Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Tạm biệt 2012

Sẽ không có những sự kiện tiêu biểu cho năm qua cũng như không có những kế hoạch hay mục tiêu gì cụ thể cho năm mới, mình chỉ nương theo cuộc sống, làm những việc mà bản thân thôi thúc và mong muốn được làm nhất.
Những ngày cuối năm, mình đã có một buổi kiểm tra đầy thú vị với môn: "Nghệ thuật Âu Mỹ". Câu đầu tiên là cảm nhận hai đoạn nhạc để viết về những giai đoạn khác nhau trong lịch sử nghệ thuật phương Tây. Khi đoạn nhạc thứ nhất vừa cất lên, mình nghĩ ngay đến: "Canon in D" của Pachelbel. Thế nhưng vì đây là một bản nhạc được sử dụng phổ biến trong các đám cưới nên mình đã nhầm lẫn nó với "Marrige D amour". Dĩ nhiên, tên gọi và thậm chí tên nhạc sĩ cũng chẳng ảnh hưởng đến câu hỏi, miễn sao cảm nhận và viết đúng về những giai đoạn khác nhau trong lịch sử nghệ thuật là được. Đây là đề thi khiến mình cảm thấy hứng thú nhất từ trước đến giờ.
Những ngày cuối năm, xem hai bộ phim khiến cho mình có hai ám ảnh khác nhau. Nếu như "Rang De Basanti (Paint it Yellow)" năm 2006 của Bollywood là bộ phim theo kiểu "Phim trong phim", là thực tế cuộc sống khắc nghiệt của nền chính trị độc tài ở Ấn Độ không khác gì với thời thuộc địa của Anh thì "Tình yêu" của Haneke lại cho mình một ám ảnh khác, ám ảnh về tình yêu, về cái chết, về những ẩn ức tâm lý của con người và ám ảnh về chính cách làm phim của vị đạo diễn tài ba này. Mình muốn thốt lên rằng: "Hỡi các nhà làm phim trẻ, làm ơn học tập lấy các nhà làm phim vĩ đại, học tập lấy các họa sĩ vĩ đại và học tập các nhạc sĩ vĩ đại để cống hiến cho điện ảnh những bộ phim có bố cục, màu sắc, ánh sáng và âm nhạc thực sự mang "chất điện ảnh". Bạn muốn mình cũng khổng lồ thì hãy làm ơn đứng trên vai những người khổng lồ ấy." Rõ ràng mình đã nhìn thấy đâu đó trong bộ phim này những bức hội họa của Vilhelm Hammershøi, như những tông màu trầm lặng dù cho những bức tranh xuất hiện trong phim là những tác phẩm hội họa thế kỷ 18 chứ không phải của họa sĩ người Đan Mạch này. Bộ phim này cũng như những bộ phim khác của Ozu, luôn thôi thúc mình khát khao muốn viết, viết ra những điều mình cảm thấy thú vị, viết ra những điều mình đã và đang bị ám ảnh. Cái chết và tuổi tác trong bộ phim chắc hẳn cũng sẽ gợi cho nhiều người nhớ đến tác phẩm "Sự bất tử" của Milan Kundera: "Có lẽ chúng ta ý thức về tuổi tác chỉ ở những khoảnh khắc đặc biệt, hầu hết thời gian chúng ta là vô tuổi".
Những ngày cuối năm, mình đã tham gia tiệc liên hoan tất niên với các bạn sinh viên Việt Nam trong trường, được ăn bánh chưng sớm, được thưởng thức hương vị Việt Nam mà rất lâu rồi mình mới có dịp nếm lại. Bữa tiệc đã diễn ra trong giá rét 8 độ C nhưng với sự có mặt của gần 30 người thì dường như mùa đông đã không len được qua ô cửa nhỏ.
Năm 2012 sắp khép lại. Dẫu cho năm qua đã có rất nhiều giọt nước mắt rơi, có rất nhiều nỗi buồn và không ít lần tuyệt vọng...thì tất cả cũng sắp khép lại như một sự trải nghiệm của cuộc sống. Đôi lúc phải nhờ vào những trải nghiệm ấy con người ta mới thấy trân trọng hơn những điều mình đang có. 
Này nhé 2012 hãy ở lại. Bấm nút play cho bản nhạc "Canon in D" như một lời tạm biệt và chào đón một năm mới sắp sang...
 

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

NHỮNG MÔ TÍP TRONG PHIM GIÁNG SINH



Mô típ là những chi tiết, những yếu tố đơn giản nhất được lặp đi lặp lại trong một câu chuyện nào đó hay trong một bộ phim nào đó. Mặc dù đơn giản nhưng chúng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng đề tài hoặc cốt truyện của tác phẩm nghệ thuật.  Cùng chung một chủ đề là giáng sinh nên những bộ phim về giáng sinh luôn có những hình ảnh được lặp đi lặp lại như: ông già Noel, bông tuyết, hồn ma, món quà, đoàn tụ, gặp gỡ... để tạo nên bầu không khí của một mùa Noel ấm ấp. Những hình ảnh ấy có thể xuất hiện trong nhiều bộ phim khác nhau nhưng không bao giờ chúng chỉ có một ý nghĩa. Ở mỗi bộ phim, chúng có vai trò riêng nhất định để hòa vào mạch cảm xúc chung của câu chuyện, khơi gợi cho người xem những nguồn cảm hứng nhất định.

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Chuyện kể từ Đài Loan (10): Mặt trời trên đỉnh núi Alishan

Đêm trước ngày đông chí, tôi và các bạn cùng trường đã đi Alishan để ngắm mặt trời mọc, ngắm những cây cổ thụ cao lớn, những lá phong đỏ và hồ nước Chị Em xanh trong nằm ngay giữa rừng. Chuyến đi này là chuyến đi xa cuối cùng của tôi ở Đài Loan trong năm 2012, là món quà tôi dành tặng cho chính mình trước mùa Giáng sinh cùng với chiếc Ipad xinh xắn và rất nhiều quần áo mùa đông mà tôi đã mua cách đó hơn một tuần.

