Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

ĐIỂN CỐ TÌNH YÊU TRONG VĂN HỌC

Đối với nhân loại, có lẽ tình yêu là thứ tình cảm thiêng liêng và đẹp đẽ nhất, do đó đi kèm với tình yêu là hàng loạt biểu tượng khác nhau để minh chứng cho sự tồn tại của tình yêu đôi lứa. Những biểu tượng đó được những người yêu nhau sử dụng để trao tặng, quy ước…khi đang yêu. Chính những biểu tượng về tình yêu đã làm cho tình yêu trở nên lãng mạn, thú vị. Đó là những biểu tượng như: trái tim, chiếc nhẫn, hoa hồng, chocolate, chim bồ câu, chim uyên ương…
Trong văn học, tình yêu được nói đến nhiều và trở thành những điển cố đầy thú vị. Có nhiều điển cố nổi tiếng về tình yêu được tái hiện trong các tác phẩm văn học giai đoạn sau này. Điển cố về tình yêu có mặt khắp các tác phẩm văn học phương Đông lẫn phương Tây cũng như có mặt khắp các thể loại văn học từ truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch đến thơ…
1.1. Nguồn gốc điển cố tình yêu:
1.1.1.              Kinh bộ:
a.                 Kinh Thánh:
Có lẽ khi nhắc đến nguồn gốc tình yêu từ kinh Thánh, nhiều người sẽ nhớ ngay đến câu chuyện về tình yêu trong Vườn địa đàng, câu chuyện mà cho tới giờ vẫn còn là nguồn cảm hứng của nhiều nghệ sĩ không chỉ trong văn học mà trong rất nhiều loại hình nghệ thuật khác như: điện ảnh, hội họa, kịch…
Adam và Eva là câu chuyện được viết trong cuốn sách cuối cùng của kinh Tân Ước, cuốn: Khải huyền. Khải huyền được ghép từ tiếng Hy Lạp mang nghĩa là vén màn để thấy điều bí mật bên trong. Tác giả viết cuốn sách này với mục đích gửi đến thông điệp cho bảy hội thánh ở Tiểu Á vì lúc đó các tín hữu đang gặp thử thách về đức tin và có nguy cơ về đức tin.
Adam và Eva được xem như nền tảng của học thuyết Thiên Chúa giáo về Tội lỗi đầu tiên: Tội lỗi đến với thế giới qua một con người và chết qua tội lỗi, và vì thế cái chết xảy đến với tất cả loài người bởi con người là tội lỗi. Câu chuyện được viết trong chương 2, chương 3 và rải rác ở một số chi tiết của chương 4 và chương 5 trong sách Khải huyền với nội dung như sau:
Chương 2 trong sách Khải huyền kể về sự ra đời của Adam, Eva và cuộc sống của họ ở vườn Địa Đàng. Adam là người đàn ông đầu tiên do Đức Chúa Trời tạo ra từ bụi và thổi sự sống qua mũi. Anh ta có nhiệm vụ chăm sóc và trông coi vườn Địa Đàng và anh ta có quyền ăn các trái cây trong khu vườn ấy trừ Cây nhận Thức tốt và xấu. Vì công việc ở vườn Địa Đàng khá nhiều nên Adam cần có người phụ giúp. Do đó, Đức chúa trời đã lấy chiếc xương sườn của Adam để tạo ra Eva. Họ sống với nhau, không một mảnh vải che thân nhưng không xấu hổ.
Sang chương 3, sách kể về một biến cố xảy ra trong vườn địa đàng. Đó là sự xuất hiện của con Rắn, một con vật mà theo Kinh Thánh là: Quỷ quyệt hơn mọi loài thú trên cánh đồng. Con Rắn đã xúi Eva ăn trái của cây nhận thức và đưa cho Adam cùng ăn. Sau khi ăn, cả hai mở mắt nhìn nhau và bắt đầu cảm thấy xấu hổ. Họ lấy lá sung để che đi sự trần truồng của mình và trốn khỏi cái nhìn của chúa. Chúa Trời rất tức giận khi biết chuyện này đã nguyền rủa con Rắn: Mày sẽ đi bằng bụng, và mày sẽ ăn bụi trong suốt những ngày của cuộc đời mày. Riêng Adam và Eva, Chúa nguyền rủa họ sẽ phải lao động cực nhọc và chịu đau đớn khi sinh em bé. Ngoài ra, Chúa trời còn đuổi họ đi khỏi vườn Địa Đàng và đặt một tiểu thiên sứ canh giữ không cho họ đến gần cây Nhận thức.
Chương 4 và chương 5 kể về cuộc sống gia đình Adam và Eva. Họ sinh con và sống rất lâu trên trần gian. Kinh Thánh cho rằng, Eva là: mẹ của sự sống.
