Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

Về hai cuốn sách mới xuất bản và về văn chương hiện nay


Đã nhiều lần, khi ở Việt Nam tôi vẫn thường nhìn lên bầu trời và quan sát các vì sao. Tôi chỉ làm điều đó bằng mắt thường vào những đêm yên tĩnh ở một miền quê xa.

Ngày còn bé, khi xem phim Võ Tắc Thiên, tôi thấy người ta bảo rằng sở dĩ bà làm hoàng đế vì bà có một ngôi sao chiếu mệnh  và cũng đã nhiều lần tôi nhìn lên bầu trời để xem đâu là ngôi sao chiếu mệnh của mình nhưng tuyệt nhiên không thể biết được.
Tôi không phải là nhà chiêm tinh. Tôi chỉ biết đâu đó trên bầu trời có một chòm sao gọi là sao Sư tử tượng trưng cho thời gian mà tôi sinh ra theo cách nói của người phương Tây. Tôi tự hỏi rằng trên thế giới có mấy trăm triệu người sinh ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy và mỗi người lại có một số phận khác nhau thì liệu có cái gọi là số phận chung cho những người thuộc chòm sao Sư tử không?
Có lẽ vũ trụ vẫn là một ẩn số đầy thú vị với con người và nếu quên đi tính khoa học của nó, những người yêu nhau sẽ tưởng tượng thấy mình đang ngồi dưới một vòm xanh khổng lồ được trang trí bằng những chiếc đèn nhấp nháy. Con người và tự nhiên có thể sống chan hòa với nhau như vậy đấy. Thỉnh thoảng, trong màn đèn nhấp nháy lại có những đốm sáng vụt sáng qua bầu trời rồi vụt tắt. Đừng cầu nguyện gì cả bởi tôi đã từng thấy cả nhiều trận mưa sao băng. Đó đơn giản chỉ là một món quà khổng lồ mà thiên nhiên ban tặng cho con người.
Từ đêm đen của thời gian, con người đã đăm đắm nhìn lên bầu trời, cật vấn nó, thi vị hóa nó và thậm chí còn bi kịch hóa nó.
Mọi thứ trong vũ trụ đều thay đổi, vận động và có một lịch sử.
Vũ trụ có điểm bắt đầu, có hiện tại và sẽ có một tương lai.
Ngay cả các ngôi sao cũng không vĩnh viễn, chúng sinh ra, sống trọn cuộc đời của mình, rồi chết. (*)
Có lẽ đọc đoạn viết này, người ta sẽ tưởng như thấy mình đang đi lạc đâu đó vào thế giới văn chương  chứ không nghĩ rằng mình đang đọc một cuốn sách khoa học về bầu trời và các vì sao. Tác giả đã đưa khoa học và văn chương xích lại gần nhau hơn và lôi cuốn mọi đối tượng độc giả. Tôi thầm ganh tỵ với các bạn trẻ Việt Nam, những người đang được hoặc có quyền được sở hữu quyển sách này. Thế nhưng nếu cho tôi lựa chọn giữa một trong hai cuốn sách: Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao với cuốn Năm mùa yêu thương để đặt lên kệ sách nhà mình thì tôi lại muốn có cuốn Năm mùa yêu thương hơn bởi, do và vì…

