Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

Còn có bao giờ em nhớ ta (*)



"Gió lên từ những khu rừng
Mùi hương thơm tự trong lòng của hoa
Bốn phương đâu cũng quê nhà
Như con tàu với những ga dọc đường"
(Xuân Quỳnh)
Những ngày qua hành trình của mình không dừng lại. Mình đã đi, đã biết, đã hiểu như một lữ hành. Giữa tuần, về quê nội, nơi mà cách đây chừng bốn tháng, khi trên đường về thăm quê sau 6 năm xa cách, ông nội cứ gọi điện liên tục: Cháu đến đâu rồi, sắp đến nhà chưa? Và rồi ông chạy nhanh về, bỏ dở trận xem đá bóng để gặp cháu. Giờ đây, cũng trên chuyến xe ấy, cũng hành trình ấy, cháu đến thắp cho ông nén hương trên ngọn đồi đã bắt đầu lấm tấm cỏ.
Ra Hà Nội sau hai ngày dừng bước tại Nghệ An. Hà Nội trở lạnh đột ngột như để chia sẻ với nỗi đau của người dân Nhật Bản sau thảm họa động đất, núi lửa, hạt nhân. Gặp cô vừa trở về từ Nhật Bản, nghe cô kể nằm ngủ ở Việt Nam vẫn còn thấy trời đất chao đảo mới biết mình may mắn lắm. Mình may mắn vì ở Việt Nam, nơi có rừng vàng biển bạc và mưa thuận gió hòa. Thế nên, dẫu trời có lạnh chút xíu cũng có hề gì đâu so với thời tiết và sự khắc nghiệt của thiên nhiên ở nước bạn.
Chiều thứ sáu, dự hội nghị bàn tròn của thầy và gặp lại nhiều người quen trong đó có cô Lưu Khánh Thơ. Đợt trước, đi học về mệt quá nên không đến dự Tọa đàm thơ Xuân Quỳnh được, nếu không đã gặp cô ở đó rồi. Tối, thầy Nguyễn Đức Mậu dẫn cả đoàn đi uống café Phố Cổ ở số 11, Hàng Gai. Quán café được bài trí rất nên thơ với không gian thật đặc biệt để có thể ngắm nhìn Hồ Gươm và đường phố Hà Nội. Tối thứ sáu, ngủ lại khách sạn Điện Lực với cô và chị để tiếp tục cuộc hành trình vào ngày thứ bảy.
Sáng thứ bảy, trời nắng đẹp. Hôm thứ tư nói chuyện điện thoại với thầy mình bảo trời lạnh và mưa gió thế này thì đừng nên đi chơi thầy ạ, để thứ bảy em về, trời nắng đẹp rồi đi chơi luôn. Một câu nói bâng quơ nhưng rõ ràng trời lại chiều ý mình và các thầy cô trong đoàn. Thầy bảo mình bữa nay ra Hà Nội còn kiêm cả nghề xem ngày nữa. Và mọi người đã có một hành trình tuyệt vời đến làng cổ đường Lâm, chùa Tây Phương, chùa Thầy, hang Cắc Cớ…
Sáng chủ nhật, đi dạo bờ Hồ. Trời se se lạnh. Cây lộc vừng trổ lá vàng khiến cho Hồ Gươm nên thơ hơn. Giá mà cụ Rùa nổi lên thì thật tuyệt. Nhưng cũng có khi lại đau lòng vì những vết thương trên lưng cụ ấy chứ vì 8 giờ sáng hôm qua cụ đã nổi lên gần cả tiếng đồng hồ rồi còn gì.
Thầy bảo lát nữa chia tay rồi đừng khóc đấy nhé. Mình cười, em đâu có yếu đuối như vậy đâu thầy. Dù sao chỉ còn hai tháng nữa là gặp lại thầy cô ở Sài Gòn rồi. Tháng ba thời gian qua nhanh đến mức không thể ngờ. Thầy đưa cho mình mấy gói café hòa tan còn cô đưa tiền bảo đi taxi về. Mình từ chối. Cô bảo vì em đang còn phải ở đây học và vì tết vừa rồi em không về Sài Gòn, không được đi chơi với mọi người, với mấy anh chị trong khoa. Nghe cô nói đến đây, sống mũi mình chợt cay cay. Lang thang bắt xe bus về nhà, mình nghĩ nhiều đến câu nói của cô. Rõ ràng, các thầy cô luôn xem cán bộ trẻ trong khoa như con trong gia đình chứ không có khoảng cách thầy – trò. Do đó, mình cảm thấy rất may mắn khi làm việc ở đây dù cho đôi lúc công việc có hơi nặng nề.
Xe bus dừng ở trạm Đại học Tự nhiên. Trước khi xuống xe đã có khoảnh khắc trò chuyện ngắn ngủi với hai ông cháu. Chủ nhật, ông đưa cháu đi chơi. Cháu bé chắc chỉ khoảng 2 tuổi. Mình vẫn nhớ câu nói: Cháu chào cô ạ lặp đi lặp lại liên tục qua cái mấp máy môi trước tấm kiếng xe bus và cái vẫy tay chào bé xíu của cháu. Mình cũng vẫy tay lại cho đến khi xe bus đi xa thật xa. Lâu rồi mới có một kỷ niệm đáng yêu với một em bé như thế. 
Cuộc đời thật kỳ lạ. Nó cứ mãi là một cuộc hành trình dài và có những dấu phảy để giúp ta nghỉ chân, lấy năng lượng rồi đi tiếp.
 --------------
(*): Đôi mắt người Sơn Tây, Quang Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...