Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Có một người cha...

(Viết nhân ngày sinh nhật Ozu)
Thực ra, nếu cho tôi được trả lời câu hỏi: Bộ phim nào về tình cha con khiến tôi yêu thích nhất thì thật khó để trả lời. Thế nhưng, nếu hỏi tôi, bộ phim nào để lại cảm xúc chân thật nhất, day dứt nhất về tình cha con thì đó chính là: "There was a father" của đạo diễn mà tôi cực kỳ yêu thích: Yasujirō Ozu.
"There was a father" có cốt truyện rất đơn giản như những bộ phim về đề tài gia đình, cuộc sống khác của Ozu. Thế nhưng trong cốt truyện đơn giản ấy lại chứa đựng những câu hỏi không hề đơn giản mà suốt 70 năm qua, người ta vẫn thấy còn mới mẻ, mới mẻ như chính cách làm phim của đạo diễn tài ba này.
Bộ phim kể về cuộc sống gia đình của một thầy giáo. Thầy giáo Horikawa trong một lần đưa học trò đi Tokyo chơi, vì sơ ý nên đã để các cậu học trò chèo thuyền ra sông. Thuyền lật và một trong số đó bị chết đuối. Cảm thấy có lỗi với gia đình học trò, Horikawa đã xin nghỉ dạy và đưa con trai đến một vùng đất khác để cậu bé yên tâm học tập. Sau đó, chính ông để cậu bé ở lại để về Tokyo kiếm việc gửi tiền nuôi con ăn học. Nhiều năm sau, cậu bé giờ đã thành Thạc sĩ và là giảng viên ở một trường đại học lên Tokyo tìm gặp bố. Hai cha con đi tắm nước nóng, đi ăn, đi câu cá với nhau như là những thói quen mà họ đã làm trong quá khứ. Chàng trai nuôi ý định trở về sống cùng bố nhưng chưa kịp thực hiện thì Horikawa qua đời. Bộ phim kết thúc bằng chuyến tàu trở về trường của người con trai và người vợ tương lai cùng đứa em của cô gái ấy như một hàm ý rằng sự chia cách giữa cha và con, giữa những đứa con với gia đình sẽ mãi mãi tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, như một đoàn tàu dài, toa này nối tiếp với toa kia không ngừng lăn bánh, như một vòng quay chẳng bao giờ dừng lại.
Giống với những bộ phim khác của Ozu, bộ phim này cũng để lại trong tôi nhiều cảnh quay ấn tượng. Ấn tượng đầu tiên là cảnh hai cha con ngồi trên đồi, nhìn ra xa và người bố nói với con trai về việc chuyển chỗ ở. Cảnh này đơn giản nhưng chứa đầy hàm ý về mối quan hệ giữa hai người. Mặc dù phải trải lòng với con trai về khó khăn nhưng tư thế của hai bố con rất thoải mái. Họ có cách ngồi giống nhau, vẻ mặt giống nhau và cùng nhìn về một hướng. Đằng sau lưng họ có hai cây, trong đó một cây chỉ còn trơ gốc, cây còn lại thì vươn mình. Hai cái cây này như là hiện thân của người mẹ và cũng như là hiện thân của triết lý Phật giáo thường thấy trong phim Ozu: "Sắc tức thị không, không tức thị sắc". Cây bị mất gốc khiến người xem liên tưởng đến người mẹ đã mất của cậu bé nhưng vẫn luôn hiện diện trong cuộc trò chuyện, trong những quyết định khó khăn của cuộc đời bố con họ. Do đó, sẽ không có gì ngạc nhiên khi đến cuối phim, người mẹ đã mất được hiện ra rõ ràng hơn như thể họ luôn sống cùng nhau trong cùng một gia đình. Cậu con trai báo với bố mình đã tốt nghiệp quân sự đạt loại A, ngay lập tức, Horikawa bảo con đến kể với mẹ và sau đó chính ông cũng đến bên bàn thờ thầm thì trò chuyện.
Một cảnh quay khác cũng ấn tượng không kém chính là cảnh hai cha con đi câu cá. Cảnh này được lặp lại hai lần trong phim và cũng gắn với quyết định quan trọng thứ hai là cậu bé sẽ vào ký túc xá ở. Đây là cách để tập cho cậu bé quen dần với việc không có bố bên cạnh mỗi ngày và cũng là để cậu bé năng động hơn như lời người thầy tu đã nói: "trẻ con là phải năng động". Sự thay đổi về mặt cảm xúc thể hiện rõ trong cách câu cá của hai cha con. Ban đầu, họ có tư thế câu cá rất giống nhau. Tuy nhiên, khi nghe người cha nói về việc chuyển vô ký túc xá, tư thế của cậu bé đã thay đổi. Mãi cho đến khi hai cha con gặp lại sau này, người ta mới nhìn thấy sự đồng điệu của họ trong cảnh đi câu cá mà không cần bất kỳ lời thoại nào.
