Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

Thư ký trường quay – một công việc không đơn độc


Cẩm nang thư ký trường quay của Pat P.Miller viết: “Những phần việc sản xuất khác luôn luôn có một người chính và vài người phụ việc, nhưng chỉ độc nhất một thư ký trường quay. Vị trí của bạn hoàn toàn độc lập và riêng biệt – bạn là một bộ phận sản xuất nhưng độc nhất chỉ mình bạn – nếu bạn bị bệnh hay bị một vấn đề nào đó trong lúc phim đang quay, không ai trong đoàn phim có thể gánh vác hoặc thay thế bạn – họ phải thuê một thư ký trường quay phụ khác”. Rõ ràng theo sự diễn giải của tác giả này, công việc của thư ký trường quay là một công việc đơn độc. Thế nhưng ở đây, trên phim trường K6, thư ký trường quay chưa bao giờ là một công việc đơn độc.
Lý do “vào nghề”
Mình nhận làm Thư ký trường quay (cụ thể là nhắm tới công việc này từ khi phim chưa khởi quay ) vì ba lý do. Thứ nhất, mình thích truyện” Chiếc áo khoác” của Gogol và đặc biệt yêu mến bác Akaky Akakievich Bashmachkin (cái tên dài loằng ngoằng), cái bác suốt ngày chỉ biết ghi ghi chép chép và yêu mến công việc của mình đến nỗi đi bất kỳ nơi đâu cũng nghĩ đến công việc. Ngay cả đi ngoài đường, bị con ngựa thở phì phò vào tai mà chẳng hề hay biết. Dĩ nhiên mình không giống bác ấy (nên mới hâm mộ) nhưng có vẻ như cái “nghiệp” thư ký cứ đeo bám mình suốt từ bé đến giờ. Mọi ngày nó chọn mình rồi thì giờ mình phải chọn nó chứ sao. Nói như triết học Mac-Lê nin thì mình là người có vận động đấy. Còn nói như trong sách “Nghệ thuật điện ảnh” thì đây là chi tiết lặp lại và phát triển.
Lý do thứ hai là ham muốn danh tiếng. Không hiểu sao tên tiếng Việt của công việc này lại là Thư ký trường quay, nghe như  cái người chỉ biết ai nói sao làm vậy, ghi ghi chép chép không chút sáng tạo và cũng không có quyền lên tiếng với bất kỳ người nào trong đoàn làm phim. Nghĩ lại, thấy công việc này giống như một cái máy camera chốn phim trường, cái máy ghi hình và âm thanh của đoàn làm phim không ngừng nghỉ. Đúng là thân phận “con sâu cái kiến”. Khổ nỗi, trong một dịp tình cờ, khi chưa hiểu Thư ký trường quay là làm gì, mình lại biết thuật ngữ Tiếng Anh của nó là: Script Supervisor (Giám sát kịch bản) hoặc Continuity Supervisor (Giám sát tính đồng bộ) và đặc biệt trong cuốn Cẩm nang Thư ký trường quay còn nhấn mạnh: “Giới điện ảnh trên thế giới chấp nhận cách gọi (không thích hợp) của người Mỹ: Giám sát kịch bản (Script Supervisor) – thay vì cách gọi (thích hợp hơn) của người Anh: Tính đồng bộ. Và ước muốn của tôi là khi bạn, các độc giả, hiểu được chuyên môn của nghề nghiệp phức tạp này, bạn sẽ yêu cầu tên bạn hiện lên màn hình với hàng chữ: Giám sát tính đồng bộ (Continuity Supervisor). Thế là hiểu à thì ra mình có vai trò quan trọng ghê gớm và có thể nói lại đạo diễn nếu quá trình quay có những vấn đề ảnh hưởng đến tính đồng bộ của bộ phim và kịch bản chứ chẳng chơi. Giám sát nghe cũng gần gần với giám đốc đấy nhé. Thế là nhất quyết phải giành công việc giám sát này về tay mình.
