Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Đinh Hùng – bức mật mã huyền bí


Đinh Hùng là một trong những nhà thơ rất tiêu biểu cho trường phái thơ tượng trưng Việt Nam. Đây là nhà thơ mà cuộc đời có nhiều thăng trầm và nhiều nỗi đau. Ngay cả cho đến giờ, dù rất nhiều người thừa nhận tài năng của ông nhưng những vần thơ của ông vẫn ít được độc giả biết đến. Bên cạnh đó, việc giải mã những bài thơ tượng trưng của ông vẫn là một thách thức lớn cho nhiều nhà nghiên cứu, phê bình. 
  1. Những biểu tượng đẹp:
Đinh Hùng viết rất nhiều bài thơ ca ngợi vẻ đẹp con người, vẻ đẹp thiên nhiên. Đó không chỉ là vẻ đẹp khiến cho thi sĩ cảm thấy rung động và muốn viết nên những bài thơ ca ngợi như nhiều nhà thơ vẫn thường làm. Vẻ đẹp trong thơ Đinh Hùng có sức mạnh rất ghê gớm. Nó khiến nhà thơ yêu cuồng nhiệt, muốn tan chảy vào đó, hòa vào đó. Đó là vẻ đẹp dù không cần đến chất men cũng khiến người ngắm phải say và điên đảo.
Trước hết, đó là biểu tượng người kỳ nữ:
Ta thường có những buổi sầu ghê gớm
Ở bên em-ôi biển sắc rừng hương!
Em rực rỡ như một ngàn hoa sớm
Em đến đây như đến tự thiên đường