Câu chuyện về Adam và Eva trong Kinh Thánh đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm nghệ thuật. Họ nhắc đến Adam và Eva không chỉ như những con người đầu tiên trên trái đất mà còn về mối tình đầu tiên của họ. Chính vì vậy, Adam và Eva đã đi vào điển cố về tình yêu trong văn học như mối tình đầu tiên của loài người.
Tác giả John Milton (1608-1674) đã sử dụng điển cố này trong bài thơ: Mối tình đầu của Adam và Eva (The first love of Adam and Eve) in trong tập thơ: Thiên đường đã mất (Paradise lost):
Adam from his fair spouse, nor Eve the rites
Mysterious of connubial love refused:
Whatever hypocrites austerely talk
Of purity, and place, and innocence,
Defaming as impure what God declares
Pure, and commands to some, leaves free to all.
Dịch nghĩa:
Adam rời bỏ vợ anh ta, không phải vì những lễ nghi với Eve
Mà vì những bí ẩn của tình yêu vợ chồng bị từ chối
Bất kể điều gì kẻ đạo đức giả nói một cách khắc khổ
Về sự trong sáng, vị trí thích đáng và thơ ngây
Việc nói xấu giống như những tuyên bố không trong sạch của Chúa
Những mệnh lệnh chỉ tác động đến một vài, còn tất cả là những chiếc lá tự do.
Một nhà thơ người Iran tên là Abbas Saffari đã viết bài thơ: Câu chuyện của chúng tôi dựa vào mối tình của Adam và Eva. Bài thơ này được đăng trên một tạp chí văn học mạng của Mỹ có tên gọi là Những từ ngữ không biên giới (The Words without Borders), được dịch bởi: Elaham Raasi. Tạp chí này đã bình bài thơ là: Một kiểu Quranic kể lại một cách dí dỏm, lãng mạn về Adam và Eva.
Trong câu chuyện Adam và Eva, trái táo đóng một vai trò quan trọng khiến cho hai người họ có cảm xúc, rung động và biết xấu hổ. Chính vì vậy, về sau này, nhiều người đã xem trái táo chính là biểu tượng của tình yêu. Trong văn học Việt Nam cũng có tác giả viết về vấn đề này. Đó là bài thơ Quả táo của Lê Vĩnh Tài:
1.
chữ
thở
gợi lại thơ

thì thầm
hát
tiếng hát tay em khàn giọng trong đêm
duỗi vào anh như tóc

tóc tối tăm đậm đặc
ngoằn ngoèo chữ viết Ả rập
ôi phương Đông mênh mang...

nghìn lẻ đêm nay ai giáp chiến
ai đầu hàng
sau giấc mơ Eva hái táo
(…)
Một tác giả khác cũng sử dụng hình ảnh câu chuyện quả táo trong vườn Địa Đàng để nói về tình yêu:
Không phải tự nhiên mà em nhớ ra quả ở trong túi
Nhưng cũng chẳng ngạc nhiên khi em trao trái táo chín vàng đấy cho anh
Vị ngọt đến trước trong cảm giác.
Tưởng tượng về chiếc hột táo nằm ở giữa trái phải lớn theo tỷ lệ dù khắt khe cũng không ngoài lẽ thường.
Vì sao mà em lại nghĩ đến trái táo lúc chia tay ấy?
(Trái táo - Phùng Khắc Bắc)
b.     Kinh Thi:
Nếu như điển cố tình yêu trong văn học phương Tây xuất phát từ một bộ kinh của một tôn giáo và là một câu chuyện thì điển cố tình yêu trong văn học phương Đông lại xuất phát từ một tác phẩm Kinh nhưng không phải Kinh theo kiểu học thuyết của tôn giáo mà là Kinh trong chữ kinh điển, một trong Tứ thư ngũ Kinh của Nho giáo. Đó là Kinh Thi.
Mở đầu Kinh Thi là một bài thơ về tình yêu rất nổi tiếng:
Quan quan thư cưu
Tại hà chi châu
Yểu điệu thục nữ
Quân tử hảo cầu
Dịch nghĩa: Đôi chim thư cưu, tiếng kêu hòa nhã véo von ở trên bãi sông, người con gái tươi tắn dịu dàng, sánh đôi rất tốt với người quân tử.
Có thể thấy, tình yêu trong văn học dân gian rất nhẹ nhàng, trong sáng làm cho người đọc cũng cảm nhận được sự lan tỏa niềm hạnh phúc của chàng trai và cô gái trong bài thơ qua hình ảnh đôi chim Thư cưu. Bài thơ này đã trở nên rất nổi tiếng và các từ ngữ trong bài thơ như: bến hà châu, quan thư…được các nhà thơ về sau sử dụng như một điển cố để chỉ tình yêu đẹp, đơm hoa kết trái, đôi lứa xứng đôi, hạnh phúc.