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Tận thế hay không là do con người

Tôi ghét phải viết một bài viết về cái gọi là "ngày tận thế" vì tôi không muốn viết về điều mà mình chẳng tin, nhưng càng gần tới ngày đông chí, những thông tin thêu dệt càng ngày càng nhiều và mới đây nhất là lời sấm truyền được cho là của: nhà tiên tri nổi danh người Pháp Nostradamus:
"Vào buổi sáng tĩnh lặng, mọi thứ sẽ kết thúc
Khi “điệu nhảy ngựa” đạt con số của 9 vòng tròn"
Câu sấm truyền này càng tăng thêm sự tin tưởng của mọi người vì tất cả đều cho rằng, chúng đang ám chỉ đến điệu nhảy ngựa Gangnam Style của người Hàn Quốc. Nếu trung bình mỗi ngày có 8 triệu người xem thì đến 21 tháng 12, chúng sẽ cán mốc 1 tỷ (tức là đạt đến con số 9 vòng tròn).

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Có một người cha...

(Viết nhân ngày sinh nhật Ozu)
Thực ra, nếu cho tôi được trả lời câu hỏi: Bộ phim nào về tình cha con khiến tôi yêu thích nhất thì thật khó để trả lời. Thế nhưng, nếu hỏi tôi, bộ phim nào để lại cảm xúc chân thật nhất, day dứt nhất về tình cha con thì đó chính là: "There was a father" của đạo diễn mà tôi cực kỳ yêu thích: Yasujirō Ozu.

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Chuyện kể từ Đài Loan (9): Bài học về sự an toàn

Nếu ở Đài Loan, không chỉ nón bảo hiểm mà ngay cả với xe máy, xe hơi bạn có thể bỏ thoải mái ở vỉa hè mà không cần người canh giữ. Nếu cẩn thận một chút, bạn có thể khóa xe máy lại, còn nếu không bạn cũng có thể cứ để đấy và yên tâm đi làm công việc của mình. Việc mất cắp xe máy ở Đài Loan được xem là hi hữu dù trung bình mỗi chiếc xe có giá khoảng 2000 đô la (khoảng hơn 40 triệu VNĐ).

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Và cô ấy đã đứng trước mặt trời




Bức tranh thêu này là ý tưởng của anh nhưng những đường kim mũi chỉ vụng về này là của mình. Nó được dựa trên tác phẩm siêu thực: “Woman in front of the sun” của Joan Miro. Đã 11 năm rồi, giờ mới có cảm hứng thêu thùa trở lại và là lần đầu tiên hoàn thiện một tác phẩm thêu hoàn chỉnh. Nhớ ngày còn nhỏ, chỉ có một bông hoa cúc và một bông hoa hồng mà thêu mãi không xong rồi để lại dang dở trong hộp đựng kim chỉ. Với tốc độ như thế cho bức tranh này mình nghĩ rằng chắc nó phải lấy đi của mình sáu tháng ròng rã chứ không phải chỉ trong khoảng 2 tuần. Mình hiểu rằng, khi con người ta thực sự đam mê vì một điều gì đó thì có thể quên ăn quên ngủ và quên cả thời gian để mau chóng nhìn thấy được hoàn thiện.
Bức tranh thêu này đã được làm ra trong những giai điệu của những bản nhạc cổ điển lúc đêm khuya và trong sự thân thiện của đứa bạn cùng phòng, dù đi ngủ lúc 1,2 giờ sáng nhưng vẫn cố tình để lại ánh điện lớn để mình nhìn thấy mũi kim, sợi chỉ một cách rõ ràng nhất. 
----------
Note: Chưa giặt mực vẽ và ủi lại, up lên luôn cho nóng hổi.
Lạnh rồi, giờ thì chuyển sang đan khăn quàng cổ thôi :) 

Chuyện kể từ Đài Loan (8): Có lẽ mình là người khó chia sẻ

Khác với những cuộc hành trình trước, cuộc hành trình lần này mình không đi một mình mà đi với ba người bạn Việt Nam, những người cùng học chương trình Thạc sĩ ở trường. Để cuộc hành trình diễn ra thuận lợi, mình đã mất hơn 2 ngày 2 đêm thiết kế lịch trình, nhờ các bạn trong lớp đặt giúp nhà nghỉ, tìm những nơi cần đến, những đặc sản cần ăn, những tuyến xe bus, tàu điện, tàu hỏa cần đi...Nếu mình đi một mình sẽ không nhất thiết phải làm những việc này bởi ở Đài Nam, mình có thể ở nhà chị và chị sẽ đưa mình đi những nơi nổi tiếng mà chị biết. Đây có lẽ cũng là lần cuối cùng mình xuôi về phương Nam với điểm đến xa nhất là thành phố Cao Hùng. Và đây cũng có lẽ là cuộc hành trình sẽ đem đến cho mình những cảm xúc khó tả nhất bởi tâm trạng của những cái đầu tiên và những cái cuối cùng.

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Chuyện kể từ Đài Loan (7): Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san(*)

Chợt nhớ ra Hà Nội đang vào mùa hoa cải. Sắc vàng và dòng người tấp nập như xua tan không khí lạnh lẽo của mùa đông. Những kỷ niệm xưa tưởng chừng sờ tay lại còn chạm vào được, vậy mà đã trôi qua hai năm rồi:
Có một mùa hoa cải 
Nở vàng bên bến sông 
Em đang thì con gái 
Đợi anh chưa lấy chồng
Ừ, có lẽ những ai đã đến vườn cải, đã chìm ngập trong sắc vàng nơi đây rồi sẽ càng thấu hiểu sự da diết trong những câu thơ của Nghiêm Thị Hằng. 

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Chuyện kể từ Đài Loan (6): Đài Bắc, một ngày mưa



Đài Bắc đã bắt đầu đợt mưa phùn mới. Sáng sớm ra đường, những giọt mưa bay lất phất thấm vào da thịt lạnh tê tái. Những giọt mưa theo chân mình qua những hàng cây, những hành lang bé nhỏ, gặp người này, chào người kia cho một buổi sáng thứ bảy dịu êm. Người đi bơi, người đi thư viện, còn mình lững thững đến cổng trường trong tiếng nhạc nhẹ nhàng phát ra từ chiếc Nokia cũ kỹ:

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Xin lỗi

Xin lỗi vì đã không thể mang đến niềm vui trọn vẹn
Xin lỗi vì đã không thể là người may mắn
Bởi cuộc đời em chưa bao giờ được tạo nên bởi những cơ may
Chưa bao giờ được thừa hưởng những điều định sẵn
Chỉ là kẻ ương bướng không chịu bỏ cuộc
Khi hy vọng vẫn còn
Để mãi mãi không bao giờ phải nói lời hối tiếc.
Vì vậy
Nếu còn ước mơ
Thì đừng từ bỏ
Anh nhé.


Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

...

Gửi người từng được/bị em thêu tên trên chiếc lá:
Không ai có thể thoát khỏi nỗi cô đơn của chính mình trừ khi bản thân mình muốn thế, còn sự cô độc thì có thể bởi lúc nào bên cạnh anh cũng có người đồng hành. Vì vậy:
"Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam..."
Bất cứ khi nào muốn, nhé!
Bình an!

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Chuyện kể từ Đài Loan (5): Xe đạp


Trong những ngày cuối cùng ở Hà Nội, tôi bị mất xe đạp. Dù không nói ra nhưng tôi thừa hiểu tại sao chiếc xe đạp đã cùng tôi qua nhiều con phố ở Hà Nội, theo tôi đến lớp mỗi buổi sớm mai, không ít lần chở những bó hoa xinh xắn tô điểm cho căn phòng trọ bé nhỏ của tôi suốt một thời gian dài đã bốc hơi một cách đột ngột như vậy. Tôi tiếc vì không thể trả lại kỷ vật gắn bó với mình trong một chặng đường đẹp đẽ cho mợ, chủ nhân thực sự của nó. Chiếc xe đạp đã đi cùng với nỗi day dứt riêng của tôi mỗi khi nghĩ về Hà Nội.

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Điện ảnh và hội họa

Khi viết báo cáo về bức tranh Las Meninas của Diego Velazquez tự dưng tôi nghĩ nhiều đến điện ảnh, nghĩ nhiều đến Ozu, người đã sử dụng rất chính xác từng khuôn hình, từng đồ vật trong khuôn hình để tạo nên những kiệt tác vĩ đại. Điện ảnh và hội họa dĩ nhiên có mối liên hệ với nhau và có lẽ người làm phim giỏi cần nắm vững các quy tắc của hội họa, của bố cục, của sắp xếp hình ảnh. Các nhà làm phim trẻ có lẽ cần phải học hỏi nhiều từ các bậc thầy hội họa mới có thể làm nên được những tác phẩm điện ảnh xuất sắc khiến người xem nể phục. Ai đó nói rằng: “Nếu tôi nhìn được xa hơn đó là bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ” quả thực không sai. Hãy xem mỗi khuôn hình là một bức tranh và người đạo diễn là họa sĩ kiến tạo nên bức tranh đó. Bố cục, ánh sáng và vị trí các nhân vật như thế nào...sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc quyết định ý nghĩa của cảnh đó chứ không phải lời thoại và hành động nhân vật. Điện ảnh không phải là sân khấu.

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Chuyện kể từ Đài Loan (3): 12 ngày

Những người yêu thú cưng chắc hẳn sẽ rất mong muốn chúng có được sự đãi ngộ đặc biệt như ở Mỹ. Chúng không những được xem trọng như một thành viên trong gia đình, được chuẩn bị những bữa ăn đặc biệt dành riêng cho chúng, được chủ nhân xin nghỉ làm để ở nhà săn sóc khi bị đau ốm, được mang theo khi đi làm hoặc được trưng bày hình ảnh tại nơi làm việc mà còn được coi trọng trước Pháp luật. Ngày13 tháng 9 năm 2000, ký giả Richard Willing đã tiết lộ: "Under Law Pets Are Becoming Almost Human" (Luật Pháp Mỹ coi thú cưng không khác gì Con Người).

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Hoa Liên - cuộc hành trình đến dưới chân tượng Phật

(Chuyện kể từ Đài Loan-2)

Thông thường, tôi muốn kể lại tất cả những nơi tôi đã đi qua trên Đảo Ngọc Đài Loan nhưng chuyến đi Hoa Liên mà tôi thực hiện cách đây 6 tháng vẫn mãi khiến tôi do dự. Đây không đơn giản là đi đâu, nơi đó có gì đẹp, có món ăn gì ngon..mà có một điều đặc biệt khác, hay nói đúng hơn đó là một bí mật…một bí mật dưới chân tượng Phật và nếu kể về Hoa Liên thì chắc chắn phải kể về bí mật ấy. 

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Mình đã hiểu

Có một lần, mình nghe một người nói rằng thời gian bên mình là thời gian dài nhất trong năm. Câu nói vô tình mà chân thật ấy đã khiến mình cảm thấy ăn năn, day dứt vì đã bảo người ấy đi cùng mình và thật sự đau lòng vào khoảng thời gian rất lâu sau đó.
Có một lần, mình nghe người ấy nói rằng không thích đi du lịch, không thích đến những vùng đất mới và mình đã tin vào điều đó.
Có một ngày, mình nhận ra rằng, không phải người ấy không thích đi du lịch, không thích đến những vùng đất mới mà điều quan trọng là đi đâu, với ai. Mình nhận ra rằng, người ấy vẫn thích đi du lịch và thậm chí không quan tâm mất bao nhiêu thời gian, tiền bạc bởi chỉ cần người ấy được đi với người mà người ấy thích, đến vùng đất mà người ấy thích và mình hiểu người ấy đã tìm thấy điều đó. Mình cũng nhận ra rằng, mình nhàm chán tới mức khiến người ấy cảm thấy thời gian bên mình luôn luôn dài, khiến người ấy phải phát sợ những chuyến đi nên chưa bao giờ tỏ ý muốn đợi mình về để đi cùng mình đến vùng đất nào đó, nơi mà cả hai đều chưa từng đặt chân đến, có chăng chỉ là những đề nghị đơn độc từ mình.
Có một ngày, mình hiểu ra rằng, khi người ấy đã tìm được cho mình người bạn đồng hành mới để cùng đi đến những vùng đất mới thì người lữ khách như mình đã đến lúc nên bị đuổi xuống xe hoặc tự nguyện xuống xe. Ừ, đuổi xuống hay tự nguyện thì cũng đều như nhau cả bởi mình không muốn xuất hiện trong hình ảnh nhàm chán của một ai đó và càng không muốn ai đó phải miễn cưỡng quan tâm tới mình. Tất cả những gì đi ra từ trái tim nếu không được nhận lại từ chính trái tim thì đều là miễn cưỡng và mệt mỏi. Thật lòng mình không bao giờ muốn như vậy.

