Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Đinh Hùng – bức mật mã huyền bí


Đinh Hùng là một trong những nhà thơ rất tiêu biểu cho trường phái thơ tượng trưng Việt Nam. Đây là nhà thơ mà cuộc đời có nhiều thăng trầm và nhiều nỗi đau. Ngay cả cho đến giờ, dù rất nhiều người thừa nhận tài năng của ông nhưng những vần thơ của ông vẫn ít được độc giả biết đến. Bên cạnh đó, việc giải mã những bài thơ tượng trưng của ông vẫn là một thách thức lớn cho nhiều nhà nghiên cứu, phê bình. 

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

Còn ta với nồng nàn



Những ngày lễ, Hà Nội thưa người đi lại trả cho thành phố nỗi buồn của một thiếu nữ hoài niệm. Buồn trong sự sang trọng và thánh thiện. Chọn ở lại Hà Nội không phải vì ngày lễ không có chỗ đi chơi mà vì muốn ở lại cùng nỗi buồn của nó như hai người bạn trong nỗi buồn tìm đến nhau, lắng nghe tiếng lòng của nhau. Hà cớ gì còn sợ buồn trong những ngày này khi ta có một người bạn như thế bên cạnh?
Những ngày lễ, cơn mưa đổ ập xuống trong khoảnh khắc kiếm tìm mùa hạ. Mưa ở Hà Nội không giống mưa ở Sài Gòn. Những hạt mưa bé nhỏ chỉ đủ làm ướt áo và tóc, đủ làm bẩn đường đi chứ không đủ làm xe cộ chết máy phải lội bộ, phải khổ sở trên những chặng đường dài ngập nước. Nó cũng không đủ khả năng xóa nhòa ranh giới giữa nước mắt của trời và nước mắt của người trên chiếc xe đạp qua con phố dài. Có lẽ vì thế nó khiến ta dễ dàng nhận ra một điều: ở Hà Nội dễ buồn nhưng khó khóc, ở Sài Gòn khó buồn nhưng nước mắt lại dễ tuôn rơi.
Những ngày lễ, những chiếc xe đạp chở hoa vẫn không ngừng bày bán. Ai đó đã nói rằng, những người chở hoa ấy chính là những người nghệ sĩ nhất xứ Hà thành này. Họ đã tô, đã vẽ cho những con đường Hà Nội nhiều màu sắc nên thơ. Họ đã đem mùa hoa về cho mảnh đất hơn 1000 năm tuổi. Mỗi mùa một loại hoa: tháng 4 – loa kèn, tháng 5- sen hồng, sen trắng…Dừng lại mua hoa không phải vì “yêu những bông hoa và thích nói điều kỳ lạ” hay “ngắm nhìn những bông hoa thấy no nê mà không cần phải ăn uống”(*). Những bông hoa tắm mình dưới mưa, tả tơi, xơ xác nhưng người bán hoa vẫn cứ thế, đứng dưới mưa cầm trên tay những bó hoa hồng to tướng mà giá chưa tới 1000 đồng/bông.
Những ngày lễ, đến trường thấy trống vắng lạ lùng. Cũng con đường đó, cũng bậc thang đó nhưng tìm kiếm mãi không thấy bất kỳ một chiếc xe quen thuộc nào. Thấy an ủi vì không phải chứng kiến lại cảnh như thế này sau khi rời Dự Án. Vui mừng vì gặp được hai người bạn cùng lớp trên Văn phòng và cùng đi ăn trưa, một bữa trưa lặng lẽ hơn bất kỳ bữa trưa nào khác.
Những ngày lễ, từ chối tất cả mọi giao tiếp: Facebook, Yahoo, Gmail, trừ điện thoại và blog. Vui mừng vì trong những ngày lễ này vẫn nhận được nhiều cuộc gọi từ…Sài Gòn dù cho sự vắng mặt của mình ở đó đã hơn 6 tháng. Và dù cho tất cả chỉ là những câu hỏi: có đi đâu chơi không, có kế hoạch gì đặc biệt không…thì vẫn cảm thấy được an ủi nhiều. Xưa nay, mình ít nhắn tin cho người khác bởi lý do duy nhất: sợ làm phiền. Nhớ lại thời phổ thông, khi chưa có điện thoại, chỉ gặp nhau mỗi ngày một buổi ở trường nhưng vẫn dạt dào tình cảm và thấy thương yêu nhiều lắm. Tình cảm không hẳn đến bằng tin nhắn hay cuộc gọi mà bằng những sự quan tâm, nhất là những quan tâm tưởng chừng như bé nhỏ nhất. Như thế dễ khiến trái tim rung động hơn và tình cảm vì thế mà bền chặt hơn.
Những ngày lễ, nhận ra sự thay đổi rất nhiều trong chính bản thân mình và đôi lúc sợ hãi vì điều đó. Có lẽ mình đã ít cười hơn, ít vô tư hơn và suy nghĩ phức tạp hơn. Do đó, người miền Bắc suy nghĩ phức tạp hơn người miền Nam không hẳn vì bản thân họ như thế mà vì môi trường như thế. Ở một nơi mà chỉ biết lấy công việc làm niềm vui và tự hào khi nhìn lại hàng đống công việc được hoàn thành trong một khoảng thời gian gấp gáp thì lấy đâu ra nỗi buồn. Ở một nơi mà lúc nào cũng cảm thấy cuộc sống của bản thân mình luôn có ý nghĩa ít nhất là cho chính mình thì lấy đâu ra sự suy nghĩ phức tạp. Ngược lại, ở đây, dù chỉ một tác động nhỏ nhất cũng sẽ khiến tinh thần đau đớn và kéo dài. Ở đây, dù có hàng đống công việc cần làm vẫn có lý do trì hoãn để rồi nhận ra sự vô nghĩa của bản thân mình và của cuộc sống. Giờ đây, mình đã hiểu vì sao M.V lại viết:  
Tại sao tự mình không thể làm cho mình đầy đủ... 
Tại sao phải có tha nhân thì mới là đầy đủ, tại sao cần có yêu thương của kẻ khác thì mới hạnh phúc?
Mà quên mất rằng, yêu thương cũng chính là một loại địa ngục.
----
(*): Lời thoại Poetry