Tác phẩm Hoa tiên viết:
Thề lòng dãi bến hà châu
Đợi nhau trên Bộc trong dâu ru mà
Còn tác phẩm Quan âm thị kính thì sử dụng chữ: Quan thư:
Vừa đôi vừa lứa quan thư
Há rằng Trịnh với Tề ru mà ngờ
1.1.2. Từ lịch sử:
Điển cố về tình yêu không chỉ xuất hiện trong kinh bộ mà trong cả lịch sử. Hình ảnh chiếc nhẫn cưới trong lễ thành hôn của cô dâu, chú rể tượng trưng cho tình yêu viên mãn có nguồn gốc từ lịch sử.
Chiếc nhẫn xuất hiện cách đây khoảng hơn 1000 năm, xuất phát ban đầu từ người Ai Cập cổ đại. Con người thời buổi đầu rất mê tín, họ sợ các phép ma thuật sẽ bắt mất vợ của mình nên họ thường quấn các dây vải quanh cổ tay, cổ chân hoặc eo người phụ nữ mà họ chọn làm vợ.
Sau đó, theo tục lệ này mà con người làm ra các chiếc nhẫn bởi trong chữ viết người Ai Cập, vòng tròn tượng trưng cho sự vĩnh hằng, hôn nhân và sự nối kết suốt đời. Với người Roma cổ đại thì chiếc nhẫn tượng trưng cho lời thề chung thủy, tránh phản bội. Theo thuật ngữ cận đại thì chiếc nhẫn là sự thiết lập đầu tiên. Đối với người Do Thái, chiếc nhẫn thể hiện trách nhiệm của người chồng đối với vợ trong ngày cưới. Nó được dùng để thay thế cho đồng tiền nhỏ.Theo nhiều tài liệu khác, chiếc nhẫn còn biểu hiện cho sự trao đổi quyền lực, nó giống như dấu ấn để chứng thực những điều đã ký kết.
Năm 800 sau Công nguyên, Đức Giáo hoàng Nicholas áp dụng việc dùng nhẫn trong hôn lễ. Nó vừa giống như khế ước hôn nhân và vòng tròn của chiếc nhẫn lại là sự hoà hợp và hoàn hảo biểu hiện tính vĩnh viễn trọn vẹn của tình yêu. Sự vừa vặn của chiếc nhẫn ở ngón áp út nhắc nhở cả hai vợ chồng rằng tình yêu "chảy' vào nhau theo chu kỳ vòng tròn không ngừng và mãi mãi.
Từ hình ảnh chiếc nhẫn trong hôn nhân, đánh dấu một tình yêu trọn vẹn, các nhà văn, nhà thơ đã sử dụng nó vào trong tác phẩm của mình một cách linh hoạt. Nói đến chiếc nhẫn, người đọc sẽ hiểu ngay là tác giả đang nói đến một tình yêu đang tiến triển tốt đẹp tới hôn nhân. Từ biểu tượng này, các tác giả đã sử dụng nó để đo độ chân thành của tình yêu. Chiếc nhẫn là vật để cầu hôn, là biểu hiện của tình yêu nhưng không phải chiếc nhẫn nào cũng làm bằng chất liệu như nhau. Có nhẫn làm bằng vàng đính kim cương, có nhẫn đính ngọc, có nhẫn vàng, nhẫn bạc…và thậm chí có nhẫn chỉ làm bằng cỏ. Và trong thơ ca, chiếc nhẫn đôi khi lại là vật thử thách tình yêu. Nếu yêu thương chân thành thì dù chỉ là chiếc nhẫn cỏ, người nhận cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc. Còn nếu không, họ sẽ vứt bỏ nó để chạy theo những chiếc nhẫn giá trị hơn. Và từ đó, bản chất con người cũng được bộc lộ.
Ngoài ra, hình ảnh chiếc nhẫn còn được sử dụng theo một ý nghĩa khác. Bài thơ: Chiếc nhẫn cỏ của Lưu Ly là một ví dụ. Bài thơ này đã sử dụng điển cố chiếc nhẫn để nói đến nỗi đau trong tình yêu của người con gái. Khi bé thơ, người con gái đã được nhận chiếc nhẫn cỏ trong một trò chơi với một cậu bé hàng xóm. Cô gái đã được đeo vào tay chiếc nhẫn cỏ như lời cầu hôn trong trò chơi đó. Tuy nhiên, đó chỉ là trò chơi bởi chiếc nhẫn thực sự trong tình yêu của chàng trai là chiếc nhẫn bằng vàng. Tuy nhiên, chàng trai đã trao cho người khác chiếc nhẫn ấy mất rồi.

