Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

NHỮNG MÔ TÍP TRONG PHIM GIÁNG SINH



Mô típ là những chi tiết, những yếu tố đơn giản nhất được lặp đi lặp lại trong một câu chuyện nào đó hay trong một bộ phim nào đó. Mặc dù đơn giản nhưng chúng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng đề tài hoặc cốt truyện của tác phẩm nghệ thuật.  Cùng chung một chủ đề là giáng sinh nên những bộ phim về giáng sinh luôn có những hình ảnh được lặp đi lặp lại như: ông già Noel, bông tuyết, hồn ma, món quà, đoàn tụ, gặp gỡ... để tạo nên bầu không khí của một mùa Noel ấm ấp. Những hình ảnh ấy có thể xuất hiện trong nhiều bộ phim khác nhau nhưng không bao giờ chúng chỉ có một ý nghĩa. Ở mỗi bộ phim, chúng có vai trò riêng nhất định để hòa vào mạch cảm xúc chung của câu chuyện, khơi gợi cho người xem những nguồn cảm hứng nhất định.

Ông già Noel
 Ông già Noel là hình tượng không thể thiếu trong lễ Giáng sinh. Do đó, nó cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều bộ phim mà Santa Claude (1994) và Polar Express (2004) là những bộ phim tiêu biểu. Ông già Noel trong phim Santa Claude là do Scott hóa thân thành một cách bất đắc dĩ bởi chính anh ta cũng không tin trên đời này thực sự có một người gọi là Santa Claude.  Và cả con trai anh ta cũng không tin điều đó. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ kỳ lại với một ông già Noel trong đêm khuya trên mái nhà với dòng chữ phía sau tấm card: Nếu có chuyện xảy ra với ta, hãy mặc bộ đồ này vào. Đàn tuần lộc sẽ biết phải làm gì đã buộc Scott và con trai phải đi phát quà cho trẻ em nghèo. Họ còn đến cả nơi sản xuất đồ chơi của ông già Noel. Khi hai cha con tỉnh dậy ở nhà, họ nhìn thấy bộ đồ ngủ màu đỏ có thêu dòng chữ S.C. Laura. Kết thúc phim, cậu bé Charlie, con trai của Scott không còn ở với bố nữa nhưng ông bố vẫn tiếp tục công việc của ông già Noel. Hình tượng ông già Noel trong phim vẫn là hình tượng chảy mãi trong tâm trí người xem, đan xen giữa ảo và thực. Dù bạn có tin rằng có ông già Noel thực hay không, điều đó không quan trọng mà hãy để con cái bạn tin vào điều ấy. Niềm tin vào những hình tượng cao cả và đẹp đẽ sẽ nuôi lớn tâm hồn cho dù cái được tin tưởng ấy hoàn toàn không có thực. Và rõ ràng, ông già Noel trong phim này đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình. Nếu như đầu phim cậu bé Chalie luôn luôn phản đối sự tồn tại của Santa Claus thì cuối phim cậu đã tin rằng có một ông già Noel thực sự trên đời. Ông già Noel còn mang đến cho người xem, đặc biệt là những ông bố thông điệp hết sức sâu sắc: ông già Noel không ở đâu xa mà từ chính bản thân của mỗi người bố vào dịp giáng sinh. Vậy thì tại sao những ông bố không hóa thân thành những ông già Noel để cho những đứa trẻ được đón một mùa giáng sinh vui vẻ, ấm áp và niềm tin sẽ được tựa trên cơ sở vững chắc?