……

Buổi em về xác thịt tẩm hương hoa
Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết
Ôi cám dỗ! Cả mình em băng tuyết
Rộn xuân tình lên bệ ngực thanh tân
……
Hỡi kỳ nữ! Em có lòng tàn ác
Ta vẫn gần- ôi sắc đẹp yêu ma
Lúc cuồng si nguyền rủa cả đàn bà
Ta ôm ngực nghe trái tim trào huyết
Ta sẽ chết, sẽ vì em mà chết
Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn
Ta hái trong em lấy đóa hoa hồn
Đinh Hùng đã xây dựng một hình tượng kỳ nữ rất đẹp, rất tinh khiết, thanh cao. Đó là một giai nhân tuyệt sắc tựa như ngàn hoa buổi sớm, như biển sắc rừng hương hay như một thiên sứ đến từ thiên đàng. Nếu sắc đẹp ấy khiến nhà thơ muốn chiếm lĩnh thì cũng chẳng có gì là lạ bởi vì các nhà thơ lãng mạn vẫn thường làm thế:
Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chẳng sang xem.
(Mưa xuân – Nguyễn Bính)
Thế nhưng Đinh Hùng đã nâng hình tượng của kỳ nữ lên một nấc cao hơn khiến cho cô trở thành biểu tượng của cái đẹp chứ không đơn giản chỉ là hình ảnh của giai nhân. Sắc đẹp ấy vừa khiến nhà thơ muốn gần gũi, chiếm lĩnh vừa làm cho ông phải đứng xa tôn thờ. Nó cứu rỗi tâm hồn ông để ông mãi sống với biểu tượng đẹp ấy: Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết. Nhưng nó cũng làm cho ông phát điên và khát khao được chết dưới cái hôn của người đẹp để cả hai cùng hòa lại làm một:
Ta sẽ chết, sẽ vì em mà chết
Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn
Ta hái trong em lấy đóa hoa hồn
Và ông còn khám phá ra một bản chất khác của cái đẹp là cái ác. Đây là điều mà các nhà thơ lãng mạn không hề nói tới bởi lâu nay người ta vẫn quan niệm đẹp là trong sáng, là thánh thiện, là thanh cao. Thế nhưng không phải Đinh Hùng không có lý vì xưa nay bao nhiêu vương triều sụp đổ cũng có sự tham gia của người con gái đẹp. Câu chuyện về Đác Kỷ và Trụ Vương, Bao Tự và vua Kiệt, Phi Yến và Hán Vũ Đế, nàng Tây Thi và vua Ngô Phù Sai, nàng Điêu Thuyền và Đổng Trác, nàng Dương Quý Phi và Đường Minh Hoàng…vẫn còn đó như một minh chứng lịch sử về tai họa do cái đẹp gây ra. Do đó, Đinh Hùng đã gọi kỳ nữ:
Hỡi kỳ nữ! Em có lòng tàn ác
Ta vẫn gần- ôi sắc đẹp yêu ma
Cho dù cái ác xuất hiện song hành với cái đẹp, một sắc đẹp ma quái nhưng cái ác ấy vẫn không làm cho nhà thơ run sợ bởi cái đẹp đã thắng thế. Cho dù biết cô gái có lòng tàn ác thì nhà thơ vẫn muốn gần gũi. Cho dù biết rằng sắc đẹp ấy sẽ giết chết mình, nhà thơ vẫn tình nguyện được chết trong đôi môi của người đẹp.
Quả thực, Đinh Hùng đã xây dựng được một biểu tượng người phụ nữ rất đẹp. Nó vừa thực vừa mộng, vừa lung linh, vừa huyền ảo. Đối với ông, biểu tượng ấy có sức mạnh vạn năng khiến ông có lúc tưởng như nó ở trên thiên đường để ông tình nguyện sống mãi và tôn thờ. Tuy nhiên, ở một thời điểm khác, ông lại thấy nó mang hình ảnh của yêu ma để rồi ông lại tình nguyện chết vì nó mà không hề hối tiếc.
Không chỉ dừng lại ở người kỳ nữ, đối với Đinh Hùng, thần chết đôi khi cũng là một biểu tượng của cái đẹp:
Nàng nằm mộng suốt đêm hè dưới nguyệt,
Nụ cười buồn lay động ánh trăng sao.
Xa nấm mồ, chúng ta cuồng dại hết,
Để yêu tà về khóc dưới non cao.
(Tìm bóng tử thần)
Rõ ràng, khi nhà thơ gán cho Tử thần vẻ đẹp của người con gái, lập tức tử thần trở thành một biểu tượng lung linh, huyền ảo. Thi sĩ không chỉ nhìn thấy vẻ đẹp hình thể của người con gái khi còn sống mà dưới ánh trăng mờ ảo, sắc đẹp ấy trở nên diệu kỳ hơn bao giờ hết. Con người và thiên nhiên chan hòa làm một, cùng vẽ nên một bức tranh tuyệt sắc. Không những thế, thiên nhiên còn say đắm vẻ đẹp của Tử thần: Nụ cười buồn lay động ánh trăng sao. Và dĩ nhiên Đinh Hùng cũng không thoát khỏi sự quyến rũ đó. Sắc đẹp khiến ông vượt qua nỗi sợ hãi trong lòng để đi đến quyết định táo bạo: yêu Tử thần:
Ta cười suốt một trang thơ,
Gặp hồn em đó còn ngờ yêu ma.
Giáng Tiên đâu? Thế kỷ gian tà,
Dạo chơi bình địa tưởng qua hai tần.
Đi đi, cho hết dương trần,
Ngày mai tìm bóng Tử thần mà yêu!
Có thể thấy, lâu nay nói đến Tử thần là người ta hay nghĩ đến biểu tượng của cái chết, của sự hủy diệt. Do đó, có lẽ chỉ có Đinh Hùng mới tìm thấy ở người sự quyến rũ của cái đẹp, của tình yêu và thậm chí là cả một tâm hồn thanh cao. Bởi vì, những điều nhà thơ chứng kiến trên thực tế, trong cõi thực khiến nhà thơ cảm thấy quá chán nản và thất vọng:
Cây Từ Bi hiện đóa Ác Hoa đầu,
Hồn gặp Hồn, ai biết thiện căn đâu?
Và giờ đây, ông chỉ tin vào những điều ở thế giới bên kia, ở một nơi huyễn hoặc, mộng ảo. Ông thành khẩn van xin nàng tin rằng, cho dù mình khác thế giới với nàng nhưng vẫn giữ tấm lòng trinh bạch:
Xin Thần Nữ tin lòng tôi trinh bạch,
Đốt kỳ thư còn mộng nét văn khôi.
Quả thật, Đinh Hùng đã xây dựng cho mình một biểu tượng tử thần mới, biểu tượng của tình yêu, cái đẹp và sự thanh cao.
Nếu đọc hết những bài thơ của Đinh Hùng, người ta chắc chắn sẽ gán cho ông tên gọi thi sĩ của tình yêu như họ đã từng gọi nhà thơ tình Xuân Diệu. Ông đã dựng nên rất nhiều bức tượng đài về cái đẹp, về tình yêu nhưng có lẽ biểu tượng đẹp nhất, lung linh nhất theo cảm nhận của người viết là biểu tượng con đường tình yêu trong bài: Đường vào tình sử, một biểu tượng được ghép lại từ rất nhiều biểu tượng khác nhau tạo nên một con đường vừa đẹp, vừa buồn, vừa nhuốm màu sử thi, hoài cổ:
Phơi phới thuyền ta vượt bến,
Từ đêm hồng thuỷ ra đi.
Lòng ta dao cắt
Chia đôi
Biên thuỳ,
Dòng máu kinh hoàng chợt tỉnh cơn mê.
Chúng ta đi vào lá hoa Tình Sử,
Hơi thở em hoà sương khói Đường thi.
Anh đọc cho em những dòng cổ tự
Ai Cập và Cổ Ly Hy.
Anh viết cho em bài thơ nho nhỏ
Bài thơ xanh ánh mắt hẹn tình cờ,
Có những chữ Hoa yểu điệu,
Không phải đại danh từ.
Con đường tình yêu này rất dài, rất dài. Nó có hoa, có hương thơm, có âm thanh, có màu sắc. Tất cả là hiện thân của tình yêu. Nhưng tình yêu không chỉ đơn giản vậy:
Chúng ta đến nghe nỗi sầu tinh tú
Những ngôi sao buồn suốt một chu k ỳ
Những đám tinh vân sắp sửa chia ly,
Và sao rụng biếc đôi tay cầu nguyện.
Ôi cặp mắt sáng trăng xưa hò hẹn,
Có nghìn năm quá khứ tiễn nhau đi.
Tình yêu có lúc vui và có lúc buồn. Những lúc buồn, tác giả cảm thấy như vũ trụ này cũng đang tan chảy, cũng thấm màu biệt ly. Và chặng đường đi tìm người yêu là chặng đường mà tác giả phải vượt qua rất nhiều nơi trong trái đất, vượt qua rất nhiều vòng quay của vũ trụ từ quá khứ đến tương lai. Có rất nhiều biểu tượng mà nhà thơ đã bắt gặp trên con đường ấy: lá hoa Tình Sử, bài thơ xanh, chữ Hoa yểu điệu, đôi hồn tình tự, cung đàn hoài vọng, khúc nhạc lang thang,…
Có thể thấy, mỗi người có thể có một cách đi tìm tình yêu của riêng mình. Thế nhưng, cách mà Đinh Hùng đã đi tìm tình yêu quả là rất lạ. Một con đường đầy rẫy những sự hóa thân hư hư thực thực, mờ mờ ảo ảo. Dù sao đi nữa, Đinh Hùng cũng đã xây dựng cho mình một con đường đi đến trái tim đầy thú vị bằng chính sự giao cảm tâm hồn của người đang yêu.
2. Giao cảm với cõi hư vô:
Cũng như các nhà thơ tượng trưng khác, Đinh Hùng cũng có những sự giao cảm bí mật với vũ trụ, với thế giới tâm linh.
Khi miếu Đường kia phá bỏ rồi
Ta đi về những hướng sao rơi
Lạc loài theo hướng chân cầm thú
Từng vệt dương sa mọc khắp người