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

A feeling of pain


Một câu nói cũng có thể tạo thành vết thương,
Dù không thể trách móc
Chỉ ngậm ngùi trong một cảm giác buồn
Bởi mọi người đều có quyền nêu quan điểm
"Một ngày dài hơn thế kỷ"
Aimatov đã chẳng viết thế sao.
Có gì mà vui, mà buồn bởi từ cảm giác người ta mới có thể làm thơ và kể chuyện.

Hoài nghi tất cả từ những điều được nghe kể mỗi đêm
Thất vọng vì vấn đề cơ bản nhất của con người vẫn không thể hiểu
Giới tính và quyền lựa chọn.
Câu chuyện những người đồng tính.
Hoang mang.
Họ là ai? Anh là ai? Cậu là ai?
Tôi không thể biết
Tôi không thể biết gì về họ, về anh, về cậu.
Điều cơ bản nhất của con người...
Xin hãy kể cho tôi
Don't make me feel anxious!

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

Xin cho tôi là tôi



Tôi muốn tách mình ra khỏi những gì quen thuộc
để nhìn lại mình,
để suy nghĩ,
để lặng câm,
để khóc như một đứa trẻ
Tôi muốn nhìn ra biển
Biển ngoài kia đầy sóng
Cát nuốt dấu chân tôi
Thầm thì nín lặng
Tôi là ai trong ngàn con sóng khơi xa
Và là ai trong tiếng đại dương thầm thì
Hay đơn giản
Chỉ là một hạt cát bé nhỏ giữa sa mạc
Đầy nắng mênh mông
Tôi không biết gì về phần đời còn lại
Nhưng chẳng ước mình trở thành đấng tiên tri
Bởi dù sao
Đích cuối cùng của tôi là cuộc sống
Đi và trải nghiệm
Chịu đựng những giây phút nặng nề
Để rồi ôm mặt khóc như một đứa trẻ con
Ở nơi chỉ có mình tôi và đêm tối
Để rồi biến mất đi vào một ngày nào đó
Trong sâu thẳm trái tim tôi
Trong sâu thẳm trái tim người khác
Cho một ký ức chẳng thể nào vẹn nguyên.
Nếu ngày mai tôi là một ai khác
Xin đừng trách tôi
Bởi tôi đã đủ cô đơn
Để không phải chịu đựng thêm nỗi cô đơn nào khác
Bởi những giọt nước mắt tôi đã đủ mặn
Nên đừng xát muối trái tim tôi
Xin đừng trò chuyện với tôi
Trong một phút giây im lặng.
Xin cho tôi là tôi
Một cỗ máy không hoạt động
Không cất tiếng nói từ sự sống
Để tôi biết yêu thương chính mình.