Lý do thứ ba là ham muốn quyền lực. Lớp mình có nhiều nhóm, nhiều vị trí và hầu hết các nhóm ấy, các vị trí ấy đều có hai người trở lên. Nếu xin vào thế nào cũng bị làm “nhân viên” ngay. Với “bản chất” ưa lãnh đạo, ham muốn quyền lực nên mình phải giành nhiệm vụ nào mà 100% phải là “trưởng nhóm” cơ dù nhóm đó chỉ có duy nhất một người.
Tóm lại cả ba lý do trên đều chịu ảnh hưởng nhiều từ cuốn “Cẩm nang thư ký trường quay”, cuốn sách được tặng nhân dịp 20 tháng 10 nên quyết định ứng dụng nó vào thực tiễn để khỏi “phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. Từ đó đến nay, ngót nghét đã 7 tháng, ước tính khoảng 200 ngày và có lẽ mình đã đọc đi đọc lại…200 lần. Nhờ đọc và thẩm thấu từng câu, từng chữ nên mới phát hiện ra nhiều điều thú vị trong đó, nhất là cái khoản: danh vọng, quyền lực. Nhờ vậy mình lại còn “giác ngộ” được: “Giá trị lớn nhất của sách là giúp ta hiểu được những điều mà…những người chưa bao giờ đọc nó sẽ không hiểu”.
Những ngày tiền kỳ
Dĩ nhiên, địa điểm tác nghiệp của Thư ký trường quay là trên phim trường. Thế nên những ngày đầu, khi phim chưa khởi quay, chưa có kịch bản và khi cả lớp đang có những cuộc tranh luận nảy lửa thì mình đành đi làm nhiệm vụ: giám sát tiền kỳ. Ngày nào cũng lên trường đúng giờ và ra về đúng thời gian cho phép (có thể là thời gian cho phép của bản thân) và hầu như chẳng làm gì ngoài lang thang đi “tám” với hết nhóm này đến nhóm khác. Cho đến một ngày, vui mừng vì nhận chức danh hỗ trợ nhóm Casting dù đánh máy chẳng nhanh gì cho lắm. Khi bạn đòi lại công việc thì lại tiếp tục lên tiếng: “Thôi, mình đánh máy nhanh lắm” (Mặc dù liên tục quay sang giải thích với người khác là: “Ời, tại cái máy này không phải của mình nên đánh không quen tay”). Kết thúc ngày làm đầu tiên đầy thành công với chức danh hỗ trợ nhóm Casting, các nhà sản xuất liền nhớ đến và tiến cử ngay chức danh khác: Hỗ trợ nhóm Thiết kế bối cảnh, đạo cụ cho ngày hôm sau. Thế là lại có thêm một ngày lăng xăng với đạo cụ, thiết kế dù công việc chính vẫn là đến “tám” và cổ vũ các bạn làm việc.
Vui buồn chốn…sa trường (à quên)…phim trường
Đi làm phim, mong muốn lớn nhất là được vào hiện trường xem mọi người làm việc, đóng phim. Đây cũng là một lý do nữa mà mình chọn công việc này. Ngày đầu tiên làm việc cũng có vẻ căng thẳng vì vừa phải giữ monitor, vừa phải ghi chép lời đạo diễn, vừa phối hợp với AD để đồng bộ clap và bản ghi rồi vừa phải giữ raccord…Thế nên ngay khi gặp diễn viên là phải ghi ghi chép chép cẩn thận: “Ông cậu bé: mặc áo trắng, quần đen, mang giày đen, đeo kính, tóc bạc 100% (vì biết đâu sau buổi đóng phim đầu tiên bác đi nhuộm đen thì sao)...” Đấy, thế mà hôm sau vẫn có người cãi mình về tạo hình của nhân vật ông khách: “Hình như tóc bác diễn viên hôm trước đen hơn thì phải”. Ngay lập tức, mình trình ra bằng chứng bằng câu chữ ghi ngày, tháng, năm và những bức ảnh không sai vào đâu được khiến người kia đành im hơi lặng tiếng. Giữ raccord đúng là có nhiều cái hay ho lắm. Chẳng hạn như ngay khi mọi người dàn cảnh, bày biện và chuẩn bị bấm máy mình có thể chạy lại bảo: cái này sai raccord rồi. Nếu không “ăn gian” được, đạo diễn đành phải cho bố trí cảnh lại trong khi mình thì tự hào vì “ra oai” được cả với đạo diễn.