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

"Eight and a half" hay là chướng ngại vật của Frederico Fellini

"Nói về giấc mơ như đang nói về những bộ phim vì điện ảnh dùng ngôn ngữ của những giấc mơ; nhiều năm trôi qua trong một giây và bạn có thể nhảy từ nơi này đến nơi khác. Đó là ngôn ngữ được thực hiện của hình ảnh. Và trong điện ảnh thực sự, mỗi vật thể và mỗi ánh sáng đều có nghĩa là một thứ gì đó, như trong một giấc mơ". (Frederico Fellini)
 
Quá nhiều cảm xúc khi tôi xem bộ phim này vào một buổi chiều lặng lẽ. Phim của Fellini bao giờ cũng vậy, dù thời lượng dài, dù ngổn ngang nhân vật vẫn có thể khiến người xem say đắm từ đầu đến cuối trong nhiều trường đoạn, trong nhiều câu chuyện tưởng chừng chẳng liên quan gì đến nhau.

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Tôi muốn được ở một mình...

Đã định mỗi ngày xem một bộ phim nhưng tình cờ đọc những dòng trên Facebook của diễn viên múa Linh Nga khiến mọi thứ đi chệch khỏi trật tự vốn có của nó: "Sau 12 tiếng mình mới được gặp bạn. Bạn là ai mà cứ nằm gần mình rồi khóc ầm hết cả lên. Cái đêm hôm ấy thật đáng sợ, mình cứ tưởng không vượt qua được. Thế rồi khi mở mắt bạn lại đang nằm nhìn mình. Mình khóc và bạn cũng khóc theo. Đến bây giờ mình vẫn không biết giây phút ấy là thật hay đang nằm mơ...". Những dòng ấy tuy ngắn ngủi nhưng đã đánh thức mong muốn mà tôi vẫn phải luôn chôn giấu, ít nhất trong khoảng thời gian này. Tôi ghen tỵ với bạn ấy không phải vì đỉnh cao sự nghiệp mà là vì hạnh phúc với gia đình nhỏ bạn đang có. Trải qua bao thăng trầm, bao biến cố thì điều cuối cùng sẽ ở lại trong cuộc đời mỗi người là gì: đó có phải là hạnh phúc không? Nếu được sống một cuộc sống giàu sang, được làm một công việc mơ ước và sớm hôm lủi thủi một mình: đó có phải là mong ước của cuộc đời không? Đã nhiều lần tôi cầu nguyện được đánh đổi để có được hạnh phúc như những đứa bạn thân thiết của mình nhưng càng cầu nguyện, tôi càng khủng hoảng.
Những lúc buồn muốn khóc, những lúc vui muốn tíu tít kể chuyện, những lúc khám phá ra những điều thú vị trong cuộc sống, muốn kể cho ai đó nghe nhưng ai sẽ lắng nghe mình, ai là người ngồi lại để nghe mình nói? Không ai cả.
Hạnh phúc, tình yêu đối với tôi là những điều xa xỉ của cuộc đời. Ai bảo rằng cho đi thì sẽ được nhận lại. Sau những giây phút mệt nhoài, sau những ngày lủi thủi một mình, niềm tin trong tôi đã vơi dần. Tôi biết mình cũng chỉ là một người bình thường như bao người khác và chẳng là gì trong lòng người khác. Chỉ tại tôi không đủ can đảm nhìn thẳng vào những điều này.
Cuộc đời là những chuyến đi. Vậy chuyến đi này sẽ đưa tôi tới đâu? Tới nơi lấy công việc làm vui chăng? Tôi rất tiếc đã để bản thân mình phải tự ti như lúc này nhưng sự thật tôi chẳng có điều gì để bấu víu, để hy vọng. Tôi sợ những cái gọi là hy vọng. Ngay cả số phận, định mệnh cũng chỉ là những điều khiến tôi nuôi dưỡng những ảo vọng, những tưởng tượng hão huyền. Và như thế, tôi lại càng đau đớn hơn.
Và như thế, tôi muốn được ở một mình, ít nhất là trong thời điểm này. 

Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

"Ra đi là để trở về" hay những ghi chép về Đài Loan (1)


Anh có đi cùng em
Đến những miền đất lạ
Đến những mùa hái quả
Đến những ngày thương yêu
(Xuân Quỳnh)