Chàng phò mã thẫn thờ
Chắp cọng cỏ xanh mơ
Kết thành chiếc nhẫn hỏi :
"Trả lời đi, anh chờ ..."
………………….

... Thoáng mơ, rồi anh xa
Thấm thoát ba năm qua
Nhà bên, nay pháo nổ
Anh về với kiệu hoa ...

Cô dâu chẳng phải em
Áo gấm lụa hài êm
Kẻ giàu cười hạnh phúc,
Hàng dậu, bướm buồn tênh ...

Nhẫn cỏ đổi nhẫn vàng
Thảm đỏ thay đồi hoang
Anh bên cô dâu mới
Em giấu lệ ngỡ ngàng ...
1.1.3.  Văn học dân gian:
a. Truyền thuyết dân gian:
Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài là truyền thuyết nổi tiếng của người Trung Quốc và được ghi chép lại rất nhiều trong các tác phẩm lịch sử Trung Quốc. Câu chuyện tình vĩ đại này trở thành niềm tự hào của người Trung Quốc. Sáu thành phố tại cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã cộng tác lại từ năm 2004 để chính thức đề nghị UNESCO công nhận truyền thuyết này là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới.
Đây là câu chuyện có từ thời Đông Tấn (vào khoảng năm 317 đến 420). Theo truyền thuyết này, Anh Đài là con gái của một gia đình họ Chúc ở Thượng Ngu, tỉnh Chiết Giang cải trang đi học. Trong lúc học, nàng quen và kết thân với một chàng trai đến từ Cối Kê tên là Lương Sơn Bá. Sau ba năm học tập, Lương Sơn Bá đến nhà họ Chúc và phát hiện ra giới tính thật sự của Anh Đài. Tuy hai người yêu nhau say đắm nhưng gia đình Chúc Anh Đài đã hứa gả nàng cho Mã Văn Tài. Sơn Bá làm huyện lệnh tại huyện Ngân nhưng vì quá đau buồn nên đã chết khi đang làm quan. Mộ chàng được chôn cất ở phía Tây thành Mậu. Khi đoàn đưa dâu Chúc Anh Đài đi ngang qua phần mộ Lương Sơn Bá thì sóng gió nổi lên khiến cả đoàn phải dừng lại. Biết được đó là mộ của Sơn Bá, Anh Đài chạy đến ôm lấy bia mộ khóc nức nở. Phần mộ Lương Sơn Bá bỗng mở ra và Chúc Anh Đài đi vào trong. Từ trong ngôi mộ, một đôi bướm quấn quýt bên nhau bay ra và vút lên trời cao.
Câu chuyện Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài đã trở thành một điển cố về tình yêu rất đẹp nhưng có kết thúc bi thảm. Câu chuyện này đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhạc cổ điển Trung Quốc, cho phim truyền hình Trung Quốc, sân khấu cải lương Việt Nam cũng như Ba lê ở phương Tây. Câu chuyện này đi vào điển cố văn học trong một vở kịch hiện đại của một nhóm sinh viên đại học Oxford.
Hình tượng con bướm thể hiện tình yêu trong câu chuyện này cũng đã đi vào rất nhiều tác phẩm thơ ca. Ở Việt Nam, Nguyễn Bính là người rất hay sử dụng điển cố con bướm, cánh bướm để nói về tình yêu. Cứ mỗi lần hình ảnh con bướm xuất hiện trong thơ ca là mỗi lần gợi cho người đọc một cảm giác buồn man mác và thấp thoáng đâu đó bóng dáng của thần Chết. Con bướm trong bài Người hàng xóm của Nguyễn Bính là một ví dụ:
Hỡi ơi! Bướm trắng tơ vàng!
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!
Đêm qua nàng đã chết rồi,
Nghẹn ngào tôi khóc... Quả tôi yêu nàng.

Hồn trinh còn ở trần gian?
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này!
                             (Người hàng xóm)
Nhà thơ Phạm Thiên Thư cũng dùng hình ảnh cánh bướm để chỉ một mối tình buồn:
Nhớ xưa em rũ tóc thề
Nhìn trăng sao nỡ để lời thề bay
Ðợi nhau tàn cuộc hoa này
Ðành như cánh bướm đồi tây hững hờ
(Động hoa vàng – Phạm Thiên Thư)
b. Trong thần thoại Hy Lạp:
Các điển cố về tình yêu trong văn học phương Tây lại gắn với thần thoại Hy Lạp. Thần thoại Hy Lạp, nơi sinh ra các vị thần với đầy đủ tính cách của con người và dĩ nhiên tình yêu không thể không được nhắc đến.
