Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Mình đã hiểu

Có một lần, mình nghe một người nói rằng thời gian bên mình là thời gian dài nhất trong năm. Câu nói vô tình mà chân thật ấy đã khiến mình cảm thấy ăn năn, day dứt vì đã bảo người ấy đi cùng mình và thật sự đau lòng vào khoảng thời gian rất lâu sau đó.
Có một lần, mình nghe người ấy nói rằng không thích đi du lịch, không thích đến những vùng đất mới và mình đã tin vào điều đó.
Có một ngày, mình nhận ra rằng, không phải người ấy không thích đi du lịch, không thích đến những vùng đất mới mà điều quan trọng là đi đâu, với ai. Mình nhận ra rằng, người ấy vẫn thích đi du lịch và thậm chí không quan tâm mất bao nhiêu thời gian, tiền bạc bởi chỉ cần người ấy được đi với người mà người ấy thích, đến vùng đất mà người ấy thích và mình hiểu người ấy đã tìm thấy điều đó. Mình cũng nhận ra rằng, mình nhàm chán tới mức khiến người ấy cảm thấy thời gian bên mình luôn luôn dài, khiến người ấy phải phát sợ những chuyến đi nên chưa bao giờ tỏ ý muốn đợi mình về để đi cùng mình đến vùng đất nào đó, nơi mà cả hai đều chưa từng đặt chân đến, có chăng chỉ là những đề nghị đơn độc từ mình.
Có một ngày, mình hiểu ra rằng, khi người ấy đã tìm được cho mình người bạn đồng hành mới để cùng đi đến những vùng đất mới thì người lữ khách như mình đã đến lúc nên bị đuổi xuống xe hoặc tự nguyện xuống xe. Ừ, đuổi xuống hay tự nguyện thì cũng đều như nhau cả bởi mình không muốn xuất hiện trong hình ảnh nhàm chán của một ai đó và càng không muốn ai đó phải miễn cưỡng quan tâm tới mình. Tất cả những gì đi ra từ trái tim nếu không được nhận lại từ chính trái tim thì đều là miễn cưỡng và mệt mỏi. Thật lòng mình không bao giờ muốn như vậy.

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

"Eight and a half" hay là chướng ngại vật của Frederico Fellini

"Nói về giấc mơ như đang nói về những bộ phim vì điện ảnh dùng ngôn ngữ của những giấc mơ; nhiều năm trôi qua trong một giây và bạn có thể nhảy từ nơi này đến nơi khác. Đó là ngôn ngữ được thực hiện của hình ảnh. Và trong điện ảnh thực sự, mỗi vật thể và mỗi ánh sáng đều có nghĩa là một thứ gì đó, như trong một giấc mơ". (Frederico Fellini)
 
Quá nhiều cảm xúc khi tôi xem bộ phim này vào một buổi chiều lặng lẽ. Phim của Fellini bao giờ cũng vậy, dù thời lượng dài, dù ngổn ngang nhân vật vẫn có thể khiến người xem say đắm từ đầu đến cuối trong nhiều trường đoạn, trong nhiều câu chuyện tưởng chừng chẳng liên quan gì đến nhau.

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Tôi muốn được ở một mình...