Một năm trước, tôi mang trên mình hành trang của người lần đầu tiên rời khỏi đất nước. Dĩ nhiên, tôi có thể chọn cách ở lại nếu muốn bởi suốt hơn một năm trước đó tôi cũng đã sống cuộc sống tạm bợ của người đi xa. Mà nếu nói hơn một năm trước đó thì cũng không đúng lắm vì tôi rời khỏi quê nhà khi 18 tuổi và từ đó, tôi sống bằng cuộc sống của người đi xa.
Ngày 4 tháng 9 năm 2011, tôi, 25 tuổi, rời khỏi Việt Nam và lên đường sang Đài Loan  để khám phá về một vùng đất mới, vùng đất mà trong ý nghĩ của tôi, của những người Việt Nam khác và thậm chí là của người Đài Loan, đó là nơi dành cho những người lao động và những cô dâu Việt. Nếu tình cờ trò chuyện với một người Đài Loan trên tàu, họ sẽ chỉ có thể cho bạn hai lựa chọn: bạn sang đây để kết hôn hay lao động? Và như thế, dù không có ác ý nào trong câu hỏi trên thì tự bản thân chúng ta cũng cảm thấy mình thua thiệt quá nhiều so với nước khác. Chung quy lại cũng là vì kinh tế. Chỉ vì kinh tế, hàng loạt người Việt Nam mới đi xuất khẩu lao động bởi giá trị lao động của họ ở nước ngoài cao hơn trong nước. Chỉ vì kinh tế, hàng loạt các cô gái trẻ mới đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc mà không biết rằng, cuộc sống của họ ở nơi xa Tổ quốc còn cơ cực hơn gấp mấy chục lần.
8 giờ tối ngày 4 tháng 9 năm 2011, máy bay Vietnam Airlines chuẩn bị hạ cánh. Dưới mắt tôi, Đài Bắc nhấp nháy trong ánh đèn. Thế nhưng “bầu trời ngược” ấy không rực rỡ như thành phố Hồ Chí Minh bởi nhà cửa của họ không san sát và cây cối có vẻ nhiều hơn. Những ánh đèn nhấp nháy trong lặng lẽ khiến tôi bắt đầu cảm thấy buồn, cứ như thể những chỗ tối của thành phố bao lấy tôi tạo thành những khoảng trống trong lòng, không gì bù đắp được.
Lần đầu tiên đặt chân đến sân bay quốc tế Đào Viên, mọi thứ với tôi đều ngỡ ngàng, ngỡ ngàng trong từng con đường bước qua, trong những bờ tường cao ngất và ngỡ ngàng đến cả tờ đơn xin nhập cảnh. Tôi phải lúng túng giải thích một hồi với nhân viên an ninh sân bay mới xin được tờ giấy đó và chờ xếp hàng. Lấy hành lý ra khỏi sân bay, tôi không khỏi ngạc nhiên vì mọi thủ tục lại nhanh chóng và dễ dàng đến vậy. Chẳng có người nào đứng để kiểm tra xem mã số hành lý với mã số trên vé máy bay của tôi có khớp không.
Người tài xế lái xe dịch vụ đưa đón do trường đăng ký đã đứng chờ tôi ở ngoài cửa ra vào với biển đề tên. Tôi xin lỗi vì để ông ấy đợi lâu và lên xe về trường. Lần này, đường phố Đài Loan hiện ra trước mắt tôi rõ mồn một. Chỉ mới chín giờ tối mà hầu như các cửa hiệu đều đóng cửa và tắt bớt đèn. Riêng đèn gắn dưới mặt đường từ sân bay trở về thì lại bật sáng xanh như chiếc cầu Ánh Sao bên quận 7. Các biển báo đều bằng tiếng Hoa trở nên lạ lẫm với tôi hơn bao giờ hết, đến nỗi tôi phải reo lên khi tình cờ nhìn thấy biển báo: "Thu Thủy – chuyên kinh doanh quần áo thời trang cao cấp" trên một con đường Đài Loan khi đi ăn tối với lớp. Các biển hiệu vô tri vô giác biến tôi thành một kẻ lạc lõng.
Ở Đài Loan, mua sim điện thoại cực kỳ khó nên đêm đầu tiên ấy chính là nỗi cực hình đối với tôi. Không điện thoại, không internet, không một người thân bên cạnh, không một tiếng mẹ đẻ nào hiện hữu. Giá như trước mắt tôi lúc đó có một chuyến bay đưa về Việt Nam, tôi sẽ leo lên ngay lập tức mà không cần phải suy nghĩ. 
Tất cả mọi cảm xúc trong đêm ấy vỡ òa ra khi vừa mượn được máy tính của một người bạn cùng trường thì nhìn thấy những lời hỏi thăm của anh xuất hiện trước màn hình. Và câu hỏi mà tôi đã đặt ra trong suốt thời gian ở nơi này là: làm sao tôi có thể chịu đựng được sự vắng mặt của mình trong suốt gần hai năm trời bên cạnh những người mà mình yêu thương khi họ gặp khó khăn, gặp chuyện buồn, khi họ cần sự động viên an ủi hay đơn giản chỉ là cùng họ đi xem một bộ phim nào đó? Rõ ràng, ở nơi phương xa kia, có tôi hay không có tôi, mọi chuyện cũng không quan trọng. Có lẽ chỉ có chính tôi là không yên tâm vì sự vắng mặt của mình hay nói cách khác, đây chính là thách thức mang tên: Khoảng cách.
Nếu không đi ra nước ngoài, chẳng bao giờ tôi có những cảm xúc mãnh liệt như thế, những cảm xúc mà bao nhiêu lần dùng lý trí kháng cự lại thì cũng đều thất bại bấy nhiêu lần. Dĩ nhiên, cảm xúc của tôi không phải là cảm xúc thuộc về số đông. Mỗi người đều có một sự lựa chọn riêng đối với cuộc sống của họ. Nhiều người tôi biết lại thích gắn bó với cuộc sống đầy đủ tiện nghi và hiện đại ở Đài Loan hơn Việt Nam.
Năm thứ hai, tôi đã đặt chân đến  Đài Loan theo một cách khác hơn. Dù vẫn mang trong mình nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ những người thương yêu thì tôi đã biết cách ngắm nhìn mọi thứ trong lặng lẽ. Cầm trên tay cuốn sách được tặng từ một người mà tôi gọi là tri kỷ, tôi đã hiểu vì sao mình lại có sự thay đổi cảm xúc như vậy:
"Và khi tro bụi quay về
Trong thinh lặng đó cận kề quê hương".

