Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Chuyện kể từ Đài Loan (11): Môn học cuối cùng

Lúc đi học, có nhiều môn học đạt số điểm tuyệt đối nhưng chúng ta hoàn toàn bình thản trước nó trong khi đó, một số môn đạt điểm số thấp hơn nhưng lại mang đến niềm vui trọn vẹn. Điều đó có nghĩa là tự bản thân chúng ta cũng nhận thấy được rằng, điểm số cao hay thấp đôi khi không quan trọng mà điểm số ấy có đánh giá được đúng nỗ lực của chính bản thân chúng ta hay không, có ghi nhận được sự tiến bộ của chúng ta trong học tập hay không và mức độ hiểu biết của chúng ta sau môn học ấy có nhiều hay không. Trường hợp của mình ở Đài Loan cũng vậy.

Môn học cuối cùng ở Đài Loan mà mình biết điểm là: "Nghệ thuật Âu Mỹ". Trong ba học kỳ học ở đây, chỉ có khoảng 4, 5 môn học là phải làm việc với cường độ dày đặc mới ra được kết quả cuối kỳ thì đây là một trong những môn học như thế. Môn học này có đến 4 bài tập về nhà, nhiều bài tập nhỏ và thảo luận trên lớp, một bài thi, một bài báo cáo cuối kỳ và tự thực hiện một tác phẩm nghệ thuật với một chủ đề thường gặp trong nghệ thuật đương đại. Chính vì phải làm việc với cường độ nhiều như vậy, nhiều lúc mình cũng cảm thấy stress, mỏi mệt nhưng đây là môn học mình học được nhiều nhất. Đó không chỉ là các thuật ngữ nghệ thuật, các nhân vật cổ điển trong hội họa, các trào lưu, trường phái nghệ thuật, các nhà soạn nhạc vĩ đại, các nghệ sĩ hiện đại có nhiều ảnh hưởng như: Jackson Pollock, Arshile Gorky, Edward Hopper, Willem de Kooning, Elaine Hans Hofmann....mà còn cả cách ra đề thi đầy hấp dẫn của giáo sư về lịch sử nghệ thuật bằng âm nhạc... Nó làm mọi thứ trở nên mềm mại và dễ chịu hơn rất nhiều. Bài cuối kỳ là tùy vào sự lựa chọn của mỗi sinh viên. Đó có thể là một bài báo cáo khoảng 15 trang hoặc làm một tác phẩm nghệ thuật về chủ đề nghệ thuật đương đại. Nếu viết báo cáo thì mỗi người làm một bài nhưng nếu thực hiện tác phẩm thì hai người cùng làm một tác phẩm. Mảng đề tài tụi mình phải thực hiện là: "Đời sống tinh thần - tâm linh", một mảng đề tài tương đối khó nuốt nên bạn trong nhóm đề nghị mình viết báo cáo. Tuy nhiên, công việc của mình vốn gắn liền với viết lách nhiều nên mình muốn làm một cái gì đó khác hơn và đỡ mất thời gian hơn vì càng cuối kỳ càng có nhiều việc phải làm. Kết quả, mình phải thực hiện tác phẩm nghệ thuật một mình. Đây cũng là mong muốn của mình bởi từ khi qua Đài Loan đến giờ, ngoài tham gia tổ chức triển lãm và đại hội nghệ thuật ra, mình chưa thực hiện bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào cả nên với môn học cuối cùng này, mình càng quyết tâm thực hiện. Các nhóm khác, vì các bạn không đồng quan điểm về làm tác phẩm nên cũng có vài bạn làm một mình.
Trong mảng đề tài Đời sống tinh thần - tâm linh, mình quan tâm đến thuật ngữ: Memento Mori và Vanitas. Đây là hai thuật ngữ rất phổ biến trong nghệ thuật và có nhiều tác phẩm làm về nó. Memento Mori gợi nhắc con người về Thời gian và Cái chết còn Vanitas gợi nhắc về tính chất phù du của cuộc đời. Có một tác phẩm nổi tiếng trong nghệ thuật đương đại làm về đề tài này là "For the Love of God" của Damien Hirst. Tác phẩm này là một chiếc đầu lâu được tạo nên bởi 8601 viên kim cương với ý tưởng: "bạn không thích cái chết nên bạn sẽ che giấu nó bằng một hình ảnh khác đẹp lung linh và do đó bạn có thể biến cái chết thành một cái gì đó khác để không phải sợ hãi". Tuy nhiên, tác phẩm này sau đó đã bị hàng loạt nghệ sĩ đương đại khác đem ra chế giễu vì tính thương mại của nó.