Rồi những đêm sâu bỗng hiện về
Vượn lâm tuyền, khóc rợn trăng khuya
Đâu đây u uất hồn sơ cổ
Từng bóng ma rừng theo bước đi
(Những hướng sao rơi)
Như vậy, thời gian và không gian trong thơ ông đã hòa lại làm một. Con người và vũ trụ, linh hồn không có sự phân biệt. Chính những cảm xúc cuồn cuộn trong lòng đã làm cho sự giao cảm của nhà thơ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết:
Từng buổi hoàng hôn xuống lạ kỳ
Ta nằm trên cỏ lắng tai nghe
Thèm ăn một chút hoa man dại
Rồi ngủ như loài muôn thú kia
(Những hướng sao rơi)
Nỗi khát khao giao cảm, khát khao hòa mình với thế giới tâm linh, với vũ trụ làm cho các câu thơ mang màu sắc sử thi, huyền hoặc:
Ta lảo đảo vùng đứng lên cười ngất
Ghì chặt nàng cho chết giữa mê ly
Rồi dày xéo lên sông núi đô kỳ
Bên thành quách ta ra tay tàn phá
Giữa hoan lạc của lâu đài, tình tạ
Ta thản nhiên đi trở lại núi rừng
Một mặt trời đẫm máu phía sau lưng"
(Bài ca man rợ)
Rõ ràng, nhà thơ muốn phá bỏ hết những trói buộc xung quanh mình, muốn hét thật to trong vũ trụ, muốn giải phóng cái tôi để làm những gì mình muốn, mặc sức yêu và mặc sức điên cuồng. Ông muốn xóa bỏ khoảng cách giữa mình và vũ trụ.
Có lẽ Đinh Hùng đã yêu vũ trụ, yêu thế giới tự nhiên và yêu cái đẹp trên cả mức mong muốn chiếm hữu. Ông viết về chúng như một thứ tôn giáo để tôn thờ, để khám phá bằng sự hòa hợp tâm linh. Chỉ có như thế mới mong thỏa mãn được những khát khao cháy bỏng trong tâm hồn tác giả:
Trời cuối thu rồi em ở đâu?
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu…"
(Gửi người dưới mộ)
Ở Đinh Hùng, cái chết chẳng có gì đáng sợ cả bởi ông có thể đi qua đi lại trên ranh giới giữa sự sống và cái chết. Chẳng gì có thể ngăn cản ông thực hiện mong muốn của mình:
Ta hát bài kinh, thoảng dã hương
Từng đêm chiêu niệm bắt hồn nàng
Lời ra cửa biển tìm sao rụng
Rỏ xuống mộ em giọt lệ thương…"
(Màu sương linh giác)
Có thể nói rằng, những câu thơ, những bài thơ thể hiện sự giao cảm một cách đầy bí ẩn của nhà thơ với thế giới tâm linh, thế giới mộng ảo đã chứng tỏ một điều rằng, trên đời này, chẳng có gì có thể làm cho con người cảm thấy sợ hãi kể cả cái chết. Tâm hồn con người luôn luôn có một sức mạnh và một phép màu nhiệm hết sức kỳ lạ trong vũ trụ. Nó có thể thỏa sức tung hoành làm những gì nó muốn, nó có thể xóa nhòa ranh giới giữa thời gian và không gian, có thể xóa nhòa giữa sự sống và cái chết. Điều đặc biệt nhất, nó có thể khám phá được cả những nơi u tối nhất, kỳ ảo nhất của vũ trụ mà không cần nhờ đến những khám phá khoa học.
3.           Tắm mình trong những nốt nhạc thơm:
Từ nhạc luôn luôn có một vị trí quan trọng trong thơ tượng trưng và Đinh Hùng đã không quên điều đó. Những câu thơ của ông được sắp xếp chặt chẽ tạo thành hiệu ứng của một bản tình ca ngọt ngào khiến người đọc cảm thấy như đang đắm mình trong một bản nhạc chứ không phải là một bài thơ:
Giữa hư không tìm lại vết chân Người,
Ôi xứ Đạo có bao mùa tình tự?
Trong bản hát thiêng
Của bầy thanh nữ,
Có ai về ngự,
Giữa lòng thuyền quyên?
Trong mộng trần duyên
Của hồn thiên cổ,
Có ai vào ngủ
Một giấc cô miên?
Trời ơi! Đây nguyệt vô biên
Trong lòng người đẹp nằm quên dưới mồ!
Ta cười suốt một trang thơ,
Gặp hồn em đó còn ngờ yêu ma.
(Tìm bóng tử thần)
Bằng cách kết hợp giữa thơ lục bát dân tộc và thơ mới cùng cách gieo vần chân hiệu quả, Đinh Hùng đã mang đến cho người đọc một bản nhạc thực sự êm ái, sâu lắng. Điều này đã góp phần tăng hiệu quả nghệ thuật cho bài thơ, đưa người đọc đắm mình vào chốn hư hư thực thực.
Trong một bài thơ khác, nhà thơ học tập cách sáng tác thơ văn xuôi của Boudelaire để nói lên nỗi lòng của mình:
Lũ chúng ta:

Mấy kẻ không nhà, tưởng dành bạc đức với nhân tình nên mê tràn tâm sự, có buổi vò nhung xé lụa, chưa mời giăng một tiệc đà nhắc giọng Lưu Linh;

Từng giờ thoát tục, đã quyết vô tâm cùng thể phách thì đốt trọn tinh anh, đòi phen khóc nhạc, cười hoa, chẳng luyến mộng mười năm cũng nổi tình Đỗ Mục.
                                                                                              (Thần tụng)
Rõ ràng, cái tạo nên tính nhạc cho kiểu thơ văn xuôi ở đây là phép đối. Phép đối đã làm cho hai câu thơ song hành tạo âm hưởng. Thơ xuôi làm cho nhịp điệu hùng hồn, đanh thép, góp phần tăng thêm khí phách cho lời thơ.
Ở trong bài Đường vào tình sử, nhà thơ sử dụng nhiều tiết tấu khác nhau khá hiệu quả, đặc biệt là tiết tấu vắt dòng, câu gãy:
Phơi phới thuyền ta vượt bến,
Từ đêm hồng thuỷ ra đi.
Lòng ta dao cắt
Chia đôi
Biên thuỳ,
Dòng máu kinh hoàng chợt tỉnh cơn mê.
Sự thay đổi nhịp điệu đột ngột trong những câu thơ này tạo hiệu quả cho người nghe như chính họ đang cùng nhà thơ ngồi trên con thuyền vượt sóng. Thỉnh thoảng, chính họ cũng nghe thấy sóng lòng trong chính nhà thơ.
Cho dù chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phương Tây thì âm nhạc dân tộc vẫn chảy trong hồn thơ Đinh Hùng khiến những câu thơ của ông trở nên mượt mà như những bài dân ca, ngâm khúc. Ông đã sử dụng rất hiệu quả thể thơ lục bát và song thất lục bát của dân tộc. Trở lại bài thơ Thần tụng, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó:
Hồn lại đặt cơn mê cơn tỉnh,
Hồn lại bầy đêm quạnh đêm vui.
Hồn xui rượu nói lên lời,
Khói dâng thành ý, nhạc cười ra hoa.
Hồn bắt ai tiêu ma ngày tháng,
Hồn giúp ai quên lãng hình hài.
Hồn từ siêu thoát phàm thai,
Sầu trong tà dục, vui ngoài thiện tâm.
Hồn ở khắp sơn lâm, hồ hải,
Hồn sống trùm hiện tại, tương lai.
Mênh mang một tiếng cười dài,
Hồn lay bốn vách Dạ Đài cho tan
.
Có thể thấy, Đinh Hùng chịu sự ảnh hưởng rất rõ từ các nhà thơ tượng trưng Pháp như Boudelaire, Rimbaud…Những biểu tượng, những sự khát khao giao cảm hay những từ nhạc trong thơ ông đều mang dáng dấp của thi pháp thơ tượng trưng Pháp. Bên cạnh đó, những vần thơ của ông còn mang dáng dấp của chủ nghĩa siêu thực. Tuy nhiên, cái làm nên vẻ đẹp của thơ Đinh Hùng là ở cách phối âm của những câu thơ gãy khúc với thể thơ dân tộc là lục bát và song thất lục bát.
Cho đến bây giờ, với nhiều nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, Đinh Hùng vẫn là một bức mật mã đầy bí ẩn. Muốn tìm được chiếc chìa khóa cho bức mật mã này thì phải đọc đi đọc lại những tập thơ của ông, nhập tâm cùng ông, thả hồn theo những bài nhạc của ông mới hy vọng có thể thẩm thấu từ từ từng nét từng chữ trong bức mật mã diệu huyền.

4 nhận xét:

  1. Tôi thích thơ Đinh Hùng, thật là một thiếu xót vô cùng lớn nếu bỏ qua nhà thi sĩ tài năng như Đinh Hùng.Có lẽ vì trước kia ông là một thi sĩ của Việt Nam Cộng Hòa nên ông ít được biết đến như những thi sĩ khác.Tôi xếp thơ Đinh Hùng trên cả thơ Xuân Diệu về nội dung, nghệ thuật cũng như chất lượng ngôn từ.

    Trả lờiXóa
  2. Chị Na của em viết hay quá
    Em đang làm về Bùi Giáng đây chị,chị thấy Giáng có tượng trưng ko chị???? Dân Hán Nôm nên mấy khoản này em hơi mù tịt

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Để biết có tượng trưng hay không thì em nên áp dụng những đặc điểm của thơ tượng trưng vào những bài thơ cụ thể của ông ấy rồi tự trả lời nhé. Vì cái này nằm ở quan điểm của người viết nhiều hơn.

      Xóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...