Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Cho chính mình...


Cô bé cùng phòng hôm qua trở về chợt hỏi: Cậu có còn nhớ nhà nữa không? Tôi lúng túng. Thực sự là nỗi nhớ lúc nào cũng ngự trị trong tôi nhưng có điều cả tuần này, tôi không có thời gian cho chính bản thân tôi nữa, huống hồ chi nỗi nhớ.
Với tôi, du học phải là khoảng thời gian để trải nghiệm, để đi đây đi đó, để nghỉ ngơi và để viết lách nhưng có lẽ cái ngành tôi chọn đã không cho tôi cơ hội đó. Mỗi ngày đến lớp, biết được một điều thú vị, biết được một câu chuyện thú vị là tôi lại muốn lao vào viết. Đơn giản chỉ là để sẻ chia. Trên thế giới, lịch sử nghệ thuật đã có một bề dày thành tựu nhưng ở Việt Nam, những người làm công tác nghiên cứu này còn hiếm hoi, những tác phẩm dịch về nghệ thuật cũng không được nhiều. Chính vì vậy, sẽ thật đáng tiếc nếu chúng ta không được tiếp cận với những thành quả mỹ học ấy của nhân loại.
 Thế nhưng, những vấn đề cần viết ngày một dài mà cho tới giờ tôi chỉ có đúng mỗi một bài. Một tuần nay, để chuẩn bị cho triển lãm, sáng đến lớp học, trưa chiều tối phải ở lại khoa đến 11, 12 giờ đêm mới được về nhà. Thứ bảy, chủ nhật cũng không được nghỉ. Và tôi chỉ có thể bắt đầu viết những bài viết của mình từ lúc 1 giờ đến 3 giờ sáng. Chưa kể, trong mỗi buổi học đều có những giáo trình tiếng Anh thật dài để báo cáo, thuyết trình.
Tôi vốn chưa quen được giờ Đài Loan nên cứ luôn luôn quy đổi thành giờ Việt Nam. Do vậy mà tôi toàn đi ngủ lúc bốn giờ sáng vì nghĩ ở Việt Nam mới chỉ khoảng ba giờ. Dù sao tôi cũng không còn lựa chọn nào khác để viết bài bằng cách trừ bớt đi giấc ngủ cho mình. Giờ đây, mỗi ngày chỉ được ngủ khoảng 4 đến 5 tiếng cho một ngày dài chiến đấu.
Mỗi buổi sáng đến lớp, ai cũng lim dim mắt, ngủ gà ngủ gật trông thật đáng thương. Tôi cũng không hiểu họ đề cao chất lượng giáo dục hay bóc lột sức lao động của học viên? Đây thực chất là câu hỏi của một bạn trong lớp đã đặt ra chứ không phải tôi vì suy cho cùng, tổ chức triển lãm là tổ chức cho khoa, cho trường. Hơn nữa, không có thời gian cho sinh viên xem bài ở nhà (nếu không bớt đi giấc ngủ của mình) thì làm sao bài giảng ấy lại có chất lượng được? Siri, cô bé cùng lớp mà tôi quen đang có ý định chuyển qua khoa khác vì không thể chịu nổi. Còn tôi?
Giá như mức sống ở Đài Loan cũng chỉ bằng Việt Nam thì không vấn đề gì. Thế nhưng tất cả mọi thứ từ đồ dùng đến bánh, trái, thức ăn đều gấp 2 đến 3 lần hoặc hơn. Vì vậy, nếu muốn tiếp tục sống và học ở đây (dù có thêm sinh hoạt phí hay không) cũng phải đi làm thêm vào thứ bảy, chủ nhật. Tuần này là tuần đầu tiên tôi đi làm dù rất muốn ở nhà ngủ. Thực ra, ngày hôm nay tôi đã không trụ nổi. Mọi người hỏi vì sao tôi khóc, tôi không trả lời được. Tôi không thể trả lời được rằng chương trình đào tạo của họ là quá ư vô lý. Tôi không trả lời được rằng mức sống ở đây quá cao so với tôi.
Nhưng biết làm sao được khi tôi đã chọn con đường này. Biết làm sao được khi tôi đã ở đây và đi một mình. Tôi chỉ sợ cái cuộc sống công nghiệp mà nơi đây cho tôi khiến tôi không có thời gian viết lách và sẽ làm chai sạn đi cảm xúc hay chỉ cần có một chút gì đó sẽ trở nên nhạy cảm hơn bình thường, dễ khóc, dễ buồn hơn. Đó là cái mà tôi sợ nhất.
Cách đây hai hôm, nghe bài viết của một bạn trong chương trình Quick and Snow viết về Du học, tôi cảm thấy bất ngờ. Hoàn cảnh của bạn ấy hay chắc là hoàn cảnh của tất cả các du học sinh đều giống nhau. Bạn ấy viết thế này: “Du học là mỗi buổi sáng thức dậy cảm giác đầu tiên sẽ là sự cô đơn, rồi tự hỏi mình đang ở đâu và sắp làm gì, nhìn ra cửa sổ thấy sương lạnh buốt và biết mình có một ngày dài để chiến đấu”,  “Đi nhà hàng nhìn menu dài dằng dặc nhưng lại chỉ thấy thèm những món ăn mẹ nấu”, “Du học là xa nhà, xa gia đình, xa bè bạn, làm gì cũng lủi thủi, tự thân một mình, ốm nằm vật ra cũng tự cố bò dậy mà ăn, mà uống thuốc”, “Du học là cái cảm giác hụt hẫng mỗi khi có chuyện gì rất vui, muốn gào thét đùa vui, nhưng rồi chợt nhận ra quanh mình hình như không có ai care”, “Du học có nghĩa là chỉ nhìn bố mẹ qua khung webcam mờ nhỏ trên màn hình vi tính và nghe mẹ cười hiền, mấp máy: con đừng lo trong điện thoại nhưng sau lưng bố mẹ đang phải vật lộn với những núi đá nặng trịch của cuộc đời”.  Và cuối cùng, bạn ấy đã kết luận: “Du học là đi xa học, đi học ở xa, đi học rất rất xa và du học nhiều khi rất muốn buông tay vì tất cả những feeling trên nhưng vẫn phải nắm chặt và bước tiếp”.
Tôi biết cảm giác của mọi du học sinh đều giống nhau, có khác chăng là chương trình đào tạo của mỗi trường. Giá như có thêm thời gian thì tôi sẽ trải qua những cảm giác khó chịu như trên một cách dễ dàng hơn. Mỗi ngày đi học hai buổi cũng được nhưng 6 giờ phải cho tôi về nhà để nghỉ ngơi, vậy là đủ. Còn ở đây, tôi không biết mình có đủ sức khỏe và sự chịu đựng để vượt qua được chặng đường này hay không?

