Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh


Và ta trở lại trong ký ức
Trong dấu thời gian bụi chưa phủ mờ
Trịnh ngủ rồi đời thơ còn đó 
Ru em từng ngón xuân nồng bơ vơ
Khi Trịnh mất, tôi còn bé lắm, hình như là học cấp hai gì đó. Vào cái ngày mà cả thế giới nói dối thì chúng tôi nhận được một tin rất thật: Trịnh Công Sơn đã đi vào cõi vĩnh hằng. Tôi nhớ, lúc đó chúng tôi đã cùng nhau hát bài: Nối vòng tay lớn để đưa Trịnh về nơi an nghỉ cuối cùng:Thành phố nối thôn xa vời vợi, người chết nối con tim vào đời và nụ cười nở trên môi. 
Ngày còn bé, bài hát đầu tiên của Trịnh mà tôi nghe là Tuổi đời mênh mông. Thật buồn cười vì khi đó tôi đã nghĩ về Tuổi đời mênh mông như một bài hát của người lớn và thắc mắc tại sao có một con bé lớp 1 cứ hát đi hát lại bài hát này mà không phải: Em sẽ là mùa xuân của mẹ, Em là hoa hồng nhỏ hay Tia nắng hạt mưa...
Vào thời điểm cuối cấp 1 của tôi, khi dòng nhạc trẻ chưa thịnh hành, người ta mở nhạc Trịnh lẫn với nhạc vàng (hay còn gọi là nhạc sến). Quỳnh hương,Trở về cát bụi là những bài nằm trong số đó. Tôi nghe nhưng không ý thức được tác giả của nó là ai. Tôi lẩm nhẩm hát đi hát lại nhưng không thể hiểu được cái hay của giai điệu hay triết lý của ca từ.
Năm học cấp ba, tôi bắt đầu có ý thức hơn về những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Ngày đó, bài hát nghe đi nghe lại nhiều nhất có lẽ là Đóa hoa vô thường. Chắc hẳn tôi muốn tìm trong đó khoảnh khắc yên bình, của sự vô thường trong cuộc sống. Rồi những lúc buồn, những lúc lòng đầy tâm trạng, tôi lại mở bài: Tôi ơi đừng tuyệt vọng để tự nhủ với lòng: Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh.
Vào đại học, tôi được học hẳn một chuyên đề trên lớp CNTN về nghệ thuật ca từ trong những ca khúc Trịnh Công Sơn. Giáo viên đã cho chúng tôi thấy cách kết hợp từ kỳ diệu của Trịnh trong mỗi bài hát. Khoa tôi, khoa Văn học và Ngôn ngữ đã có không ít người làm luận văn, NCKH về Trịnh, về nghệ thuật ca từ của Trịnh nhưng dường như vẫn chưa cảm thấy đủ và chẳng biết khi nào là đủ. Cũng trong khoảng thời gian này, tôi lại đến với âm nhạc của Trịnh Công Sơn bằng một hình thức nghệ thuật khác: đó là múa. Bài múa đầu tiên của tôi ở Đại học chính là Đóa hoa vô thường. Bảy cô gái với bảy đóa sen trên tay đi vào ca khúc của Trịnh một cách nhẹ nhàng, giản dị. Và rồi, cứ mỗi độ tháng tư, khoa chúng tôi lại tổ chức những đêm nhạc đầy chất thơ về Trịnh. Người người trong không gian bé nhỏ với những ngọn nến lung linh cùng hướng về Trịnh, hát những bài hát về Trịnh. Chúng tôi thấy mình gần nhau hơn bao giờ hết.

Khi tôi viết những dòng này, kim đồng hồ đã chỉ qua ngày 1/4/2011 hơn 10 phút. Và hôm nay đã là mười năm ngày mất của Trịnh. Lúc này đây, tôi rất muốn nhẩm đi nhẩm lại lời hát: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để gió cuốn đi...nhưng có lẽ nên mượn lời nhạc sĩ Văn Cao thay cho lời kết thì sẽ thuyết phục hơn: Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người của thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ ... Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc như nó tự nhiên trào ra...

4 nhận xét:

  1. Bài viết rất hay :)

    Trả lờiXóa
  2. ;) sự hiểu biết của em về Trịnh Công Sơn hay Michael Jackson hay ai khác nữa hoàn toàn là 0,1%. Thế nên em chỉ lờ mờ cảm nhận tầm quan trọng của họ. Dù sao em cũng yêu các bài hát của họ. ^()^

    Trả lờiXóa
  3. @Trang: Ừa, dù sao cũng cảm nhận được tầm quan trọng của họ là ok rùi :)

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...