Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Bốn mùa, trời và đất

Thật tuyệt khi nằm giữa sàn nhà vào một đêm hè, nhấm nháp tách café bên cạnh và thả lỏng nhịp thở theo: Bốn mùa trời và đất của Marai Sandor, một người bạn của tôi đã nhận xét như vậy.
Bốn mùa, trời và đất là tập tản văn gồm có hai phần chính: Bốn mùa (được hoàn thành năm 1938), Trời và đất (được hoàn thành năm 1942). Mỗi phần là những cảm nhận vô cùng tinh tế của tác giả cho tất cả những vấn đề trong cuộc sống, những vấn đề gần và xa chúng ta.
Bốn mùa có mười hai tháng, điều này ai cũng biết nhưng không phải ai cũng có thể đọc được những bức thông điệp từ mười hai tháng bằng những hình ảnh chân thực và giản dị. Vậy mà Marai Sandor đã làm được điều đó. Hãy thử đọc một đoạn ông viết về một trong mười hai tháng sẽ rõ. Tháng tư là mùa củ cải và hành non, cũng như tháng Bảy là mùa hoa hồng và tháng Mười hai là mùa văn chương vậy. Mùa củ cải cũng đầy thi hứng và vui như ngày hội. Mấy ngày đầu tháng tư này là như thế. Những câu văn được viết ra nhẹ nhàng như hơi thở nhưng đọng lại trong tâm trí người đọc những tình cảm thật ngọt ngào và sâu sắc. Cái hay của tác giả chính là khéo léo khơi gợi sự đồng cảm của độc giả.
Bạn sinh vào tháng hai, tháng tư, tháng sáu hay bất kỳ một tháng nào đó trong năm…? Hãy lật Bốn mùa, trời và đất xem Sandor đã viết gì cho khoảng thời gian mà bạn chào đời hay ít ra bạn sẽ thấy mình hiển hiện đâu đó trong những tháng năm đi ra từ những câu văn của tác giả: Ta ngồi như thế vào rạng sáng tháng Hai, buồn tẻ nhìn những móng tay tím tái. Kho dự trữ đồ ăn vào cuối thu ta lo xa chất đầy giờ đã cạn; hoa quả ngâm và sườn hun khói đã ăn hết, dưa bắp cải chua cũng gần sạch. Và trái ngược với mùa đông lạnh lẽo của tháng Hai sẽ là cái nóng bức của tháng Bảy khiến cho tác giả không thể làm việc được. Buổi sáng, ngay từ lúc mới thức dậy đã thấy trong không khí có gì đó như điềm dữ. (…) Năm giờ, tôi trở vào phòng, đóng cửa sổ. Là nhà văn tôi cần có một không gian nhân tạo để làm việc. Không thể ra bể tắm tháng bảy và viết. Không thể khật khưỡng dưới nắng nóng trên các quảng trường công cộng, mồ hôi chảy nhễ nhại và viết. Viết không phải là một nghề tự nhiên. Sandor cũng dành hẳn một mục riêng để bàn luận về vấn đề viết. Hãy đến thật gần điều anh định nói. Hãy nhìn thật gần, từ mọi phía. Hãy cầm lên, xem xét bằng kính lúp, ngửi, nếm, sờ nắn. Và khi đã biết tất cả về nó, hãy quẳng đi và quên nó đi. Sau đó mơ về nó. Và rồi viết về nó. (…) Mỗi ngày đều viết. Suy nghĩ thật tận tụy nhưng viết thật cao sang. Nếu ai đã, đang và sẽ cầm viết, hãy làm theo cách Sandor đã chỉ dẫn. Tôi tin chắc là ông đã đúng khi nói về vấn đề này.
Không chỉ bàn luận về mười hai tháng mà trong mỗi tháng, những sự kiện, những đức tính con người, những cách ứng xử giữa người với người, những địa danh, sự vật, hiện tượng…cũng được tác giả bàn đến. Đó là: gặp gỡ, phản kháng, tụng ca, tuổi trẻ, dịu dàng, tỉnh giấc, về quê, trên núi, người chết, sự sinh nở, tự vệ…Trong những vấn đề nêu ra ở trên, có lẽ vấn đề được nhiều người quan tâm nhất chính là tình yêu. Ở đây, Sandor đã có sự liên tưởng cực kỳ thú vị: Trong tình yêu, việc hành xử “tự nhiên” cũng khó khăn chẳng khác gì trong nghệ thuật. Cảm xúc và khao khát chỉ lên tiếng trong những ngôn ngữ hình thức nhất định. Liệu đã có ai nhìn nhận về tình yêu theo cách của Marai?
Bên cạnh tài quan sát, sự trải nghiệm và khả năng cảm nhận vấn đề, Sandor còn chứng tỏ mình là người đọc nhiều và có sự đánh giá sắc bén. Trong tác phẩm này, có hàng trăm nhà văn, nghệ sĩ được nhắc đến bằng những câu văn ngắn gọn nhưng chân dung của từng người lại được khắc họa cực kỳ rõ ràng. Bạn yêu thích nhà văn nào, hãy đọc xem Marai đã viết gì về họ. Cách khắc họa chân dung thường thấy và rõ ràng nhất trong tác phẩm này chính là sự so sánh phong cách của người này với người khác để sau mỗi sự so sánh sẽ cho ta thấy nhiều điểm thú vị mà ta chưa từng nghĩ đến về những nhà văn đó. Về Virginia Woolf, ông viết: Đó là người phụ nữ duy nhất trong văn học thế giới đã làm nổi điều không thể làm: giữ lại thời gian. Điều mà Proust không làm nổi, Joyce đã thử nghiệm không thành. Đi tìm thời gian đã mất và Ulysses là những tuyệt tác, nhưng là những tuyệt phẩm bệnh hoạn và méo mó, cả hai đều là sự nảy nở khôn cùng. Nhưng Virginia Woolf đã viết một cuốn sách, trong đó bà thâu tóm thời gian, làm chủ những chiều kích của nó: trong đó có “tất cả”, và bên cạnh đó lại rất cân đối, hài hòa. Nhà văn không thể làm hơn thế. Quả thật, điểm nhìn này rất độc đáo.   
Tóm lại, bạn thấy mình còn thiếu gì trong những chặng đường đã đi qua? Bạn thấy mình còn khiếm khuyết chỗ nào, còn có điều gì chưa biết, chưa thật sự hiểu về cuộc sống? Hãy đọc và cảm nhận Bốn mùa, trời và đất, quyển sách xứng đáng làm người bạn đồng hành cùng bạn trên hành trình còn lại của cuộc đời.

4 nhận xét:

  1. :) Sao không nhắc đến Lời cỏ cây ?

    Trả lờiXóa
  2. Em nhớ nhưng mà em đã gửi"Lời cỏ cây bàn về thân phận con người" vô SG rồi nên ko trích dẫn chính xác được. Chắc sẽ viết về nó trong 1 bài khác thôi :)

    Trả lờiXóa
  3. Em thấy cuốn này rồi mà chưa có dịp mua :D

    Trả lờiXóa
  4. Nên mua đọc em à!^^ (Hic, giống quảng cáo sách quá :D)

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...