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

MÙA HÈ KHÉP LẠI


Mùa hè khép lại bằng những bông hoa thạch thảo nở tím nơi góc vườn buổi sớm mai, những bông hoa chưa một lần là biểu tượng của mùa hè nhưng luôn rực rỡ dưới ánh nắng. Thạch thảo không lớn, không có vẻ đẹp kiêu hãnh của những bụi hồng, cẩm chướng, càng không có vẻ đài các của những búp sen xanh, sen trắng  nhưng khi cắt những cành hoa bé nhỏ cắm vào chiếc xe đạp bằng tre thì nó lại có sức quyến rũ lạ kỳ của một cái gì đó man mác, cổ xưa. Bất chợt tôi nhớ tới mấy câu thơ mà Apollinaire đã viết: 
Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo.  
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi.
Mùa hè khép lại bằng "bụi tóc tiên điên dại miên man" trong những câu thơ đầy trống trải của Nguyễn Bình Phương mà tôi thường gọi là hoa móng tay. Những cánh hoa như những chiếc móng tay bé nhỏ đưa tôi trở về thời thơ ấu, những ngày thích thú nhìn thấy đôi bàn tay với những chiếc móng thon dài, hồng hồng xinh xinh được tạo ra bởi chính những bông hoa thơm nhè nhè mà bạn gọi bằng một cái tên khác: hoa đi mưa. 
Mùa hè khép lại bằng chuyến xe vắng người vào đêm mười bốn tháng bảy. Có lẽ vì ngại câu ca dao: mồng năm, mười bốn, hai ba...nên thói quen kiêng kỵ ra đường vào những ngày ấy đã bám rễ trong lòng mọi người. Chiếc xe giường nằm đi qua những con đường mà một bên là núi, một bên là biển và ánh trăng lơ lửng trên cao rọi qua cửa kính như thể vừa nằm vừa xem phong cảnh chuyển động trên màn hình ti vi, nhưng chiếc ti vi này rộng lớn và thực tế hơn nhiều, được đặt giữa tòa lâu đài thiên nhiên, giữa bao la vũ trụ.
Mùa hè khép lại bằng tiếng bước chân của những chú chim non đi lạch đạch trên mái nhà trong ngày lễ Vu Lan. Thực ra, trước đây, tôi cũng thường nghe đi nghe lại âm thanh này nhưng không mấy khi để ý. Dấu chân bé bỏng in trên mảng tôn mờ mờ và tiếng đập cánh nhè nhẹ nghe rất đỗi thân thương.
Mùa hè khép lại bằng ánh nhìn nghiêng vào những giọt cafe đang tí tách rơi xuống nền sữa trắng. Mỗi ngày hai bận nhìn cafe rơi rơi như thế trong nỗi buồn vô hạn. Cuộc sống có những khoảnh khắc chậm rãi, sao lòng người nhiều sốt sắng và lo toan đến vậy.
Mùa hè khép lại bằng một chuyến đi xa. Nhiều lúc tôi ghét những chuyến đi. Tôi ghét cảnh phải vội vội vàng vàng gấp quần áo và lấy những vật dụng cần thiết nhét vào valy, ghét phải sống trong những ngày chuẩn bị rời khỏi đất nước, ghét những đêm nằm ngủ, úp mặt vào tường và nước mắt lã chã tuôn rơi, ghét cứ phải dặn lòng rằng: tài sản lớn nhất của mỗi người đằng sau những chuyến đi là kho ký ức tốt đẹp về vùng đất mà họ đã đặt chân đến. Không có gì đảm bảo rằng mình sẽ trở lại vùng đất ấy một lần nữa, vì vậy, dù vui dù buồn thì đây cũng sẽ là một trong những trải nghiệm đáng nhớ của cuộc đời.

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

...

Có nhiều lúc muốn bỏ lại tất cả
Đi vào trong sâu thẳm chốn ngày xanh
Đời có gì đâu mà luyến tiếc
Người có gì đâu mà luyến tiếc
Chỉ còn mình tôi
độc bước,
quạnh hiu.

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Viết ngắn...


Có đôi lúc mình chợt nghĩ, tại sao người yêu, vợ chồng đều được gọi là...bạn. Người yêu thì là bạn trai, bạn gái, vợ chồng thì là bạn đời. Riêng chữ bạn đời, mình nhớ có lần chị Trang Hạ đã viết thế này:

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Những món ăn Việt Nam :)

Không có nồi đất để nấu cá kho tộ nên làm cá kho nồi :)

Thái Minh Lượng, Lý Tiểu Khang, Lu Yi Ching - Những người nghệ sĩ lớn


Tôi đến Carmie Gallery vào buổi trưa thứ bảy cùng với 3 người bạn cùng lớp nữa. Vừa bước vào khu vực phía trong triển lãm, đã nhìn thấy ngay Thái Minh Lượng và Lý Tiểu Khang đứng cắt bánh cho bữa tiệc buffet mặc dù họ không phải là nhân vật chính của ngày hôm đó. Nhân vật chính của ngày hôm đó là Lục Tịch Dịch (Lu Yi Ching, người đóng vai Mẹ trong What time is it there) đến muộn hơn. Trông họ không khác gì so với hình ảnh tôi đã nhìn thấy trên phim hay trên các bài báo phê bình điện ảnh của Việt Nam.

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Mình còn nợ Hualien một bài viết

Hualien nằm ở Trung Đông Đài Loan, là nơi nổi tiếng với thiên nhiên hoang sơ và khá đẹp. Đầu tháng 4 vừa rồi, trường đã tổ chức cho sinh viên quốc tế đến đó tham quan nhưng nhiều lý do mình vẫn chưa viết bài kể về nơi ấy.

Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

Động đất

(Nguồn ảnh: VN express)
Theo nhiều nhà nghiên cứu, Đài Loan nằm trên giao lộ của hai bình địa kiến tạo nên phải thường xuyên phải hứng chịu động đất. Do đó những cơn dư chấn nhỏ có cường độ khoảng 2 đến 4 độ Richter khiến bàn ghế rung lắc mà nếu ở Việt Nam hàng trăm hàng ngàn người chạy ra đường thì ở đây xảy ra như cơm bữa.

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Một năm - cho ngày cuối ở Hà Nội

Ngày cuối ở Hà Nội, bằng lăng vẫn nhuộm tím các con phố pha màu nắng rực rỡ trang hoàng hai bên đường khiến người đi háo hức như đang ở giữa một lễ cưới theo phong cách cổ điển Vintage.
Ngày cuối ở Hà Nội, mới bảy giờ nắng đã chói chang. Quyết định phơi làn da nâu dưới nắng vàng để cho sắc nắng thấm vào cơ thể, đánh dấu kết thúc một chặng đường đã đi qua.

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Ta và em


(Viết nhân ngày 1/6)
Những em bé
Buổi sáng mai
Làm tan hoang muôn vàn nỗi nhớ
Những khô hạn mùa hè
Đọng lại trong nụ cười hồn nhiên
Trong ánh mắt trẻ thơ
Và trong trái tim bình an đến lạ.

