chỉ toàn người lạ. Sợ phải chào hỏi này nọ, sợ phải làm quen nên quyết định ở nhà với lý do viết kịch bản.
Hôm trước gửi cho thầy một bức email ngắn, đại khái là mình sẽ nộp kịch bản vào thứ bảy tuần này vì mới qua, mình không tài nào tập trung viết được. Có lẽ cũng từng mang tâm trạng xa quê nên thầy đã mail lại cho mình những động viên rất dễ thương: "N ơi, N cứ thư thả, chủ nhật gửi cho mình cũng được. Kinh nghiệm của mình là khi ở nước ngoài nếu buồn thì đi ra chợ, nhất là chợ hải sản xem người ta mua bán. Nếu biết nấu ăn thì mua cái gì đó về nấu, sẽ thấy hết buồn ngay. Mong N giữ sức khỏe." Ớ đây, mình chưa bước ra khỏi ký túc xá, chưa đi đâu xa nên cũng chẳng biết bến xe bus chỗ nào, ga tàu điện chỗ nào dù rất muốn sẽ đi đây đi đó, nhất là đi chợ như gợi ý của thầy. Nhưng mà, sợ đến chợ rồi thì lại nhớ đến chợ Bến Thành Việt Nam. Đi đâu cũng đụng đầu với nỗi nhớ.
Mình thực sự rất nhớ những món ăn Việt Nam, những món kho hoặc xào mang hương vị Việt Nam nhưng không biết làm thế nào. Thỉnh thoảng chỉ có thể thay bằng những gói mì mang từ Việt Nam qua mới đỡ nhớ quê hương hơn.
Mình thực sự rất nhớ những cơn mưa lớn ở Sài Gòn, những cơn mưa phùn Hà Nội. Cả buổi sáng nghe một list nhạc toàn về những cơn mưa. Buồn thương da diết.
Đây không phải là lần đầu tiên đi xa, tại sao nỗi nhớ quê hương lại quay quắt đến thế. Tự thấy mình thật tệ và không biết phải làm thế nào để bớt tồi tệ hơn.


Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Đài Bắc - Những ngày đầu

Không có gì nhiều để kể cho cuộc sống mới của tôi tại Đài Loan. Cảm xúc của tôi đang lơ lửng tận đâu đó mà tôi chưa bắt về được. Đi để trải nghiệm hay chính xác là giày vò mình trong nỗi nhớ. Quý đã viết cho tôi thế này: "Có thể không cần ra đi để có nhưng chắc chắn phải đi, đi xa mới có thể trải nghiệm không gian, thời gian và tinh thần". Có lẽ em nói đúng.
Ở nơi đây, nhìn bề ngoài, tôi ổn, rất ổn. Những món quà mà bạn bè và những người yêu thương tặng cho tôi đủ để làm tôi cảm thấy ấm áp trong suốt cả mùa đông hay thậm chí là hai năm ở Đài Loan. Những tình cảm thân thiện và gần gũi của bạn bè trong lớp, ký túc xá to và đẹp, trường to và đẹp...khiến tôi chẳng có gì phải lo lắng, khiến những người thân yêu tôi cũng cảm thấy an lòng. Cách giáo dục ở đây khác Việt Nam đến nỗi tôi không thể có một phút lơ là cho việc học của mình. Tại đây, tại ngôi trường này, người ta chắc chắn sẽ không có quan niệm đi nước ngoài chỉ để giỏi hơn ngoại ngữ. Tôi đánh giá, giáo dục tại ngôi trường này rất tốt. Phòng tôi có 4 người với đầy đủ tiện nghi. Tất cả sinh viên quốc tế đều hòa đồng và dễ mến. Vậy thì tôi còn gì phải buồn, còn gì phải lo lắng?
Nhưng sự thực tôi không thể nào chiến thắng được nỗi nhớ và nỗi cô đơn cứ giày vò mình. Hai ngày ở đây tôi cứ tưởng như phải đến hai năm. Và rồi tôi lại ngồi đếm xem còn bao nhiêu ngày nữa mới hết hai năm để rồi giật mình kinh hãi. Hai năm, một con số quá dài...:((
Thôi thì, đã đi rồi phải cố gắng. Ở đây, không người thân thích, không thường xuyên dùng tiếng Việt nên đành gửi gắm nỗi nhớ nhung theo cách này...