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

Thành phố của anh, thành phố của em


Đây là hai thành phố kết nghĩa nên ở Đà Nẵng có một con đường mang tên Hải Phòng và ngược lại, ở Hải Phòng cũng có một con đường mang tên Đà Nẵng.
Thành phố của anh là thành phố cảng, là cửa ngõ giúp miền Bắc hướng ra thế giới, nơi kết nối Singapore với Hồng Kông và các cảng của Đông Á, Đông Bắc Á. Thành phố của em là trung tâm văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ lớn nhất ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Thành phố của anh về mặt hành chính cũng là thành phố trực thuộc trung ương như thành phố của em. Nhưng theo lời anh, thành phố của anh đang già đi còn thành phố của em lại hồi sinh và phát triển.
Thành phố của anh có nhiều món ăn vặt, không ăn no nên có thể ăn được nhiều như: giá bể, kem xôi, bánh mì cay, bánh bèo, nem cuốn, bánh gio…Thành phố của em như sinh ra để dành cho tính thích ăn quà vặt của em với nhiều món ngon không kém: mì Quảng, mít non trộn, hến trộn, ốc hút, bánh tráng trứng, bánh tráng cuốn thịt heo…
Thành phố của anh có bãi biển Đồ Sơn với quy mô đang được mở rộng và phía dãy núi cạnh biển được xây dựng với kiểu dáng như Vạn Lý Trường Thành còn thành phố của em có Bãi Bụt, chùa Linh Ứng nơi mà từ trên cao nhìn xuống, biển trời hòa vào nhau làm một, có Ngũ Hành Sơn, nơi những ông Bụt bằng đá to tướng, được đẽo khắc tinh vi nhưng giá chỉ có 30k.

Thành phố của anh có những cây cầu cũ không làm nhiệm vụ trang trí, chỉ bắc qua sông cho xe cộ đi lại. Thành phố của em có những cây cầu nổi tiếng, là nơi dừng chân của du khách: cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước…Những cây cầu mới được xây dựng với kiểu dáng hiện đại và những chùm đèn lung linh giăng từ trên cao xuống thành cầu khiến nó trở nên lộng lẫy tưởng như cây cầu của nàng công chúa trong câu chuyện cổ tích xưa đi lễ hội để quên lại.
Thành phố của anh còn lưu dấu lễ hội chọi trâu Đồ Sơn nổi tiếng trong câu ca dao:
Dù ai buôn đấu bán đâu
Mồng Chín tháng Tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mồng Chín tháng Tám thì về chọi trâu.
còn thành phố của em phô bày sự xa hoa qua Cuộc thi Bắn pháo bông Quốc tế, một hoạt động thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước, một minh chứng cho sự năng động và trẻ trung của thành phố. 
Thành phố của anh có quán trà Vô Thường ở đường Kiều Sơn với không gian được bài trí nên thơ, nhà cổ, kiến trúc cổ, các vật dụng trong nhà đều cổ khiến ai cũng muốn sở hữu chúng. Tất cả tạo cảm giác thanh tịnh yên bình. Thành phố của em có quán cafe Hoa Đất đối diện Đài phát thanh truyền hình Đà Nẵng, nơi mà hai ly cafe chỉ có 15k trong sự sửng sốt của người uống, sợ quán tính nhầm.
Thành phố của anh và thành phố của em so với nhiều nơi khác, nhiều danh lam thắng cảnh khác trong cả nước như Sapa, Hạ Long, Đà Lạt, Huế, Vũng Tàu…có thể sẽ không lôi cuốn bằng nhưng lại giữ vị trí số 1 trong danh sách những nơi cần đến ở miền Bắc và miền Trung bởi nó thuộc về anh và nó thuộc về em.
Dầu tin tưởng chung một đời , một mộng
em là em ; anh vẫn cứ là anh
Có thể nào qua Vạn lý trường thành
của hai vũ trụ chứa đầy bí mật

(Xuân Diệu)