Nếu ai đã từng đến bảo tàng Luvro (Paris) thì sẽ không thể rời mắt khỏi bức tượng nữ thần Milô. Nữ thần Milô được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Aphrodich trong Thần thoại Hy Lạp hay Vệ Nữ trong thần thoại La Mã. Nàng là biểu tượng của Tình Yêu và Sắc Đẹp. Trong cuộc giao tranh giữa hai cha con Uranot và Cronop, Cropnop lấy lưỡi hái chém chết Uranop. Máu của thần rơi xuống biển, hòa vào lớp sóng biển ở đảo Syp. Những lớp sóng vỗ trắng xóa hứng lấy tinh hoa của đất và trời tạo thành những viên ngọc trong suốt. Và nàng Vệ Nữ xinh đẹp đã sinh ra từ đấy. nàng mang một vẻ đẹp rực rỡ, dạt dào sức sống, tấm thân vừa mềm mại, vừa rắn chắc, người nàng tỏa một mùi hương dịu nhẹ. Tất cả các loài hoa trên thế gian không thể sánh bằng vẻ đẹp của nàng. Nàng không chỉ làm cho thế giới trần gian say đắm mà cả thế giới thần linh Olanhpơ cũng không thoát khỏi sự hấp dẫn ấy. Chính vì vậy nàng là sức mạnh của tất cả sức mạnh bởi vì không ai không bị khuất phục trước Sắc Đẹp và Tình Yêu kể cả các vị thần. Trên đời này, chỉ có bọn quỷ sứ không có trái tim, không có cảm xúc mới thờ ơ trước vẻ đẹp ấy. Người ta kể lại rằng, Vệ Nữ có một chiếc thắt lưng kì ảo, nếu thắt nó vào người thì ngay lập tức người mình yêu sẽ yêu mình say đắm. Chính nhờ sở hữu sắc đẹp bậc nhất trần gian nên Vệ Nữ đã có rất nhiều cuộc tình nổi tiếng và không ít lần kết hôn.
Câu chuyện về nàng Vệ Nữ trong thần thoại đã nguồn cảm hứng bất tận cho các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là thơ ca. Sự xuất hiện của nàng trong các tác phẩm văn học thường để ca ngợi những tình yêu đẹp, trong sáng nhưng cũng không kém phần rực rỡ.
Đi kèm với câu chuyện nàng Vệ Nữ có một điển cố về tình yêu rất hấp dẫn và ngày nay nó đã trở thành biểu tượng cho những người yêu nhau và nó cũng xuất hiện rất nhiều trong thơ ca. Khi nhắc đến nó là mọi người nghĩ ngay đến một tình yêu thiết tha, nồng thắm. Đó chính là hoa hồng đỏ.
Tương truyền, Vệ Nữ được sinh ra cùng với một đóa hoa hồng trắng. Sau khi kết hôn, Vệ Nữ đã ngoại tình với Adonis nên chồng nàng đã giết chết tình địch. Đau đớn trước cái chết đó, nữ thần đã để cho gai nhọn của hoa hồng trắng đâm vào tay và chảy máu. Máu vệ nữ rơi vào hoa hồng và làm nó biến thành màu đỏ. Từ đó, Hoa hồng đỏ trở thành biểu tượng của tình yêu và nó thường được thay cho những lời tỏ tình với thông điệp: Anh yêu em hay Em yêu anh.
Nhà thơ Nguyễn Bính đã có một bài thơ rất hay sử dụng điển tích hoa hồng để nói về tình yêu thắm thiết:
Thưa đây, một đoá hoa hồng
Và đây một án hương lòng hoang vu
Đầu bù trở lại kinh đô
Tơ vương chín mối sầu cho một lòng
Tình tôi như đóa hoa hồng
Ở mương oan trái trong lòng tịch liêu
Kinh đô cát bụi bay nhiều
Tìm đâu thấy được người yêu hoa hồng?
                                        
1942
(Nguyễn Bính)
Còn nhà thơ Đinh Hùng, người tiêu biểu cho trường phái tượng trưng đã viết trong bài Ân Tình Dạ Khúc như sau:
Đêm thân ái có muôn hoa hồng nở,
Em tới đây tình tự một đôi lời.
Hồn phong hương trầm mộng tuổi hai mươi,
Ta nói khẽ đủ hai lòng nghe rõ.
Nếu như Venus là nữ thần của tình yêu và sắc đẹp thì con trai do nàng sinh ra chính là biểu tượng của tình yêu chân chính. Vị thần Eros hay còn có tên gọi khác là thần tình yêu  Cupid. Thần có đôi cánh nhỏ và chiếc cung với mũi tên bằng vàng. Nếu mũi tên bắn trúng ai, người đó sẽ đắm chìm trong tình yêu.