Và hình tượng ông già Noel cũng được lặp lại trong một bộ phim hoạt hình The Polar Express (2004) dựa trên cuốn sách thiếu nhi cùng tên của Chris Van Allsburg. Bộ phim tiếp tục xây dựng trên ý tưởng niềm tin về ông già Noel: có thực hay không có thực. Tuy nhiên, ngay từ đầu phim, cậu bé Billy đã tin rằng có ông già Noel tồn tại trên đời trong khi xung quanh cậu chẳng ai tin vào điều đó. Và Billy đã không thất vọng khi cùng với đoàn tàu và ông già Noel du hành lên Bắc cực trong đêm giáng sinh. Ông già Noel xuất hiện trong câu chuyện này như một sự củng cố niềm tin chắc chắn cho Billy đồng thời cũng là một ấn tượng đẹp đẽ khó phai mờ trong ký ức của chúng ta về truyền thuyết ông già Noel.
Hồn ma
Giáng sinh không chỉ có Chúa, thiên sứ, ông già Noel mà còn có rất nhiều hồn ma. Tuy nhiên, hồn ma trong những bộ phim Giáng sinh không hề làm cho người xem quá kinh hãi mà trái lại, chúng giúp đã góp phần khẳng định sự thiêng liêng của ngày lễ này. Bộ phim The Nightmare Before Christmas là sự gặp gỡ của hai ngày lễ quan trọng đối với người phương Tây, đó là: Halloween và Christmas. Người lãnh đạo của ngày lễ Halloween là vua Bí Ngô Jack Skellington tình cờ bắt gặp cánh cửa dẫn đến Christmastown từ một cái cây. Ngay lập tức, ông ta bị hấp dẫn bởi sự nhộn nhịp tại vùng đất mới mẻ này. Ông đã bắt cóc ông già Noel và tự mình mặc trang phục đỏ, đeo râu dài, đi phát quà cho mọi người. Tuy nhiên, những người nhận quà vô cùng khiếp sợ trước  hình ảnh ma quái của Jack: ba bộ xương, cái đầu lúc lắc, con rắn…Cuối cùng, Jack đã nhận ra mình không thể làm thay công việc của ông già Noel nên đã giải thoát cho ông để trở lại làm vua Bí Ngô. 
Cũng là mô típ hồn ma nhưng bộ phim A Christmas Carol lại lấy luôn ý tưởng hồn ma chính là hóa thân của ngày lễ Noel. Đây là bộ phim dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Charles Dickens. Ba hồn ma: Giáng sinh quá khứ, Giáng sinh hiện tại và Giáng sinh tương lai đã thay đổi tính tình của Ebezener Scrooger bằng cách gợi mở cho ông những hình ảnh của chính mình trong ngày lễ Giáng sinh. Những hồn ma trong phim không hề làm người xem sợ hãi bởi chúng chính là lễ Noel, là những hồn ma có thể giúp chúng ta có những giây phút nhìn lại chính mình. Rõ ràng, quá khứ của Scrooger không hề xa lạ với bất cứ người nào. Nhìn về quá khứ và hướng đến tương lai qua những hình ảnh chỉ diễn ra trong ngày lễ giáng sinh là một sự liên kết tuyệt vời bởi nó tượng trưng cho sự qua đi của thời gian.
Món quà giáng sinh
Có thể nói, bản thân của mỗi một bộ phim giáng sinh chính là món quà tuyệt vời cho khán giả bởi những thông điệp yêu thương ẩn chứa trong đó. Tuy nhiên, mô típ món quà giáng sinh là mô típ xuất hiện thông qua chính các nhân vật trong phim. Đó có thể là món quà hiện hữu hay vô hình, có thể là món quà được nhận hoặc chưa được nhận nhưng tất cả đều có tác động tích cực đến những nhân vật trong phim.
Cậu bé Ralphie trong bộ phim: A Christmas Story khát khao một khẩu súng nhưng chẳng ai tặng cậu bởi vì đối với người lớn, nó quá nguy hiểm. Cậu đã dành nhiều tâm huyết để viết bài luận trả lời cho câu hỏi: Em muốn được tặng quà gì vào ngày Noel?  thì lại nhận ngay điểm C+ thay cho điểm A+ mà cậu đã mơ mộng trước đó. Sự khát khao món quà là một khẩu súng cũng khiến cho cậu bé Ralphie hiền lành, yếu ớt có sự phản kháng mạnh mẽ. Cậu lao vào đánh bạn bè, những người chế nhạo bài luận