Tự an ủi mình và cầu mong sự bình an bằng một bản nhạc yêu thích khi học cấp 2:

8 nhận xét:

  1. Chị ơi, cố lên! Trải qua khó khăn mới hiểu hết ý nghĩa của thành công. Thương chị, thương rất nhiều!

    Trả lờiXóa
  2. Cô ơi, cố gắng lên nhaz!!! :) ^^

    Trả lờiXóa
  3. @All: Cảm ơn lời động viên của cậu ấm, của bạn "nặc danh", của Vi Thuyên, của Phượng Linh nhiều nhiều :)

    Trả lờiXóa
  4. Chị ơi, mong chị luôn vững vàng, và sẽ mỉm cười hài lòng khi trở về Việt Nam! :-)

    Trả lờiXóa
  5. khó khăn, gian khổ rèn nên ý chí, nghị lực, lòng quả cảm của con người. Lê Na hãy cố lên! Tôi tin rằng những gì mà Lê Na phải ráng sức hôm nay sẽ được đền đáp trong tương lai. Ngành nghệ thuật rất cần ở Việt Nam. Cầu mong Lê Na khỏe, gặp nhiều may mắn nơi đất khách quê người!

    Trả lờiXóa
  6. @Nguyên Trang: Cảm ơn em nhé.
    @Bạn "Nặc danh": Biết bạn cmt rất nhiều trong blog của mình. Đọc giọng văn là mình nhận ra ngay nhưng không biết có khi nào bạn để lại tên cho mình ko? Cảm ơn bạn nhiều nhiều!^^

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...