Vệ Nữ và Eros là điển cố được các tác giả văn học phương Tây sử dụng rất nhiều. Đại thi hào Shakespeare có một bài thơ kể lại mối tình đầy đau khổ của Venus và Adonis. Trong bài thơ, ông cũng có nhắc đến hình ảnh hoa hồng đỏ, biểu tượng của tình yêu nồng thắm. Ông cũng có câu nói rất hay khi nhắc đến thần tình yêu Cupid: Ái tình không nhìn bằng mắt mà bằng tâm hồn. Vì vậy, nhân loại khắc họa Thần Tình ái có hai cánh nhưng con mắt mù lòa.
1.1.4.  Từ thơ ca
Ngoài văn học dân gian, các tác phẩm kinh điển, các câu chuyện trong lịch sử thì đôi khi thơ ca lại cung cấp điển cố cho chính nó. Điển cố về tình yêu cũng có nguồn gốc từ đó. Truyện Kiều của Nguyễn Du có một câu thơ rất nổi tiếng để chỉ tình cảm quyến luyến khó dứt bỏ:
Dẫu rằng sông cạn đá mòn
Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ
Đây là câu thơ mượn của nhà thơ Lý Thương Ẩn đời Đường. Trong bài Vô đề, ông viết:Xuân tàn đáo tử, ty phương tận. Cũng từ ý thơ này mà về sau, Nguyễn Bính đã sử dụng để nói cùng với ý mà đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết:
Một ngàn năm, một vạn năm,
Con tằm vẫn khiếp con tằm vương tơ.
                                  (Dòng dư lệ - Nguyễn Bính)
2.2.         Chức năng của điển cố tình yêu trong văn học
2.2.1. Sử dụng điển cố để thể hiện tình yêu mãnh liệt, thủy chung, đợi chờ:
Khi nói đến tình yêu thủy chung mãnh liệt có lẽ không ai không nhớ đến câu chuyện về hòn Vọng Phu. Câu chuyện kể về rằng có gia đình bác tiều phu nọ sinh được hai chị em, một gái một trai. Một hôm, hai vợ chồng vào rừng kiếm củi để hai chị em ở nhà. Trong lúc hai chị em tranh nhau róc mía ăn, dao vô tình chém vào đầu người chị làm máu chảy lên láng. Em trai thấy sợ quá nên bỏ trốn. Hai vợ chồng bác tiều phu tìm người đắp thuốc cho cô chị. Cô chị qua khỏi nguy hiểm nhưng vết sẹo vẫn còn. Một thời gian sau, hai bác tiều phu đau buồn và qua đời, cô chị phải đi làm thuê ở đợ.
Năm này qua năm khác, cậu bé ngày xưa giờ đã trưởng thành, chàng gặp cô gái mồ côi xinh xắn, hiền hậu nên đã hai người đã thành vợ thành chồng. Một năm sau, cô gái sinh được một bé trai. Một hôm, đang gội đầu cho vợ chàng trai trông thấy vết sẹo trên đầu và hỏi về nguồn gốc của nó. Người vợ kể lại câu chuyện lúc nhỏ. Người chồng nghe được chết lặng người vì không ngờ người vợ của mình chính là người chị ruột. Sáng sớm hôm sau, chàng từ biệt vợ con và nói là đi vào Nam, từ đó không bao giờ quay về nữa. Người vợ ngày ngày bồng con ngóng trông chồng và hóa đá.
Và sự tích người đàn bà hóa đá cùng tấm lòng thủy chung, son sắt đã làm rung động không biết bao nhiêu trái tim nhà thơ. Vào năm Quí Hợi (1804), đại thi hào Nguyễn Du trên đường đi sang Trung Quốc có dừng chân tại Lạng Sơn. Tới Đồng Đăng, Lạng Sơn, nhìn thấy hòn Vọng Phu, người đã xót xa thương cảm và viết nên bài thơ sau:
Thạch gia? Nhân gia? Bỉ hà nhân?
Độc lập sơn đầu thiên bách xuân
Vạn kiếp diễn vô vân vũ mộng
Nhất trinh lưu đắc cổ kim thân
Nghĩa là:
Đá ư? Người ư? Người là ai?
Ngàn vạn mùa xuân đứng lẻ loi
Muôn thuở mây mưa xa mộng mị
Một lòng son sắt vững thân đời…
Bài thơ thật buồn, nhưng ẩn sâu dưới nỗi buồn là sự ngưỡng mộ của nhà thơ trước tấm lòng người phụ nữ son sắt. Nàng không chỉ đứng chờ chồng trong một khoảnh khắc nào đó mà trải qua hàng nghìn năm cùng trường tồn với non sông, đất nước.
