Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Tạm biệt 2012

Sẽ không có những sự kiện tiêu biểu cho năm qua cũng như không có những kế hoạch hay mục tiêu gì cụ thể cho năm mới, mình chỉ nương theo cuộc sống, làm những việc mà bản thân thôi thúc và mong muốn được làm nhất.
Những ngày cuối năm, mình đã có một buổi kiểm tra đầy thú vị với môn: "Nghệ thuật Âu Mỹ". Câu đầu tiên là cảm nhận hai đoạn nhạc để viết về những giai đoạn khác nhau trong lịch sử nghệ thuật phương Tây. Khi đoạn nhạc thứ nhất vừa cất lên, mình nghĩ ngay đến: "Canon in D" của Pachelbel. Thế nhưng vì đây là một bản nhạc được sử dụng phổ biến trong các đám cưới nên mình đã nhầm lẫn nó với "Marrige D amour". Dĩ nhiên, tên gọi và thậm chí tên nhạc sĩ cũng chẳng ảnh hưởng đến câu hỏi, miễn sao cảm nhận và viết đúng về những giai đoạn khác nhau trong lịch sử nghệ thuật là được. Đây là đề thi khiến mình cảm thấy hứng thú nhất từ trước đến giờ.
Những ngày cuối năm, xem hai bộ phim khiến cho mình có hai ám ảnh khác nhau. Nếu như "Rang De Basanti (Paint it Yellow)" năm 2006 của Bollywood là bộ phim theo kiểu "Phim trong phim", là thực tế cuộc sống khắc nghiệt của nền chính trị độc tài ở Ấn Độ không khác gì với thời thuộc địa của Anh thì "Tình yêu" của Haneke lại cho mình một ám ảnh khác, ám ảnh về tình yêu, về cái chết, về những ẩn ức tâm lý của con người và ám ảnh về chính cách làm phim của vị đạo diễn tài ba này. Mình muốn thốt lên rằng: "Hỡi các nhà làm phim trẻ, làm ơn học tập lấy các nhà làm phim vĩ đại, học tập lấy các họa sĩ vĩ đại và học tập các nhạc sĩ vĩ đại để cống hiến cho điện ảnh những bộ phim có bố cục, màu sắc, ánh sáng và âm nhạc thực sự mang "chất điện ảnh". Bạn muốn mình cũng khổng lồ thì hãy làm ơn đứng trên vai những người khổng lồ ấy." Rõ ràng mình đã nhìn thấy đâu đó trong bộ phim này những bức hội họa của Vilhelm Hammershøi, như những tông màu trầm lặng dù cho những bức tranh xuất hiện trong phim là những tác phẩm hội họa thế kỷ 18 chứ không phải của họa sĩ người Đan Mạch này. Bộ phim này cũng như những bộ phim khác của Ozu, luôn thôi thúc mình khát khao muốn viết, viết ra những điều mình cảm thấy thú vị, viết ra những điều mình đã và đang bị ám ảnh. Cái chết và tuổi tác trong bộ phim chắc hẳn cũng sẽ gợi cho nhiều người nhớ đến tác phẩm "Sự bất tử" của Milan Kundera: "Có lẽ chúng ta ý thức về tuổi tác chỉ ở những khoảnh khắc đặc biệt, hầu hết thời gian chúng ta là vô tuổi".
Những ngày cuối năm, mình đã tham gia tiệc liên hoan tất niên với các bạn sinh viên Việt Nam trong trường, được ăn bánh chưng sớm, được thưởng thức hương vị Việt Nam mà rất lâu rồi mình mới có dịp nếm lại. Bữa tiệc đã diễn ra trong giá rét 8 độ C nhưng với sự có mặt của gần 30 người thì dường như mùa đông đã không len được qua ô cửa nhỏ.
Năm 2012 sắp khép lại. Dẫu cho năm qua đã có rất nhiều giọt nước mắt rơi, có rất nhiều nỗi buồn và không ít lần tuyệt vọng...thì tất cả cũng sắp khép lại như một sự trải nghiệm của cuộc sống. Đôi lúc phải nhờ vào những trải nghiệm ấy con người ta mới thấy trân trọng hơn những điều mình đang có. 
Này nhé 2012 hãy ở lại. Bấm nút play cho bản nhạc "Canon in D" như một lời tạm biệt và chào đón một năm mới sắp sang...
 

3 nhận xét:

  1. ...'nương theo cuộc sống' thì không chỉ là 'làm những việc mà bản thân thôi thúc và mong muốn được làm nhất' mà cũng còn phải biết cách chấp nhận 'làm những việc mà bản thân không thích và không mong muốn làm nhất'... Nếu 'nương theo cuộc sống' thì sẽ không còn 'có nước mắt rơi, không còn có nhiều nỗi buồn và tuyệt vọng'... 'nương theo cuộc sống' sẽ có được khi 'em hồn nhiên, rồi em sẽ bình yên'... Một lời 'Tạm biệt' rất nice và nhạc cũng rất hay. Happy New Year bạn nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn. "Nương theo cuộc sống" ở đây là cái gì đến sẽ đến, là để mọi chuyện diễn ra tự nhiên...còn cuộc sống vốn rất phức tạp mà. Chúc bạn năm mới nhiều niềm vui.

      Xóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...