Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

"Ra đi là để trở về" hay những ghi chép về Đài Loan (1)


Anh có đi cùng em
Đến những miền đất lạ
Đến những mùa hái quả
Đến những ngày thương yêu
(Xuân Quỳnh)

Một năm trước, tôi mang trên mình hành trang của người lần đầu tiên rời khỏi đất nước. Dĩ nhiên, tôi có thể chọn cách ở lại nếu muốn bởi suốt hơn một năm trước đó tôi cũng đã sống cuộc sống tạm bợ của người đi xa. Mà nếu nói hơn một năm trước đó thì cũng không đúng lắm vì tôi rời khỏi quê nhà khi 18 tuổi và từ đó, tôi sống bằng cuộc sống của người đi xa.
Ngày 4 tháng 9 năm 2011, tôi, 25 tuổi, rời khỏi Việt Nam và lên đường sang Đài Loan  để khám phá về một vùng đất mới, vùng đất mà trong ý nghĩ của tôi, của những người Việt Nam khác và thậm chí là của người Đài Loan, đó là nơi dành cho những người lao động và những cô dâu Việt. Nếu tình cờ trò chuyện với một người Đài Loan trên tàu, họ sẽ chỉ có thể cho bạn hai lựa chọn: bạn sang đây để kết hôn hay lao động? Và như thế, dù không có ác ý nào trong câu hỏi trên thì tự bản thân chúng ta cũng cảm thấy mình thua thiệt quá nhiều so với nước khác. Chung quy lại cũng là vì kinh tế. Chỉ vì kinh tế, hàng loạt người Việt Nam mới đi xuất khẩu lao động bởi giá trị lao động của họ ở nước ngoài cao hơn trong nước. Chỉ vì kinh tế, hàng loạt các cô gái trẻ mới đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc mà không biết rằng, cuộc sống của họ ở nơi xa Tổ quốc còn cơ cực hơn gấp mấy chục lần.
8 giờ tối ngày 4 tháng 9 năm 2011, máy bay Vietnam Airlines chuẩn bị hạ cánh. Dưới mắt tôi, Đài Bắc nhấp nháy trong ánh đèn. Thế nhưng “bầu trời ngược” ấy không rực rỡ như thành phố Hồ Chí Minh bởi nhà cửa của họ không san sát và cây cối có vẻ nhiều hơn. Những ánh đèn nhấp nháy trong lặng lẽ khiến tôi bắt đầu cảm thấy buồn, cứ như thể những chỗ tối của thành phố bao lấy tôi tạo thành những khoảng trống trong lòng, không gì bù đắp được.
Lần đầu tiên đặt chân đến sân bay quốc tế Đào Viên, mọi thứ với tôi đều ngỡ ngàng, ngỡ ngàng trong từng con đường bước qua, trong những bờ tường cao ngất và ngỡ ngàng đến cả tờ đơn xin nhập cảnh. Tôi phải lúng túng giải thích một hồi với nhân viên an ninh sân bay mới xin được tờ giấy đó và chờ xếp hàng. Lấy hành lý ra khỏi sân bay, tôi không khỏi ngạc nhiên vì mọi thủ tục lại nhanh chóng và dễ dàng đến vậy. Chẳng có người nào đứng để kiểm tra xem mã số hành lý với mã số trên vé máy bay của tôi có khớp không.
Người tài xế lái xe dịch vụ đưa đón do trường đăng ký đã đứng chờ tôi ở ngoài cửa ra vào với biển đề tên. Tôi xin lỗi vì để ông ấy đợi lâu và lên xe về trường. Lần này, đường phố Đài Loan hiện ra trước mắt tôi rõ mồn một. Chỉ mới chín giờ tối mà hầu như các cửa hiệu đều đóng cửa và tắt bớt đèn. Riêng đèn gắn dưới mặt đường từ sân bay trở về thì lại bật sáng xanh như chiếc cầu Ánh Sao bên quận 7. Các biển báo đều bằng tiếng Hoa trở nên lạ lẫm với tôi hơn bao giờ hết, đến nỗi tôi phải reo lên khi tình cờ nhìn thấy biển báo: "Thu Thủy – chuyên kinh doanh quần áo thời trang cao cấp" trên một con đường Đài Loan khi đi ăn tối với lớp. Các biển hiệu vô tri vô giác biến tôi thành một kẻ lạc lõng.
Ở Đài Loan, mua sim điện thoại cực kỳ khó nên đêm đầu tiên ấy chính là nỗi cực hình đối với tôi. Không điện thoại, không internet, không một người thân bên cạnh, không một tiếng mẹ đẻ nào hiện hữu. Giá như trước mắt tôi lúc đó có một chuyến bay đưa về Việt Nam, tôi sẽ leo lên ngay lập tức mà không cần phải suy nghĩ. 
Tất cả mọi cảm xúc trong đêm ấy vỡ òa ra khi vừa mượn được máy tính của một người bạn cùng trường thì nhìn thấy những lời hỏi thăm của anh xuất hiện trước màn hình. Và câu hỏi mà tôi đã đặt ra trong suốt thời gian ở nơi này là: làm sao tôi có thể chịu đựng được sự vắng mặt của mình trong suốt gần hai năm trời bên cạnh những người mà mình yêu thương khi họ gặp khó khăn, gặp chuyện buồn, khi họ cần sự động viên an ủi hay đơn giản chỉ là cùng họ đi xem một bộ phim nào đó? Rõ ràng, ở nơi phương xa kia, có tôi hay không có tôi, mọi chuyện cũng không quan trọng. Có lẽ chỉ có chính tôi là không yên tâm vì sự vắng mặt của mình hay nói cách khác, đây chính là thách thức mang tên: Khoảng cách.
Nếu không đi ra nước ngoài, chẳng bao giờ tôi có những cảm xúc mãnh liệt như thế, những cảm xúc mà bao nhiêu lần dùng lý trí kháng cự lại thì cũng đều thất bại bấy nhiêu lần. Dĩ nhiên, cảm xúc của tôi không phải là cảm xúc thuộc về số đông. Mỗi người đều có một sự lựa chọn riêng đối với cuộc sống của họ. Nhiều người tôi biết lại thích gắn bó với cuộc sống đầy đủ tiện nghi và hiện đại ở Đài Loan hơn Việt Nam.
Năm thứ hai, tôi đã đặt chân đến  Đài Loan theo một cách khác hơn. Dù vẫn mang trong mình nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ những người thương yêu thì tôi đã biết cách ngắm nhìn mọi thứ trong lặng lẽ. Cầm trên tay cuốn sách được tặng từ một người mà tôi gọi là tri kỷ, tôi đã hiểu vì sao mình lại có sự thay đổi cảm xúc như vậy:
"Và khi tro bụi quay về
Trong thinh lặng đó cận kề quê hương".