Có một câu nói mình rất thích là: “Trên đời này không ai hoàn hảo cả” hay “đã là con người thì phải mắc sai lầm”. Thế nên mình cũng có những sai lầm nhất định là điều vô cùng hợp với lẽ tự nhiên. Sự cố ấn tượng nhất là raccord “Đôi kính của bác diễn viên già”. Bác diễn viên đóng vai ông cậu bé trong bản ghi chép của mình là đeo kính nên trong lúc bác diễn mình cũng chẳng thèm quan tâm bác có đeo kính không. Người đã quen đeo kính như thế, khi diễn tháo kính ra thì làm sao mà diễn được. Thế nên tất cả mọi người chỉ quan sát diễn xuất của bác, quan sát bác đội mũ, đội nón ra sao, bước chân phải hay chân trái vào nhà trước chứ chẳng ai chịu quan sát đôi kính xinh xắn ấy. Vậy mà đột nhiên, sau khi ngừng một cảnh quay, bác thấy em nữ đạo diễn Thu Hương chăm chú ăn dưa hấu đã ân cần chạy đến thăm hỏi: Này, bác không đeo kính vẫn thấy là cô chăm chỉ ăn uống lắm đấy nhé. Mình tá hỏa: Hả, bác không đeo kính??? Thế là bảo đạo diễn cho diễn lại cảnh vừa rồi mà cả đoàn chẳng ai biết tất cả những cảnh trước bác diễn có đeo kính không. Dù sao, đôi khi ăn uống trong đoàn làm phim lại trở thành cứu cánh cho raccord.
Nói chung, tất cả các vị trí trên trường quay như đạo diễn, AD, diễn viên, đạo cụ, quay phim… đều rất mệt nhưng có người thay ra thay vào. Còn mình chỉ có  một mình nên cứ thế mà đứng hết góc này đến góc khác đâm ra buồn ngủ. Đây là lý do duy nhất mình được Producers ưu ái: Này, cầm cốc café lên cho LN nhé, nó mà ngủ thì sai raccord hết bây giờ. Một Producer phát biểu. Được nước lấn tới, mình lại tiếp tục làm nũng Producers để đòi thêm không biết bao nhiêu cốc café nữa. Giờ đây, cứ mỗi lần pha café uống lại nhớ tới các Producers nhà mình.
Vậy là đã kết thúc hai ngày làm phim nhưng  mình cảm thấy nó cứ ngắn ngủi sao sao ấy. Chắc tại cảm giác “lâng lâng” khi được chăm sóc trên phim trường còn quá ít nên hy vọng sau này sẽ có cơ hội làm Thư ký trường quay nữa nhưng không hy vọng sẽ “sáng tác” những con số và ký hiệu cho các scene, các shot như lần này. Trong “lý lịch khoa học” của mình từ giờ trở đi, à không, trong “hồ sơ xin việc” (nếu có) đã có thể ghi thêm kinh nghiệm là Thư ký trường quay được rồi. Ai có nhu cầu thì xin liên hệ nhé…

6 nhận xét:

  1. Tôi muốn học hỏi kinh nghiệm của bạn, bạn cho tôi xin nick chat để có thể trao đổi được không?

    Trả lờiXóa
  2. Okie bạn, nick của mình là: daole_na (nick yahoo đấy)

    Trả lờiXóa
  3. chị ơi! chị có face không? em tính theo nghề này nhưng còn nhiều điều băn khoawn nên có thể hỏi thăm chị chút ít đượcb không chị?

    Trả lờiXóa
  4. FB mình đây bạn: https://www.facebook.com/daolena

    Trả lờiXóa
  5. bạn Lê Na ơi cho mình hỏi: "mình học biên kịch mà có bạn bảo nên học thêm thư ký trường quay để hỗ trợ thêm cho việc viết kịch bản..." theo bạn mình có nên học thêm ko?
    cảm ơn bạn rất nhiều !!!

    Trả lờiXóa
  6. Mình muốn xin làm thư kí trường quay mà mình chứ học qua khóa đào tạo nào của trường lớp nào hết. Hiện mình đang hc qtkd. Vậy giờ m mún theo tktq thì mình cần học gì và làm gì vậy mn. Ai pit cho mình lời khuyên với.hic

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...