Một lần tình cờ tìm kiếm một món ăn nào đó, tôi đã lạc vào blog của chị Khai Tâm và không lâu sau đó thì được biết chị là tác giả của cuốn sách Năm mùa yêu thương vừa được Nhã Nam xuất bản. Giá như ở Việt Nam lúc này, tôi đã chạy đi mua ngay cho mình một cuốn bởi qua những lời giới thiệu, qua những đoạn trích và qua blog chị, tôi hiểu mình cần nó đến thế nào.
Điều quan trọng nhất trong nấu ăn không phải là dụng cụ, mà là lòng ao ước làm ra những món ăn ngon để người khác thưởng thức.
Lòng ao ước đó có lẽ chỉ xuất hiện khi người ta quan tâm và yêu mến nhau. Những món ăn trong gia đình, cũng như những cây đinh nhỏ bé trong chiếc bàn, lặng lẽ gắn kết mọi thứ. (**)
 Tôi không phải là người nấu ăn nhiều bởi nhiều năm ở ký túc xá và nhiều năm đi ở trọ khiến ham muốn đó của tôi bị chững lại. Thế nhưng lúc nào tôi cũng khao khát được tự tay làm món gì đó, được nấu món gì đó cho người mà mình yêu thương. Và cho tới giờ phút này, cũng chỉ có một người “dưng” duy nhất “bị” ăn những đồ ăn do tôi nấu theo đúng nghĩa là một bữa cơm hoàn chỉnh. Và chính tôi cũng thường cảm động khi ăn những món ăn người khác nấu dành cho mình.
Không chỉ là những món ăn mà ngay cả những món quà tự tay làm cũng sống dậy trong tôi một cảm xúc đặc biệt. Nếu ai đó đã từng trải qua khoảnh khắc từng ngày, từng giờ làm một món quà nào đó để tặng cho người mình yêu thương thì sẽ hiểu những khoảnh khắc thú vị này. Và món quà không còn đơn thuần là sự kết tinh của các chất liệu thô cứng nữa mà kết tinh nhiều từ nỗi nhớ, từ tình yêu thương mà ta muốn dành cho người đó.  Nếu bạn đi mua một món quà để dành tặng cho người mình yêu thương thì bạn sẽ nhớ đến người đó trong phút giây bạn lựa chọn món quà. Còn nếu bạn tự tay làm quà tặng cho người mình yêu thương thì bạn sẽ nghĩ về người đó với khoảng thời gian lâu hơn, dài hơn. Tôi nghĩ, đây cũng là một cách khá thú vị để duy trì tình cảm của chính bạn.
Những chiếc bánh xinh xinh gói trong từng túi nhỏ sẽ là món quà vặt thú vị của mẹ gửi gắm theo chân các con đến trường, cùng bạn bè ăn vào giờ nghỉ. Những chiếc bánh cùng con những buổi tan học, ngồi vắt vẻo sau xe bố mẹ trên đường về mỗi buổi chiều. Những chiếc bánh theo chân bố đi công tác, lót dạ những khi xa nhà. Những chiếc bánh góp vui ngày sum họp gia đình, mang sứ mệnh gửi gắm, truyền tải thông điệp yêu thương.(**)
Với tôi, thiên chức tuyệt vời nhất của người phụ nữ là làm vợ và làm mẹ. Còn gì tuyệt vời hơn khi chăm sóc cho những người mình yêu thương bằng những tình cảm ngọt ngào, những món ăn do chính tay mình nấu. Có thể nhiều người sẽ phản đối, sẽ đòi công bằng ở việc bếp núc và đi làm. Còn tôi, vì chưa có gia đình nên không chắc chắn lắm với những điều mình đã nghĩ nhưng chính những trang viết trong “Năm mùa yêu thương” của chị Khai Tâm đã khiến cho tôi yên tâm hơn rằng: dù làm bất kỳ công việc gì, chỉ cần đem đến hạnh phúc cho người mình yêu thương và làm với tất cả tình yêu thương thì mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng. Bếp núc không còn là gánh nặng của người phụ nữ nữa mà trở thành nơi để sưởi ấm, nơi để sáng tạo cho những khát khao đem đến những bất ngờ, những điều thú vị cho chồng, cho con bên bàn ăn hàng ngày. Có lẽ vì thế, những chiếc bánh, những món ăn chị Khai Tâm làm bao giờ trông cũng lung linh, bắt mắt và khiến người ta muốn về nhà ăn cơm hơn. Nấu ăn cũng là một nghệ thuật.
Tuổi thơ của các con rồi sẽ dần qua, cha mẹ rồi cũng sẽ dần già đi, nhưng dù năm tháng xóa mờ nhiều ký ức, bất cứ khi nào ngoảnh mặt lại, hy vọng tất cả các thành viên đều sẽ cảm nhận được hương vị của gia đình, hương vị của hạnh phúc và tình yêu. (**)
Chắc hẳn không ít người luống tuổi khi đọc đoạn viết này sẽ cảm thấy tiếc nuối nếu họ chưa cho đủ yêu thương cho tới ngày con cái trưởng thành. Còn mẹ tôi, khi đọc đến đoạn này thì chắc sẽ thấy hãnh diện vì không chỉ là hương vị của món ăn dành cho các con, mà tự tay mẹ còn làm nhiều, nhiều thứ cho các con nữa.
Và có lẽ tình yêu thương, hơi ấm của bếp Rùa lan tỏa đến mức ấm cả cỏ cây và ấm cả mùa đông.
