Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Tháng ba và Chopin

Tháng ba, bầu trời vẫn u ám và thời tiết vẫn lạnh lẽo như mùa đông chưa muốn nhượng lại ngôi vị cai trị thời tiết vào bàn tay những tia nắng ấm. Nó vẫn bao phủ khắp nơi bằng màn sương mù khiến những tòa nhà, những hàng cây xa tầm mắt chìm trong bầu không khí mờ mờ ảo ảo. Mùa đông muốn giấu tất cả mọi vật, bằng sương mù, bằng mưa phùn, bằng không khí lạnh và bằng tất cả những gì mà nó sở hữu để có thể được ở lại với cuộc đời. Chính vì lẽ đó, thời tiết tháng ba trở nên cực kỳ khó chịu.
Tháng ba, màu thời gian đổ dồn lên những cánh hoa anh đào bé nhỏ nhưng đầy kiêu hãnh. Những cánh hoa anh đào mong manh thách thức mùa đông. Dẫu cho mưa phùn có thấm đẫm làm những bông hoa phải cúi mình thì nhìn từ xa, cây anh đào lại bừng lên sức sống kỳ diệu. Sương mù có u ám, có bao quanh thì người ta vẫn nhìn thấy màu hồng rực rỡ nở từng chùm, ôm trọn cả thân cây. Những giọt mưa đọng lại trên cánh hoa nhẹ nhàng cùng nó rơi xuống mặt đất như đã làm tròn nhiệm vụ cuộc đời giao phó trong lặng lẽ.
Tháng ba, tôi đi thật chậm trong khuôn viên trường và dạo bước qua những con đường lớn. Thời gian trước mắt tôi đang trôi qua thật vội vã, với hàng đống công việc phải làm, cả ở Việt Nam, cả ở Đài Loan nhưng tôi không còn ở trong trạng thái căng thẳng và lo lắng như trước nữa. Mỗi ngày tôi đều dành cho mình tối thiểu 30 phút để đi dạo trong những bản nhạc êm ái, để thưởng thức cốc café tự pha, để viết những dòng vớ va vớ vẩn hay đơn giản là chẳng để làm gì cả. Tôi không có một phút nhìn lại mình mà có đến ba mươi phút sống cho mình. Chỉ cần mỗi ngày đều như thế, tôi cảm thấy thanh thản và bình an hơn nhiều.
Tháng ba, dẫu cho cuộc sống có muốn tô thêm nhiều điều tẻ nhạt và buồn bã thì vẫn phải dừng lại và lùi bước cho những tài năng âm nhạc. Tôi gọi tháng ba là tháng của những giai điệu cuộc sống. Chopin, thiên tài âm nhạc của thế giới đã sinh vào tháng này, mở đầu cho những chuỗi ngày liên tiếp thế giới được hòa mình trong những khúc ca lúc thì êm ả, nhẹ nhàng, khi thì thánh thót, du dương, hay đau đớn đến tột cùng.
Dù lịch sử không thể xác nhận được ngày sinh của Chopin là ngày 22 tháng 02 hay ngày 01 tháng 03 thì mùa này vẫn là thời gian thích hợp để sản sinh ra những thiên tài âm nhạc. Trịnh Công Sơn của chúng ta sinh ngày 28 tháng 02, Gioachino Antonio Rossini thiên tài âm nhạc của Ý sinh ngày 29 tháng 02, Johann Sebastian Bach, thiên tài âm nhạc Đức sinh ngày 21 tháng 03…Và tôi hiểu, Chopin cũng là lựa chọn của thời gian.
Tiếng nhạc của Chopin dù là preludes (dạo khúc), nortunes (dạ khúc), mazurkas (vũ khúc dân gian Ba Lan),  impromptus (khúc ứng tác) cũng đều là những tiếng lòng đầy tâm trạng, những giai điệu đầy da diết có sức mạnh hơn hàng triệu lời nói.
Tôi nhớ trong phim The Pianist, đạo diễn Roman Polanski đã sử dụng rất hiệu quả tiếng nhạc của thiên tài người Ba Lan này. Người xem chắc hẳn không thể nào quên được một trường đoạn dài dù có để lời thoại của nhân vật nhưng tiếng nhạc Chopin đã lấn át tất cả. Tiếng nhạc đi qua các khuôn hình vừa giận giữ, vừa oán than, vừa căm hờn, vừa đau đớn bi ai để khóc thương cho những thân phận người Do Thái bị Đức quốc xã cướp bóc, bắn giết. Người nhạc sĩ đầy tài năng ấy đã biến hóa những giai điệu vô hình thành lời dù không cần đến tiếng nói. Liệu trên đời, có mấy ai làm được điều kỳ diệu này?
Marai Sandor đã từng viết: "Một buổi sáng màu chì với đàn chim hải âu và những tiếng còi tàu thủy trong sương mù, tôi đi trên phố Bá tước Tisza Istvan, như người di cư trên boong một con tàu lớn cũ kỹ, mang trong tim những hồi ức đau đớn về xứ sở, trên cổ đeo một túi vải thô, trong có 75 đô la và một nắm đất quê hương". Nắm đất mà Sandor mang theo cũng là nắm đất mà Chopin gìn giữ suốt hai mươi năm trời trên đất khách: “Hãy mang trái tim tôi trở về với Tổ quốc! Và hãy rải lên nắp áo quan nắm đất của đất nước Ba Lan mà tôi đã giữ gìn như bảo vật suốt 20 năm trời xa xứ…”. Trái tim Chopin, nơi lưu giữ tình cảm mãnh liệt của thiên tài âm nhạc đã trở về quê hương để thắp sáng lên tình cảm của con người nói riêng, của đất nước Ba Lan nói chung. 
Với Chopin, bất kỳ người nghệ sĩ nào, dù là khả năng trời ban hay rèn luyện, nếu không cháy hết mình bằng trái tim thì tuyệt đối không thể thành thiên tài. Với Chopin, âm nhạc là tình cảm, là trái tim như Rubinstein đã nhận xét: “Âm nhạc của Chopin không kể chuyện hay vẽ một bức tranh. Nó biểu cảm và đầy tính bản thể, nhưng vẫn là nghệ thuật thuần khiết. Âm nhạc của Chopin là ngôn ngữ chung của nhân loại. Khi chơi Chopin, tôi biết rằng tôi đang giao cảm với trái tim con người”.
Một buổi chiều, tôi ngồi nghe Chopin trong nỗi xót xa về xứ sở dù chẳng mang theo bất kỳ nắm đất nào. 

2 nhận xét:

  1. Người bạn lớnlúc 08:11 1 tháng 3, 2012

    Bài viết hay, nhạc chọn cũng hay,người bạn lớn đang "sống cho mình" bản nhạc Lê Na chọn. Cảm ơn Lê Na.

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...