Và câu chuyện về nàng Tô Thị, về người đàn bà hóa đá trong sự tích đã tiếp tục được người đời sau chấp bút. Năm 1990, nhà thơ Vương Trọng trong tập thơ: Về thôi nàng Vọng Phu đã sử dụng lại điển tích Vọng Phu này để trò chuyện với nàng. Ông viết:
- Về thôi nàng ơi
Niềm sum họp đã vào từng cánh cửa
Sao nàng còn đứng trong mưa gió
Cô đơn giữa mây trời?
Và qua cuộc trò chuyện giữa tác giả và nàng Vọng Phu, tác giả đã nhận ra được một điều rằng, nàng không chỉ có trái tim chung thủy của người vợ mà cao hơn, sự hóa đá của nàng là một sự cống hiến cho đất nước:
…hóa đá đợi triệu lần nỗi đợi
Để những người vợ muôn đời thoát khỏi cảnh chờ mong.
Rõ ràng, tác giả đã có sự linh hoạt trong việc sử dụng điển cố này, ông đã nâng từ tình yêu của con người cá nhân đến tình yêu đất nước.
2.2.2. Sử dụng điển cố để thể hiện tình yêu không trọn vẹn:
Truyện Kiều của Nguyễn Du có viết:
Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan
Khối tình là một điển cố chỉ mối tình đầy đau khổ, hai người không đến được với nhau và một trong hai phải chết. Người chết đi rồi vẫn còn mang một nỗi niềm chưa dứt. Truyện Trương Chi-Mỵ Nương là một ví dụ.
Sau khi nhìn thấy Mỵ Nương, Trương Chi đem lòng yêu mến nhưng Mỵ Nương lại sợ hãi khi nhìn thấy dung nhan xấu xí của Trương Chi. Từ đó, nàng không nghe tiếng hát của Trương Chi nữa. Trương Chi đau khổ nên tự vẫn. Hồn chàng nhập vào cây bạch đàn gần lầu son. Tình cờ, thừa tướng cho chặt cây rồi thuê thợ tiện tiện thành bộ trà xinh đẹp. Khi Mỵ Nương rót trà vào chén gỗ bạch đàn thì hiện lên hình bóng bóng con thuyền và văng vẳng tiếng hát năm xưa của chàng Trương lúc thì giận hờn, oán than lúc thì chứa chan tình yêu tuyệt vọng. Mỵ Nương thương xót rơi lệ xuống chén. Chén tan thành dòng nước trong suốt.
Ở Trung Quốc cũng có một câu chuyện về Quan Diệp Nhược và Tần Thúy Hải với nội dung tương tự.
2.2.3. Sử dụng điển cố để thể hiện sự ghen tuông trong tình yêu:
Nhắc đến tình yêu  thì cũng sẽ nhắc đến ghen tuông. Yêu mà không ghen thì không phải tình yêu nhưng nếu ghen quá cũng sẽ dễ đánh mất tình yêu. Trong Truyện Kiều, người ta biết đến Hoạn Thư như một người phụ nữ nổi tiếng về ghen tuông:
Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao
Tuy nhiên, ít người biết rằng, để xây dựng thành công nhân vật Hoạn Thư, Nguyễn Du đã vận dụng khéo léo các điển cố văn học như thế nào. Một trong những điển cố văn học mà Nguyễn Du sử dụng để nói về cơn ghen của Hoạn Thư là: giấm chua. Ông viết:
Cúi đầu luồn xuống mái nhà
Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng.
Giấm chua là một điển cố xuất phát từ truyện của Trung Quốc. Người vợ cả của vua nước Kim đời nhà Tống vì ghen tuông với hai cô cung nữ xinh đẹp nên khi nhà vua mất, bà đã dùng giấm chua để hủy hoại dung nhan họ và chôn họ cùng với nhà vua. Do đó, nói đến giấm chua là nói đến cơn ghen của người vợ cả.
2.2.4. Sử dụng điển cố để thể hiện sự xa cách trong tình yêu:
Tình yêu không chỉ có nỗi nhớ, có giận hờn, ghen tuông mà còn có cả sự xa cách. Trong tình yêu, sự xa cách càng làm cho đôi lứa gắn bó với nhau hơn.
Để nói về sự xa cách trong tình yêu, các tác giả hay sử dụng điển cố về Ngưu Lang – Chức Nữ với những hình ảnh như: Chim Ngân Hà, Cầu Ô Thước, Chàng Ngưu, Chức nữ…Ngưu Lang là chàng trai chăn trâu còn Chức Nữ là nàng tiên lo nghề dệt cửi. Trời thương cảnh ngộ lẻ loi của Chức Nữ nên gả nàng cho Ngưu Lang. Nhưng về sau, Chức Nữ phạm lỗi, trời bắt nàng trở về, chỉ cho phép mỗi năm một lần sang sông Ngân Hà thăm Ngưu Lang.
