Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Bản chất nghệ thuật (1)

Nghệ thuật là gì? Bản chất nghệ thuật là gì? là câu hỏi mà các nhà nghiên cứu, các triết gia luôn đặt ra khi nghiên cứu về nghệ thuật, tác phẩm nghệ thuật, nghệ sĩ, trường phái...Và họ có những câu trả lời độc đáo riêng của mình. Cuốn Bản chất của Nghệ thuật của Thomas E. Wartenberg tập hợp 29 quan điểm của 29 triết gia, nhà nghiên cứu về bản chất nghệ thuật bằng cách tóm lược quan điểm và trích dẫn những công trình nghiên cứu của họ. Ở đây, tôi sẽ dịch lại những tóm lược đó để những người quan tâm đến nghệ thuật hiểu được các triết gia khác nhau, các nhà nghiên cứu khác nhau quan niệm về nghệ thuật như thế nào. (Tiếc là tôi đã không thể dịch cuốn này sớm hơn).

1. Nghệ thuật là tinh anh (Walter Benjamin) (Lê Na dịch)

"Có lẽ có những con đường dẫn dắt chúng ta không biết bao nhiêu lần tới những người có một hoặc có cùng chức năng với chúng ta: những lối đi nhỏ đó luôn luôn ở trong những giai đoạn khác nhau nhất của cuộc đời, đưa chúng ta đến những người bạn, kẻ phản bội, người tình, học trò hoặc người thầy". (Benjanmin)

Không có bất kỳ triết gia thế kỷ XX nào chỉ trích những thay đổi trong nghệ thuật hiện đại ảnh hưởng đến sự hiểu biết của chúng ta về chính bản thân nghệ thuật như thế nào một cách sâu sắc hơn Walter Benjamin (1892-1940). Benjamin, nhà triết học Mác xít Đức, nhà phê bình văn học, nhiếp ảnh và điện ảnh đã có một tác động mang tính cách mạng trong nghệ thuật. Trong bài luận “Tác phẩm nghệ thuật trong thời đại sao chép cơ học” Benjamin đã lý thuyết hóa sự mất mát tinh anh của tác phẩm nghệ thuật và điều này thay đổi chức năng nghệ thuật trong xã hội như thế nào. Đồng thời, Benjamin cũng quan tâm đến mối quan hệ giữa chính trị và nghệ thuật. Khi Hitler lên nắm chính quyền ở Đức, Benjamin, một người Do Thái vẫn hy vọng rằng nghệ thuật có thể được sử dụng trong trận chiến chống chủ nghĩa phát xít.
Benjamin ít quan tâm tới việc đưa ra một định nghĩa chung cho nghệ thuật hơn việc tìm hiểu chức năng của nghệ thuật thuật đã thay đổi như thế nào dưới thời tư bản chủ nghĩa và những cách tân kỹ thuật của nó. Đặc biệt, ông muốn hiểu làm thế nào việc “sao chép cơ học”, khả năng sao chép những tác phẩm nghệ thuật thông qua các phương tiện kỹ thuật công nghệ thuần túy lại thay đổi chức năng xã hội của nghệ thuật. Trọng tâm của mối quan tâm này là sự phát triển của nhiếp ảnh, với khả năng sản xuất số lượng không hạn chế những phiên bản chính xác của nó và điện ảnh, hình thức nghệ thuật dựa trên nền tảng nhiếp ảnh của nó khiến nó dường như tái sản xuất thế giới trong thời gian lẫn không gian.
Công trình của Benjamin cho rằng khả năng sao chép những tác phẩm nghệ thuật là nguyên nhân khiến cho tinh anh của chúng bị giảm bớt. Bằng cách sử dụng thuật ngữ “tinh anh”, Benjamin nỗ lực giữ lấy sự tôn trọng những người trong những xã hội trước đây, thường dùng trong bối cảnh mang tính tôn giáo, cho những tác phẩm nghệ thuật. Trong quá trình thiết lập khẳng định của mình, Benjamin đã rút ra sự giống nhau giữa những vật phẩm nghệ thuật và mặt hàng hoặc hàng hóa được sản xuất cho thị trường. Trong tập một cuốn Das Kapital, Karl Marx (1818-1883) đã phân biệt giữa khả năng của một mặt hàng thỏa mãn nhu cầu con người (giá trị sử dụng của nó) và giá trị tại thị trường (giá trị trao đổi của nó), lập luận rằng giá trị trao đổi chiếm ưu thế dưới thời tư bản chủ nghĩa. Tương tự như vậy, đầu tiên Benjamin cũng phân biệt giá trị thời thượng của một tác phẩm nghệ thuật – vị trí của nó trong thuật ngữ thời thượng như là vật phẩm duy nhất thường không rõ ràng so với cơ hội được xem nó – với giá trị trưng bày của nó – giá trị của nó như là một vật phẩm dễ dàng tiếp cận cho mọi đối tượng. Sự sao chép mang tính kỹ thuật công nghệ, sau đó, ông lập luận, làm cho giá trị thời thượng của nghệ thuật nhạt dần trong việc thưởng thức giá trưng bày của nó.
Với Benjamin, điều này có nghĩa là những cách mà các triết gia đã nỗ lực để mô tả nghệ thuật không còn đúng đắn nữa – ví dụ, nghệ thuật có thể không còn được xem là có tính độc lập nữa, mà là một lãnh địa, nơi những quan tâm xã hội đặc biệt không đóng vai nào trong đó, như Kant và các triết gia khác của nghệ thuật đã quả quyết. Benjamin đã thổi bùng vấn đề này dẫu cho nghệ thuật có chức năng chính trị tích cực hay không, kể cả những người tham gia vào cuộc cách mạng chống lại chủ nghĩa phát xít. Thú vị là Benjamin nhận thấy rằng những tên phát xít như Hitler đã thẩm mỹ hóa mưu mô chính trị với các cuộc biểu dương lực lượng và mít tinh khổng lồ của chúng; ông ấy dự định dùng nghệ thuật được chính trị hóa như một thứ vũ khí trong cuộc đấu tranh cho công bằng xã hội.
Hành động đánh giá tác động của kỹ thuật công nghệ đối với nghệ thuật của Benjamin vì vậy mang tính biện chứng hợp lý. Mặt khác, ông ấy nhìn thấy khả năng sao chép của nghệ thuật trong thế giới hiện đại như sự hủy diệt tinh anh của nó; mặt khác, sự mất mát tinh anh rất lớn này lại thực hiện khả năng sử dụng nghệ thuật xưa nay chưa thể tưởng tượng nổi; thúc đẩy cách mạng xã hội chủ nghĩa.

2 nhận xét:

  1. dịch nữa đi, nữa đi em. Cảm ơn em.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những bài kiểu này chỉ có tính chất gợi mở thôi nên nếu có chỗ nào ko hiểu hay thắc mắc thì comment lại cho em biết nhé.

      Xóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...