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Những cuộc hội ngộ



"Tủi mừng tái ngộ quên giờ
  chơi vơi mộng mị tràn thơ ngày nào
  tinh khôi thi tứ dâng trào
  chơi vơi trời biển trăng sao thì thầm".
                                             (NHD)
Hà Nội tuy cách xa Sài Gòn hơn 1000 km nhưng từ lúc ở đây, mình đã hội ngộ với rất nhiều người ở Sài Gòn. Từ những cuộc hội ngộ với những đồng nghiệp, thầy cô, anh chị trong khoa, đến những cuộc hội ngộ với cả những người chưa từng quen biết. Và sắp tới đây là cuộc hội ngộ với Hai, anh trai mình.
Là cuộc hội ngộ…hụt khi em điện thoại bảo sẽ ra Hà Nội thăm mình, đưa mình đi chơi. Thế nhưng khi sắp đến ngày hẹn thì em nhận được việc làm và phải đến cơ quan đúng ngày em định ra Hà Nội. Do đó, em gửi gắm mình lại cho người chị họ của em. Dù sao, cuộc hội ngộ…hụt này lại làm cho mình cảm thấy thoải mái dù lúc đó mình chưa chính thức học tại dự án, đang chờ kết quả nên cũng buồn vì không có nhiều người quen ở đây.  Cuộc hội ngộ…hụt này đã tránh cho mình khỏi rơi vào cảm giác phải thương hại ai đó…một cảm giác mãi mãi mình không muốn trở lại.
Là cuộc hội ngộ với thầy V khi thầy ra Hà Nội dự hội thảo về văn học dân gian. Tuần thứ hai học tại Dự án điện ảnh. Điện thoại mất. Lương không có. Mới trả tiền nhà trọ…Sáng thứ tư đến thư viện quốc gia lấy tư liệu (hic, không nhớ tại sao ngày hôm đó lớp lại được nghỉ nữa). Chiều, đi qua phố Đinh Lễ mua cuốn Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới để viết bài. Lần đầu tiên mới biết đến Đinh Lễ dù đã được nghe nói nhiều. Từ Đinh Lễ vòng qua kem Tràng Tiền rồi về café CIAO. Thầy bắt mình ăn gì đó cho khỏi đói vì cả buổi trưa ở Thư viện nhưng ngại vì sợ tốn tiền thầy. Cũng may, hôm đó thầy gửi luôn tiền thưởng 20/11 để bổ sung vào nguồn kinh phí hạn hẹp của mình.
Là cuộc hội ngộ với Zen khi anh ra Hà Nội đi chơi và tìm tài liệu. Trước đó không lâu nhận được tin nhắn ngắn gọn: Hehe, café Hà Nội…làm mình cứ tưởng Bờm nhắn. (Mất điện thoại mà, có biết số ai nữa đâu). Đi với Zen, chị T, chị G xem bộ phim Khát vọng Thăng Long. Cả rạp chỉ có 4 người nên mừng hụt (tưởng mình là đại gia bao nguyên rạp). Những ngày hôm sau đi ăn phở cuốn, uống café Hồ Tây, đi xem lễ hạ cờ ở lăng bác. Và mình vẫn còn giữ tấm ảnh chụp với Zen trước lăng.
Là cuộc hội ngộ với cô P khi cô ra Hà Nội dự hội thảo về Lep Tonxtoi. Hai cô trò gặp nhau ở nhà khách Bộ giáo dục trong một đêm đông lạnh lẽo. Ngồi nói chuyện với cô về đủ thứ trên đời, nhưng thích nhất là nghe cô kể những thông tin của khoa cho mình. Nhớ lắm. Lúc đó muốn ở lại ngủ để hai cô trò cùng nói chuyện nhưng vì xe đạp để ở Siêu thị Coop Mart nên không có cách nào được.
Là cuộc hội ngộ với thầy H khi thầy ra Viện Hán Nôm làm nghiên cứu. Hành trang thầy mang theo có 15 cuốn kịch bản cải lương mà thầy G gửi ra cho mình. Dù thầy ở Hà Nội cả tuần nhưng tranh thủ mãi hai thầy trò mới gặp nhau được. Một đêm lạnh, bỏ cuộc đi chơi với lớp để đi ăn vịt cỏ Vân Đình với thầy rồi lại lang thang bắt xe bus về trường.
Là cuộc hội ngộ với các thầy cô trong khoa khi mọi người ra dự hội thảo và lớp tập huấn tại Viện văn học. Cuộc hội ngộ có quy mô lớn nhất với hơn 1/3 số lượng thầy cô trong khoa ra Hà Nội. Đó là thầy G, thầy P, cô P, cô X, thầy H, thầy L, cô T, anh H, chị V. Cuộc hội ngộ lần này đã gắn chặt tình cảm của mọi người trong khoa hơn, nhất là sau hội nghị bàn tròn của thầy G và buổi đi chơi ở đường Lâm, chùa Tây Phương, chùa Thầy.
Là cuộc hội ngộ ngắn ngủi với chị K.V. Hai chị em gặp nhau khoảng 2 tiếng ở nhà thầy PXN để rồi sau đó lại có cuộc hội ngộ với một người khác cũng ở Sài Gòn ra, dịch giả cuốn: Thế mà là nghệ thuật ư?Chị K.V và chồng ra Hà Nội để dự hội thảo về Tình dục học. Lần đầu gặp chồng chị ý. Theo tiết lộ, chị đã tăng 4kg trong 3 tuần kể từ ngày về nhà chồng. Hic, chồng là bếp trưởng khách sạn có khác.
Là cuộc hội ngộ với thầy H, đang làm NCS ở Hà Nội. Đây là cuộc hội ngộ với người đồng nghiệp mà mình chưa quen nên phải thông qua sự sắp xếp của HH. HH đã điện thoại cho mình để hỏi ý kiến trước và cho thầy H số điện thoại của mình. Dù sao cũng cảm ơn HH vì đã giúp mình quen thêm một người đồng nghiệp nữa ở Sài Gòn. Dĩ nhiên, đề tài của cuộc hội ngộ này mà cụ thể là tại quán café Phố Cổ số 11 Hàng Gai và quán Bún chả số 1 Hàng Mành là HH.
Là cuộc hội ngộ mong chờ nhất trong tháng 4. Cuộc hội ngộ với anh Hai. Ngày 1 tháng 4, Hai điện thoại nói đang ở Hà Nội. Một cú lừa quá lộ liễu nên chẳng ai tin. Thế nhưng chủ nhật tuần sau thì là cuộc hội ngộ thật sự nhưng với lý do vô cùng lãng xẹt. Hai ra Hà Nội để thi văn nghệ. Trời đất, giọng hát của Hai như thế mà đi thi văn nghệ đủ biết tài năng ca hát của mấy chú công an trong Sài Gòn thế nào rồi. Dù sao cũng rất mong gặp Hai ở Hà Nội, một người lo xa tới mức chưa ra đến đây đã bắt mình đi mua ô mai để đem về Sài Gòn làm quà và bắt đóng gói sách vở, băng đĩa để đem về trước cho mình đỡ mệt. Hy vọng Hai sẽ không bị an ninh sân bay bỏ lại hành lý vì họ tưởng đi buôn sách và đĩa lậu.
Mong đến chủ nhật tuần sau.