Đã định mỗi ngày xem một bộ phim nhưng tình cờ đọc những dòng trên Facebook của diễn viên múa Linh Nga khiến mọi thứ đi chệch khỏi trật tự vốn có của nó: "Sau 12 tiếng mình mới được gặp bạn. Bạn là ai mà cứ nằm gần mình rồi khóc ầm hết cả lên. Cái đêm hôm ấy thật đáng sợ, mình cứ tưởng không vượt qua được. Thế rồi khi mở mắt bạn lại đang nằm nhìn mình. Mình khóc và bạn cũng khóc theo. Đến bây giờ mình vẫn không biết giây phút ấy là thật hay đang nằm mơ...". Những dòng ấy tuy ngắn ngủi nhưng đã đánh thức mong muốn mà tôi vẫn phải luôn chôn giấu, ít nhất trong khoảng thời gian này. Tôi ghen tỵ với bạn ấy không phải vì đỉnh cao sự nghiệp mà là vì hạnh phúc với gia đình nhỏ bạn đang có. Trải qua bao thăng trầm, bao biến cố thì điều cuối cùng sẽ ở lại trong cuộc đời mỗi người là gì: đó có phải là hạnh phúc không? Nếu được sống một cuộc sống giàu sang, được làm một công việc mơ ước và sớm hôm lủi thủi một mình: đó có phải là mong ước của cuộc đời không? Đã nhiều lần tôi cầu nguyện được đánh đổi để có được hạnh phúc như những đứa bạn thân thiết của mình nhưng càng cầu nguyện, tôi càng khủng hoảng.
Những lúc buồn muốn khóc, những lúc vui muốn tíu tít kể chuyện, những lúc khám phá ra những điều thú vị trong cuộc sống, muốn kể cho ai đó nghe nhưng ai sẽ lắng nghe mình, ai là người ngồi lại để nghe mình nói? Không ai cả.
Hạnh phúc, tình yêu đối với tôi là những điều xa xỉ của cuộc đời. Ai bảo rằng cho đi thì sẽ được nhận lại. Sau những giây phút mệt nhoài, sau những ngày lủi thủi một mình, niềm tin trong tôi đã vơi dần. Tôi biết mình cũng chỉ là một người bình thường như bao người khác và chẳng là gì trong lòng người khác. Chỉ tại tôi không đủ can đảm nhìn thẳng vào những điều này.
Cuộc đời là những chuyến đi. Vậy chuyến đi này sẽ đưa tôi tới đâu? Tới nơi lấy công việc làm vui chăng? Tôi rất tiếc đã để bản thân mình phải tự ti như lúc này nhưng sự thật tôi chẳng có điều gì để bấu víu, để hy vọng. Tôi sợ những cái gọi là hy vọng. Ngay cả số phận, định mệnh cũng chỉ là những điều khiến tôi nuôi dưỡng những ảo vọng, những tưởng tượng hão huyền. Và như thế, tôi lại càng đau đớn hơn.
Và như thế, tôi muốn được ở một mình, ít nhất là trong thời điểm này. 

Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

"Ra đi là để trở về" hay những ghi chép về Đài Loan (1)


Anh có đi cùng em
Đến những miền đất lạ
Đến những mùa hái quả
Đến những ngày thương yêu
(Xuân Quỳnh)

