Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

GIỌT NƯỚC MẮT...ÂM THANH

Tôi muốn dành bài viết đầu năm cho một người nghệ sĩ mà tôi vô cùng yêu mến: Yanni, người nghệ sĩ có mái tóc dài, đôi mắt Ấn Độ và nụ cười tươi sáng. Dĩ nhiên, tôi không thể viết về lòng ngưỡng mộ của tôi đối với ông như thế nào vì công việc này quá thừa thãi. Tôi cũng không viết về tất cả những bản nhạc của Yanni mà tôi yêu thích vì tôi không đủ sức để làm công việc đó. Tôi chỉ muốn viết về cảm xúc của tôi chảy trong những nốt nhạc của Yanni hay nói cách khác âm nhạc của Yanni đã đi vào cuộc sống của tôi như thế nào mà thôi.
Nhà soạn nhạc nổi tiếng người Pháp Claude Debussy đã nói rằng: Âm nhạc là sự thể hiện chuyển động của nước, cuộc chơi của những đường cong được mô tả bởi những cơn gió nhẹ luôn thay đổi. Quả thực tôi đã cảm nhận được điều đó qua hai bản nhạc của Yanni là Adagio in C minorNightingale.
Bản Adagio in C bắt đầu bằng những tiết tấu nhẹ nhàng của bộ dây trong dàn nhạc giao hưởng. Âm thanh của những cây vĩ cầm như: violon, viola, violoncelle và contrebasse  tác động vào những sợi dây đàn uyển chuyển theo những nốt bấm trên tay người nghệ sĩ tạo thành những nốt nhạc êm ái nhưng cũng thật ấm áp. Có lẽ lúc này, tiếng contrebasse với âm thanh trầm nhất của bộ dây đang làm chủ âm của dàn nhạc. Ngay sau đó, tiếng đàn piano cất lên hòa cùng tất cả những loại nhạc cụ khác trong dàn nhạc giao hưởng khiến cho giai điệu của bản nhạc được vượt thoát và lòng người theo đó cũng nhẹ nhõm hơn. Người ta không tìm thấy tiếng đàn riêng lẻ mà là những nốt nhạc, những tiếng đàn của những loại nhạc cụ khác nhau trong một sự hòa âm tuyệt vời. Trái tim nghệ sĩ cũng hòa làm một. Trái tim khán giả cũng hòa làm một. Không một tiếng ồn ào, chỉ có tiếng nhạc được cất lên trên sân khấu và trong trái tim mọi người. Giai điệu nhẹ nhàng của Adagio in C minor đưa người ta đi qua các cung bậc cảm xúc. Người đau đớn có thể sẽ khóc, người hạnh phúc có thể sẽ cười và người cô đơn có thể tìm thấy được chút bình yên và tự tại. Đây là một trong những bản nhạc mà tôi có thể nghe đi nghe lại nhiều lần và có thể khóc dù không đau đớn. Nó khiến tôi nhớ lại từng chặng đường mà mình đi qua, những chặng đường mà mình đi bằng chính đôi chân của mình và không có những người bạn đồng hành. Chỉ có tôi, tiếng nhạc, âm thanh của cuộc sống.

Một bản nhạc khác cũng cùng kiểu giai điệu với Adagio in C minorNightingale. Nightingale có nghĩa là Chim họa mi nhưng theo lời của nhiều người, bản hòa tấu này còn hay hơn cả tiếng Chim họa mi hót. Bản nhạc được mở đầu bằng tiếng sáo với âm sắc êm, dịu dàng, giàu chất thơ và trong sáng. Sau khúc dạo đầu đầy ngọt ngào ấy, âm thanh của những nhạc cụ khác cũng được cất lên mà chủ âm là tiếng piano trong trẻo của Yanni. Tiếng sáo tạm thời ngừng một quãng và sau đó lại tiếp tục hòa âm với dàn nhạc. Tôi như nghe thấy tiếng chim họa mi đang cất cao tiếng hót đầy kiêu hãnh giữa thiên nhiên tươi sáng. Tiếng chim ấy nhẹ nhàng nhưng lôi cuốn đến nỗi tôi không biết phải dùng từ gì ở đây để diễn tả cảm xúc của mình bởi như Aldous Leonard Huxley đã nói: Sau sự im lặng, thứ thể hiện được nhất điều không thể diễn tả chính là âm nhạc. Và tôi đã khóc trên bản nhạc này rất nhiều lần. Đôi lúc, tôi muốn mình biến thành một chú chim bé nhỏ để có thể bay đến những vùng đất lạ, để kiếm tìm những trải nghiệm mới của cảm xúc. Đó có thể là trải nghiệm của tự do, của phiêu lưu, khám phá nhưng cũng có thể là trải nghiệm của nỗi nhớ, nỗi buồn, nỗi cô đơn của một chú chim lang thang. Dù giấc mơ ấy là viễn vông nhưng ít nhất, nhắm mắt lại theo bản nhạc này, tôi có thể thấy rằng, giấc mơ của mình đã thành sự thật. Bản nhạc thi thoảng được tách ra bởi những nhạc cụ riêng lẻ. Có khi tất cả mọi người cùng dừng lại để cho chỉ mỗi âm thanh của một chiếc đàn violon được tấu lên.  Lúc khác thì là âm thanh của chiếc đàn contrebasse. Cái hay của bản nhạc này chính là sự hòa nhập và tách rời một cách hết sức tinh tế.

Nếu bạn thuộc tuýp người sôi động, không muốn lắng lòng vì những giai điệu nhẹ nhàng thì hãy tìm đến album: In the celebration of the life. Đây là album đầu tiên của Yanni mà tôi được nghe. Hai bản nhạc tôi thích nhất trong album này là SantoriniWithin attraction. Santorini của Yanni là bản nhạc thường được xuất hiện trong những buổi lễ vinh danh hoặc lúc cô dâu- chú rể cùng tiến vào lễ đài. Đó là những nốt nhạc của hạnh phúc, của vinh quang và của chiến thắng. Santorini là tên của một hòn đảo ở Hy Lạp (quê hương Yanni), một hòn đảo được hình thành sau một vụ nổ núi lửa khổng lồ. Có lẽ giai điệu mạnh mẽ của bản nhạc này được tựa trên cảm hứng từ vùng đất ấy.


Tôi luôn tưởng tượng đến một ngày sẽ sánh đôi với ai đó trong cùng một bản nhạc của Yanni. Có lẽ khi ấy tôi đã tìm thấy được người bạn đồng hành của mình.Tôi không hy vọng ai đó sẽ hiểu tôi, chỉ cần đồng cảm và sẻ chia là đủ. Giờ đây, tôi chỉ nghe Yanni một mình, trong nỗi cô đơn của riêng mình, trên con đường chỉ có mình tôi đi, để khóc, để cười, để buồn, để vui một mình hay ít ra để được Catharsis như chữ dùng của Aristotle: sự thanh lọc tâm hồn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...