1 nhận xét:

  1. '... Dù vẫn mang trong mình nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ những người thương yêu thì tôi đã biết cách ngắm nhìn mọi thứ trong lặng lẽ...' Sau những khó khăn ban đầu, bạn đã có được sự cân bằng, trầm tĩnh trong suy nghĩ và sự thích nghi với cách sinh hoạt nơi phương xa. Tôi nghĩ những trăn trở, băn khoăn của bạn có nguồn gốc sâu xa là từ áp lực về giờ giấc học tập và sinh hoạt mà ra. Tôi không thể hiểu nổi cái kiểu giờ học sáng sớm đã phải tới trường mà khi ra về thì đã là nửa đêm. Sức người lấy đâu ra mà chịu nổi, để mà 'trường kỳ kháng chiến'???! Bạn giỏi thật đấy - giỏi học tập mà cũng giỏi cả chịu đựng! Cái thời gian biểu vô lý đã như là tấm màn che mắt làm hạn chế sự nhìn thấy, sự cảm nhận và sự thưởng thức những điều hay, đẹp, thú vị trong việc học tập cũng như trong cuộc sống ở xứ Đài. Nhưng sau này khi đã rời xa và có đôi lần nhớ lại thì bạn cũng sẽ thấy nhớ xứ Đài và những nhọc nhằn một thời ở đó bằng một nỗi nhớ dịu êm không thua kém với 'nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ những người thương yêu' của thì hiện tại đâu. Chúc bạn nhiều nghị lực và luôn vui!

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...