Một năm trước, tôi mang trên mình hành trang của người lần đầu tiên rời khỏi đất nước. Dĩ nhiên, tôi có thể chọn cách ở lại nếu muốn bởi suốt hơn một năm trước đó tôi cũng đã sống cuộc sống tạm bợ của người đi xa. Mà nếu nói hơn một năm trước đó thì cũng không đúng lắm vì tôi rời khỏi quê nhà khi 18 tuổi và từ đó, tôi sống bằng cuộc sống của người đi xa.
Ngày 4 tháng 9 năm 2011, tôi, 25 tuổi, rời khỏi Việt Nam và lên đường sang Đài Loan  để khám phá về một vùng đất mới, vùng đất mà trong ý nghĩ của tôi, của những người Việt Nam khác và thậm chí là của người Đài Loan, đó là nơi dành cho những người lao động và những cô dâu Việt. Nếu tình cờ trò chuyện với một người Đài Loan trên tàu, họ sẽ chỉ có thể cho bạn hai lựa chọn: bạn sang đây để kết hôn hay lao động? Và như thế, dù không có ác ý nào trong câu hỏi trên thì tự bản thân chúng ta cũng cảm thấy mình thua thiệt quá nhiều so với nước khác. Chung quy lại cũng là vì kinh tế. Chỉ vì kinh tế, hàng loạt người Việt Nam mới đi xuất khẩu lao động bởi giá trị lao động của họ ở nước ngoài cao hơn trong nước. Chỉ vì kinh tế, hàng loạt các cô gái trẻ mới đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc mà không biết rằng, cuộc sống của họ ở nơi xa Tổ quốc còn cơ cực hơn gấp mấy chục lần.
8 giờ tối ngày 4 tháng 9 năm 2011, máy bay Vietnam Airlines chuẩn bị hạ cánh. Dưới mắt tôi, Đài Bắc nhấp nháy trong ánh đèn. Thế nhưng “bầu trời ngược” ấy không rực rỡ như thành phố Hồ Chí Minh bởi nhà cửa của họ không san sát và cây cối có vẻ nhiều hơn. Những ánh đèn nhấp nháy trong lặng lẽ khiến tôi bắt đầu cảm thấy buồn, cứ như thể những chỗ tối của thành phố bao lấy tôi tạo thành những khoảng trống trong lòng, không gì bù đắp được.
Lần đầu tiên đặt chân đến sân bay quốc tế Đào Viên, mọi thứ với tôi đều ngỡ ngàng, ngỡ ngàng trong từng con đường bước qua, trong những bờ tường cao ngất và ngỡ ngàng đến cả tờ đơn xin nhập cảnh. Tôi phải lúng túng giải thích một hồi với nhân viên an ninh sân bay mới xin được tờ giấy đó và chờ xếp hàng. Lấy hành lý ra khỏi sân bay, tôi không khỏi ngạc nhiên vì mọi thủ tục lại nhanh chóng và dễ dàng đến vậy. Chẳng có người nào đứng để kiểm tra xem mã số hành lý với mã số trên vé máy bay của tôi có khớp không.
Người tài xế lái xe dịch vụ đưa đón do trường đăng ký đã đứng chờ tôi ở ngoài cửa ra vào với biển đề tên. Tôi xin lỗi vì để ông ấy đợi lâu và lên xe về trường. Lần này, đường phố Đài Loan hiện ra trước mắt tôi rõ mồn một. Chỉ mới chín giờ tối mà hầu như các cửa hiệu đều đóng cửa và tắt bớt đèn. Riêng đèn gắn dưới mặt đường từ sân bay trở về thì lại bật sáng xanh như chiếc cầu Ánh Sao bên quận 7. Các biển báo đều bằng tiếng Hoa trở nên lạ lẫm với tôi hơn bao giờ hết, đến nỗi tôi phải reo lên khi tình cờ nhìn thấy biển báo: "Thu Thủy – chuyên kinh doanh quần áo thời trang cao cấp" trên một con đường Đài Loan khi đi ăn tối với lớp. Các biển hiệu vô tri vô giác biến tôi thành một kẻ lạc lõng.
Ở Đài Loan, mua sim điện thoại cực kỳ khó nên đêm đầu tiên ấy chính là nỗi cực hình đối với tôi. Không điện thoại, không internet, không một người thân bên cạnh, không một tiếng mẹ đẻ nào hiện hữu. Giá như trước mắt tôi lúc đó có một chuyến bay đưa về Việt Nam, tôi sẽ leo lên ngay lập tức mà không cần phải suy nghĩ. 
Tất cả mọi cảm xúc trong đêm ấy vỡ òa ra khi vừa mượn được máy tính của một người bạn cùng trường thì nhìn thấy những lời hỏi thăm của anh xuất hiện trước màn hình. Và câu hỏi mà tôi đã đặt ra trong suốt thời gian ở nơi này là: làm sao tôi có thể chịu đựng được sự vắng mặt của mình trong suốt gần hai năm trời bên cạnh những người mà mình yêu thương khi họ gặp khó khăn, gặp chuyện buồn, khi họ cần sự động viên an ủi hay đơn giản chỉ là cùng họ đi xem một bộ phim nào đó? Rõ ràng, ở nơi phương xa kia, có tôi hay không có tôi, mọi chuyện cũng không quan trọng. Có lẽ chỉ có chính tôi là không yên tâm vì sự vắng mặt của mình hay nói cách khác, đây chính là thách thức mang tên: Khoảng cách.
Nếu không đi ra nước ngoài, chẳng bao giờ tôi có những cảm xúc mãnh liệt như thế, những cảm xúc mà bao nhiêu lần dùng lý trí kháng cự lại thì cũng đều thất bại bấy nhiêu lần. Dĩ nhiên, cảm xúc của tôi không phải là cảm xúc thuộc về số đông. Mỗi người đều có một sự lựa chọn riêng đối với cuộc sống của họ. Nhiều người tôi biết lại thích gắn bó với cuộc sống đầy đủ tiện nghi và hiện đại ở Đài Loan hơn Việt Nam.
Năm thứ hai, tôi đã đặt chân đến  Đài Loan theo một cách khác hơn. Dù vẫn mang trong mình nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ những người thương yêu thì tôi đã biết cách ngắm nhìn mọi thứ trong lặng lẽ. Cầm trên tay cuốn sách được tặng từ một người mà tôi gọi là tri kỷ, tôi đã hiểu vì sao mình lại có sự thay đổi cảm xúc như vậy:
"Và khi tro bụi quay về
Trong thinh lặng đó cận kề quê hương".

