Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Và hôm nay tôi lại nghe mưa...

Chiều hôm qua tôi lại ra ngoài ban công ngắm mưa như một thói quen mà tôi vẫn thường làm từ hơn bốn năm về trước. Nhưng cơn mưa này không phải ở Việt Nam, không phải được quan sát từ độ cao bốn tầng của ký túc xá Đại học Quốc gia trong một căn phòng có tám đứa con gái suốt ngày chí chóe. Cơn mưa này giờ đã lên cao theo tuổi tác của người đứng nhìn nó, từ tầng thứ tám nhưng số người ở trong một căn phòng lại ít hơn: bốn người. Bốn người đến từ ba đất nước khác nhau và chỉ chào nhau bằng những câu xã giao, bằng những sự im lặng.
Tôi và cốc Vina café chiều hôm trước lặn lội bắt tàu đi Đào Viên mua khi café trong phòng đã hết sạch đang đứng nhìn bầu trời với những đường rạch xé và tiếng sấm rền khe khẽ. Tôi sợ sấm chớp, chắc chắn rồi. Tôi nhớ lúc học năm nhất đại học, có lần vì quá sợ hãi sấm chớp dưới những tán cây to trên đường phố Sài Gòn mà tôi đã phải leo lên taxi đi ra trạm xe buýt dù trong tay chỉ còn lại một số tiền ít ỏi. Tôi và nỗi sợ hãi của mình đã lớn lên dưới những cơn mưa và sấm chớp như thế. Thế nhưng, ở đất nước Đài Loan này, những cơn mưa giông là thứ gì đó rất xa xỉ vì mùa lạnh kéo dài. Chỉ có những ngày này, khi nắng và mưa, nóng và lạnh giằng xé nhau thì những cơn giông mới xuất hiện. Thời tiết ở Đài Loan bây giờ đang trở nên gần gũi với Sài Gòn hơn bao giờ hết: mưa, nóng và những cơn giông.
Từ độ cao của tầng tám nhìn xuống, tôi đã nghĩ mông lung về nhiều thứ. Dường như càng lớn, con người ta càng bó hẹp mình với thế giới xung quanh, chỉ muốn đứng một mình ở một nơi nào đó. Phải chăng cảm giác chia sẻ mọi thứ với ai đó theo thời gian đang khép dần lại hay đơn giản là vì quá nhiều chuyện xảy ra đã bào mòn nó. Tôi không biết nữa. Bất chợt, tôi nhớ đến câu nói của chị: “Trong tình cảm hay trong bất kỳ mối quan hệ nào cũng vậy, một bàn tay không thể vỗ nên tiếng em à.”
 Buổi tối, tôi mở cửa sổ để xua tan không khí ngột ngạt trong phòng, đón cơn gió mát và nghe tiếng mưa rơi nhẹ vào mái hiên. Tiếng mưa làm lòng tôi ấm áp, dễ chịu hơn. Trong phòng, nhóm nhạc Hàn Quốc Davichi với ca khúc: “Don’t say goodbye” cứ hát đi hát lại mãi giai điệu da diết. Lần đầu tiên nghe bài này trên chương trình Quick and Snow, tôi đã khóc. Rồi những lúc buồn, nghe đi nghe lại bài này cũng khóc. Không hiểu sao lúc buồn người ta lại hay tìm đến những thứ làm cho mình càng buồn hơn. Có lẽ họ muốn tất cả những nỗi đau được dồn nén lại để khóc một lần rồi quên hết chăng? Chắc hẳn mai sau, rời khỏi Đài Loan rồi, nếu lúc nào đó nghe lại bài hát này, tôi cũng sẽ rơi vào tâm trạng khắc khoải như bạn khi nghe “Some one like you”:
Mỗi lần nghe lại "Someone like you" là y như rằng nguyên một "khối ký ức" của những buổi chiều UK hiện về... Những ngày lang thang 1 mình trong căn phòng nhỏ, với nắng chiều nhẹ và buồn của hoàng hôn bên ngoài cửa sổ, lòng miên man khi Radio BBC Bristol vang lên ca khúc này, khi đó thấy mình lạc lỏng và cô đơn nơi ấy biết bao nhiêu.... Phải thừa nhận sức ám ảnh của âm nhạc thật lớn. Đủ sức làm sống lại cả những gì tưởng chừng rời rạc nhất. Chỉ bằng ca khúc này, có thể nghe thấy cả tâm hồn UK.
Ừ, hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ thấy cả tâm hồn Đài Loan như bạn đã nhìn thấy tâm hồn Anh  nhưng không phải chỉ qua một bài hát mà qua cả những món ăn mỗi ngày, qua những cơn mưa bay phảng phất hay qua một ký ức bất chợt hiện về mà chẳng cần lý do nào cả.  Giống như chiều nay, LP hớt hải chạy qua gõ cửa phòng tìm tôi khi tôi chuẩn bị lên lớp. Em bảo lúc nãy nhìn thấy tôi ở thang máy nhưng chưa kịp hỏi thăm, sao mới không gặp một tuần không gặp mà trông tôi đã xanh và gầy đến vậy. Tôi cười, cảm ơn sự quan tâm của em, cảm ơn em đã nhận ra được sự thay đổi ở tôi mà tôi nghĩ chỉ có tôi mới biết. Sức khỏe là quan trọng, dĩ nhiên tôi hiểu rõ điều này. Thế nhưng tôi không biết khi đến bệnh viện phải nói với bác sĩ như thế nào về bệnh tình của mình. Nếu như ở Anh, ở Mỹ,...ở một nước nào đó nói tiếng Anh thì chuyện này sẽ dễ dàng hơn. Em bảo, sẽ nhờ người đưa tôi đi. Tôi nói, hiện tại thì chưa thật cần thiết, nếu tôi thấy ngày càng đau hơn, tôi sẽ tự nhờ được vì tôi không muốn phiền người khác, nhất là lúc này. Và tôi hiểu, thực ra sự lạc lõng lớn nhất ở đây không đơn thuần chỉ là ngôn ngữ, văn hóa mà ngay cả sức khỏe của mình cũng không thể làm chủ được.