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Có những thứ lộn xộn

Mình từ phòng học trở về ký túc xá thì đã gần 12 giờ đêm, (giờ Đài Loan) sau khi up xong tất cả các file nhỏ của clip đầu tiên cho Dự án trong cơn mưa bay nhè nhẹ. Cơn mưa kéo mình ra khỏi cơn đau đầu của một tối thức khuya, một sáng lên lớp sớm, một buổi chiều họp đến tận 7 giờ tối và thời gian còn lại là dán mắt vào máy tính để làm cho xong việc. Một ngày khá dài.
Mình không up tài liệu bằng mạng trong ký túc xá được vì mỗi người chỉ được phép sử dụng 2G trong 1 ngày, vượt quá dung lượng đó thì sẽ bị cắt mạng mà mình đã vừa down một phim hơn 700M rồi. Vì vậy đành phải xài wifi của trường. 
Em gửi cho mình 1 link phim của một đạo diễn Nhật Bản vừa qua đời. Lúc đó, mình chỉ còn nhìn thấy FB thông báo gì và comment lại đúng nội dung FB thông báo mà không để ý đến nội dung em gửi. Bình thường em hay gửi cho mình những link giới thiệu phim của một đạo diễn nào đó hoặc một bộ phim nào đó và mình nghĩ lúc đó cũng vậy  nên đã không để ý đến lời giới thiệu nữa, một phần cũng vì khá mệt, một phần vì thoáng thấy tên đạo diễn mà mình chưa xem bất kỳ bộ phim nào nên không biết phải nói gì ngoài việc đi comment "cái nội dung mà FB thông báo". Lát sau, đọc lại toàn bộ những tin tức mới cập nhật của mọi người và đến tin em vừa gửi bất chợt mình lặng người. Hóa ra là em muốn thông báo về một đạo diễn tài năng của Nhật Bản vừa qua đời chứ không phải giới thiệu phim hay giới thiệu đạo diễn như mọi lần. Lúc đó, tự dưng cảm thấy mình vô tâm dễ sợ vì dù chưa từng xem phim nào thì mình cũng nghe nói nhiều đến "Hòn đảo trụi", nghe nói nhiều đến những cống hiến của đạo diễn cho điện ảnh. Sự vô tâm thứ hai là đọc quá nhanh nội dung bạn bè gửi, đến nỗi làm mọi thứ theo quán tính và khi nhìn lại thì thực sự mình cảm thấy day dứt. 
Nói thế nào cũng là lỗi ở mình. Mình bảo rằng mình yêu điện ảnh mà đến một phim của Kaneto Shindo cũng chưa xem thì liệu có thực sự là người yêu điện ảnh không? 

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Viết cho tôi

Tôi bảo với tôi rằng đừng khóc
Buồn vui là chuyện của cuộc đời
Mệt mỏi cô đơn ai cũng có
Cớ gì cứ để giọt sầu rơi.

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Nghệ thuật như là sự sản xuất văn hóa – Pierre Bourdieu

Kể từ khi Kant tuyên bố về sự thờ ơ của các đánh giá mỹ học, thì có một cuộc bút chiến xảy ra giữa các triết gia và các nhà lý thuyết nghệ thuật về mối quan hệ giữa tác phẩm nghệ thuật và những xã hội sản sinh ra chúng. Mặc dù có sự bảo vệ mạnh mẽ ở khu vực tự trị nghệ thuật từ bối cảnh xã hội của nó – như của Bell – có những sự nỗ lực sôi nổi mang tính công bằng để chỉ ra mối quan hệ giữa nghệ thuật với những khuynh hướng xã hội rộng hơn – như trong thảo luận của Benjamin về những thay đổi được thực hiện trong nghệ thuật bởi những sự tiến bộ trong công nghệ. Cùng lúc đó, những cuộc thảo luận về bản chất nghệ thuật đương đại cũng đưa đến sự giải thích về những động thái nghệ thuật mà dường như nhằm vào việc hủy hoại chính khái niệm nghệ thuật. Khoảng bấy giờ, "Chiếc bồn tiểu" của Duchamp được mô tả phần lớn trong quyển sách này vì sự miệt thị của nó đối với kỳ vọng thiết lập nghệ thuật cũng như vì cuộc cách mạng đầy tiềm năng của nó đã hủy hoại ý tưởng của chính nghệ thuật. Sự đóng góp của Pierre Bourdieu (1930-2002), nhà xã hội học Pháp và phê bình xã hội Mác xít là phát triển một bài báo cáo nghệ thuật cho rằng không chỉ xem xét nghệ thuật như một hiện tượng xã hội mà còn dẫn chứng một báo cáo khác gần đây chỉ ra là hình như những tác phẩm nghệ thuật thường có xu hướng phạm tội. Bourdieu lập luận những tác phẩm nghệ thuật này tương đương với “tội báng bổ thánh nhân” để nhằm mục đích biểu lộ nghệ thuật giống như sự sản xuất công nghiệp bình thường hơn là để những người ủng hộ nó muốn thừa nhận.

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Starry Destination - Dự án Nghệ thuật đầu tiên đã khởi động


Cuối cùng thì sau khi trăn trở (tức là ngủ mà trở đầu này đầu kia đó :D ) thì Dự án Nghệ thuật của mình đã chính thức ra đời với tên gọi: Starry Destination (link: https://www.facebook.com/StarryDestinationArtProjects). Cũng khá bất ngờ và cảm động vì mới sinh được 2 ngày nhưng bạn ấy (Starry Destination) đã đón chào được 77 thành viên (tính tới thời điểm hiện tại) và được sự quan tâm của nhiều người (trong đó có nhiều bạn mình chưa từng quen trên Facebook). Mình đã lên kế hoạch lâu dài cho Dự án này nhưng chỉ khi nào về Việt Nam mới hoàn thành được. Dẫu sao thì bước đầu tiên có vẻ cũng khá ổn mặc dù mình đã khẳng định đi, khẳng định lại là: phi lợi nhuận và hầu hết các hoạt động là tình nguyện.

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Dù có ai nói gì đi chăng nữa

Anh bảo với em rằng thực ra anh vẫn ổn
Sao em lại nhìn thấy đằng sau câu nói ấy vương vấn những giọt sầu rơi?
Của trống trải, nặng nề và cả cô đơn
Sao ở nơi đây cổ họng em nghẹn đắng.

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

...

Tôi muốn nghỉ ngơi một thời gian dài
Cho tất cả mọi thứ đưa tôi đi thật xa
Vứt bỏ tôi ở một nơi nào đó
Cho đến khi rã rời tôi sẽ lê bước chân trở lại.

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Chỉ làm điều mình thích hay là...