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Ta-người-cơn đau

(Dành tặng người bị đau đầu mấy tuần liền, mong cơn đau chóng khỏi :)
 Khi cơn đau này trùng khít lên cơn đau khác
Tự ru lòng mình hãy ngủ đi em
Và rồi mai kia ta thức giấc
Sẽ chẳng có đau buồn nào vây quanh
Nhưng cuộc đời đâu mãi thong dong trên con đường thẳng
Như cơ thể chẳng lúc nào lành lặn với thời gian
Đau dạ dày hay đau đầu chỉ là nỗi đau thể xác
Chỉ trái tim ta mới biết nỗi đau đời
Chỉ tâm hồn ta mới biết sợ chơi vơi
Rồi đôi khi ta cắn môi tóe máu
Để biết thương mình và còn cảm giác với đời kia…

Nhưng ngày hôm nay nỗi đau trong ta chuyển thể
Nó không còn lẩn khuất ở trong ta
Mà ngự trị trên cơ thể khác
Đau thể xác trở thành nỗi đau tâm hồn…

Nỗi đau của ta tự ta chịu đựng
Nỗi đau của người ta biết phải làm sao?
Tâm hồn vô hình hóa thành thực thể
Bằng giọt nước mắt hữu hình giữa trần gian
Có hình dạng, có mùi vị mặn chát
Có cay đắng cuộc đời, có ngọt ngào yêu thương
Và nỗi đau này lại trở thành khoái cảm
Bởi ta không cần cào xước chính bản thân mình
Hay sợ những cơn đau vô cớ của nguồn cơn
Nỗi đau của người dậy lên trong ta cảm giác đáng yêu của cuộc sống
Của tình thương và không ít giận hờn.