Chuyện Ngưu Lang – Chức Nữ đã đi vào rất nhiều tác phẩm văn học để chỉ sự xa cách trong tình yêu cũng như tấm lòng nàng Chức Nữ đối với chàng Ngưu.
Tác phẩm Lục Vân Tiên có viết:
Hữu tình chi bấy Ngưu lang
Tấm lòng Chức Nữ vì chàng mà nghiêng
Còn trong Quan Âm Thị Kính, tác giả đã sử dụng điển cố này để nói về sự xa cách:
Thiệt công ô thước bắc cầu
Chàng Ngưu Ả Chức giã nhau từ rày
Chuyện tình Ngưu Lang Chức Nữ không chỉ xuất hiện trong văn học trung đại mà còn ở rất nhiều tác phẩm hiện đại. Nhà thơ Tản Đà viết:
Trên trời Chức Nữ cùng Ngưu Lang
Một dải sông Ngân lệ mấy hàng…
Nhà thơ Lưu Trọng Lư trong bài Một mùa đông cũng có viết:
Đây là giải Ngân hà
Anh là chim Ô thước
Sẽ bắc cầu nguyện ước
Một đêm một lần qua.
2.2.5. Sử dụng điển cố để thể hiện nỗi nhớ trong tình yêu:
Trong văn học dân gian, để thể hiện nỗi nhớ trong tình yêu, các tác giả thường mượn hình ảnh thuyền và bến để chỉ người con trai và người con gái. Chẳng hạn:
Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
Mượn hình ảnh thuyền và bến trong ca dao, nhà thơ Lưu Trọng Lư đã sử dụng điển cố này để nói lên nỗi nhớ của mình:
Thuyền yêu không ghé bến sầu
Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng
(Một mùa đông)
2.2.6. Sử dụng điển cố để thể hiện nhân duyên trong tình yêu:
Nói đến tình yêu, người ta hay nhắc đến chữ duyên, chữ nợ. Phải có duyên gặp gỡ mới đến được với nhau và phải có nợ thì mới nên vợ nên chồng được với nhau. Nhân duyên trong tình yêu có được chính là nhờ sợi dây tơ hồng của Nguyệt Lão.
Nguyệt Lão tương truyền là ông lão ngồi dưới trăng, có một cái túi lớn, trong túi đựng đầy dây tơ đỏ. Ông có một quyển sách ghi lại chuyện hôn sự trong thiên hạ và những sợi tơ đỏ thì dùng để buộc chân những đôi trai gái sẽ thành vợ thành chồng.
Tác phẩm Nhị Độ Mai có viết:
Sinh rằng: Nguyệt Lão xe tơ
Nhân duyên đã định trần gia những ngày.
Trong Cung oán ngâm khúc cũng có sử dụng điển cố này:
Dang tay muốn dứt tơ hồng
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra
Trong Hoa tiên, tác giả khéo léo kết hợp điển cố tơ hồng và việc gieo tú cầu của các cô gái ngày xưa để nói về nhân duyên:
Lưng trời với những đâu đâu
Những tơ nào thắm những cầu nào xanh
Còn trong các nhà thơ Việt Nam hiện đại, Nguyễn Bính là nhà thơ rất thường sử dụng điển cố về tơ hồng để chỉ nhân duyên:
Ta sẽ là vợ chồng
Sẽ yêu nhau mãi mãi
Sẽ se sợi chỉ hồng
Sẽ hát ca ân ái.
(Hôn nhau lần cuối)
Lâu nay tôi thấy ở lòng tôi
Như có tơ vương đến một người
Người ấy , nhưng mà tôi chả nói
Tôi đành ngậm miệng nữa mà thôi .
(Mùa đông đan áo)
3. Kết luận:
Có rất nhiều điển cố tình yêu trong văn học phương Đông lẫn văn học phương Tây. Các điển cố này xuất phát từ nhiều nguồn gốc khác nhau để biểu hiện những cung bậc cảm xúc khác nhau trong tình yêu. Nếu như điển cố về tình yêu trong văn học phương Tây chủ yếu là truyện kể xuất phát từ thần thoại Hy Lạp, Kinh Thánh thì điển cố tình yêu trong văn học phương Đông phần lớn xuất phát từ thơ ca dân gian và thơ ca cổ. Các điển cố về tình yêu thường được các nhà văn hiện đại sử dụng nhiều hơn nhất là trong Thơ Mới bởi vì vào thời điểm đó, cái tôi cá nhân trong thơ ca được bộc lộ rõ nét mà tình yêu nam nữ thì gắn với nhu cầu tình cảm cá nhân.

1 nhận xét:

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...