Thiền sư Osho trong Kỷ luật của siêu việt – tập 4 đã viết rằng: “chỉ làm điều bạn thích, bằng không thì dừng lại. Bạn đang đọc báo và nửa chừng qua nó bạn đột nhiên nhận ra rằng bạn không thích nó: thế thì không có nhu cầu. Thế thì sao bạn lại đọc? Dừng nó lại ở đây và bây giờ. Nếu bạn đang nói với ai đó và giữa chừng bạn nhận ra rằng bạn không thích điều đó, bạn chỉ mới nói nửa câu, hãy cứ dừng lại ở đó. Bạn không thích thú, bạn không có nghĩa vụ phải tiếp tục. Lúc ban đầu điều đó sẽ có vẻ kì quái. Nhưng các sannyasin của tôi đều kì quái cả, cho nên tôi không coi là có vấn đề gì. Bạn có thể thực hành điều đó.” Quan điểm này của Osho cũng là điều mà tôi vẫn thường làm. Đúng, sống là phải làm điều mình thích vì cuộc sống này là cuộc sống của mình. Làm được những điều mình thích thì sẽ cảm thấy vui, cảm thấy được bình an và hạnh phúc.

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Nếu trái tim bạn không hướng về phía tôi...

Thật khó cho một người khi kể về nỗi buồn của họ nhỉ. Những nỗi buồn ai cũng có, những cơn khủng hoảng, stress ai cũng có nhưng quan trọng là ai sẽ nắm tay bạn bước qua những ngày tháng đó, ai sẽ ngồi bên bạn lắng nghe câu chuyện đó hay họ sẽ là người gắn thêm cho bạn nỗi phiền muộn.

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Em viết cho anh một bài thơ khác

(Tặng Sư huynh)
Lục lại blog, thấy lâu rồi em không viết gì cho anh. Có lẽ một thời gian dài cảm xúc của em đã trôi lạc đâu đó. Em nhận ra rằng, sự thay đổi môi trường, sự lạc lõng, cô đơn, sẽ khiến con người ta nhất thời có những suy nghĩ bồng bột. :) Dù sao, Sư huynh vẫn mãi mãi là Sư huynh của em. Em thực sự thích gọi anh như thế. Chúc Sư huynh nghỉ lễ thật vui nhé. 
Ký tên: Em của anh :)

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Và hôm nay tôi lại nghe mưa...

Chiều hôm qua tôi lại ra ngoài ban công ngắm mưa như một thói quen mà tôi vẫn thường làm từ hơn bốn năm về trước. Nhưng cơn mưa này không phải ở Việt Nam, không phải được quan sát từ độ cao bốn tầng của ký túc xá Đại học Quốc gia trong một căn phòng có tám đứa con gái suốt ngày chí chóe. Cơn mưa này giờ đã lên cao theo tuổi tác của người đứng nhìn nó, từ tầng thứ tám nhưng số người ở trong một căn phòng lại ít hơn: bốn người. Bốn người đến từ ba đất nước khác nhau và chỉ chào nhau bằng những câu xã giao, bằng những sự im lặng.

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Bản chất nghệ thuật (3)

3. Nghệ thuật như là nữ quyền luận - Carolyn Korsmeyer

Phong trào nữ quyền là phong trào xã hội quan trọng nhất vào cuối thế kỷ XX. Trong quá trình thay đổi hình thù xã hội nói chung, nó ảnh hưởng sâu sắc không chỉ mỹ quan của nhiều ngành học tư duy bao gồm triết học nghệ thuật, mà còn là đặc điểm của nhiều sự thực hành nghệ thuật. Trong phần lựa chọn từ cuốn sách Giới tính và Mỹ học này, Carolyn Korsmeyer thảo luận làm thế nào tác phẩm của những nghệ sĩ nữ quyền phá vỡ nhiều sự lưỡng phân chính yếu nằm ở trung tâm cái mà bà gọi là “truyền thống nghệ thuật tạo hình”.

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Hãy sống một lần cho tuổi trẻ

Tôi đang đi dưới cơn mưa chuyển mùa tháng tư thật chậm rãi để lắng nghe mùa về. Mùa về lâu quá, cứ lấn cấn mãi mấy bận nắng mưa, mấy bận nóng lạnh đột ngột. Hai bên đường, những cánh hoa bồ công anh bé nhỏ theo gió bay đi để lại những đài hoa trơ trọi. Giờ đây tôi mới hiểu tại sao bồ công anh lại tượng trưng cho tình yêu. Nó mong manh như những sợi tơ khiến người ta lúc nào cũng muốn che chở, bảo vệ. Chỉ cần mạnh tay một chút thôi, những sợi tơ ấy sẽ tan biến, mất hút.

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Bản chất nghệ thuật (2)

2. Nghệ thuật như là giải cấu trúc – Jacques Derrida

Jacques Derrida (1930-2004), người sáng lập phương pháp triết học cấu trúc, ít quan tâm đến việc đưa ra lời giải thích nghệ thuật là gì hơn việc trình bày tính bất hợp pháp ngay cả khi những giả định quen thuộc này dẫn tới việc lý thuyết hóa nghệ thuật trong truyền thống triết học phương Tây. Do đó, đóng góp của ông ấy trong cuộc tranh luận bản chất nghệ thuật không nhiều về mặt lý thuyết vì đó là một bài phê bình những phỏng đoán không được đánh giá đúng mức, cái  tạo nên cuộc tranh luận này.

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Bản chất nghệ thuật (1)

Nghệ thuật là gì? Bản chất nghệ thuật là gì? là câu hỏi mà các nhà nghiên cứu, các triết gia luôn đặt ra khi nghiên cứu về nghệ thuật, tác phẩm nghệ thuật, nghệ sĩ, trường phái...Và họ có những câu trả lời độc đáo riêng của mình. Cuốn Bản chất của Nghệ thuật của Thomas E. Wartenberg tập hợp 29 quan điểm của 29 triết gia, nhà nghiên cứu về bản chất nghệ thuật bằng cách tóm lược quan điểm và trích dẫn những công trình nghiên cứu của họ. Ở đây, tôi sẽ dịch lại những tóm lược đó để những người quan tâm đến nghệ thuật hiểu được các triết gia khác nhau, các nhà nghiên cứu khác nhau quan niệm về nghệ thuật như thế nào. (Tiếc là tôi đã không thể dịch cuốn này sớm hơn).

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...