Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

In the mood for love

Trong một buổi dạy kỹ thuật viết kịch bản ngắn ngủi cho sinh viên khoa Văn, tôi đã cho các em xem một số cảnh trong phim "Tâm trạng khi yêu" của Vương Gia Vệ. Với những người còn non nớt về việc cảm thụ tác phẩm điện ảnh thì phim của Vương Gia Vệ quả là thách thức không nhỏ, nhất là về mặt kịch bản. Thế nhưng, để hiểu điện ảnh là gì thì cần phải xem phim ông ấy. Có như vậy, các bạn sinh viên mới hiểu được ý nghĩa chuyển tải của hình ảnh trong phim và không sa đà vào viết thoại quá nhiều hay kể lể. Mặt khác, những câu thoại trong phim Vương Gia Vệ cũng khá tinh tế, dù đôi khi có hơi cường điệu nhưng rất giàu hình ảnh.

Khi Châu Mộ Văn (Lương Triều Vỹ đóng) gặp Tô Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc đóng) có buổi hẹn lần đầu tiên, họ nói về chuyện ngoại tình của vợ và chồng của họ thông qua câu chuyện về chiếc caravat và chiếc túi xách. Thế nhưng họ đều hiểu được điều mà đối phương muốn nói mà không cần phải đi thẳng vào vấn đề. Đó chính là sự thông minh và tinh tế của biên kịch. Mỗi câu thoại đều ẩn chứa một vấn đề nào đó và luôn có cách ứng xử khác biệt trước mọi tình huống. Điều này cũng cho thấy được tại sao anh Châu và cô Tô lại yêu nhau. Ở họ không chỉ có cảnh ngộ giống nhau mà còn thật sự rất hiểu nhau, có thể cảm thông, chia sẻ cho nhau. Tình yêu của họ là tình yêu của những người đã trưởng thành chứ không phải là kiểu tình cảm tâng bốc nhau bằng những lời lẽ tán tỉnh. Điều này lại làm cho bộ phim chất chứa nhiều nỗi niềm, tâm trạng, nhiều cảm xúc không thể diễn tả bằng lời.

 "Khi người ta có những bí mật không muốn chia sẻ...thì họ lên 1 ngọn núi...tìm một gốc cây và đục lỗ trong đó...và thì thầm bí mật đó vào trong lỗ. Sau đó lấy đất lấp lại. Cách đó, không ai khám phá được bí mật đó."

Có đôi lúc tôi cũng muốn tìm một gốc cây, một bờ tường...để thì thầm những lời nói từ trái tim mình vào đó. Thế nhưng, Vương Gia Vệ làm phim không phải để mọi người vướng mắc vào tình thế như các nhân vật của ông ấy mà chỉ để đồng cảm với tâm trạng mà các nhân vật đã trải qua. 

Tôi ước sao một ngày nào đó sẽ đến Campuchia, sẽ có cơ hội nhìn thấy những bối cảnh trong phim Vương Gia Vệ như tôi đã xúc động khi nhìn thấy bối cảnh phim "Tình yêu muôn năm" của Thái Minh Lượng hay một số cảnh khác trong phim Hầu Hiếu Hiền ở Đài Loan. Đó là cách khiến cho tôi cảm thấy được sống, được trải nghiệm những phút giây điện ảnh ngoài đời thực và được hân hoan kết nối cuộc sống của chính mình với điện ảnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...