Vườn nhà mình đã được dọn sạch vào cuối tuần, củ hoa đã được đưa trở về đất từ cách đây cả tháng, bắt đầu quá trình "ngủ đông"….(**)
Khi đọc câu này, tôi tưởng như thấy mình đang quay trở về cuốn Bốn mùa trời và đất của Marai Sandor với những hình ảnh thật giản dị nhưng cuốn hút: Tháng tư là mùa củ cải và hành non, cũng như tháng Bảy là mùa hoa hồng và tháng Mười hai là mùa văn chương vậy. Mùa củ cải cũng đầy thi hứng và vui như ngày hội..
Và chị lại viết tiếp về mùa đông của mình:
Bữa cơm mùa đông có thể thiếu người nếu như lịch của bố quá bận rộn. Nhưng bữa tráng miệng buổi tối thường cùng nhau. Tối nay bố bảo "Thèm ăn cái gì đó nóng mà có nước". Mẹ gợi ý "Bánh trôi nước đường gừng", bố bảo "Thế thì lại phải nhai". Mẹ phì cười, "Bố đã qua tuổi cần được ăn cơm búng rồi đấy ạ!". Một tín hiệu cho thấy ai đó được chiều quá đà.
Những câu chuyện nhỏ này có thể bắt gặp ở bất kỳ gia đình nào, vậy mà khi vào Bếp Rùa lại trở thành những hình ảnh cực kỳ đáng yêu và đáng ganh tỵ cho nhiều người. Và tôi nghĩ chỉ cần thế thôi sẽ lấy đi không ít nước mắt của độc giả hay thổi bùng lên cho họ ngọn lửa của yêu thương.
Hai cuốn sách viết về hai vấn đề khác nhau với hai đối tượng khác nhau tình cờ xuất hiện ở cùng thời điểm làm tôi thấy khá bất ngờ và thú vị. Họ, chẳng ai là nhà văn cả. Một người là giáo sư thiên văn học, chuyên nghiên cứu bầu trời và các vì sao còn một người là nhà nội trợ, ở nhà nấu nướng, chăm chồng chăm con. Hai quyển sách này đơn giản là chỉ chia sẻ về những gì họ nghiên cứu được hoặc công việc mà họ đang làm vậy mà lại khiến cho nhiều người cầm bút viết văn phải cảm thấy hổ thẹn. Tôi nghĩ đã đến lúc mọi người phải có cái nhìn khác hơn về văn chương. Văn chương suy cho cùng cũng chỉ để thấu cảm trái tim con người. Người ta luôn đặt ra những câu hỏi: sau hậu hậu hiện đại văn chương sẽ đi đâu hay có phải văn chương đang lâm nguy…Theo tôi,  đừng nên đi tìm văn chương ở những cái gì quá xa vời, đừng viết những điều mà người ta vốn dĩ phải mất hàng chục, hàng trăm năm mới hiểu vì thời đại bây giờ có quá nhiều thứ khiến con người phải tìm hiểu rồi và chỉ có văn chương mới là phương tiện cứu cánh cho chính họ.  Văn chương bây giờ  nên là văn chương theo kiểu Saroyan ngày trước: Tôi không có ý lãnh giải Pulitzer hay giải Nobel hay bất cứ giải thưởng nào khác, tôi ngồi đây trong gian phòng nhỏ bé, viết một bức thư gửi những người tầm thường và bằng một ngôn ngữ giản dị đơn sơ, tôi kể cho họ nghe những điều họ đã biết rồi. (***)
Ai cũng có thể kể cho người khác nghe những câu chuyện mà họ đều biết rồi và do đó ai cũng có thể trở thành nhà văn bởi những câu chuyện riêng của mình. Văn chương bây giờ là văn chương hòa chung với các lĩnh vực khác và danh xưng nhà văn cũng cần được hiểu thoáng hơn theo cách nói của Thiện từ mấy chục năm trước: Không ai thoát khỏi cái nghiệp nhà văn dù là một người không viết văn gì cả thì cái óc của kẻ ấy cũng viết văn. (***)
--------------------
(*): Trịnh Xuân Thuận, Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao
(**): Khai Tâm, Năm mùa yêu thương
(***): Phạm Công Thiện, Ý thức mới trong văn nghệ và triết học
 

6 nhận xét:

  1. hay quá. Nhưng cả hai cuốn đều mắc quá. Bh mới có tiền mua. Chúc em có những giờ đọc sách thú vị.

    Trả lờiXóa
  2. Cuốn "Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao" mới đắt, cuốn "Năm mùa yêu thương" đắt vừa vừa thôi.

    Trả lờiXóa
  3. người bạn lớnlúc 09:17 1 tháng 1, 2012

    Bất cứ một ngành, nghề nào nếu có tâm, có tầm đều trở thành nghệ thuật. Có những chương trình nghệ thuật lại chẳng có tý tẹo nghệ thuật nào. Năm mới chúc Lê Na vui, khỏe, đạt được nhiều thành tựu trong cuộc sống.

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn Người bạn lớn. Năm mới cũng xin chúc Người bạn lớn nhiều niềm vui, hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
  5. cam on chi, bai nhan xe't ve 2 cuo'n sach chi viet hay qua' a.

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...