Tác phẩm cuối kỳ của mình cũng chọn làm về vấn đề này, tựa trên nguồn cảm hứng từ tác phẩm của Damien Hirst. Mình không có ý chế giễu nó, chỉ mình muốn làm một tác phẩm với ý tưởng hoàn toàn khác Damien trên cơ sở so sánh nó. Và tác phẩm "For the Love of Life" (Vì tình yêu Cuộc sống) đã ra đời. Đó là tác phẩm được làm bằng một chiếc khăn giấy, trên đó mình thêu hình một chiếc đầu lâu năm màu sắc. Mình chọn khăn giấy (chứ không phải kim cương) vì đó là một vật rất bình thường, có ích và được chúng ta sử dụng hàng ngày. Đó cũng là một vật rất mong manh, dễ rách nếu không cẩn thận, dễ phân hủy nếu gặp nước. Với mình, tất cả những thứ ấy đều có thể tượng trưng cho sự phù du của cuộc đời. Bên cạnh đó, việc chọn khăn giấy để làm chất liệu cho chiếc đầu lâu cũng ngược hẳn quan điểm với Hirst. Với mình, chất liệu làm nên mỗi cuộc đời không quan trọng, dù bạn được sinh ra từ kim cương hay chỉ là từ chiếc khăn giấy bình thường thì cũng như nhau cả thôi, điều quan trọng là bạn đã tự mình xây nên cuộc sống của chính mình như thế nào. Những viên kim cương dù chắc chắn đến đâu thì các chất kết dính của chúng cũng vô cùng lỏng lẻo, chỉ cần phá bỏ nó thì mọi thứ sẽ tan biến. Thế nhưng nếu lấy chiếc khăn giấy được thêu hình đầu lâu kia nhúng vào nước, giấy có thể tan ra nhưng những đường chỉ vẫn sẽ còn nguyên vẹn. Và những sợi chỉ này làm từ năm màu khác nhau này tượng trưng cho năm yếu tố tạo nên sự sống của văn hóa phương Đông: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.Con người có thể mất đi, nhưng những gì họ đã tạo dựng cho cuộc sống của chính mình có thể tồn tại cùng thời gian.
Ngoài yếu tố văn hóa phương Đông thì mình đã chọn thêu đường chữ thập để gợi nhắc đến biểu tượng của Thiên Chúa Giáo. Đó là sự hợp nhất giữa Đông và Tây, giữa văn hóa và tôn giáo. Và yếu tố tôn giáo trên nền sự sống ấy cũng gợi ra một vấn đề: Dù tin hay không tin, dù thế nào đi chăng nữa thì cuộc sống của chúng ta vẫn có sự hiện diện của tôn giáo bởi đó là liều thuốc an thần cho cuộc đời mỗi người.
Có một điều rất thú vị khi mình thực hiện tác phẩm này đó chính là sự trải nghiệm. Dĩ nhiên, đêm khuya một mình ở ký túc xá ngồi thêu đầu lâu thì cũng đáng sợ thật. Tuy nhiên, mình có một trải nghiệm khác, hào hứng hơn, đó là việc thêu trên khăn giấy bởi khi nói đến thêu là người ta chỉ nghĩ đến những mảnh vải thật mịn màng với chiếc khung căng. Vải càng căng ra, càng mịn thì thêu càng đẹp. Còn với giấy thì sao? Nếu là giấy thường, cố gắng lắm cũng sẽ thêu được dù không đẹp vì không thể căng nó lên khung. Còn nếu là khăn giấy thì sẽ lại càng khó khăn hơn rất nhiều vì vừa không thể căng lên khung, vừa sơ sẩy một chút là nó sẽ rách. Do đó, trải nghiệm sợ hãi của mình khi thực hiện nó cũng giống với trải nghiệm khi ta đối mặt với cái chết. Nếu thêu trên vải, thêu sai, chỉ bị rối, có thể cắt có thể tháo ra thêu lại. Tuy nhiên, thêu trên khăn giấy thì không thể. Nếu bị hỏng, sai coi như hư luôn tác phẩm. Điều này rất giống với cuộc đời. Chết là chấm hết. Dĩ nhiên, có thể có kiếp sau hay kiếp nào nữa thì nó sẽ ở trên một chiếc khăn giấy khác chứ không thể lặp lại trên chính chiếc khăn đã bị phá hủy.
Đó là tất cả những lý do cho tác phẩm "Vì tình yêu cuộc sống" của mình, tác phẩm này cùng những cố gắng khác đã đưa mình lên vị thứ đầu lớp cho môn học Nghệ thuật Âu Mỹ dù nhiều bạn lớp tốt nghiệp từ nghệ thuật, thiết kế, dù trong suốt quá trình học, các bạn được nghe giảng bằng tiếng Hoa còn mình không được nghe giảng bằng tiếng Anh, chỉ dựa vào các slide Power Point trên lớp. Và rõ ràng, dù 85/100 điểm không phải là điểm cao nhất của mình trong các môn học ở Đài Loan từ trước đến nay nhưng điểm số ấy cùng vị thứ ấy làm mình hài lòng nhất. Với mình, đó là kết quả hoàn hảo để môn học cuối cùng được kết thúc một cách trọn vẹn nhất tại Đài Loan này.

2 nhận xét:

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...