Cảnh cuối cùng mà tôi muốn nhắc đến ở đây là cảnh hai cha con trong nhà hàng ăn. Cũng giống như cảnh trên, nó được lặp lại hai lần với sự tịnh tiến khác nhau nhưng có cùng một mục đích: đó là sự chia cắt của cuộc sống đối với hai cha con. Dù là cảnh đầu hay cảnh sau cũng không ít lần khiến tôi rơi nước mắt. Cảnh đầu tiên, người cha báo tin rằng mình sẽ chuyển đến Tokyo làm việc, kiếm tiền và khuyên cậu bé siêng năng, chăm chỉ. Với con trai, ông ấy vừa là người mẹ, vừa là người bố. Thế nên, dù chuẩn bị chu đáo cho cậu bé đủ thứ quần áo, giày dép, tất mũ, tiền bạc...thì ông ấy vẫn không rơi nước mắt trước việc chia tay con dù cho cậu bé cứ khóc mãi. Cảnh thứ hai, cậu bé giờ đã thành người thanh niên chủ động tìm đến cha để bày tỏ mong muốn được sống cùng. Anh nói sẽ nghỉ dạy và lên Tokyo tìm việc nhưng một lần nữa người cha lại từ chối. Đây chính là điều làm nên sự vĩ đại của người cha trong phim Ozu. Một người cha bình thường hẳn sẽ rất vui và hạnh phúc khi sau bao năm xa cách, con cái tìm đến mình và bày tỏ nguyện vọng sống cùng mình. Con cái dù có khát khao sống cùng với bố mẹ đến đâu cũng không bằng sự khát khao đó của bố mẹ và Horikawa không phải là ngoại lệ. Thế nhưng ở đây, Horikawa đã dạy cho con mình một bài học khác: đó là bài học về mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, bài học về trách nhiệm của cuộc đời mà mỗi cá nhân sinh ra trong đời này đều phải thực hiện. Dù đau đớn thế nào thì với Horikawa, con cái vẫn luôn là thực thể tách rời. Ông cho rằng, cậu con trai nên từ bỏ sự ích kỷ cá nhân để sống với trách nhiệm của mình. Ông nói: "Bố cũng muốn sống với con, nhưng chúng ta có công việc của chúng ta. Chúng ta phải xem chúng như là những nhiệm vụ của cuộc đời. Mỗi người phải làm nhiệm vụ của cuộc đời. Chẳng có căn phòng nào cho những cảm xúc riêng tư, con phải làm tốt nhất như con có thể. Thỉnh thoảng công việc rất tẻ nhạt, nhưng càng làm việc chăm chỉ thì con sẽ càng cảm thấy tốt hơn...Từ bỏ sự ích kỷ này đi. Đừng lo lắng cho bố. Vị trí của con là một nhiệm vụ lớn lao. Bố mẹ của những đứa trẻ đó đã chọn con làm giáo viên của chúng. Mỗi hành động của con sẽ là tấm gương. Trách nhiệm của con rất lớn...Chúng ta thỉnh thoảng gặp nhau như thế này là đủ. Chúng ta gặp nhau như thế này là đủ rồi, đúng không. Cả hai chúng ta hãy làm những gì tốt nhất, là đủ.  Bố hy vọng con hiểu. Hãy làm tốt nhất có thể."
Rõ ràng, tuy ở đây chỉ là những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống nhưng Ozu đã đặt ra những vấn đề lớn lao hơn trong cuộc đời mỗi người, những vấn đề mà thời kỳ nào chúng ta cũng vẫn còn gặp phải.
Nếu ai đã từng yêu thích và không rời mắt trước từng thước phim của Ozu thì "There was a father" thực sự là một bộ phim đáng được xem đi xem lại nhiều lần. Nhiều người cho rằng, họ thích đọc tác phẩm văn học hơn xem phim vì tác phẩm văn học gợi cho họ trí tưởng tượng nhiều hơn. Tuy nhiên, với Ozu, dù cho hình ảnh có hiện rõ mồn một trước mắt thì vẫn gợi cho người xem rất nhiều vấn đề dù là những vấn đề đơn giản, bình thường như cuộc sống thầm lặng chảy trôi từ ngày này qua ngày khác. Để tạo nên những thước phim có chiều sâu như thế, đạo diễn Ozu không phải chỉ là người rất giỏi về mặt hình ảnh mà còn là một nhà văn, một nhà tâm lý, một nhà xã hội học và trên hết là một người cha thực sự trong gia đình. "There was a father" đã kết thúc bằng cái chết của thầy giáo Horikawa nhưng trong trái tim người con trai, ông ấy vẫn sống và đồng hành trên chuyến tàu cũng giống như trong lòng khán giả yêu điện ảnh, Ozu vẫn luôn luôn sống mãi như là một người cha vĩ đại nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...