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

Ngày mai của tôi

“Mai tôi ra đi chắc trời mưa
Tôi chắc trời mưa mau
Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào cũng phải xa nhau” ...
(Nguyên Sa)
Lần thứ ba đối mặt với việc chia tay, đối mặt với việc đi và ở nhưng lần này, khu vực rời đi xa hơn, con đường trước mặt dài hơn. Tôi không dám nói là mình không buồn nhưng tôi vẫn phải lựa chọn vì công việc và vì chính những điều tôi chưa biết.
Tôi không biết hai năm sau mọi thứ sẽ thay đổi như thế nào ở nơi không có tôi và tôi sẽ thay đổi như thế nào khi sống ở một nơi khác biệt về ngôn ngữ lẫn văn hóa. Lại một lần nữa đi để trải nghiệm. 
Tôi hỏi thầy: “Lúc rời Việt Nam đến Seoul thầy có buồn không?” và “Xa Seoul thầy có buồn không”? Thầy bảo: “Ở độ tuổi của thầy, cảm xúc vui buồn đó đã không còn”. Còn tôi, với kinh nghiệm non nớt và sự sợ hãi khi đối mặt với hoàn cảnh mới đã không thể ngăn cản nỗi buồn xuất hiện. Ký ức về những ngày tháng vất vả khi bước chân vào Sài Gòn, những ngày tháng lạ lẫm khi bước chân ra Hà Nội hiện về rõ mồn một kéo niềm háo hức đặt chân đến vùng đất mới của tôi thành sự hoài nghi.
Đứa bạn thân bảo: “Chỉ đi lần này nữa thôi nhé. Khi nào trở về hãy dừng lại, hãy sống cho bản thân mình, đừng đi nữa”. Thực ra, tôi đã muốn dừng lại khi từ Hà Nội trở về. Tôi muốn nghỉ ngơi và hàng ngày lên lớp một cách bình yên như công việc mà các chị trong khoa tôi đang làm. Tôi đã quá mệt khi phải chạy theo thứ này thứ kia. Từ khi từ Hà Nội trở về, tôi chưa thể ngủ một đêm ngon giấc mà không phải lo lắng ngày mai mình làm gì, ngày mai sẽ thế nào. Nhưng cái ngày mai mà tôi lo lắng ấy là một tương lai gần, rất gần. Đó là cách để tôi vượt qua nỗi sợ hãi chia tay. Tôi chẳng bao giờ vẽ ra một viễn cảnh bao nhiêu năm sau sẽ thế nào. Tôi sợ phải tưởng tượng ra đủ thứ. Với tôi, chỉ ngày mai thôi là đủ.
Giá mà giờ đây có ai đó đọc cho tôi những câu thơ này, tôi sẽ thấy được an ủi nhiều lắm:
“Em nằm như rong biển
Bên ta mà ngủ say
Khi không còn ta nữa
Em như là sương mai
Vạn lần ta ngoái lại
Trong cuộc chia ly dài
Trên đường ngàn lối rẽ
Mong còn thấy bóng ai
Nhưng thôn làng xa vắng
Càng xa vắng từ nay
Đường đèo ta dấn bước
Lại càng thêm cheo leo
Như cỏ mùa hạ héo
Bóng hình ai rũ buồn
Mong chờ và mơ tưởng
Núi đồi ơi cúi xuống
Cho ta nhìn người thương”.
(Vạn Diệp tập – NC dịch)


LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...