Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

"Eight and a half" hay là chướng ngại vật của Frederico Fellini

"Nói về giấc mơ như đang nói về những bộ phim vì điện ảnh dùng ngôn ngữ của những giấc mơ; nhiều năm trôi qua trong một giây và bạn có thể nhảy từ nơi này đến nơi khác. Đó là ngôn ngữ được thực hiện của hình ảnh. Và trong điện ảnh thực sự, mỗi vật thể và mỗi ánh sáng đều có nghĩa là một thứ gì đó, như trong một giấc mơ". (Frederico Fellini)
 
Quá nhiều cảm xúc khi tôi xem bộ phim này vào một buổi chiều lặng lẽ. Phim của Fellini bao giờ cũng vậy, dù thời lượng dài, dù ngổn ngang nhân vật vẫn có thể khiến người xem say đắm từ đầu đến cuối trong nhiều trường đoạn, trong nhiều câu chuyện tưởng chừng chẳng liên quan gì đến nhau.
8 - 1/2 là câu chuyện về đạo diễn Guido, người mà từ đầu đến cuối bộ phim luôn cảm thấy bế tắc trong việc tìm nguồn cảm hứng và đường đi cho bộ phim của mình. Anh ta đắm chìm trong những giấc mơ, những hồi tưởng, những ký ức. Các ký ức ấy cứ liên tục giày vò anh khiến trong đầu anh lúc nào cũng hiện hữu câu thần chú: "Asa nisi Masa" như lúc nhỏ để mong thoát khỏi nỗi sợ hãi, thoát khỏi đống hỗn độn ấy. Xung quanh anh luôn có sự hậu thuẫn đầy đủ mà một nhà làm phim cần có: nhà sản xuất, bối cảnh, diễn viên...Và thậm chí, Luisa, người vợ mà anh rất yêu thương cũng đến với anh trong thời kỳ khó khăn này nhưng anh vẫn bất lực trước ý tưởng của mình. Không chỉ vậy, vợ anh còn góp thêm vào mớ bòng bong rối rắm của anh bằng việc ghen tuông, cãi vả, từ chối mọi giao tiếp, gọi anh là kẻ dối trá...và trên hết là muốn thay đổi cả con người anh.
8 - 1/2 thực chất là bộ phim về Fellini trong thời kỳ khó khăn khi đi tìm ý tưởng làm phim. Chính tên gọi của bộ phim đã tiết lộ được điều đó. 8 là số lượng phim hoàn chỉnh mà Fellini đã thực hiện cho tới bộ phim này và 1/2 là 2 trường đoạn ngắn mà ông đạo diễn. Ngay cả bản thân con số 8 - 1/2 cũng đầy ngụ ý. Đó chính là sự chênh vênh, không tròn trịa, một cái gì đó chưa được như mong muốn. Mặt khác, con số này cũng cho thấy nhà làm phim có thể bị bế tắc ý tưởng bất kỳ lúc nào cho dù trước đó họ đã có số lượng tác phẩm đồ sộ.
8 - 1/2 có thể được xem là bộ phim hay nhất về việc làm phim và thể hiện rõ nét quan điểm làm phim của vị đạo diễn tài ba này. Sự bế tắc của đạo diễn trong phim là mâu thuẫn đối kháng giữa cá nhân và xã hội. Đó là xã hội của những con người luôn quan tâm đến những cái vĩ mô, những cái gì đó lớn lao nhưng hoàn toàn sáo rỗng như chính đề tài mà nhân vật Gloria đã chọn: "Sự cô đơn của con người hiện đại trong nền sân khấu đương đại". Đó là xã hội mà con người luôn đi tìm kiếm những cái gì bên ngoài cuộc sống như vũ trụ bao la, rộng lớn và chối bỏ những điều xung quanh mình. Đó còn là xã hội mà con người chỉ được phép phát biểu những điều của người khác, vì người khác, có ích đối với người khác chứ không được quyền kể lại chính ký ức của mình như anh nhà văn Marxist đã phê phán Guido: "Vậy nó có ý nghĩa gì nào? Đó là một nhân vật dựa theo ký ức tuổi thơ của anh. Nó chẳng có liên hệ gì với lương tâm lý luận thực sự cả...Cái ký ức của anh thấm đẫm trong sự nhớ nhung, ngây thơ, về cơ bản là gợi lên sự đa cảm của anh". Tuy nhiên, với Guido, khi cứ nói giùm người khác, khi nói những điều không phải xuất phát từ bản thân mình, anh trở thành kẻ nói dối lúc nào không hay dù cho trong thâm tâm rất muốn làm một bộ phim đầy chân thật.
Cô đơn, rối loạn, ám ảnh, bế tắc...là những yếu tố cứ lần lượt dồn nhà làm phim vào chân tường. Và phát súng dưới ngăn bàn đã đánh dấu chấm hết cho tất cả mọi trở ngại trên con đường điện ảnh đó bởi cuối cùng, Guido đã tìm thấy câu trả lời cho chính mình: "Sự nổi loạn này là chính anh, không phải vì anh muốn thế mà là vì anh như thế. Anh không còn sợ nói lên sự thật nữa. Anh không còn sợ những gì anh không biết, những gì anh tìm kiếm và chưa thấy. Đây là cách duy nhất anh có thể thấy mình đang sống và anh có thể nhìn vào đôi mắt chung thủy của em mà không hổ thẹn. Cuộc đời là một niềm ngợi ca. Hãy sống cùng nhau".
Rõ ràng, nếu như Guido càng bế tắc ý tưởng bao nhiêu thì Fellini lại đầy ắp ý tưởng bấy nhiêu. Dùng chính sự bế tắc của mình để làm phim, để phát biểu quan điểm của mình về điện ảnh là một ý tưởng đầy thú vị. Thế nhưng, ý tưởng đó không phải được thể hiện bằng từ ngữ, bằng lời nói mà là bằng hình ảnh. Nhà phê bình Alane Stone trên tạp chí Boston Review đã đánh giá cao rất khả năng hình ảnh của Fellini. Ông viết: "phong cách nghệ thuật của Fellini thiên về hình ảnh hơn là ý tưởng." Rõ ràng, điều này đã được chứng mình trong 8 -1/2. Mở đầu phim, đạo diễn đã cho người xem bắt gặp một người bị kẹt cứng không lối thoát trong ô tô dù anh ta cố giãy giụa và rồi sau đó lại bay lơ lửng như một con diều. Chỉ bấy nhiêu đó thôi đã thể hiện được tâm trạng và hoàn cảnh của nhân vật chính. Những hình ảnh tiếp theo trong phim là những cảnh xen kẽ giữa quá khứ, hiện tại và tưởng tượng của nhân vật chính Guido để tạo nên câu chuyện hoàn chỉnh tưởng chừng không logic nhưng lại rất logic.
Có thể nói, một đạo diễn giỏi, một nhà làm phim tài ba không phải ở chỗ anh ta có ý tưởng hay, mới lạ chưa ai nghĩ ra mà là ở khả năng sử dụng hình ảnh của chính mình. Hình ảnh chính là bản năng nghệ thuật của đạo diễn. Chỉ khi nào anh ta sử dụng được bản năng của mình để chỉ đạo ý tưởng thì khi đó mới có thể có những bộ phim để đời và 8 - 1/2 của Fellini không phải là trường hợp ngoại lệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...