viết về khẩu súng của cậu. Không chỉ có vậy, món quà trong bộ phim này còn thể hiện sự trái ngược trong suy nghĩ của người lớn và trẻ con mặc dù: Tất cả mọi người lớn lúc đầu đều là những em bé (Hoàng tử bé, A.Exupery). Trẻ con có thể có những sở thích không giống như những đứa trẻ cùng trang lứa, có thể thích những thứ chỉ có người lớn mới có thể sử dụng. Tuy nhiên, dù chúng có thích gì đi chăng nữa thì lý do của chúng cũng rất hồn nhiên, trong trẻo. Cậu bé Ralphie thích khẩu súng không phải để bắn nhau, không phải vì bạo lực mà đơn giản chỉ bởi cậu muốn bảo vệ gia đình bằng chính khẩu súng đó mà thôi. Rõ ràng đâu là một lý do thật đáng yêu.
Một món quà giáng sinh trong một bộ phim khác tuy không được thể hiện bằng một vật cụ thể nhưng lại có hiệu ứng vô cùng đặc biệt, đó là món quà trong bộ phim: It’s a wonderful life. Nói  cách khác, món quà trong bộ phim này đúng như cái tên mà nó chuyển thể: Món quà vĩ đại nhất (The greatest gitf). George Bailey, người thương gia giàu có và tốt bụng gặp phải một biến cố không thể nào vượt qua được nên anh ta quyết định tự tử vào đêm giáng sinh năm 1946. Thiên thần Clarence, một thiên thần rất hiểu Bailey đã nhảy xuống nước trước để buộc anh ta nhảy xuống cứu mình và quên đi ý định tự tử. Không chỉ có vậy, thiên thần còn cho anh ta thấy cuộc sống ở Thị trấn Bedford Falls “nếu không có George Bailey”. Đó chính là món quà vô cùng ý nghĩa mà thiên thần Clarence đã tặng cho Bailey vì nhờ đó mà anh nhận ra vai trò của chính mình trong cuộc đời này như lời nói của thiên thần: Cuộc sống của mỗi con người chạm đến cuộc sống của rất nhiều người khác. Nếu anh ta không xuất hiện trên đời thì sẽ để lại một lỗ hổng lớn không bao giờ bù đắp được...  
Có thể thấy, dù có những mô típ gì thì phim Giáng sinh cũng luôn mang đến người xem nguồn năng lượng dồi dào, khát khao sống và khát khao hoàn thiện mình. Những mô típ, những yếu tố được lặp lại trong những bộ phim Giáng sinh khác nhau rõ ràng có những vai trò khác nhau. Do đó, chúng ta có thể nói: mô típ trong những bộ phim giáng sinh luôn luôn cũ mà mới.

6 nhận xét:

  1. Em ơi, The Polar Express không phải là tiểu thuyết nha em.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Là sách thiếu nhi chị à. Bài này em viết cách đây 2 năm, lúc đó cũng chỉ xem phim chứ chưa check thông tin chuyển thể của nó, giờ nhân dịp Giáng sinh em post lại mà ko để ý. Cảm ơn chị nhiều nhé.

      Xóa
  2. Quyển này đã được Nhã Nam dịch ra tiếng Việt đó và Chris Van Allsburg thì là một cây đại thụ trong làng children book nhen.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hehe, giá mà em cũng làm công việc toàn liên quan đến sách thiếu nhi như chị :)

      Xóa
  3. Hehe sai lầm rồi em ạ. Chị làm công việc liên quan đến community development chứ không phải children literature :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhưng mà em thấy rất liên quan.^^ Tự dưng cứ thấy cái gì có liên quan đến văn học thiếu nhi, hội họa về trẻ em...lại nhớ đến chị. Hihi. Ít ra là có cảm hứng mà chị :P

      Xóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...