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

MÙA HÈ KHÉP LẠI


Mùa hè khép lại bằng những bông hoa thạch thảo nở tím nơi góc vườn buổi sớm mai, những bông hoa chưa một lần là biểu tượng của mùa hè nhưng luôn rực rỡ dưới ánh nắng. Thạch thảo không lớn, không có vẻ đẹp kiêu hãnh của những bụi hồng, cẩm chướng, càng không có vẻ đài các của những búp sen xanh, sen trắng  nhưng khi cắt những cành hoa bé nhỏ cắm vào chiếc xe đạp bằng tre thì nó lại có sức quyến rũ lạ kỳ của một cái gì đó man mác, cổ xưa. Bất chợt tôi nhớ tới mấy câu thơ mà Apollinaire đã viết: 
Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo.  
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi.
Mùa hè khép lại bằng "bụi tóc tiên điên dại miên man" trong những câu thơ đầy trống trải của Nguyễn Bình Phương mà tôi thường gọi là hoa móng tay. Những cánh hoa như những chiếc móng tay bé nhỏ đưa tôi trở về thời thơ ấu, những ngày thích thú nhìn thấy đôi bàn tay với những chiếc móng thon dài, hồng hồng xinh xinh được tạo ra bởi chính những bông hoa thơm nhè nhè mà bạn gọi bằng một cái tên khác: hoa đi mưa. 
Mùa hè khép lại bằng chuyến xe vắng người vào đêm mười bốn tháng bảy. Có lẽ vì ngại câu ca dao: mồng năm, mười bốn, hai ba...nên thói quen kiêng kỵ ra đường vào những ngày ấy đã bám rễ trong lòng mọi người. Chiếc xe giường nằm đi qua những con đường mà một bên là núi, một bên là biển và ánh trăng lơ lửng trên cao rọi qua cửa kính như thể vừa nằm vừa xem phong cảnh chuyển động trên màn hình ti vi, nhưng chiếc ti vi này rộng lớn và thực tế hơn nhiều, được đặt giữa tòa lâu đài thiên nhiên, giữa bao la vũ trụ.
Mùa hè khép lại bằng tiếng bước chân của những chú chim non đi lạch đạch trên mái nhà trong ngày lễ Vu Lan. Thực ra, trước đây, tôi cũng thường nghe đi nghe lại âm thanh này nhưng không mấy khi để ý. Dấu chân bé bỏng in trên mảng tôn mờ mờ và tiếng đập cánh nhè nhẹ nghe rất đỗi thân thương.
Mùa hè khép lại bằng ánh nhìn nghiêng vào những giọt cafe đang tí tách rơi xuống nền sữa trắng. Mỗi ngày hai bận nhìn cafe rơi rơi như thế trong nỗi buồn vô hạn. Cuộc sống có những khoảnh khắc chậm rãi, sao lòng người nhiều sốt sắng và lo toan đến vậy.
Mùa hè khép lại bằng một chuyến đi xa. Nhiều lúc tôi ghét những chuyến đi. Tôi ghét cảnh phải vội vội vàng vàng gấp quần áo và lấy những vật dụng cần thiết nhét vào valy, ghét phải sống trong những ngày chuẩn bị rời khỏi đất nước, ghét những đêm nằm ngủ, úp mặt vào tường và nước mắt lã chã tuôn rơi, ghét cứ phải dặn lòng rằng: tài sản lớn nhất của mỗi người đằng sau những chuyến đi là kho ký ức tốt đẹp về vùng đất mà họ đã đặt chân đến. Không có gì đảm bảo rằng mình sẽ trở lại vùng đất ấy một lần nữa, vì vậy, dù vui dù buồn thì đây cũng sẽ là một trong những trải nghiệm đáng nhớ của cuộc đời.

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...