8 nhận xét:

  1. Chị à, mưa và mùi mưa ở đâu cũng buồn và giống nhau cả thôi...Nhất là khi tâm hồn ta thì vẫn như ngày xưa...

    Trả lờiXóa
  2. Đi bác sĩ đi cưng. Nhiều khi mình không biết về sức khỏe của mình nhưng bác sĩ họ sẽ biết.
    'Dường như càng lớn, con người ta càng bó hẹp mình với thế giới xung quanh, chỉ muốn đứng một mình ở một nơi nào đó."
    Điều này rất đúng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ, theo chẩn đoán dựa trên các xét nghiệm Google của em :)thì nó là: "hen phế quản mãn tính". Cái này em bị từ hơn 1 năm nay rồi và cứ chuyển mùa là trở nặng. Mà lần nào bảo đi khám thì tự dưng lại đỡ :). Lúc ở Sg nhiều lần định đi thì lại ko có thời gian, nếu ko nặng hơn thì chắc em sẽ về SG khám chứ ở đây ko biết thuật ngữ "chuyên môn" nó ra sao cả chị à :)

      Xóa
    2. Cái khoản hễ chuẩn bị đi khám là đỡ bệnh này chị bị hoài. Con mắt của chị bị đỏ theo chu kì. Hễ chuẩn bị gọi bác sĩ hẹn để đi khám thì nó hết đỏ, còn ngày mình bận bịu thì nó lại đỏ. Gọi hẹn đi khám phải mất vài ngày. Đến nơi không đỏ họ tưởng mình khùng.
      Nếu không nặng quá thì cũng đỡ. Nếu đã mãn tính rồi thì có lẽ em biết cách làm cho đỡ những triệu chứng gây khó chịu phải không?
      Chị là y tá ở Mỹ nhưng cũng không biết thuật ngữ "hen phế quản mãn tính" này dịch ra tiếng Anh là gì , có lẽ là :Chronic Pharyngitis, hehe

      Xóa
    3. Dạ, em cảm ơn chị nhiều nhiều!^^

      Xóa
  3. bài viết hay qáu .rất vui khi đc biết tới blog bạn .
    http://t.co/TyPJYRu

    Trả lờiXóa

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...