Nỗi đau của ta tự ta chịu đựng
Nỗi đau của người ta biết phải làm sao?
Và có lẽ chẳng cần phải làm sao
Bởi nhờ nỗi đau kia ta hiểu hơn chính mình.

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh


Và ta trở lại trong ký ức
Trong dấu thời gian bụi chưa phủ mờ
Trịnh ngủ rồi đời thơ còn đó 
Ru em từng ngón xuân nồng bơ vơ
Khi Trịnh mất, tôi còn bé lắm, hình như là học cấp hai gì đó. Vào cái ngày mà cả thế giới nói dối thì chúng tôi nhận được một tin rất thật: Trịnh Công Sơn đã đi vào cõi vĩnh hằng. Tôi nhớ, lúc đó chúng tôi đã cùng nhau hát bài: Nối vòng tay lớn để đưa Trịnh về nơi an nghỉ cuối cùng:Thành phố nối thôn xa vời vợi, người chết nối con tim vào đời và nụ cười nở trên môi. 
Ngày còn bé, bài hát đầu tiên của Trịnh mà tôi nghe là Tuổi đời mênh mông. Thật buồn cười vì khi đó tôi đã nghĩ về Tuổi đời mênh mông như một bài hát của người lớn và thắc mắc tại sao có một con bé lớp 1 cứ hát đi hát lại bài hát này mà không phải: Em sẽ là mùa xuân của mẹ, Em là hoa hồng nhỏ hay Tia nắng hạt mưa...
Vào thời điểm cuối cấp 1 của tôi, khi dòng nhạc trẻ chưa thịnh hành, người ta mở nhạc Trịnh lẫn với nhạc vàng (hay còn gọi là nhạc sến). Quỳnh hương,Trở về cát bụi là những bài nằm trong số đó. Tôi nghe nhưng không ý thức được tác giả của nó là ai. Tôi lẩm nhẩm hát đi hát lại nhưng không thể hiểu được cái hay của giai điệu hay triết lý của ca từ.
Năm học cấp ba, tôi bắt đầu có ý thức hơn về những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Ngày đó, bài hát nghe đi nghe lại nhiều nhất có lẽ là Đóa hoa vô thường. Chắc hẳn tôi muốn tìm trong đó khoảnh khắc yên bình, của sự vô thường trong cuộc sống. Rồi những lúc buồn, những lúc lòng đầy tâm trạng, tôi lại mở bài: Tôi ơi đừng tuyệt vọng để tự nhủ với lòng: Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh.
Vào đại học, tôi được học hẳn một chuyên đề trên lớp CNTN về nghệ thuật ca từ trong những ca khúc Trịnh Công Sơn. Giáo viên đã cho chúng tôi thấy cách kết hợp từ kỳ diệu của Trịnh trong mỗi bài hát. Khoa tôi, khoa Văn học và Ngôn ngữ đã có không ít người làm luận văn, NCKH về Trịnh, về nghệ thuật ca từ của Trịnh nhưng dường như vẫn chưa cảm thấy đủ và chẳng biết khi nào là đủ. Cũng trong khoảng thời gian này, tôi lại đến với âm nhạc của Trịnh Công Sơn bằng một hình thức nghệ thuật khác: đó là múa. Bài múa đầu tiên của tôi ở Đại học chính là Đóa hoa vô thường. Bảy cô gái với bảy đóa sen trên tay đi vào ca khúc của Trịnh một cách nhẹ nhàng, giản dị. Và rồi, cứ mỗi độ tháng tư, khoa chúng tôi lại tổ chức những đêm nhạc đầy chất thơ về Trịnh. Người người trong không gian bé nhỏ với những ngọn nến lung linh cùng hướng về Trịnh, hát những bài hát về Trịnh. Chúng tôi thấy mình gần nhau hơn bao giờ hết.

Khi tôi viết những dòng này, kim đồng hồ đã chỉ qua ngày 1/4/2011 hơn 10 phút. Và hôm nay đã là mười năm ngày mất của Trịnh. Lúc này đây, tôi rất muốn nhẩm đi nhẩm lại lời hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để gió cuốn đi...nhưng có lẽ nên mượn lời nhạc sĩ Văn Cao thay cho lời kết thì sẽ thuyết phục hơn: Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người của thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ ... Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc như nó tự nhiên trào ra...

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...